Bạn đã từng học bậc trung học Sài Gòn trước năm 1975... hẳn là còn nhớ một thời học thơ Hồ Dzếnh, bất kể rằng Hồ thi sĩ kẹt lại ở miền Bắc VN.
Tuần này là giỗ nhà thơ Hồ Dzếnh, người được biết là sinh năm 1916 và từ trần ngày 13 tháng 8/1991.
Hồ Dzếnh tên thật là Hà Triệu Anh hay Hà Anh (ghi theo giọng Quảng Đông là Hồ Dzếnh) là một nhà thơ của Việt Nam. Ông được biết nhiều nhất qua tập thơ Quê ngoại với một giọng thơ nhẹ nhàng, siêu thoát phảng phất hương vị thơ cổ Trung Hoa. Ngoài ra Hồ Dzếnh còn là một nhà văn với nhiều tác phẩm, tiêu biểu là tập truyện ngắn Chân trời cũ (1942), do Thạch Lam đề tựa.
Tự điển Bách khoa mở ghi rằng Ông sinh năm 1916 tại làng Đông Bích huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Cha ông là Hà Kiến Huân, người gốc Quảng Đông sang sinh sống ở Việt Nam từ khoảng 1890, mẹ Đặng Thị Văn là người Việt, quê ở bến Ghép, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Ông học trung học, dạy tư, làm thơ, viết báo từ năm 1931 tại Hà Nội. Năm 1953 ông vào Sài Gòn làm báo, năm 1954 trở về Hà Nội tiếp tục viết báo, làm thơ. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ngay từ buổi đầu thành lập (1957). Ông mất ngày 13 tháng 8 năm 1991 tại Hà Nội do xuất huyết dạ dày và viêm thận.
Nhà thơ Bùi Giáng trong nhiều tập thi thoại đã cho rằng Hồ Dzếnh là người làm thơ lục bát cực hay, nhưng bù lại thơ thất ngôn chỉ ở mức bình thường. Bài "Rằm tháng giêng", theo Bùi Giáng trong cuốn Thi ca tư tưởng thì: "Người Việt Nam có thể không đọc Nguyễn Du, nhưng không thể nào không đọc bài thơ kia của Hồ Dzếnh".
Nhà văn Kiều Thanh Quế viết: "Ngòi bút Hồ Dzếnh đã có được lắm đặc tánh khả quan trong khi phô diễn. Nó nên tỏ ra có sức mạnh trong những tiểu thuyết dày dặn, thì tên tuổi của người Minh Hương ấy – Hồ Dzếnh là người Minh Hương, văn học quốc ngữ không nề hà chẳng đón tiếp như đã đón tiếp bao nhiêu nhà văn Việt Nam hữu tài." (Tạp chí Tri Tân số 67, 13/6/1942)
Hồ Dzếnh ngoàì thơ cũng sáng tác nhiều thể loại.
Theo Từ điển văn học (bộ mới, Nhà xuất bản Thế giới, 2004) và Tuyển tập văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930 -1945 (Nhà xuất bản KHXH, 1990), các tác phẩm của ông gồm có:
Dĩ vãng (truyện vừa, 1940)
Quê ngoại (tập thơ, 1942)
Những Vành Khăn Trắng (truyện dài, ký bút hiệu Lưu thị Hạnh, 1942)
Tiếng kêu trong máu (truyện dài, 1942)
Một chuyện tình 15 năm về trước (ký bút hiệu Lưu thị Hạnh, 1943)
Chân trời cũ (tập truyện ngắn, 1943)[2]
Hoa Xuân Đất Việt (tập thơ,1946)
Cô gái Bình Xuyên (truyện vừa, 1946)
Cuốn sách không tên (tiểu thuyết tự truyện, xuất bản sau khi mất)
Ngoài ra, ông còn cho đăng nhiều thơ, truyện ngắn trên các báo và còn mấy vở kịch đã công diễn, nhưng chưa xuất bản.
Đặc biệt, bài thơ Chiều của ông đã được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ nhạc và cũng khá nổi tiếng. Bài thơ Ngập ngừng cũng được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc như Anh Bằng (Anh cứ hẹn), Hoàng Thanh Tâm (Em cứ hẹn), Minh Duy (Ngập ngừng)...
Người con duy nhất của Hồ Dzếnh là Hà Chính, sinh vào đầu năm 1950.
Bài thơ của Hồ Dzếnh được Bùi Giáng ca ngợi tuyệt vời toaà văn như sau:
Rằm tháng giêng
Ngày xưa còn nhỏ... ngày xưa
Tôi đeo khánh bạc lên chùa dâng nhang
Lòng vui quần áo xênh xang
Tay cầm hương, nến, đinh vàng mới mua
Chị tôi vào lễ trong chùa
Hai chàng trai trẻ khấn đùa hai bên:
- "Lòng thành lễ vật đầu niên
Cầu cho tiểu được ngoài giêng đắt chồng!"
Chị tôi phụng phịu má hồng
Vùng vằng suýt nữa quên bồng cả tôi
Tam quan, ngoài mái chị ngồi
Chị nghe đoán thẻ, chị cười luôn luôn
Quẻ thần, thánh mách mà khôn:
- Số nàng chồng đắt, mà con cũng nhiều!
Chị tôi nay đã xế chiều
Chắc còn nhớ mãi những điều chị mơ
Hằng năm, tôi đi lễ chùa
Chuông vàng, khánh bạc ngày xưa vẫn còn
Chỉ hơi thấy vắng trong hồn
Ít nhiều hương phấn khi còn ngây thơ
Chân đi, đếm tiếng chuông chùa
Tôi ngờ năm, tháng thời xưa trở về.
Xuân Niệm