Tại thành phố Nice (Pháp), từ sau vụ khủng bố ngày 14/07/2016, đại lộ 'Promenade des Anglais' được bảo vệ bằng rào cản và lính tuần tra. Valery HACHE / AFP
Trong vài năm gần đây, số lượng những cuộc tấn công của các tổ chức cực đoan nhắm vào các thành phố châu Âu ngày càng tăng. Các hung thủ thường dùng xe ôtô nhắm vào đám đông. Do bản chất vũ khí rất thông dụng, còn nạn nhân thì luôn ở mọi nơi, giới chuyên gia lo ngại không có cách nào ngăn chặn những đợt tấn công trong tương lai. Tuy vậy, một số nước đã có biện pháp đối phó thô sơ nhưng hiệu quả, cụ thể là hàng rào, bê tông, hay bao cát.
Tại Anh Quốc, chỉ vài ngày sau khi ba phần tử cực đoan dùng xe tải làm vũ khí trên Cầu Luân Đôn khiến 8 người thiệt mạng, chính quyền thành phố đã dựng hàng rào tại ba chiếc cầu tại khu vực trung tâm. Chính phủ Anh Quốc cũng đã lắp đặt cột bê tông phía ngoài cung điện Windsor, nơi ở của nữ hoàng Elizabeth.
Pháp là quốc gia phải đối đầu với hình thức tấn công này nhiều nhất. Kể từ cuộc khủng bố bằng xe tải tại Nice vào ngày 14/07/2017 khiến 86 người thiệt mạng, đã có không ít các cuộc tấn công khác xảy ra. Để đối phó với mối đe dọa này, các nhà chức trách Pháp đã dựng các cột bê tông nhằm tách làn xe ôtô và người đi bộ tại những điểm du lịch nổi tiếng và đông người, chẳng hại như đại lộ Champs-Elysées hoặc trung tâm thành phố Strasbourg. Dọc theo bờ sông Seine, xe cảnh sát được dùng làm rào chắn tại một số điểm chốt và chỉ cho xe cứu thương đi qua.
Bê tông cũng là biện pháp của nước Đức trong việc đề phòng hình thức tấn công này. Tại cổng vào một số khu chợ, các cột bê tông cũng được dựng lên, nhưng tại thời điểm này đã bị dỡ bỏ. Sau vụ khủng bố tại Tây Ban Nha ngày hôm qua, 18/07/2017, người phụ trách Nội Vụ bang Mecklenburg-Western Pomerania của Đức, ông Lorenz Caffier, cho rằng nên tái sử dụng biện pháp này nhằm bảo vệ người đi bộ. Nhưng ông cũng thừa nhận rằng việc phòng chống hình thức tấn công này là không thể.
Không dùng bê tông, thành phố Bruxelles sử dụng túi cát. Mỗi túi cát nặng 1 tấn, được đặt khắp thành phố. Theo lực lượng cảnh sát địa phương, đây là một trong những phương pháp được áp dụng sau khi tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đánh bom thành phố vào ngày 22/03/2016.
Còn tại Stockholm, sau vụ tấn công bằng xe tải kinh hoàng hồi tháng 4, những chú sư tử bằng bê tông nặng 900kg đã được đặt dọc phố mua sắm Drottninggatan, nơi 5 người thiệt mạng. Chính quyền thành phố đã đặt mua thêm 40 chú sư tử, mỗi chú nặng 3 tấn.
Theo RFI