TBT Edward Gierek (phải) đón Tổng thống Mỹ Jimmy Carter thăm Ba Lan
Chính quyền cánh hữu Ba Lan thúc đẩy cho một phong trào xóa di sản của thời xã hội chủ nghĩa trên toàn quốc nhưng đang gặp phải phản ứng.
Luật của chính phủ Ba Lan do Đảng thiên hữu "Pháp luật và Công lý" nắm giữ muốn đổi tên gần như tất cả các đường phố có dính líu đến thời Cộng hòa Nhân dân Ba Lan.
Nhưng tại một đô thị miền Nam nước này, đa số người dân bảy tỏ ý kiến không đồng ý về kế hoạch muốn bỏ tên cố Tổng bí thư Đảng cộng sản trong thập niên 1970, ông Edward Gierek (1913-2001) khỏi một ngã tư.
Mới năm 2002, một năm sau khi ông Gierek qua đời, Hội đồng thành phố Sosnowiec đã bỏ phiếu công nhận ông là "công dân danh dự vĩnh viễn" của họ.
Trang Newsweek Polska (15/08/2017) nói 97,3% trong 13 nghìn dân thành phố mỏ Sosnowiec tham gia cuộc tham vấn công khai hồi tháng 6, muốn giữ tên tuổi ông Edward Gierek, nhà lãnh đạo Ba Lan từ năm 1970 đến năm 1980, là "người bảo trợ" cho địa điểm trung tâm thành phố của họ.
Xóa sạch và dọn sạch? Phố Các Anh hùng Việt Nam ở Krakow có thể cũng bị đổi tên trước 01/09
Luật mới nhất của chính quyền cánh hữu Ba Lan được thông qua gần đây yêu cầu cho đến ngày 1/09 năm nay, các địa phương trên cả nước xóa bỏ mọi tượng đài, tên phố có liên quan đến chủ nghĩa cộng sản.
Một số tượng đài chiến sỹ Hồng quân Liên Xô có thể sẽ bị bứng đi khỏi công viên.
Lần trước, sau năm 1989, Ba Lan đã trải qua một lần thay đổi tên đường phố.
Nhưng khi đó một số tên tuổi như Yuri Gagarin vẫn còn lại trên đường phố Ba Lan.
Vào thời điểm ấy, người ta lập luận rằng ông Gagarin tuy là sỹ quan không quân Liên Xô nhưng cũng là người đầu tiên bay vào vũ trụ nên "thuộc về nhân loại" nhiều hơn là thuộc về chế độ Xô Viết.
Lần này, có thể cả cái tên nhà du hành vũ trụ Nga cũng sẽ bị xóa, dù chính quyền địa phương ở một số nơi như thành phố Torun vẫn muốn giữ, theo bài trên trang Onet gần đây.
Tại Katowice, tên của một cựu chủ tịch tỉnh là Jerzy Zietek thời cộng sản cũng có thể bị xóa, cùng tên nhà thơ Lucjan Szenwald và vận động viên boxing được huy chương Olympics năm 1952, ông Henryk Nowara.
Điều đáng nói là không chỉ người dân mà các quan chức địa phương ở nhiều đô thị Ba Lan không đồng tình với cách xóa hết tên tuổi những người nổi tiếng từ quê hương của họ.
Ở Opole, ý kiến tại địa phương không muốn xóa tên phố "Những anh hùng bảo vệ Stanlingrad" (Obrońców Stalingradu), và ý tưởng bỏ tên phố Anh hùng Việt Nam (Bohaterow Wietnamu) ở Krakow cũng không được hoan nghênh.
Dù là Tổng bí thư Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan, ông Edward Gierek (phải) được dân Sosnowiec yêu quý
Theo nhà báo Nguyễn Giang của BBC, người theo dõi tình hình Ba Lan nhiều năm nay thì phản ứng của một phần không nhỏ công chúng Ba Lan vì họ thấy là chính quyền lần này đi quá đà trong việc áp dụng nhãn quan chính trị cánh hữu của họ.
"Riêng tại Sosnowiec thì con số người dân vẫn tôn trọng ông Edward Gierek không phải là nhỏ và với họ, ông là người có công cho địa phương này."
"Chưa kể ông Gierek làm lãnh đạo trong giai đoạn kinh tế Ba Lan phát triển và chính phủ xây cất trên 3 triệu căn hộ mới, phát không cho hàng triệu gia đình công nhân viên chức, điều khó có thể xảy ra ở thời kinh tế thị trường."
Hiện chưa rõ trước phản ứng của người dân, chính phủ Ba Lan sẽ làm gì với cái tên Ngã tư Edward Gierek.
Tin mới nhất chưa được kiểm chứng cho hay họ có thể phải đổi dự án này bằng cách xây lại đường tại khu vực đó để xóa bằng được tên ông Gierek.
Theo BBC