http://commons.wikimedia.orgTrong cuộc mạn đàm kỳ trước chúng ta đã nói về những cuộc gặp của chí sĩ Việt Nam Phan Bội Châu với các đại diện Nga tại Bắc Kinh hồi đầu những năm 20 của thế kỷ trước. Khi ấy trong những cuộc gặp này hai bên đã nói về chuyện gì?
Như thể hiện trong hồi ký của Phan Bội Châu, người khởi xướng và tổ chức những cuộc gặp, ngay lần đầu tiên tiếp xúc với các đại diện của Nga vào cuối năm 1920, nhà chí sĩ Việt lập tức nêu câu hỏi về khả năng gửi các thanh niên Việt Nam sang du học tại Liên Xô. Phan Bội Châu hỏi vị đại diện Nga: "Các đồng bào của tôi muốn sang học ở đất nước của các ngài. Làm thế nào để thực hiện điều đó?". Và nhận được phản hồi như sau:
"Chính phủ của nước Nga Xô-viết nhiệt liệt hoan nghênh bất cứ ai có nguyện vọng đến học tập tại Nga. Nếu người Việt Nam có thể đến Nga – sẽ rất tuyệt". Đại diện Nga đã gợi ý những lộ trình, mà theo đó người Việt Nam sẽ đến Matxcơva: từ Bắc Kinh đi đường biển hoặc đường bộ đến Vladivostok, rồi sau đó đi tàu hỏa đến Matxcơva. Theo tính toán của những người Nga tham dự cuộc gặp, chi phí cho chuyến đi của một người từ Việt Nam đến Matxcơva khi đó – 90 năm trước – sẽ là không quá 200 dollar. Và đó là gồm cả tiền đi tàu hỏa, cũng như nộp học phí và tiền sinh hoạt tại Matxcơva, thậm chí vé tàu khứ hồi về nước sau khi tốt nghiệp, - như đại diện Nga nhấn mạnh – thì Chính phủ Liên Xô sẵn sàng đài thọ.
Mà thủ tục hình thức duy nhất là cần được sự cho phép của đại sứ Liên Xô tại Trung Quốc để được nhập cảnh vào Nga.
Đề nghị này, như Phan Bội Châu nhận xét tại cuộc gặp, thật sự hết sức hấp dẫn đối với phía Việt Nam. Và trước hết là hấp dẫn về mặt vật chất. Bởi vì Việt Nam quang phục hội do chí sĩ Phan Bội Châu lãnh đạo khi đó trên thực tế hầu như không có kinh phí. Dù vậy, tiếp theo Phan Bội Châu đã từ chối đề xuất này, - sử gia Matxcơva Maksim Syunnerberg nói.
Chuyên viên Việt Nam học Maksim Syunnerberg nhận xét: “Có lẽ, nhà chí sĩ họ Phan đã từ chối, trước hết bởi ông không tán đồng với nhãn quan tư tưởng của những đại biểu người Nga trong cuộc tiếp xúc. Đối với Phan Bội Châu, điều không thể chấp nhận là gửi người Việt Nam đến Nga học tập và số du học sinh này rồi sẽ chuyển sang lập trường ý thức hệ cộng sản".
Phan Bội Châu từ chối cả đề xuất khác, do thành viên Nga trong cuộc gặp ở Bắc Kinh nêu ra – viết cuốn sách bằng tiếng Anh vạch trần đường lối áp bức của chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam. Nguyên cớ của sự từ chối này không phải là chuyện ý thức hệ. Thuần túy là bởi Phan Bội Châu không biết tiếng Anh. Sau đó, nhà cách mạng Việt Nam không chỉ một lần tiếc rằng đã bỏ lỡ dịp biên soạn cuốn sách như vậy.
Như ghi nhận của Phan Bội Châu trong cuốn hồi ký, các đại diện của Liên Xô tại những cuộc gặp ở Bắc Kinh luôn trò chuyện với danh sĩ một cách chân thành và kính trọng. Cũng trong tinh thần đó đã diễn ra cuộc gặp của nhà ccách mạng Việt Nam với các sứ giả Nga ở trường võ bị Hoàng Phố gần Quảng Châu trong năm 1924.
Source: Tiếng nói nước Nga