Tượng Vladimir Lenine bị những người biểu tình thân Ukraina lật đổ ở thành phố phía đông Kharkiv ngày 28/09/2014. REUTERS/Stringer
Với tựa đề : « Ukraina vĩnh biệt Lênin », nhật báo Công giáo La Croix ghi lại một thực tế đang diễn ra ở đất nước Đông Âu thuộc Liên Xô cũ, đó là việc chính quyền ra đời từ sau cuộc cách mạng Maidan đang muốn xóa đi ký ức về Liên Xô, bắt đầu là từ hình ảnh của Lênin, cha đẻ ra cuộc cách mạng Nga tháng 10/1917 dẫn đến hình thành Liên Bang Xô Viết.
Tác giả bài viết ghi nhận : « Ở Ukraina Lênin đã rơi khỏi bệ. Những bức tượng bán thân, đầu, thân bằng đồng, sắt, đá hay thạch cao của nhà cách mạng đã bị cơn gió của một cuộc cách mạng khác cuốn đi, đó là cuộc cách mạng Maidan (2013-2014) ». Từ các thành phố đến vùng nông thôn, các cơ quan chính quyền mới thân châu Âu đang xóa đi các biểu tượng của ký ức Liên Xô sau khi thông qua bộ luật về ký ức hồi tháng 4/2015. Chính sách phi cộng sản đã hạ 1500 bức tượng Lênin và đặt tên lại 22 000 đường phố. Một chương trình được tiến hành rầm rộ, nhưng không diễn ra nhẹ nhàng.
Tác giả bài phóng sự của La Croix đưa độc giả đến Korji, một làng nhỏ cách thủ đô Kiev 80 km. Dân làng nơi đây cũng là những người ái quốc không kém những người Ukraina khác. Họ nói tiếng Ukraina thường ngày, quyên góp tiền ủng hộ các binh sĩ đang chiến đấu ở miền đông chống lại phe ly khai thân Nga. Tuy nhiên khi luật phi cộng sản được thông qua, việc hạ tượng Lênin đã gây chia rẽ trong người dân. Dân làng đã quyết định cứu bức tượng Lênin bán thân bằng sắt duy nhất ở địa phương ra khỏi bãi rác bằng cách sơn lại bức tượng bằng màu vàng và xanh, màu cờ Ukraina. Họ muốn bán lại bức tượng Lênin để lấy tiền hoàn thiện ngôi nhà thờ của xã với cái giá 10 nghìn euro. Nhưng đến giờ vẫn chưa có ai hỏi mua.
Trở lại Kiev, tác giả bài viết gặp giám đốc viện Ký Ức Quốc Gia trong văn phòng làm việc từng là tổng hành dinh của Tcheka, cơ quan an ninh chính trị của cách mạng Bolsevik. Tại đó ông Volodymyr Viatrovitch chỉ đạo tiến trình phi công sản ở Ukraina. Ông nhận định : « Nhiều nước đã rũ bỏ hết, từ tội ác Lênin cho đến phá bỏ bức tường (Berlin), hãy xem chúng tôi giờ đang ở đâu. Ở miền Đông, những phần tử ly khai thân Nga đang bảo vệ bản sắc Xô Viết. Phi cộng sản là vấn đề an ninh đất nước ».
Sau tượng Lênin, theo bài viết, mục tiêu sắp tới của tiến trình phi cộng sản đó là các biểu tượng búa liềm trên đại lộ Viktor ở Kiev. Đây cũng không phải là vấn đề được nhất trí hoàn toàn. Vẫn còn có người nhận thấy đó không phải là cách tốt nhất để hòa hợp dân tộc trong lúc người Ukraina đang chia rẽ.
« Lênin cũng hung bạo như Stalin ? »Đó là tiêu đề bài viết ngắn cùng chủ đề của La Croix. Bài viết ngược dòng lịch sử với nhận định : « Cuộc cách mạng Bolsevik chiến thắng trong máu và trong một cuộc nội chiến kinh hoàng ». Theo tác giả bài viết, dưới cái nhìn của Lênin, cần phải tước bỏ vũ khí của tất cả những bộ phận xã hội chống lại cải cách, đó là : Nhà thờ, giới quý tộc, những người nông dân ngang bướng, giới tư sản và những người Xã Hội-Dân Chủ…. Để làm được việc đó, Lênin sẵn sàng dùng các biện pháp như hành quyết hàng loạt, bắt đi đày vào các trại tập trung. Cuộc nội chiến tiếp theo sau khi những người Bolsevik lên nắm quyền tháng 11/1917 là một chiến trường đầy bạo lực kinh hoàng của tất cả các bên tham chiến.
Theo đánh giá của nhà sử học, François-Xavier Néard, được bài báo trích dẫn : « Bạo lực theo kiểu Lênin hướng ra vòng ngoài, những người chống chế độ Bolsevik. Bạo lực của Stalin lại là vô lối và nhằm vào tứ hướng để trở thành một hệ thống quản lý xã hội. Khi Stalin phát động cuộc đại thanh trừng (1936-1938) gây ra gần một triệu nạn nhân, ông ta không hề có kẻ thù thực sự hay cụ thể trước mặt ».
Theo RFI