30 năm trước, San Jose có 5 tiệm sách, ngày nay chỉ còn một. Ngày xưa thầy Tú Xương tả cảnh sách vở về chiều đã có câu: Cô hàng bán sách lim dim ngủ. Đó là câu thơ của thế kỷ thứ 18 tại Việt Nam..Ai ngờ thị trường sách tại Hoa Kỳ bước qua thể kỷ thứ 21 lại còn quá thê thảm. Ngay các tiệm sách vĩ đại trong các thương xá Hoa Kỳ cũng lần lượt đóng cửa. Lý do: Internet. Thực vậy, kỹ nghệ điện tử đã đánh bại con đường kiến thức qua sách vở. Nhưng tại sao Việt Nam hải ngoại lại sản xuất nhiều tác giả và tác phẩm như thế. Phải chăng cuộc cách mạng ấn loát qua Amazon đã làm cho nhiều người dễ dàng in sách.
Ai cũng có nhiều chuyện cần viết lại. Bản thảo đã được internet trình bày xong gửi cho Amazon là mọi chuyện hoàn tất. Muốn in bao nhiêu cũng được. Rồi tính chuyện ra mắt sách. RMS. Sách ra mắt phải về Cali. Chưa RMS tại San Jose coi như chưa có sách. Ai nói vậy nhỉ. Chắc lại một tay đang sống và sẽ chết ở San Jose. My home town.
Vì vậy mà không tháng nào San Jose lại không có cuốn sách ra mắt. Tháng vừa qua, nhà văn Chu tất Tiến ra mắt một lượt 7 tác phẩm. Riêng tháng 9, tháng 10 này sẽ có nhiều tác giả RMS. Tại CLB Mây bốn phương vào chiều 9 tháng 9-2017 Cơ Sở Văn Thơ Lạc Việt tổ chức buổi ra mắt tác phẩm Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký, Những Điều Thú Vị của Tác Giả GS Nguyễn Văn Sâm.
Qua tháng 10 vào 10 giờ sáng ngày thứ bảy 7-10-2017, Ls Nguyễn Văn Thắng giới thiệu tác phẩm dầy 860 trang, “CUỘC NỘI CHIẾN QUỐC-CỘNG, AI THẮNG AI ?” Địa điểm: Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng Việt Mỹ 2072 Lucretia Ave. Cũng trong tháng 10 sẽ có 2 kỳ RMS tiếp theo.
Thứ bẩy 21 tháng 10-2017 Hội Petrus Ký giới thiệu tác phẩm của cậu học trò nay đã trở thành giáo sư đại học tại Úc Châu. Ngày hôm sau, chủ nhật 22 tháng 10-2017 cuốn hồi ký của tác giả Khương hữu Điểu sẽ ra mắt độc giả San Jose. Tác giả vốn là nhân vật tên tuổi một thời tại miền Nam. Ngày ra mắt sách chắc chắn sẽ có nhiều viên chức trong chính quyền đệ nhị cộng hòa tham dự.
Riêng phần chúng tôi, kỳ này xin viết đôi lời về tác giả chưa hề quen biết đến từ Úc Châu. Anh Kiều Tiến Dũng với tác phẩm" Khoa học phương Tây và triết lý phương Đông"
Đọc tác phẩm nhìn ra tác giả.Bác sĩ Trần văn Nam ngỏ ý chúng tôi sẽ nói đôi lời trong buổi ra mắt sách. Nói cho vui, ông Nam nhắc đi nhắc lại. Kể rằng tác giả là giáo sư bên Úc. Người quen với cô Phiến Đan hiện là phu nhân của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh. Chỗ quen biết đã đành, lại là học trò cũ của Petrus Ký. Hội ái hữu phải đứng ra tổ chức tại trụ sở của khu hội tù chính trị. Ông Nam ghé lại nhà đưa cho tôi cuốn sách với lời yêu cầu hôm ra mặt sách sẽ đến nói cho vui. Nhân chuyến đi thăm viện bảo tàng tại San Francisco, con lái xe, bố ngồi phía trước, đem theo cuốn sách của tác giả bên Úc. Tôi ngồi điểm sách. Bìa sách đã có ý nghĩa rõ ràng. Từ phương Tây các công trình thể hiện hình ảnh kiến trúc của khoa học. Phía chân trời là tượng hinh Đông phương mờ ảo xa xôi. Mở ra những trang đầu, độc giả hài lòng tiếp tục đọc. Lý do đơn giản là sách in chữ to và các dòng cách biệt rõ ràng. Thực lòng mà nói. Tác phẩm dù hay cách mấy và tác giả thân thuộc ra sao mà in chữ nhỏ lèm nhèm là xếp lại ngày. Qua những trang đầu, tác giả ghi một hàng đơn giản: Kính dâng mẹ. Tôi vô cùng xúc động. Anh chàng học sinh Petrus Ký hơn tuổi con trai tôi. Cháu nó cũng học Petrus Ký, biết bao giờ nó viết được cuốn sách mà dâng tặng cho nhà tôi. Tiếp tục lần mò vào tác phẩm, độc giả bơi lội với những phương trình và danh nhân khoa học Tây Phương. Chẳng thiếu ông nào. Các nhà toán học, vật lý học lại thêm danh nhân văn học và điện ảnh.Rồi có cả danh ngôn và thơ phú Tây Phương. Nhắc cả đến phim ảnh Hoa Kỳ. Có đôi chút may mắn là tác giả đề cập đến những chuyện mà độc giả chúng tôi cũng có dịp biết qua. Thí dụ như tác giả nhắc đến thơ Thâm Tâm nhưng không biết ở San Jose đã có dịp chuyển âm bài thơ biệt ly não nùng trở thành hết sức xã hội như sau. Đưa người ta, đi khai oen phe. Cũng nghe tiếng sóng ở trong lòng. Nắng chiều hiu hắt, tên thành họ. Chờ đến hoàng hôn lãnh phút tem...
Chen lẫn với chuyện mây trời phương Tây, tác giả nhắc nhở và so sánh với triết học phương Đông. Cũng có cả thơ phú trong văn chương Việt Nam. Điều đáng khen là những bài giảng lấy từ triết học Á Châu. Tôi có đám con đã lập gia đình. Cũng đã trải qua trung học Gia Long và Petrus Ký. Đã hoàn tất các chương trình đại học Hoa Kỳ. Đã đi làm ở các hãng điện tử danh tiếng thế giới. Xem ra cũng biết về văn học và khoa học Đông Tây Kim Cổ, những quả thực về Tây Phương các cháu chỉ nghe nói mà chưa hiểu được thuyết Tương đối.(Relativity by Albert Einstein) Lại chưa từng nghe nói đến thuyết Trường lượng tử hay Cơ Lượng tử. Về Đông phương không hề có cô cậu nào đoái hoài đến Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu, Kinh Hoa Nghiêm và Đạo đức kinh. Trong câu chuyện hàng ngày không hề bàn đến Hữu hạn và vô hạn, hiện tượng hay bản chất, bất biến hay tuyệt đối, chủ quan hay khách quan. Đó là nói chuyện đến đàn con tây học đã trưởng thành. Nhưng thật ra độc giả chúng tôi là bố chúng nó nhưng cũng không khá hơn trong những lãnh vực mà tác giả đề cập đến. Nhưng lạ thay, dù không hiểu tường tận tại sao Ạ lại bằng B nhưng tác phẩm đọc rất lôi cuốn. Toán học là tinh hoa của khoa học mà con số không (0) là con số tinh hoa của môn toán. Nghe nói nhân loại tìm ra được các con số từ 1 cho đến số 9 đã là những phát minh vĩ đại. Đến khi người Ấn Dộ tìm ra có số 0 đã làm lễ ăn mừng cho là có thần linh giúp đỡ. Thực vậy, nếu không có con số 0, loài người sẽ không tiến đến thời đại hiện nay. Tác phẩm không để cập đến chỗ này, nhưng dựa theo cách suy nghĩ của tác giả, cá nhân tôi xin góp lời theo triết lý phương Đông. Con số 0 kỳ diệu đem chia cho bao nhiêu thì 0 vẫn hoàn 0. Dù có nhân lên bao nhiêu lần thì cũng chỉ thành 0. Ngộ được chưa. Bao nhiêu năm làm kiếp con người sao ta không tìm được chân lý ở con số 0.
Những mẩu chuyện "So deep"Nếu bạn hỏi tôi trong sách này có những chỗ nào đặc biệt. Tôi rất thú vị về những mẩu chuyện triết lý của Đông phương. Xin nhắc lại một thí dụ: Ông Thầy Bà la Môn khoe rằng đã luyện 40 năm đi được trên mặt nước. Thầy hỏi Đức Thích Ca đã luyện được môn gì. Thích Ca nói rằng ta chỉ bỏ 40 xu cho con đò chở qua sông, dành 40 năm để tìm đường cứu khổ cho nhân loại...
Vậy thì ra tôi luyện 40 năm chỉ để mua vui.
Thêm chuyện khác. Hoàng đế Nhật hỏi thiền sư; Chết rồi đi đâu. Thiền sư nói: Ta không biết.Tại sao thầy không biết. Thiên sư trả lời. Ta chưa chết, nên ta không biết..
Câu chuyện để dạy cho những nhân vật cái gì cũng biết... Và thêm câu chuyện thú vị sau cùng. Cư sĩ muốn biết có thiên đàng hay địa ngục, bèn hỏi thiền sư thứ nhất. Ngài nói có. Hỏi vị thứ hai, ngài nói không. Rất thắc mắc,cư sĩ đi hỏi thiền sư thứ ba. Ngài giải rằng vị thứ nhất nói có vị ngài đã có gia đình. Vị thứ hai nói không vì ngài độc thân. Thiên đàng hay địa ngục có hay không là do có vợ hay không.
Lý do đọc tác phẩm.Tất cả những chuyện tôi vừa kể vẫn không phải là lý do tác phẩm đã lôi cuốn độc giả. Lý do tôi đọc hết tác phẩm vì chuyện gia đình của tác giả. Anh kể rằng mẹ của anh là cô gái Bắc Kỳ di cư gốc Hải Phòng. 1954 vào Nam đi lính nhẩy dù, lập gia đình với một sĩ quan nhảy dù. Sau 16 năm quân vụ người nữ quân nhân đã giải ngũ với cấp bậc chuẩn úy, Tác giả Kiều tiến Dũng kể rằng tuổi thơ của anh được nuôi bằng sữa đặc có đường của quân tiếp vụ. Đêm nghe tiếng bom đạn át cả tiếng ru con của mẹ. Bà mẹ thương yêu của anh sinh được 2 người con. Người con gái đã chết khi còn trẻ. Bà câm nín chôn con nhưng không khóc. Còn lại hai mẹ con trong ngày 30 tháng tư của cuộc chiến. Lần đầu mẹ anh khóc. Và thêm một lần khóc khi đưa con trai vượt biên ở Vũng Tàu. Bà mẹ đau khổ đã thổ huyết ra máu tươi trên bãi cát trắng. Đưa con trai giải nhất toàn trường Petrus Ký lên đường vượt biên đi Úc.Chỉ mong con đi thoát khỏi ngục tù, bà không ngờ đứa con trai duy nhất của họ Kiều trở thành giáo sư tiến sĩ vật lý tại các đại học danh tiếng miền dưới địa cầu. Mẹ anh là chuẩn úy nhảy dù Bùi Ngọc Thúy mới qua đời hưởng thọ 83 tuổi. Tôi viết bài giới thiệu tác phẩm vì chuyện gia đình của tác giả. Hậu duệ đích thực của gia đình mũ đỏ Việt Nam Cộng Hoà. Đã tan hàng mà còn cố gắng.
Giao Chi San Jose. giaochi12@gmail.com (408) 316 8393