Trung Quốc không chỉ « tấn công » Châu Âu một cách chính thức trong lĩnh vực kinh tế, mà hàng giả đến từ Hoa Lục cũng đã tràn ngập trời Tây. Nhật báo thiên hữu Le Figaro hôm nay có bài viết với hàng tựa cảnh báo: « 10 tỷ điếu thuốc lá giả được tiêu thụ trong năm qua chỉ riêng tại Pháp ».Hải quan Đức đã tịch thu 65 ngàn bao thuốc lá giả từ một container chở hàng (Reuters)Tờ báo Le Figaro cho biết, một nghiên cứu cho thấy, năm rồi, có đến 15,8% lượng thuốc lá lưu hành tại Pháp có xuất xứ « đáng ngờ ». Các chuyên gia ghi nhận, có hơn 10 tỷ điếu thuốc lá được tiêu thụ tại Pháp trong năm 2011, tức hơn năm 2010 tới 1 tỷ điếu.
Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng này ? Có hai yếu tố cần chú ý : Một là do giá thuốc chính hãng tăng đến 6%, hai là sự tăng cường hoạt động và tính chuyên nghiệp của các tổ chức sản xuất, buôn bán thuốc lá giả.
Tờ báo dẫn lời một chuyên gia chống hàng giả của hãng thuốc lá Philip Morris cho biết, có đến 90% thuốc lá giả đến từ Châu Á, mà đặc biệt là từ Trung Quốc. Theo Tổ chức Hải quan Quốc tế, mỗi năm Trung Quốc sản xuất đến 190 tỷ điếu thuốc lá giả và chủ yếu nhắm vào thị trường Châu Âu. Ngày 29 tháng 6 vừa qua, tại Anvers (Bỉ) có đến 151 triệu điếu thuốc lá giả đã bị nhà chức trách thiêu hủy.
Nói về mức độ tinh vi của các tổ chức làm hàng giả, một chuyên gia cho biết, các bao thuốc lá giả không chỉ được nhái giống về nhãn mác, mà còn có các lời cảnh báo hút thuốc theo đúng quy định của nhiều nước Châu Âu như Bỉ, Hà Lan, Pháp hoặc Đức.
Theo tờ báo, các tổ chức này ngày càng nhiều và đã thành lập hẳn những cơ sở sản xuất ngay trong lòng Châu Âu, thậm chí có khi chúng còn đặt nhà máy sản xuất ở các khu công nghiệp dưới vỏ bộc sản xuất một loại sản phẩm hợp pháp khác.
Bên cạnh thuốc nhái, tờ báo cũng cho biết, còn có một loại thuốc nữa, đó là thuốc « thật », được dán nhãn hiệu đàng hoàng, nhưng đến khi kiểm tra, thì đó chỉ là những « nhãn hiệu ma », tức không hề có mặt ở bất kỳ thị trường nào.
Bàn về mức độ độc hại, tờ báo Le Figaro cho biết, thuốc lá giả thường có liều lượng nicotine cao hơn hai lần mức cho phép. Ngoài ra, nghiên cứu tại Thụy Sĩ cho thấy, trong thuốc lá giả còn có chất dẻo nóng chảy, chất polyester, phân côn trùng, mạt cưa và xác tổ ong.
Cuối cùng tờ báo Le Figaro cho biết, lợi ích mà bọn buôn lậu kiếm được là rất lớn, trong khi các hình phạt còn quá nhẹ, cho nên chưa đủ sức răn đe.
Source: RFI