Những quảng cáo của Facebook liên quan tới nỗ lực của Nga nhằm gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016 được trưng ra trong phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Hạ viện trong Điện Capitol, Washington, ngày 1 tháng 11, 2017.
Các nhà lập pháp Mỹ hôm thứ Tư công bố một loạt những quảng cáo trên Facebook do người Nga mua cho thấy những nội dung khích động chính trị được cho là được Moscow phát tán trên mạng xã hội trước cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ.
Một số quảng cáo chỉ trích các ứng cử viên, trong khi một số khác tìm cách tổ chức hoặc quảng bá những cuộc tập hợp diễn ra cùng lúc của các phe đối nghịch nhau về các vấn đề gây chia rẽ. Tập hợp các quảng cáo này được đăng trên website của Ủy ban Hạ viện trích từ khoảng 3.000 quảng cáo mà Facebook cung cấp cho các nhà điều tra vào tháng trước.
Các công ty công nghệ gần đây thừa nhận rằng những nội dung được Nga quảng bá về các vấn đề chính trị và xã hội của Mỹ như quyền sở hữu súng, di trú, tôn giáo và chủng tộc đã lan truyền trên nền tảng của họ trước và sau cuộc bầu cử.
Một số quảng cáo được lấy mẫu có nội dung cụ thể về cuộc bầu cử ở Mỹ và phê phán ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton. Một quảng cáo từ một tài khoản gọi là "Army of Jesus" (Đạo quân của Chúa Giê-su) nói bà Clinton được hậu thuẫn bởi thế lực tà ác.
This graphic of Jesus and Hillary Clinton is an actual post shared by the Russian page “Army of Jesus,” released during #TechHearings. pic.twitter.com/XKFLGnoXu4
— Mark Warner (@MarkWarner) November 1, 2017
"Hillary là quỷ Satan, và những tội ác và sự lừa dối của mụ ta chứng tỏ mụ ta tà ác đến mức nào," một nội dung đăng trên Facebook nói. Nó nói thêm rằng ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump là "một người đàn ông trung thực" và "quan tâm hết lòng tới đất nước này."
Các quảng cáo khác dường như nhắm mục tiêu khơi ra xung đột liên quan tới những vấn đề nóng bỏng.
Một quảng cáo từ một nhóm tự gọi là "Heart of Texas" quảng bá một cuộc tập hợp ở Houston vào ngày 21 tháng 5 năm 2016 để "Ngăn chặn Hồi giáo" ở bang này của Mỹ. Một quảng cáo khác từ một trang Facebook riêng rẽ cổ động một cuộc biểu tình ủng hộ Hồi giáo vào cùng thời điểm và địa điểm.
Here are some of the Russian-backed Facebook ads released today by the House Intel Committee.
https://t.co/B5zFjaNHuI pic.twitter.com/4H7fNnWZLj
— Kyle Griffin (@kylegriffin1) November 1, 2017
Chính phủ Nga đã phủ nhận bất kỳ nỗ lực nào gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016 mà trong đó Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh bại bà Clinton.
Các quảng cáo được công bố tại phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ, nơi các luật sư đại diện các công ty Facebook, Twitter và Alphabet, công ty mẹ của Google, khai chứng về ảnh hưởng của Nga trên các mạng xã hội của họ.
Đó là ngày thứ hai liên tiếp các công ty tìm cách tránh né những chỉ trích từ các nhà lập pháp nói rằng họ đã chậm chạp trong việc đối phó với hành vi lạm dụng của Nga.
Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, lại bị các nhà lập pháp săm soi nhiều nhất. Họ bày tỏ sự bất bình với Facebook vì vai trò của họ trong hoạt động tiếp thị nhắm mục tiêu.
Luật sư tổng quyền của Facebook, Colin Stretch, nói với Ủy ban rằng 16 triệu người Mỹ có thể đã nhìn thấy những thông tin của Nga trên dịch vụ chia sẻ hình ảnh Instagram của Facebook bắt đầu vào tháng 10 năm 2016. Cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 8 tháng 11.
Thêm bốn triệu người nữa có thể đã nhìn thấy những nội dung như vậy trên Instagram trước tháng 10, dù dữ liệu đó kém hoàn chỉnh hơn, ông Stretch nói.
Ngoài các con số của Instagram, có tới 126 triệu người Mỹ có thể đã nhìn thấy những nội dung chính trị được Nga cổ xúy trên Facebook trong khoảng thời gian hai năm, một con số mà công ty tiết lộ hồi đầu tuần này.
Việc ba công ty công nghệ hàng đầu tới Washington khai chứng trong tuần này cho thấy thời vận chính trị của ngành công nghệ Mỹ đang biến chuyển, sau nhiều thập niên ít bị săm soi về mặt quản lý.
"Trong cuộc bầu cử vừa rồi, quý vị đã thất bại," Thượng nghị sĩ Dân chủ Ron Wyden, người thường được xem là đồng minh mạnh mẽ của Thung lũng Silicon, nói.
Các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận rằng Nga đã can thiệp vào chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, bao gồm thông qua mạng xã hội, để cố gắng gây ảnh hưởng theo hướng có lợi cho ông Trump.
Theo VOA