Còn cả tuần lễ nữa TT Trump mới công du Á châu Thái bình dương, dự hai hội nghị APEC và EAS, sẵn dịp viếng thăm một số nước, trong đó có VNCS.
Tin tức ì xèo, tùm lum, tá la trên mạng của “báo đài nhà nước” và các trang mạng xã hội của các “tuyên truyền viên, dư luận viên” của CS lập lờ đánh lận con đen dân chúng VN. Họ tuyên truyền xám, rằng Mỹ, VNCS sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng. Nhưng phân tích tận cùng kỳ lý thông tin, nghị luận, sự kiện cùng thời sự chánh thức của Mỹ và của Đảng Nhà Nước CS thì thấy không phải vậy. Đó là hư chiêu từ hai phía Washington lẫn Hà nội.
Thí dụ việc Thượng Viện hôm 26/10/2017 phê chuẩn cho ông Daniel Kritenbrink làm đại sứ Mỹ tại VN. Đó là công tác bình thường, theo thủ tục hiến định của Thượng Viện, chớ không ăn nhập gì về tin đồn hai bên hợp tác quốc phòng. Ông Kritenbrink được TT Trump đề cử để thay thế ông Ted Osius mãn nhiệm kỳ, nhưng vẫn ở lại VN với tư cách thường dân Mỹ kiều, dạy tư và hưởng lạc với người bạn đời cùng giới tính.
Còn chuyến đi dài ngày của TT Trump chánh yếu là để dự hai hội nghị của ASEAN và thăm một số nước. Hội nghị APEC tới phiên VNCS đăng cai tổ chức tại Đà nẵng. TT Trump sẵn dịp đến dự hội nghị, dành một ngày bay ra Hà nội viếng VN, như mấy tổng thống Mỹ Dân chủ, Cộng hoà khác trước đây, thế thôi. Nhưng TT Trump là một doanh gia nhà nghề, có thể Ông gài độ với ván bài gây thêm chia rẽ giữa Đảng CSVN và Nhà Nước VN. TT Trump ghé thăm Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang theo nghị trình do Toà Bạch Ốc đã phổ biến, làm cho tình hình cơm không lành giữa Tổng Bí Thư Nguyễn phú Trọng và Chủ Tich Nước thêm trầm trọng hơn. Đảng và Nhà Nước CSVN kình chống nhau hơn, và Đảng Nhà Nước TC thêm nghi kỵ Đảng Nhà Nước CSVN chơi trò hai mang, tiêu lòn với Mỹ. TT Trump ít thì giờ, chỉ có một ngày, phải thể hiện ván bài chia rẽ nhà cầm quyền trung ương CSVN này nên không vào Saigon như quí vị tổng thống Mỹ trước đến thăm hai nơi.
Chẳng những thế TT Trump cũng không tham dự hội nghị thứ hai là Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại thành phố Angeles, Philippines vào ngày 14/11, sự tham dự của lãnh đạo hơn 10 nước tại châu Á, Australia, New Zealand và Nga. Có lẽ Ông không muốn gặp TT Putin đang có nhiều vấn đề đối địch với Mỹ. Tuy nhiên TT Trump dành thì giờ thăm TT Duterte dù Ông này thời TT Obama có những lời lẽ rất xấu như chửi mắng đối với TT Obama, sau đó Ông Duterte qua Bắc Kinh tuyên bố “ly khai” Mỹ.
Tận cùng kỳ lý mà phân tích, TT Trump công du Á châu Thái bình dương, dự hội nghị ASEAN là cái chánh. Hội nghị tổ chức tại hai thành phố VN và Phi là vì tới phiên của hai nước này. TT Trump đi dự hội nghị ở VN và Phi theo nghi thức viếng thăm nước chủ nhà, thế thôi. Ngoài nội dung của nghị trình hội nghị, và những lời qua tiếng lại xã giao trong gặp gỡ viếng thăm không thấy Mỹ có cam kết gì với CSVN.
Trái lại với ASEAN và với các nước Á châu Thái bình dương với tình hình Biển Đông, trong gần một năm 2017 TT Trump chấp chánh, theo báo Wall Street Journal ghi nhận. TT Trump đã cho Hải Quân Mỹ tuần tra 4 lần và có kế hoạch tuần tra 2 lần mỗi tháng và, sâu sát hơn, vào trong vùng 12 hải lý ở Biển Đông, so với thời TT Obama. TT cũng cho tăng cường quân lực ở Bắc Thái bình dương, ứng chiến chống CS Bắc Hàn gây khủng hoảng hoả tiễn và nguyên tử.
Tin tức truyền thông quốc tế của Mỹ, Pháp, Anh cho biết Mỹ đã điều ba hàng không mẫu hạm đến Á châu Thái bình dương. Chiếc USS Nimitz, USS Theodore Roosevelt và USS Ronald Reagan, mỗi chiếc đều chở theo một phi đoàn khoảng 75 chiến đấu cơ và các loại máy bay quân sự khác. Cả ba chiếc hàng không mẫu hạm đều được một hải đội tác chiến đi theo hộ tống, mỗi hải đội có thể có từ 6 đến 10 chiến hạm, trong đó có tàu tuần dương, tàu khu trục được trang bị hỏa tiễn dẫn đường.
Mỹ cũng mở rộng và tăng cường liên minh chống TC từ Á châu Thái bình dương ra Ấn độ dương. Hai bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Mỹ cùng khoảng thời gian đi Á châu Thái bình dương, mở đường cho TT Trump công du chuyến đầu tiên đến vùng này. Ngoại Trưởng Tillerson dồn nỗ lực vào Ấn Độ, một cường quốc có tiền cừu hậu hận với TC đã tranh chấp biên giới của Ấn, nhiều năm, nhiều lần. Ngoại Trưởng Mỹ hứa Hải Quân Mỹ sẽ hỗ trợ để hải quân Ấn Độ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh ở vùng Ấn Độ dương, con đường hàng hải huyết mạch vận chuyển rất nhiều dầu hỏa và các tài nguyên, hàng hoá khác đến Trung Quốc.
Còn Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, Tướng Mattis cũng công du Á châu Thái bình dương. Ông thúc đẩy ASEAN đoàn kết thành một khối thống nhất để chống Trung Quốc, nhân hội nghị bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng (ADMM plus). Ông sẽ họp cùng các bộ trưởng quốc phòng ASEAN. Ông quả quyết Hoa Kỳ cam kết ủng hộ hết mình khối ASEAN”.
Thêm vào đó, Nhựt đồng minh của Mỹ đã thành công trong việc bầu cử Quốc Hội sớm, với đa số rất đủ để tu chính hiến pháp chủ hoà để có quân đội và bộ quốc phòng để đối phó với CS Bắc Hàn và TC.
Đài Loan cũng vậy, bắt đầu chính sách ‘hướng nam’, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác du lịch, thương mại và giáo dục đại học với 18 quốc gia bao gồm hầu hết các nước Nam và Đông Nam Á, cũng như với Australia và New Zealand. Để “thoát Trung” phần nào về thương mại.
Tin tức cũng ì xèo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng CSVN Ngô Xuân Lịch. Nhưng theo thông cáo của Bộ QP Mỹ, chỉ gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM-Plus) tại Manila, Philippines, chớ không phải cuộc gặp gỡ chánh thức, song phương. Hai Ông chỉ trao đổi quan điểm về an ninh khu vực và nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục hợp tác với ASEAN để bảo đảm một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở. Và cũng chỉ bày tỏ ý định tăng cường quan hệ trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Chớ không thấy bản ghi nhớ hay ký kết điều gì giữa hai bộ trưởng quốc phòng.
Vi Anh