Một người đàn ông gốc Uzbekistan lái chiếc xe pickup truck, tông vào đám đông trên con đường có đông người đi xe đạp, gần Đài Tưởng Niệm 11 tháng 9 và World Trade Center ở New York hôm Thứ Ba, 31 tháng 10 năm 2017, làm tám người chết và 11 người bị thương. Cảnh sát Mỹ đã bắn y ngay bụng và bắt y đưa vào nhà thương. Giới chức an ninh Mỹ cho biết tên y là Sayfullo Saipov, 29 tuổi, có nguồn gốc Uzbekistan, đến Hoa Kỳ năm 2010 theo ‘Chương trình Xổ số Visa Đa dạng.' Y có địa chỉ cư ngụ ở Tampa, Florida, nhưng có thể sống ở New Jersey. Khi bước ra khỏi xe, nghi can la lớn “Allahu Akbar,” tiếng Ả Rập có nghĩa là “Thượng Đế vĩ đại.”
Đây là cuộc khủng bố nhiều người chết nhất trong thành phố Nữu ước này kể từ sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 mấy quân khủng bố Hồi giáo cực đoan của Al Qaeda cướp, đâm máy bay vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở Manhattan giết chết hơn 2.600 người. Đương kim Thị trưởng thành phố lớn nhứt Mỹ là Bill de Blasio gọi đây là "một hành động khủng bố hèn nhát nhắm vào người vô tội". Tổng thống Trump đã viết trên Twitter: "Suy nghĩ, lời chia buồn và cầu nguyện của tôi cho các nạn nhân và gia đình của vụ khủng bố thành phố New York." Ngay sau đó Ông ra lịnh. Bộ Anh ninh Nội địa "tăng cường Chương trình rà soát vốn đã cực kỳ gắt gao của chúng ta" về việc nhập cảnh Mỹ. "Và sau đó Ông cùng Quốc Hội có thể huỷ bỏ luật xổ số cho nhập cư nói trên và có thể tuyên án tử hình cho tên khủng bố này.
Cục điều tra liên bang FBI ngày 1 tháng 11 thông báo đã tìm thấy người đàn ông Uzbekistan thứ hai có liên quan tới vụ khủng bố này. Thông báo này của FBI được đưa ra chỉ chưa đầy 1 giờ đồng hồ sau khi cơ quan này công bố ảnh người đàn ông 32 tuổi trên và kêu gọi người dân cung cấp thông tin về tên này.
Điều đó cho thấy chánh quyền và nhân dân Mỹ chống khủng bố bằng cách làm cho khủng bố sợ. Bắn giết, truy tầm, bắt bớ, đưa quân khủng bố ra ánh sáng, chết hay sống. Mục đích tối hậu của quân khủng bố là làm cho dân chúng khiếp sợ để củng cố tuyên truyền cuồng tín, chánh trị chuyên chính của họ. Chống khủng bồ hữu hiệu là bình tĩnh không sợ họ, đoàn kết đập tơi tả làm cho họ sợ. Họ khủng bố bằng một vài người, ta phản công, tấn công lại họ bằng cả biển người, bằng chiến tranh nhân dân bao vây, trấn áp họ và tình báo nhân dân làm kính chiếu yêu đào tận gốc, móc tận rễ họ. Họ là kẻ thù của quốc gia dân tộc. Họ là nội tuyến, là tay sai khát máu của kẻ thù.
Quân khủng bố chẳng từ ai, da trắng, da đen, da vàng; không từ một tổ chức nào Ky tô, Phật, Hồi giáo; cơ quan báo chí, công quyền hay tổ chức vô vị lợi; không dung tha cho bất cứ những gì, tư tưởng, lối sống khác với họ.
Kinh nghiệm sống còn của Con Người chánh trực trước bọn cuồng sát, cuồng tín khủng bố ấy, là phải chống khủng bố một cách cương quyết, đoàn kết, dũng cảm, tin tưởng vào chánh quyền, quân đội và các lực lượng an ninh. Người dân cần ý thức, cần hy sinh chút ít tự do cá nhân, nhượng một chút dân quyền để chánh quyền rộng tay và mạnh tay với quân khủng bố thường “chém vè”, lẫn lộn, trà trộn trong dân và lấy dân làm bình phong che chở cho chúng và làm mục tiêu khủng bố cho chúng.
Truyền thông đại chúng truyền thống, báo chí, phát thanh, phát hình, các trang mạng xã hội Facebook, Twitter nếu không thông tin, nghị luận rầm rộ theo kiểu làm báo lấy máu làm tin hàng đầu, thì tác dụng khủng bố của chúng càng ít trong công luận.
Nếu truyền thông trầm tĩnh, dân chúng bĩnh tĩnh, làm tai mắt cho lực lượng an ninh như tình báo nhân dân, là vũ khí chống khủng bố kiến hiệu nhứt. Nhớ xưa trong Chiến Tranh Việt Nam, những tỉnh quận, những vùng nhiều tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo ở Miền Tây Nam Việt rất an ninh. Không phải vì nhiều địa phương quân, nghĩa quân, nhân dân tự vệ nhiều đâu, đơn vị chánh qui cũng không mấy khi về, mà tình hình an ninh vùng Hoà Hảo vẫn tốt nhứt ở Vùng 4 Chiến Thuật. Đó là nhờ tình báo nhân dân, từ một em học sinh đang bắn cu li bên đường cho đến một bà lớn tuổi bán hàng xén trong xóm, đến ông nông dân làm cỏ lúa ngoài ruộng là tai mắt cho ban trị sự Phật Giáo Hoà Hảo, cho Hội đồng xã, An ninh xã ấp. Một người lạ, một kẻ khả nghi vào xóm ấp, khó mà qua mắt được hệ thống tình báo nhân dân này. Nhờ vậy không có Việt Cộng nằm vùng, VC khó xâm nhập, khó lọt qua kính chiếu yêu của tình báo nhân dân của PGHH. Và khi một VC uống thuốc liều hay đi lạc vào xóm ấp, dân chúng la làng lên, xóm ấp đánh mõ hồi một lên, tín đồ PGHH cổ vắt khăn choàng tắm, người cầm tầm vông vạc nhọn, người cầm mát vót, cùng với nhân dân tự vệ mang súng oảnh tầm sào cổ hủ chạy tới nơi báo động. VC thấy cũng “tè” trong quần rồi, sợ kinh khủng chớ đừng nói khủng bố ai.
Truyền thông đại chúng Mỹ mạnh nhứt và tự do nhứt, trong Chiến Tranh Iraq nhờ tinh thần trách nhiệm với sinh mạng của quân đội Mỹ, những người đi xa đánh trận, cũng tự nguyện tự chế không đi bất cứ tin gì trước cuộc hành quân, có thể nguy hại cho chiến sĩ. Chớ quân khủng bố liều mạng tấn công cảm tử chết một số người, truyền thông đại chúng làm ầm ĩ lên, khiến công luận náo động, chấn động, là vô tình phát tán nỗi kinh hoàng trong xã hội.
Ông Romain Caillet, thuộc Viện Nghiên cứu Cận Đông của Pháp nói «Mục đích của chúng là khủng bố công luận, nhưng đồng thời để tuyển dụng và cung cấp thông tin cho những người ủng hộ”. Báo Le Figaro có bài «Quyền thông tin và nghĩa vụ im lặng», nêu ra trách nhiệm cá nhân của các nhà báo trong việc thông tin. Tác giả bài xã luận nhắc lại lời của Pierre Péan, một nhà báo điều tra nổi tiếng: «Nguyên tắc chính của tôi không chỉ đơn thuần là báo chí: tôi muốn mỗi buổi sáng khi nhìn vào gương soi không cảm thấy xấu hổ. Tôi biết rằng tôi có quyền, thậm chí có nghĩa vụ không nói ra tất cả. Làm báo, không chỉ đơn giản là tìm kiếm thông tin, mà còn là chọn lựa thông tin».
Vi Anh