Các lời cảnh báo của nhóm nghiên cứu Harvard đã bị phớt lờ?Cuốn 'cẩm nang' cho chiến lược phát triển Việt Nam kèm cảnh báo về hậu quả của đường lối hiện tại của Việt Nam mà các giáo sư Havard trao tận tay Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đến nay vẫn bị bỏ qua và không được công bố trước công chúng.Hai năm sau khi nhậm chức, vào năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tìm đến Trường Kennedy thuộc Đại Học Harvard để tham vấn về một chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn 2011- 2020 qua “Chương Trình Châu Á” của Đại học này.
Tên gọi của tập tài liệu: “Lựa chọn thành công”, phần nào nói lên niềm tin của những giáo sư tham gia soạn thảo, rằng sự phát triển của Việt Nam hoàn toàn nằm trong những sự lựa chọn trong tầm tay của Chính phủ.
Cuộc gặp gỡ được báo chí trong nước ca ngợi là cởi mở, thẳng thắn và mang lại nhiều hi vọng phát triển cho Việt Nam.
Tuy nhiên cho đến ngày hôm nay, trước thực trạng kinh tế xã hội Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng những chiến lược cùng các lời cảnh báo mà nhóm nghiên cứu gồm các vị David Dapice, Dwight Perkins, Nguyễn Xuân Thành, Vũ Thành Tự Anh, Huỳnh Thế Du, Jonathan R. Pincus, Anthony Saich, Benjamin H. Wilkinson đưa ra đã bị phớt lờ.
Các nhóm đặc quyềnBốn năm trước, nhóm giáo sư Harvard đã cảnh báo trước hậu quả từ sự trục lợi của các nhóm đặc quyền có ảnh hưởng chính trị lớn đang biến của công thành của riêng khiến chất lượng đầu tư công vào các Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) không hiệu quả, làm mất đi nguồn lực vươn lên của Việt Nam trong lúc nền kinh tế lẫn người dân vẫn phải chịu gánh nặng kinh phí.
“Sự ưu ái của Nhà Nước đối với các công ty dựa vào các mối quan hệ chính trị hơn là kết quả thành công trong kinh doanh”.
“Các doanh nghiệp này vẫn được hỗ trợ vốn dù thua lỗ liên tiếp và chậm chạp trong việc nâng cao chất lượng kinh doanh vì tầm nhìn hẹp và không phải hoạt động trong môi trường cạnh tranh.”
“Nếu như không có hệ thống kiểm soát đủ mạnh và khả năng phân tán rủi ro hiệu quả thì sẽ dẫn đến những khoản vay và đầu tư quá mức của các tập đoàn này,” theo lời trích dẫn tập tài liệu.
Bốn năm sau, Việt Nam chìm ngập trong các vụ tai tiếng từ sự đổ bể của các doanh nghiệp nhà nước với thiệt hại lên đến hàng trăm ngàn tỉ, gấp nhiều lần gói hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ trong năm 2012.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung – Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Ương nhận xét về doanh nghiệp nhà nước là “Lời ăn, lỗ cũng ăn và dân chịu.”
“Các nhóm đặc quyền này sẽ tiếp tục ngăn cản Việt Nam trong công cuộc cải cách, ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh và hạn chế kết quả tăng trưởng của Việt Nam,” nhóm nghiên cứu Harvard viết.
Sự sụp đổ của Vinashin và Vinalines là hoàn toàn được báo trướcQuản lí yếu kém“Hệ thống quản lí yếu kém đã luôn là nguyên nhân dẫn đến các nguồn đầu tư được sử dụng không đúng lúc, đúng nơi.”
“Lạm phát là kết quả từ những chính sách sai lầm của chính phủ, chủ yếu xuất phát từ yếu kém trong điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động đầu tư công kém hiệu quả.” – Trích dẫn tập tài liệu.
Với quyền lực tập trung chủ yếu vào các nhóm đặc quyền nói trên, tập tài liệu đã cảnh báo Nhà Nước sẽ trở nên “quá tải” trong vai trò quản lí của mình.
Sự quá tải này tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhà nước thả sức phớt lờ chủ trương của Nhà Nước yêu cầu họ tập trung vào những ngành chiến lược và thay vào đó, mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực, đồng thời tạo ra các công ty độc quyền trong nước để ngăn chặn cạnh tranh từ công ty nước ngoài.
Quả thực, vụ tai tiếng Vinalines và Vinashin và mức lạm phát lên đến 22% năm ngoái được giới quan sát cho là sự cao trào của trạng thái quá tải và yếu kém trong công tác quản lí.
“Quản lí yếu kém đồng thời cũng giúp người giàu tránh không phải trả những khoản thuế ... Khi nguồn thu quan trọng của ngân sách bị xói mòn thì nhà nước sẽ không đủ tiền tài trợ cho chi tiêu công”
“Sự tự do hóa tài chính cũng xảy ra quá sớm trong khi hệ thống tài chính được thiết kế không thích hợp và chưa rõ ràng. Điều này tạo cơ hội cho hiện tượng đầu cơ và tạo các bong bóng tài sản.” – Nhóm giáo sư Havard cảnh báo.
Trên thực tế, sự vỡ bong bóng của thị trường chứng khoán Việt Nam đóng góp bởi các giao dịch nội gián và hiện tượng đầu cơ đã chứng minh những cảnh báo này là đúng.
Nghị Quyết số 11 được Chính Phủ đưa ra nhằm “chữa cháy” dường như đã quá muộn màng, khi các báo cáo năm 2012 cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với khối Bấm nợ xấu khổng lồ trong bối cảnh doanh nghiệp thay nhau phá sản và hiểm họa tiềm tàng từ những món nợ khủng từ các doanh nghiệp nhà nước.
Khủng hoảng giáo dụcgiáo sư Harvard viết: ”Các quốc gia cạnh tranh trên cơ sở lao động rẻ không thể vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Các quốc gia này phải chật vật để có được một tỉ lệ lợi nhuận mỏng manh trong khi thị trường thế giới ngày càng trở nên tinh vi, thâm dụng vốn và công nghệ hơn.”
Thật vậy, trong suốt những năm gần đây, giới quan sát đang cho rằng lao động giá rẻ hiện tại đang là nguyên nhân khiến Việt Nam phải đối mặt với “bẫy thu nhập trung bình”, khi nền kinh tế bị kìm hãm bởi mức thu nhập thấp của người dân.
Tuy nhiên chất lượng giáo dục đứng vào bậc thấp nhất so với các nước đang phát triển đồng khu vực hiện sẽ không đủ giúp Việt Nam sản sinh ra những lao động chất lượng cao hơn để thay đổi điều ấy.
“Số lượng, chất lượng giảng viên hết sức hạn chế và hơn phân nửa sinh viên ra trường tại Việt Nam không được làm đúng ngành đào tạo."
“Một điều đáng ngạc nhiên hơn, đó là tỉ lệ ngân sách dành cho giáo dục trong GDP của Việt Nam là khá cao so với các nước trong khu vực. Vậy tiền đi đâu ? Phải chăng đã bị “nuốt chửng” bởi cơ chế hiện nay ?”
“Dưới hệ thống quản trị hiện tại, các trường đã không có đủ quyền tự chủ để chuyên môn hóa sâu, cạnh tranh trên cơ sở chất lượng phù hợp như cầu thị trường”
“Với một hệ thống quản trị như vậy, đổ thêm tiền vào chỉ là giải pháp tình thế, mà không giải quyết được những vấn đề cơ bản nhất của giáo dục Việt Nam” – Trích dẫn tập tài liệu.
Thiếu công bằngTập tài liệu đã chỉ ra thất bại của Chính phủ Việt Nam trong việc duy trì một xã hội công bằng.
Nhóm giáo sư Havard cho rằng, mức độ tiếp cận với nền giáo dục của người giàu nghèo vẫn còn cách rất xa nhau, và sự thất bại của ngành giáo dục không những kìm hãm sự phát triển của quốc gia mà còn duy trì sự bất công bằng trong xã hội.
Tập tài liệu cũng đã nhắm đến những bất công trong vấn đề đất đai.
“Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi đất từ nông nghiệp sang công nghiệp và đô thị đang làm một số người trong đó có các quan chức giàu lên một cách nhanh chóng, trong khi khiến nhiều nông dân trở nên thực sự vô sản.”
Nhóm giáo sư này cũng đã so sánh vấn đề tái tổ chức đất nông nghiệp giữa Việt Nam với hai nước phát triển bậc nhất trong khu vực là Hàn Quốc và Đài Loan:
“Trong quá trình tổ chức lại đất nông nghiệp ở hai nước này, nông dân có thể bán lại đất của mình khi họ muốn với giá công bằng chứ không bị cưỡng bức phải tái định cư và nhận tiền đền bù thấp hơn giá trị thực”
Hai vụ bạo động tại Văn Giang và Tiên Lãng gần tại Việt Nam đã chứng minh sự phớt lờ của chính phủ Việt Nam trước những lời cảnh báo này, đồng thời cho thấy thực trạng bất công rõ rệt có xu hướng tăng cao giữa người nông dân và người giàu trong đó có các nhóm đặc quyền.
Giới quan sát nói chọn thành công hay không là hoàn toàn tùy vào các nhà lãnh đạo Việt NamCải cách cần thiết Các giáo sư Harvard đã chỉ ra sáu lĩnh vực chính sách mà Việt Nam cần cải cách, dựa theo sự thành công của các nước Đông Á:
Giáo dục: Cần công khai các ngân sách nhà nước dành cho giáo dục để tránh lãng phí và kém hiệu quả. Tiến độ thực hiện cải cách giáo dục đại học phải được thúc đẩy nhằm tận dụng lợi ích của đầu tư nước ngoài.
Cơ sở hạ tầng: Cần yêu cầu EVN chấm dứt ngay hoạt động đầu cơ, không nằm trong ngành kinh doanh chính nhằm tập trung vốn và nhân lực vào việc cung cấp năng lượng.
Hội đồng thẩm định đầu tư độc lập cần được đưa ra nhằm tránh các hạng mục đầu tư kém hiệu quả bằng cách sử dụng các ý kiến khách quan.
Minh bạch hóa các qui định về đất đai cần được tiến hành để đảm bảo một thị trường bất động sản công bằng và có tính cạnh tranh.
Các thành phố cần được đầu tư có hiệu quả để phục vụ cho mục đích dân sinh.
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: Phân bổ nguồn lực giữa khu vực nhà nước và dân doanh dựa vào hiệu quả trong khả năng sử dụng, đồng thời kết quả kiểm toán của tất cả các công ty phải được thực hiện bởi những cơ quan kiểm toán độc lập.
Hệ thống tài chính: Giảm lạm phát bằng cách nâng cao chất lượng quản lí vĩ mô và tăng cường hiệu quả đầu tư công.
Biến ngân hàng Nhà Nước Việt Nam thành một ngân hàng độc lập về mặt tài chính, nhân sự, công cụ và mục tiêu.
Hiệu lực của Nhà Nước: Loại bỏ những chính sách hoang đường không có khả năng thực hiện và hệ thống tuyển dụng nhân sự dựa vào thâm niên, lòng trung thành và xuất thân hiện nay để tuyển dụng người tài.
Khuyến khích tính phê phán trong nội bộ chính phủ và sự giám sát từ bên ngoài qua báo chí.
Theo đuổi định hướng cải cách một cách quyết liệt, nhằm tránh những sai lầm của Đông Nam Á, tận dụng cơ hội hiên tại và đáp ứng kỳ vọng của nhân dân về sự phát triển đất nước.
Công bằng: Cải thiện chất lượng giáo dục, y tế, khả năng sở hữu nhà cho người dân thành thị để tạo một xã hội công bằng thực sự.
Trợ cấp cho hoạt động đào tạo nghề để giúp người dân đứng vững trước các biến động thị trường.
Tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn để tăng chất lượng sinh sống của đại bộ phận người dân Việt Nam cũng nhu tăng năng suất và giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.
Source: BBC