Sống đến một tuổi nào đó, người ta có khá đủ từng trải để hiểu rằng cái giá của kinh nghiệm thường rất đắt, ở cả hai mặt thời gian và tổn thất.
Có một lý thuyết được các bậc tiền bối (gồm cả cha mẹ) tin tưởng và ra sức cổ võ, truyền bá, là con người có thể ứng dụng kinh nghiệm của kẻ khác để tránh những va vấp tương tự. Trong một giới hạn liên quan đến những vật thể cố định, những nguyên tắc bất di dịch (ví dụ: kinh nghiệm mở cái nắp hộp không phải dùng sức nhiều, nấu món ăn với thịt dùng nước lạnh, với cá dùng nước sôi…) lý thuyết này không sai.
Tuy nhiên, với con người hay những hoàn cảnh không thập phần giống nhau ở chiều sâu, có vẻ những kinh nghiệm cứng nhắc không phát huy được tác dụng và con người phải tự mình trải qua các bài học đắt giá để có kinh nghiệm riêng.
Xin đan cử một ví dụ đời thường khá phổ thông khác để minh chứng: kinh nghiệm “quất ngựa truy phong” trong tình trường, cách nay vài thập niên và bây giờ, trước đây ở quê nhà và lúc này ở Mỹ, nếu các bạn gái học được kinh nghiệm của cha mẹ hay của nhau, có lẽ không có người thứ hai rơi vào tình huống “thua thì thua quyết níu lấy con…”
Ai cũng nghĩ mình khôn ngoan hơn, may mắn hay phúc đức hơn, có lý lẽ riêng để đi con đường của mình. Cho nên, thông thường, chúng ta rút kinh nghiệm qua những bài học thực tế chua cay, những biến cố bi thảm hơn là từ người xung quanh hay từ những bài học từ chương dưới mái trường và mái gia đình.
Chẳng thế mà kinh nghiệm với cậu Adam Lanza, 20 tuổi, con của một gia đình ly dị, sống giam mình suốt bao nhiêu năm trong căn phòng riêng không chỉ đóng kín cửa mà còn trùm kín cả mọi cửa với các túi nylon màu đen loại dùng để chứa rác nhưng bà mẹ sống cạnh con vẫn không hay biết, không quan tâm, không mảy may băn khoăn về những biểu lộ bất thường ấy.
Cho tới một ngày cậu chĩa súng vào mẹ, chĩa súng vào 20 bé thơ và sáu cô giáo/nhân viên văn phòng trường tiểu học Sandy Hook, thành phố Newtown, tiểu bang Connecticut, sáng ngày 14 Tháng Mười Hai, 2012, lấy đi sinh mạng của các nạn nhân vô tội chỉ để hả lòng hận thù và căm phẫn số mệnh, sự thờ ơ của mọi người.
Trong một vụ thảm sát đau lòng khác xảy ra tại trường Virginia Tech năm năm trước đó, ngày 16 Tháng Tư, 2007, 33 ngưởi tử nạn, cậu sinh viên Nam Hàn 23 tuổi, Cho Seung-Hui đã viết trong lá thư giãi bày nguyên nhân việc làm của cậu như sau: “Các người đã có tỷ tỷ cơ hội để ngăn cái ngày hôm nay đừng tới nhưng các người lại quyết định dồn tôi vào chân tường và chỉ cho tôi một lựa chọn này…”
Kết quả điều tra thân thế thủ phạm cho thấy Cho Seung-Hui là con một gia đình Nam Hàn di dân, bố mẹ làm nghề giặt ủi lam lũ, tất cả tâm trí, thời giờ dồn hết vào việc nuôi con ăn học, không bao giờ ngờ cảnh khổ của gia đình giữa một xã hội phồn vinh khiến cậu buồn tủi, khi tìm cách đến gần một bạn học, chưa kịp cả tỏ tình đã bị cô công khai từ chối mà cậu nghĩ là do mình nghèo thì cậu đâm ra hận thù xã hội và ghét bỏ chính mình vô dụng.
Lựa chọn của cậu trong cùng khốn và tuyệt vọng là tàn sát cả hai để tự giải thoát. Vậy, kinh nghiệm chữa lành những thương tích nội tâm của một người là gì? Sách vở, tin tức, tài liệu từ những công trình nghiên cứu của nhân loại đầy rẫy, sao chúng ta cứ thất bại hoài? Thất bại tệ hại nhất vừa lập lại ở Las Vegas, Nevada, hồi đầu Tháng Mười, 2017, với hung thủ Stephen Paddock trong một đại nhạc hội quy tụ trên 20,000 khán giả.
May thay, chúng ta có ngoại lệ. Có những người tâm phước đức, trí nhờ đó mà minh mẫn, hốt nhiên bắt được kinh nghiệm như người trúng số. Đạo Phật gọi trường hợp này là “Ngộ.” Đạo Công Giáo gọi là “Mặc Khải.” Một tia sáng xẹt qua đầu, soi rọi những vùng thâm u nhất, nói là bỗng nhiên nhưng không bỗng nhiên.
Cơn giông, sấm chớp đều có chuẩn bị. Hạt giống tốt nẩy mầm đều có chọn lựa và công trình gieo trồng. Lắng lòng. Quan tâm chính mình và người xung quanh là chuẩn bị từ trong vô thức. Tín đồ sau khi vào chùa lễ Phật, vào nhà thờ quỳ gối đọc kinh, ra về thấy lòng trí ung dung, thanh thản, sáng suốt, phấn chấn, nghĩ là Phật ban phước, Chúa, Mẹ ban ơn, thực tế chứng nghiệm được là do những giây phút lắng lòng, tập trung vào ý lành, xua bỏ tạp niệm trước bàn thờ, tạo điều kiện cho năng lượng tốt phát sinh.
Tuần lễ này, tôi nhận được lá thư tuyệt đẹp của một đồng hương vừa “Ngộ” ra một điều tựa như nguyên lý của hạnh phúc gia đình, viết như sau:
“Tôi vừa có một khám phá mới khá thú vị, nghĩ là nên chia sẻ với chị.
Hôm qua, tôi đi tìm mua một món quà mừng sinh nhật chị bạn đồng nghiệp dạy cùng trường với tôi thời còn ở Sài Gòn trước 1975. Trước khi lái xe ra mall, tôi cũng đã nghĩ qua về món quà định tặng, đã search trên mạng để tìm vài gợi ý thích hợp nhưng khi tới mall rồi, vào các cửa tiệm bách hóa, thực sự cầm mấy món quà lên tay, ngắm nghía, cân nhắc, tôi thấy thật khó quyết định món nào vì không biết lựa chọn của tôi, tuy đầy thành ý nhưng chắc gì bà bạn đồng nghiệp của tôi sẽ đồng thuận với lựa chọn ấy và cũng yêu thích món quà thay vì vứt nó vào một góc tủ?
Trước khi làm việc này, tôi có bàn qua với nhà tôi, hỏi ý kiến cô ấy nhưng nhà tôi biết trước rồi vợ chồng cũng lại sẽ cãi nhau như mỗi khi vợ hay chồng muốn bàn với nhau bất cứ chuyện lớn/chuyện nhỏ nào nên câu trả lời của cô là: “Anh muốn làm sao thì làm, không cần hỏi em vì anh hiểu chị ấy hơn em. Em làm sao biết chị ấy muốn quà gì?” Nhà tôi thường than thở với bạn bè là chúng tôi số khắc khẩu nên tốt nhất hãy bớt nói, bớt trao đổi để bớt cãi nhau ầm ỹ cửa nhà.
Thật ra, cuộc sống của vợ chồng tôi mấy chục năm qua tương đối ổn thỏa, không có sứt mẻ nào quan trọng vì chúng tôi đều giữ lễ với nhau theo phong cách cả hai đều là nhà giáo. Tuy qua Mỹ không còn đi dạy học nữa nhưng vẫn phải dạy con nên vẫn phải làm gương. Lúc nào giận tôi chuyện gì quá lắm, nhà tôi than với cô em gái tôi: “Nói cô đừng buồn, chị cứ phải nhịn anh như nhai cơm sống! Khổ lắm! Chán lắm cô ạ!”
Phần tôi thì vui là vui gượng thôi vì cứ nghĩ đến vợ là ngại ngùng phải thấy bộ mặt cam chịu ngấm ngầm của cô ấy. Rõ ràng dù tình yêu lâu rồi không còn nữa nhưng trong đáy lòng cả hai, vợ chồng vẫn thương nhau bởi nếu không thương thì đâu còn muốn ở bên nhau nữa mà đường ai nấy đi tìm hoa thơm cỏ lạ chứ líu ríu với nhau làm chi?
Tuy nhiên, hòa bình cỡ nào, giữ lễ cỡ nào mà biết cái người sống bên cạnh mình chán mình, chịu đựng mình thì có khác gì chiến sĩ “nằm gai nếm mật,” ngày đêm chỉ có mỗi một việc là tiếp tục thắng địch và phất ngọn cờ đầu ngay trong nhà mình?
Nhưng mà may cho tôi chị ạ, chậm còn hơn không, nhờ có hảo ý đi tìm mua món quà sinh nhật mừng thọ bạn mà hôm qua tôi chợt khám phá ra điều này, nôn nóng chia sẻ với chị, để chị sẽ chia sẻ lại với những cặp vợ chồng trong hoàn cảnh tôi, quanh năm mùa đông và mắt em ướt, chị nhé!
Là thế này: Tôi nghiệm ra, đi mua món quà tặng bạn mà tôi lưỡng lự, đắn đo mãi không dám quyết, sợ bạn không vừa lòng thì phí tiền mà mình lại quê nữa. Ấy vậy nhưng mỗi khi tôi muốn nói gì hay làm gì đối với vợ là tôi cứ nói, cứ làm thẳng tuột, giữ ý mình mà tôi cho là đúng nhất, best choice rồi!
Khi nhà tôi tỏ vẻ không vui, không thích, tôi hay cáu, tự nghĩ mình đã để bao tâm huyết vào mỗi suy nghĩ, mỗi cử chỉ như những món quà yêu thương của tôi tặng cô ấy với cả tấm lòng mà sao cô ấy không biết nhận, ngu quá! Thế là cãi nhau. Được cái nhà tôi tốt nết, bao giờ cũng để tôi là kẻ chiến thắng và đây là món quà cô ấy tặng đúng ý tôi tuy phần cô luôn phải trả cái giá đắt nhất, hiếm có tri kỷ nào làm được.
Món quà ấy chính là cái gift card tôi mua tặng chị bạn sáng hôm qua để chị ấy có cái vui tùy thích và tôi thì làm xong bổn phận. Thật ra, làm xong bổn phận cũng có sự bằng lòng hay vui thỏa nhưng hình như không bằng được sự sướng khoái khi cái mầm sân si trong tự ngã được thỏa mãn. Hóa ra khi lắng nghe người khác thì mình cũng tự hiểu mình. Không lắng nghe là vì sợ hiểu ra cái mình không hoàn hảo mà có khuyết điểm cần sửa.
Trong mọi cái cần sửa, sửa mình là khó nhất chị ạ, tam đoạn luận, phải không? Trong mọi cái nhường nhịn, cái “tôi” khó nhường nhịn nhất tại vì bị sân si nó khống chế. Tôi nhớ có lần nói chuyện với vợ chồng một người bạn thân khác, cũng hay cãi nhau nẩy lửa vì mâu thuẫn, nhiều lúc tưởng là bỏ nhau, tôi hỏi chị ấy: “Sao tôi thấy anh nói nghe phải mà chị cứ cố tình làm ngược ý anh?” Chị trả lời tôi không chút do dự: “Ông ấy càng nói tôi càng làm trái lại! Đừng hòng chỉ huy hay dạy đời tôi!” Tôi thành thực không nghĩ chị ấy nói thật lòng mình vì mắt chị đỏ hoe. Bây giờ thì tôi biết cũng là do sân si mà ra cả.
Lấy kinh nghiệm đi mua quà cho bạn hôm qua, tôi chợt nhận ra tôi chưa bao giờ “đãi” vợ tôi như đãi bạn, có lẽ chỉ ngoại trừ mỗi cái lúc đang tán tỉnh nhau, được cái Tình nó phù trợ làm điều tốt. Quan tâm đến người kia một chút để hiểu buồn vui của họ, cả những cái trái khoáy mà nếu bình tĩnh nghe nhau và tìm cách giải quyết vì lợi lạc chung, cùng nhau kê cái giường cho bằng, tôi nghĩ cuộc sống sẽ đẹp hơn, tươi tắn hơn, có hòa điệu hơn, chẳng hơn “tự sướng” à? Mỗi khi sắp sửa nộ khí xung thiên cãi nhau, hãy chậm vài chục giây khoan nổ để nghĩ xem mình sắp nói cái gì, tôi chắc những lời nói sau đó sẽ có ý nghĩa và hiệu quả nhiều hơn ngôn từ cãi nhau.
“Khám phá” của tôi chẳng có gì ghê gớm hay to tát cả nhưng với tôi là cuộc cách mạng đổi đời cần nhất cho tôi. Chia sẻ với chị, có thể chị sẽ cười tôi trẻ con nhưng sự thật tôi là người đàn ông vừa trưởng thành, có lẽ cũng không khác mấy với những gì chị nghĩ khi bỏ thời giờ đọc thư này. Cảm ơn chị nhé!
Vũ
Và dưới đây là phần phúc đáp của tôi:
Rất cảm kích được ông chia sẻ một kinh nghiệm sống quý giá (tuy không có gì to tát như ông viết.) Trong thiển ý tôi, cuộc cách mạng thành công nhất trên đời này là cuộc cách mạng bản thân, từ đó, sẽ nảy sinh nhiều cuộc cách mạng xã hội có ý nghĩa, làm cho mặt đất này đẹp hơn và cuộc sống của mọi người hạnh phúc hơn.
Cảm ơn ông và mừng ông đã tìm ra con đường an lạc.
Bùi Bích Hà