Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh 24/11/2017. REUTERS/Romeo Ranoco
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 23/11/2017 đã ký tuyên bố chính thức đình chỉ mọi cuộc đàm phán với lực lượng du kích Cộng Sản (NPA), bị ông xem là "khủng bố". Cuộc nổi dây của du kích quân Cộng Sản Philippines kéo dài gần nửa thế kỷ đã làm 40.000 người chết. Khi mới lên cầm quyền, ông Duterte đã tạo ra nhiều hy vọng khi ông thúc đẩy trở lại tiến trình hòa bình và trả tự do cho nhiều cựu lãnh đạo đảng Cộng Sản.
Theo ghi nhận của Marianne Dardard, thông tín viên RFI tại Philippines, người dân lo ngại các cuộc tấn công đẫm máu sẽ bùng lên trở lại ở các vùng phía nam.
''Cảm giác lãng phí và nỗi lo ngại về nguy cơ các vụ tấn công gia tăng là cảm nhận chung sau sắc lệnh của tổng thống chấm dứt đối thoại hòa bình.
Theo ông Rodrigo Duterte, những người Cộng Sản đã không chứng minh được sự thành thật và ý muốn tiếp tục thương thuyết hòa bình, khi có hành vi "bạo lực". Trong tuần, tổng thống Philippines đã tố cáo vụ một em bé bị sát hại trong một cuộc phục kích của lực lượng Cộng Sản.
Trong mùa hè, ông Duterte đã từng lên tiếng đe dọa ngưng các cuộc đối thoại, sau một số sự cố. Phía phiến quân Cộng Sản cũng lên tiếng thông báo gia tăng tấn công.
Lực lượng võ trang Cộng Sản NPA hoạt động chủ yếu ở miền nam Philippines, nơi mà nhiều sứ quán nước ngoài khuyên kiều dân của họ là không nên đến.
Đảng Cộng Sản Philippines, do ông José Maria Sison, nay sống lưu vong tại Hà Lan, thành lập. Đối với phần đông người dân Philippines, đảng này là hiện thân của cánh tả, còn đối với thành viên của đảng thì họ là lực lượng chính trị đã phải trả giá đắt nhất thời chế độ độc tài Ferdinand Marcos".
Theo RFI