logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 30/11/2017 lúc 10:44:44(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Thằng Tý vô cửa nhà mình mà rón rén như đứa ăn trộm.  Bước nhẹ nhẹ, đợi tiếng động phát ra từ chưn nầy hết nghe mới để chưn kia xuống, dò dò như đi trên bãi mìn, mỗi bước chưn để xuống đều đứng tim ngóng như thể thử dò coi ông địa có cười hay không.  Thoát chết mấy lần khi từ chối đi lục lạo sắt vụn với tụi bạn từ mấy đống sắt phế thải cao ngùn ngụt của quân đội Pháp ở thành Ô Ma, nó rất ám ảnh cái chuyện ông địa cười khi trong đám sắt có lẫn lộn mấy trái mãng cầu hay mấy trái mìn trước đây bị chai, nghẹt.  Mỗi tiếng cười của ông địa là có nhiều nhà khóc con, khóc cháu…
Cứ vậy nó tiến tới tủ thờ.  Nó núp bên cạnh tủ, khom mình cởi đôi giày ra, móc trong túi quần lấy tờ giấy báo đã được thấm lúc nào đó một chút nước ẩm ẩm rồi chùi chùi mặt giày.  Nó thổi thổi lớp bụi nhưng cũng không dám thổi mạnh.  Mắt láo liên ngó vô buồng nơi má nó đương nằm nghỉ bịnh.  Một lúc hơi lâu, đoán là yên, nó bỏ giày vô một cái túi giấy, để lại chỗ cũ, chỗ mà nó khám phá ra cả tháng nay, sau cái khuôn hình.  Nó vừa làm vừa len lén liếc mau lên tấm hình.  Như là ba ngó theo mình và đương theo dõi từng cử chỉ của con.  Nó hơi rùng mình, có làn khí lạnh dài chạy theo đường xương sống.  Hơi sợ, nó lấy chưn quơ kiếm đôi dép rồi từ tốn bước ra khỏi chỗ núp, mắt vẫn thỉnh thoảng ngó lên khuôn hình.
Tưởng đâu đã yên bề, mặt nó trở lại bình thường, nét căng thẳng đã biến mất, nó đưa tay vuốt ngược mái tóc lòe lòe xuống trán rồi hất đầu về sau để tóc bung lên, cử chỉ ra vẻ thanh niên lắm.  Bây giờ thì có quyền gây tiếng động mà không còn sợ nữa, nó chu mỏ hút gió nhưng chưa học rành nên chỉ được những hơi ngăn ngắn và không bài bản gì ra hồn.
Bỗng tiếng má nó phá tan bầu không khí lặng lẽ nãy giờ.
“Tý, con dấu gì đó con!”
“Dạ, không có gì đâu má, khuôn hình của ba như là xiên xẹo.  Má khỏe chưa má.  Má ăn cháo không để con múc, chắc là em Tư đã nấu rồi.  Con xuống bếp bưng lên cho má nhe!”
Giọng má nó bây giờ lại nhẹ nhàng hơn:
“Con đem cái gói gì sau khuôn hình ba con lại cho má coi gì ở trỏng.  Con biết đó, mẹ con mình có gì dấu nhau đâu!”
Biết chuyện không ổn nó kéo dài hơn thời gian chờ đợi bị xử án, hi vọng mong manh là má nó sẽ quên.
“Má uống thuốc chưa má, con rót nước nóng cho má uống thuốc nhe!”
Má nó nói sau tiếng thở dài:
“Ùm! Chắc tôi chết quá, con cái nói hông nghe lời.  Biểu nó có một chuyện nhỏ mà nó cũng đánh trống lảng.”  Tới đây thì bà dằn từng tiếng: “Con đem gói gì sau khuôn hình lại cho Má, Má muốn coi đó là gói gì!”
Thằng Tý mặt mày sượng đỏ, nó ngó má nó, ngó khuôn hình ba nó rồi dợm cẳng bước ra cửa.
Má nó ngồi dậy, bà thở dốc rồi kêu lớn:
“Tý, mầy không vô cho má biểu thì má ngã xuống đây chết cho mầy vừa bụng….”
Bà nằm xuống giường thở nhiều hơn và gấp rút hơn, cố gắng rặn một chuỗi ho dài.
Thằng Tý quay lại, ngó mẹ mình, nó biết thân, khi bà đổi cách xưng hô là bà giận lắm rồi.  Nó đến bên giường mẹ sau khi vói lấy gói giày ra cầm tay.  Mẹ nó trong cơn giận chụp áo con đánh thùm thụp vô ngực nó mấy cái liên hồi, không cần đếm.  Mặt thằng con nghệch ra chịu đựng. 
Bà mẹ chưa hết giận, buông con, nằm nghiêng mình vô vách làm thinh.  Thằng Tý đứng một hồi lâu mới lay vai mẹ nó:
“Mẹ coi đôi giày Bata mới của con nè, con lén mẹ đập ống heo mua đó.”
Bà mẹ quay mặt lại.
“Vậy thì có gì phải dấu má?  Mua cũng được, nhưng sao con dại quá, để giày lên bàn thờ, con có biết như vậy tội với ông bà lắm không? Bàn thờ không chỉ thờ một mình ba con thôi, còn có ông bà nữa, những người đã tạo nên dòng họ mình.”
“Dạ con nghĩ là để sau tấm hình của ba thì không sao.  Như là vái ba giữ nó giùm cho con, khỏi bị ăn cắp.”
Bà  mẹ ngồi dậy, tóc tai hơi dã dượi, lòa xòa.
“Thôi cũng được đi, từ rày con khỏi cần dấu má nữa, để dưới chưn bàn thờ là được rồi.  Bàn thờ là nơi thờ cúng tổ tiên, không thể dùng cho chuyện khác…”
Bà ngó lên tấm hình chồng rồi nhìn mặt con, thằng nhỏ giống ba nó như đúc, mặt nó vẫn còn đỏ gay, nước mắt nước mũi chảy chèm nhèm.  Bà cảm động nắm cánh tay con, lắc lắc thân yêu.
“Sao hồi nãy con không chạy đi, đợi chiều tối lúc má hết giận con về?”
“Dạ, con sợ má chết! Má chết thì tội nghiệp lắm, nằm ngoài ruộng lạnh lẽo chỉ có một mình.”
Bà mẹ thút thít, bà nói nho nhỏ chỉ đủ một mình mình nghe: “Già rồi mà còn giận mất khôn! Bực thiệt.” Bà nắm tay con, tha thiết:
“Má xin lỗi con nha Tý! Má đánh con oan ức.  Má bậy lắm!”
Bức hình người đàn ông trên bàn thờ, mặt trẻ trung, áo lính tươm tất, cầu vai cài lon sĩ quan ngó xuống hai mẹ con, mỉn cười tươi tắn. 
A Lìn nghe hầu hết câu chuyện vừa xảy ra bên nhà thằng Tý.  Cách có một cái vách ngăn mong manh người bên nầy nói người bên kia lấy cặc bần nhét lỗ tai nghe cũng rõ.  Nó cười chúm chím, lấy tay đè lên ngực sợ thằng Tý biết được mình rình mò, nhưng cũng không thể cưỡng nổi việc nhóng lỗ tai đến gần vách hơn chút nữa.  Nó nói bâng quơ: “Thiệt là có hiếu! Có hiếu quá!”
 
Ông thầy giáo già thấy thằng Tý và thằng Tửng thân thiết với nhau, nên nhân dịp hai đứa đứng gần trong một giờ ra chơi nào đó, ông nói cà rỡn:
“Hai trò thân thiết như anh em vậy kể từ bây giờ thầy kêu trò Tý là A Tỷ cho phù hợp với anh trò là A Tửng vì A Tửng lớn tháng hơn...”  Thằng Tý không biết thầy mình có ý gì khi nói như vậy nhưng nó cũng thấy thích thích vì câu nói hàm ý thằng Tửng là anh của nó.  Chỉ vì một lý do giản dị: Thằng Tửng là anh của A Lìn.  Kể từ đó bạn bè cả trường đều kêu nó là A Tỷ.
Bữa nay thằng Tý cầm cái chén và cái chai qua tiệm Chú Xồi mua tương hột và nước mắm về cho má nó chưng cá.  Nó quen với chuyện nầy bao nhiêu năm nay rồi.  Mười bảy tuổi nó đã cao nghệu nhưng má nó cứ sai đi tiệm mua lặt vặt như thường.  Tiệm là nhà thằng Tửng, chú Xồi là tía của con Lìn, nhiều khi nó ở trần bận quần xà lỏn đi qua tiệm cũng không chút gì ngại ngùng.  Không thấy thằng Tửng ngồi ở bàn tài phú tay gõ bàn toán lốc cốc như mọi ngày, chắc là nó đi Chợ Lớn bổ hàng.  Cũng không thấy mặt chú Xồi thường chào nó bằng câu quen thuộc: “Hề hề A Tý! Ăn cơm chưa?”  Chỉ thấy con Lìn lo chuyện bán buôn.  Con nhỏ dở nắp khạp tương ra.  Nắp hơi nặng, mà một tay Lìn đương nắm một nắm tiền nên hơi khó khăn, thằng Tý đưa tay dở nắp khạp giúp con nhỏ.  Một con thằn lằn chết nằm ngửa bụng trắng hếu trên mặt tương đen xì lốm đốm nhiều chỗ nổi mốc meo.  ThằngTý đưa tay nắm đuôi con vật liệng mạnh ra xa trước khi con Lìn kịp biểu lộ sự sợ hãi.  Lần nầy chén tương được múc nhiều gấp đôi số tương những lần mua trước, nước mắm cũng được đong đầy gần tràn tới miệng chai.  Nó hỏi nhỏ:
“A Lìn có lộn không đó, hơi nhiều hơn những lúc tôi mua từ chú Xồi hay của A Tửng.”
Con Lìn ngó lên thằng Tý thiệt mau, má đỏ hồng, rồi cúi xuống nói nho nhỏ trong khi đậy nắp tĩn nước mắm rồi chùi tay vô cái nùi giẻ móc trên cây đinh đóng trên cột gần đó:
“Vừa bán vừa thêm! Chiều hơi tối tối A Lìn muốn gặp A Tỷ ở chỗ bụi tre đầu xóm.”
Thằng Tý run en lên, tới tuổi biết thích con gái mấy năm nay rồi, nó ngó điệu bộ con Lìn thì biết mình đã hạp nhãn con nhỏ.  Nó làm tỉnh gật đầu mà tim thiếu điều nhảy ra khỏi ngực…
Giòng đời lặng lẽ trôi qua.  Một xế kia lần đầu tiên con Lìn khóc trên vai thằng Tý:
“Ba năm nay mình thương nhau lén lút chỉ có A Tửng là biết thôi, A Chệt không biết gì hết.  Giờ đây có người ở Chợ Thiếc muốn đi cưới A Lìn.  Họ ngạc nhiên sao A Lìn lại quyết liệt cãi lời A Chệt, họ dò xét, cuối cùng biết chuyện của mình.  Chưa biết A Chệt sẽ tính sao, nhưng chắc chắn sẽ là rất dữ tợn vì bao lâu nay A Chệt luôn luôn nói rằng theo tục lệ của ông bà ở bên Tàu, người Tàu của A Lìn con trai thì được phép lấy vợ Việt Nam nhưng con gái thì bất cứ giá nào cũng không được lấy chồng Việt.  Con gái lấy chồng Việt là làm mất giống, là đại bất hiếu mà cha mẹ cô ta phải chịu trọng tội trước vong linh ông bà tổ tiên.”
Thằng Tý vuốt vuốt vai người yêu, không biết nói sao, chuyện đối với nó lớn lao quá nó chưa bao giờ nghĩ tới.
“A Lìn tiếc rằng mình không thể theo con đường ông bà mình vạch ra được vì A Lìn đã đi học trường Việt, đã sống bao lâu nay trong cái xóm nầy nên thấy gần gũi với người Việt hơn, thấy cái hố chưn voi phân cách hai bên là vô lý.”  Nó khóc thút thít:  “Nếu A Lìn làm vợ A Tỷ thì là chuyện bình thường, còn lấy ông tài phú ở Chợ Thiếc với cái bụng phệ tối ngày bận cái áo thun ba lỗ lòi rún, luôn luôn vắt vai cái khăn lông màu nước lèo mới là lấy người xa lạ.  Chắc chắn hai bên không hợp nhau, A Lìn sẽ không bao giờ thấy hạnh phúc.”
Mặt trăng chiếu mơ hồ khuôn mặt bụ bẫm huyền sử của A Lìn.  A Tỷ lấy hết can đảm vuốt nước mắt cho người yêu rồi rón rén đặt lên chỗ mới vừa lau khô một cái hôn ngọt lịm.  Gió lay động tàu lá chuối che khuất ánh trăng càng làm cho cảnh mờ ảo hơn.  Nó lần tay lên cổ mình gỡ sợi dây chuyền có tượng Phật nhỏ đeo cho A Lìn:
“A Lìn giữ tượng Phật nầy, dùng để cầu nguyện trong lúc khó khăn.  Để A Tỷ lạy má qua tiệm nói với chú Xồi xin cưới A Lìn.  Cũng chưa biết hai đứa làm gì để sống, nhưng cứ cưới nhau cái đã.”
Nụ cười buồn nở trên khuôn mặt xuân thì còn ngấn lệ:
“Vô ích thôi, A Lìn biết ý A Chệt.  Ông ta quí con gái, không bao giờ chịu người Việt Nam làm rể mình đâu.  Biết rể thảo là trai đó, mà A Chệt thì cứng đầu lắm, không chịu là không chịu, ai nói gì cũng chẳng thèm nghe đâu.  Đừng kêu Dì Ba qua mà Dì mang nhục tội nghiệp.”
Tiếng chuông chùa công phu buổi sáng đổ ngân nga, qua sương sớm như làm rung rinh ánh trăng.  Thằng Tý lòng mềm như bún thiu, bỗng nhiên nó muốn đi tu phứt cho rồi.  Chưa bước chưn vô đời đã thấy khó khăn làm nản chí anh hùng.
A Lìn đứng dậy mau mắn, nói như người lớn:
“A Chệt chỉ biết khát sống cho sướng, khát ăn uống cho ngon, khát có tiền thiệt nhiều, khát áp quyền uy lên con cái chứ chưa biết khát mang hạnh phúc lại cho con cái.  A Tỷ thấy đó, A Tửng bị ép lấy người anh ấy không thương lớn hơn mấy tuổi…”
Thằng Tý đi như mất hồn về nhà, lén lén mở cửa chun vô mùng má nó đã giăng sẵn.  Dì Ba thấy con đi suốt đêm biết là có chuyện nên chỉ đưa mắt ngó rồi thở dài.
Lát sau bên kia vách có tiếng đồ vật bị xô bể, có tiếng chưởi rùm beng của Chú Xồi bằng thổ âm Tàu, tiếng được tiếng mất chen  lẫn với tiểu nị lụ mụ, hầm cá sảnh…pha lẫn tiếng khóc và tiếng lý sự của A Lìn nói như hét bằng tiếng Việt:  “Người ta không xin tình yêu.  Chỉ là tình yêu của A Lìn trao mời cho người ta thôi.  Đừng bao giờ quên điều đó! A Chệt đừng nói chuyện giàu nghèo.  Cũng đừng nói chuyện chúng kọt, á nàm dành… Ai cũng là người không ai quí hơn ai.”
 
Chú đi về xóm cũ như người đi trong xứ xa lạ nào đâu mình chưa hề đặt chưn tới.  Loanh quanh giữa những khu nhà tường, khác xa với xóm nhà lá vách phên ngày xưa, chú nhận ra vài cây cổ thụ quen thuộc, cái mả đá vôi lâu đời và những con đường rẽ tuy có méo mó và hẹp hơn chút đỉnh vì bị lấn chiếm nhưng không khác hình ảnh trong ký ức chú là bao nhiêu.  Vườn cây kiểng của ngôi chùa chỗ chú nắm tay A Lìn lần đầu giờ là mấy cái nhà hàng với bảng hiệu bia Heineken, Tiger… xanh xanh đỏ đỏ và tiếng nhạc dâm dật xập xình.  Để tâm lắm mới nhận ra một phần chánh điện ngôi chùa giờ là trạm gác dân phòng, ngó vô trong thấy hai ba thanh niên đương nằm ngủ mê mệt, lăn lóc, phần kia là Cửa Hàng Lương Thực lèo tèo vài đống khoai lang mà bùn đất coi bộ còn nhiều hơn củ. 
Hỏi qua lại tới lui vài lần chú đứng trước nhà của bà Liên ngày xưa bán quán.  Khỏi cần quan sát thêm chú cũng biết đó là cái ót thân thuộc và những cử chỉ quen quen của A Lìn.  (Đã quen lung rồi mà, sao không nhìn nhau đặng?)  A Lìn mà chú phải bỏ xứ ra đi vì mối tình bị vướng vô lời nguyền chủng tộc đời cố Hỉ cố Lai nào đó xa xăm.
….“Hỏi nhỏ chuyện nầy nha A Lìn, không có ý gì hết, chỉ tò mò thôi.”  Chú ngó thẳng vô mặt người bạn gái ngày xưa.  “Cái tượng Phật vàng đeo trên cổ A Lìn hồi đó còn không?”
Bà Liên không đáp ngay, mà từ tốn đứng dậy, nói:
“Anh ngồi chơi uống nước, chờ Lìn chút, tới giờ triều lễ chiều rồi.  Một năm sau ngày anh đi biền biệt Lìn biết rằng tình yêu của mình không gột rửa được sự bất bình trong lòng anh.  Chắc chắn anh không quay về nữa, nên Lìn phát nguyện từ đó.  Tiếng kinh kệ chuông mõ làm vơi lòng buồn, nương bóng Phật để sống thảnh thơi an tại, đánh tan đi những thất vọng trước đó.”
Chú vói tay lấy tách nước nhâm nhi cho đỡ bối rối.  Nhà chật chội không có bàn thờ, cũng không thấy chuông mõ sao cô nầy lại nói chuyện triều lễ.  Rồi lại còn bất bình nầy thất vọng kia.  Khó hiểu quá!
Bà Liên mở tủ lấy ra một cái khuôn hình, dựng đứng lên, khuôn hình có lồng trong đó tấm giấy đỏ viết chữ Phật bằng quốc ngữ, tô đậm nét, chữ lớn chiếm hết tờ giấy.  Một cái chuông bán cà lem cây được đặt  trang trọng bên tay mặt, dưới một vuông vải nho nhỏ cũng màu đỏ, mõ và dùi để trước khuôn hình.  Bà vén tóc mai, mời chú uống nước một lần nữa rồi đi ra nhà sau rửa mặt, một lúc trở lên đã thay áo tràng màu dà, tới ngồi ngay ngắn trước khuôn hình, bắt đầu tụng niệm.  Thấy không khí quá trang nghiêm chú đứng dậy bước trái ra hiên.  Tiếng kinh tụng đeo đẳng chú tới ngoài nầy khiến chú mơ hồ nhớ lại lúc trẻ cầm tay A Lìn, tung tăng giữa những chậu kiểng uốn hình long lân qui phụng của ngôi chùa trong tiếng kinh kệ ê-a của những vị sư già.  Chú liếc xéo vô cửa, cảm thấy một chút xấu hổ và tội lỗi khi mắt mình nhìn kỹ lại đôi tay của người bạn gái năm xưa.  Bàn tay khô, ốm, đầy gân xanh, vẻ tươi mát đầy đặn của thời mới lớn tan biến không để lại chút vết tích nào. 
Thời kinh xong bà Liên dọn dẹp tất cả chuông mõ và khuôn hình, bước ra mời bạn vô nhà.
“Anh thấy đó, Lìn kinh kệ để lòng mình được bình thản, cho những hố chưn voi ngoài đời không tạo ra, cho những cái trong lòng người được tiêu tán.”  Không gian yên lặng một lúc thiệt lâu, mắt hai người ngó thẳng vào nhau, buồn buồn.  “Cầu hoài mà chỉ có lòng Lìn là thanh thản đôi chút còn chuyện bên ngoài thì có được đâu.  Biển Đông xao động vì những tranh cãi kéo theo sự thù hằn không đáng có của hai dân tộc láng giềng, nặng nề gấp triệu lần hố chưn voi trong lòng A Chệt của Lìn vì những lời dặn dò truyền kiếp xa xưa của ông bà ông vải mà mình không biết mặt.”
Bà Liên quệt thêm miếng vôi vô cái đuôi trầu, xếp xếp, ngó nhưng không bỏ vô miệng liền:
“Anh biết không, hồi đó A Chệt chưởi Lìn ương ngạnh, phản loạn, cứng đầu khi nghịch với truyền thống dân tộc.  Thiệt ra đâu phải vậy đâu, Lìn chỉ muốn phản ứng mạnh và chấp nhận chịu đựng sấm sét để thay đổi cách suy nghĩ của những người như A Chệt, ở nước người ta mà phân biệt kỳ thị người ta.  Đó là chưa kể A Chệt đã không thèm để ý gì tới chuyện hạnh phúc của con cái.  Nói xa hơn chút nũa là quá chấp mê hình tướng….”
Bà Liên bỏ miếng trầu vô miệng, nhưng vẫn chưa nhai, tiếp:
“À mà cái tượng Phật ngày xưa hả? Lìn giữ cho tới mới gần đây bị trộm vô nhà lấy mất.  Mà Lìn cũng không buồn làm gì.  Vật ngoại thân mà.  Mất tượng Phật đeo trên cổ, Lìn niệm Phật bằng cái khuôn hình viết chữ như anh thấy đó.  Tượng Phật anh tặng A Lìn tượng trưng cho tình yêu của anh dành cho Lìn, chính Cái Tình trong lòng anh mới đáng quý.  Chính Hình Ảnh Phật trong lòng Lìn mới đáng trọng.  Bây giờ thì Lìn thanh thản vì khi trẻ đã biết sống cuộc đời mình.  Lìn đêm nào nhìn bầu trời cũng thấy trăng sao đẹp đẽ, mây lúc nào cũng quang đãng trong xanh.  Lìn chẳng buồn giận gì anh đã bỏ đi, chẳng oán hờn gì A Chệt cố chấp.”
Chú thấy mình bôn ba bao nhiêu năm nay nhưng tư tưởng không bằng người bạn gái cũ, lòng mình chưa thanh thản, vẫn còn bị cái hố chưn voi chủng tộc do A Chệt để lại làm nặng lòng bằng sự sân hận, khiến đời chú oằn oại bao lâu nay.  Chú nhìn vẻ mặt thanh thản của A Lìn mà ước ao tâm mình bằng một góc tâm của người đàn bà nầy.  Người ngồi đó tình cảm với anh là tình cảm của A Lìn xưa nhưng con người đã đổi khác.  Cả chú nữa, già cỗi nhăn nheo.  Nói gì thì nói mọi chuyện đã dĩ lỡ, chúng mình là người-ngày-xưa của nhau, nhưng khó thể còn là người-xưa của nhau.  Chú ngó mông lung ra mấy cái nhà hàng bia ôm bia sờ gần đó, ngó Cửa Hàng Lương Thực xéo xéo bên kia để tìm về ngôi chùa xưa và tiếng chuông ngày cũ, cố kiếm một chút bình yên trong lòng, nhưng tìm hoài mà có được đâu.  Chú nghe tim mình như có cái gì cấn ngang, chú thở ra một hơi dài thườn thượt.
Và chú ngồi thừ ra đó dầu nhiều lần dợm cẳng muốn đứng dậy từ giã người tình xưa vừa mới gặp lại.   

Nguyễn Văn Sâm

Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.130 giây.