Sự ra đi của Bác sĩ Nguyễn Tường Bách ngày 11/5/2013 tại Fountain Valley , Orange County, California, hưởng thọ 97 tuổi, đã hoàn toàn kết thúc cuộc chiến tranh Quốc-Cộng 1945…(về phe Quốc Gia). Phe Quốc Gia ở đây được định nghĩa là những người chống lại lý thuyết Mác Xít, chống lại Cộng sản. Phe Cộng sản thì vẫn còn một người thuộc thành phần lãnh đạo từ thời 1945 là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cũng nên biết thêm, cụ Bách là cộng tác viên thân cận của nhóm Tự Lực Văn Đoàn từ ngày nhóm này ra số báo Phong Hóa đầu tiên (thời gian này nhóm chưa lấy tên là TLVĐ).
Về quân sự cụ Võ Nguyên Giáp đi trước cụ Bách. Vào năm 1944 trong khi cụ Bách mới tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội thì theo tài liệu của Cộng sản, vào ngày 22-12-1944 tại Cao Bằng cụ Giáp thành lập Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của quân đội nhân dân Việt Nam) tại chiến khu Trần Hưng Đạo, lúc đó có 34 người được trang bị 2 súng ngắn, 17 súng trường, 14 súng kíp và duy nhất một súng máy. Nhưng không có tài liệu hay chứng cớ nào cho thấy sau đó lực lượng vũ trang vài chục người đó được phát triển nhiều hơn. Lịch Sử đảng Cộng sản cũng thừa nhận sau khi Nhật thất trận, các tù nhân chính trị được chính phủ Trần Trọng Kim trả tự do, trong đó có cả những tù nhân cộng sản, thì số lượng đảng viên cộng sản chỉ khoảng 5 ngàn người. Đấy là con số do cộng sản công bố; con số thực có lẽ ít hơn nhiều.
Phe Quốc gia gồm Việt Nam Quốc Dân Đảng, và Đại Việt có lẽ số đảng viên cũng không nhiều hơn. Lúc đó Bác sĩ Nguyễn tường Bách sáng lập lực lượng Quốc Gia Thanh Niên Đoàn, đồng thời chỉ huy lực lượng quân sự của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Bác sĩ Bách cũng thú nhận số đảng viên và lực lượng vũ trang của Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng không nhiều và so với lực lượng của cộng sản có phần yếu hơn (xem hồi ký Việt Nam Một Thế Kỷ Qua và tập truyện Trên Sông Hồng Cuồn Cuộn của Ng. Tường Bách).
Do tình cờ lịch sử, cả hai cụ Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Tường Bách đều có một số điểm tương đồng. Trước tiên, cả hai cụ cùng ở vị trí lãnh đạo cao cấp của hai lực lượng chống đối nhau thời 1945: Cụ Bách ở Việt Quốc, cụ Giáp ở Việt Minh, một tổ chức của Cộng Sản dựng lên để thu hút thành phần yêu nước cũng tương tự như tổ chức Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam sau này được Cộng Sản Miền Bắc lập nên năm 1960, trá hình là một tổ chức yêu nước của nhân dân miền Nam. Cả hai cụ đều là nhân vật lãnh đạo lực lượng vũ trang của tổ chức của mình. Và thật lạ lùng, cả hai cụ cùng trường thọ và là hai vị cuối cùng thuộc giới lãnh đạo cao cấp trong cuộc tranh chấp Quốc Cộng 1945. Bác sĩ Bách vừa mãn phần ở tuổi 97; cụ Võ Nguyên Giáp vẫn còn sống và đã 103 tuổi.
Cả hai cụ cùng là trí thức tiểu tư sản. Cụ Võ Nguyên Giáp xuất thân cử nhân luật và là giáo sư sử tại trường trung học Thăng Long, một trường trung học nổi tiếng vì có nhiều giáo sư nổi tiếng nhất Hà Nội thập niên 1930. Trong thời gian đó cụ Nguyễn Tường Bách học đại học Y khoa Hà Nội và tốt nghiệp Bác sĩ năm 1944, ở tuổi 28, cùng lớp với Giáo Sư Thạc Sỹ Y Khoa Trần Đình Đệ, cựu Khoa trưởng Đại học Y khoa miền Nam. Cụ Võ Nguyên Giáp lớn hơn Bác sĩ Bách 5 tuổi nên hoạt động chính trị có lẽ trước Bác sĩ Bách cũng khoảng từng ấy năm. Vào thập niên 1930 – 1940 thanh niên Việt Nam hoạt động trong các tổ chức bí mật chống Pháp ở tuổi rất trẻ. Trong hồi ký Việt Nam Một Thế Kỷ Qua ( hồi ký VNMTKQ) ở trang 36, cụ Bách cho biết tinh thần cách mạng chống Pháp của học sinh trường Bưởi như sau, “một bạn học năm thứ ba (ghi chú của người viết, tức là mới lớp 8) có đến tìm tôi (ghi chú của người viết, lúc đó cụ Bách mới 13 tuổi và học lớp 6), và đưa một tờ truyền đơn ký tên là “Thanh Niên Ái Quốc,” rủ tôi vào một tiểu tổ lúc đó thành lập ngay trong trường. Tôi ngỏ ý tán thành.” Sau này, Bác sĩ Bách khởi đầu hoạt động chính trị từ thời còn là sinh viên y khoa trong đảng Đại Việt Dân Chính do nhà văn Nhất Linh là anh ông thành lập khoảng 1939.
Cả cụ Võ Nguyên Giáp lẫn Bác sĩ Bách đều không được huấn luyện quân sự mà đều được tổ chức của mình trao nhiệm vụ lãnh đạo quân sự. Điều đó cho thấy lực lượng quân sự của cả hai bên lúc đó đều không đủ mạnh để đương đầu với thực dân Pháp. Cụ Bách từng cười mà nói với tôi, “Chú là bác sĩ mà anh em giao cho chỉ huy quân sự thì đủ hiểu là lực lượng mình không mạnh!”
Cả hai cụ đều là đại biểu trong Quốc Hội khóa 1 năm 1946. Cụ Giáp là đại biểu của Cộng sản (núp dưới danh xưng Việt Minh). Bác sĩ Bách là đại biểu của Việt Quốc.
Trong chính phủ Liên Hiệp Quốc Cộng cụ Giáp giữ chức Bộ Trưởng Nội Vụ. Bác sĩ Bách tuy không tham gia chính phủ Liên Hiệp nhưng khi tôi hỏi vấn đề này thì Bác Sĩ Bách cho biết cụ đã có hai người anh tham gia chính phủ Liên Hiệp với tư cách Bộ Trưởng rồi, đó là nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam là Bộ Trưởng Ngoại Giao và nhà văn Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long làm Bộ Trưởng Kinh Tế nên đảng Việt Quốc trao cho cụ trọng trách tổ chức nội bộ đảng. Nhưng cụ cũng cho biết trong công tác chính phủ hàng ngày cụ cũng tham gia với tư cách đại biểu của Việt Quốc, do đó cụ cũng nhiều lần trực tiếp gặp cụ Hồ Chí Minh và cụ Võ Nguyên Giáp cũng như các thành viên khác của Cộng Sản trong Quốc Hội và Chính Phủ.
Cả hai cụ đều là những nhân vật lãnh đạo cuối cùng của tổ chức của mình còn sống sót từ thời 1945 cho tới đầu thế kỷ 21. Bác sĩ Bách tuy khoảng hai năm cuối sức khỏe đã yếu, không đi lại được, nhưng tinh thần vẫn còn minh mẫn, vẫn còn trả lời những câu hỏi liên quan tới các hoạt động văn hóa của TLVĐ và các hoạt động vũ trang chống Cộng thời 1945 cho tới lúc cụ và lực lượng Việt Quốc thất bại phải bôn tẩu sang Trung Quốc năm 1946.
Trong hai, ba tháng cuối trước khi qua đời Bác sĩ Bách tuy còn tỉnh táo nhưng đã kém trí nhớ; cụ quên cả tên những người cháu tới thăm cụ, ngay cả tôi cụ cũng không nhớ tên, chỉ biết là cháu gọi bằng chú. Thời gian này chỉ kéo dài vài tháng và Bác sĩ Bách không phải trải qua giai đoạn dùng dụng cụ trợ sinh (life support) trước khi qua đời. Như thế Bác sĩ Bách đã có một sự ra đi mau mắn của người già, một điều mà những người già đều mơ ước. Đây là một may mắn cho cụ.
Cụ Võ Nguyên Giáp không may mắn bằng. Tuy “còn sống” nhưng nghe nói từ lâu cụ Giáp đã không còn biết gì hết, phải dùng dụng cụ trợ sinh (life support).
Là em út trong gia đình Nguyễn Tường, cụ Nguyễn Tường Bách đã là một trong những cây bút trẻ nhất góp mặt trong những số báo Phong Hóa đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn. Lúc đó cụ mới 17 tuổi, chưa xong trung học. Tôi hỏi cụ, “Lúc đó chú tới tòa báo với tư cách một chú em nhỏ tới chơi xem các anh của chú làm báo hay chú tới với tính cách ngang hàng của người cộng tác?” Cụ nói, “Tuy lúc đó chú nhỏ, nhưng chú tới với tính cách người cộng tác; chú viết mà.”
Tuy sau này khi từ giã gia đình ra đi làm cách mạng, Bác sĩ Bách ở hoàn cảnh một gia đình khá giả như chàng Dũng trong Đoạn Tuyệt hay Đôi Bạn, hai cuốn tiểu thuyết của Nhất Linh, nhưng khởi đầu cụ Bách sinh ra trong một gia đình nghèo. Có thể nói là cực nghèo (xem hồi ký về Gia Đình Nguyễn Tường của cụ Nguyễn Thị Thế, em gái cụ Nhất Linh). Tuy ông nội cụ làm tri huyện (tương đương quận trưởng hay chủ tịch huyện) Cẩm Giàng, nhưng qua đời đã lâu và gia đình trở nên túng quẩn. Bố cụ Bách lại hầu như cả đời không làm gì để nuôi gia đình. Mãi gần cuối đời bố cụ mới đi làm thông ngôn tòa sứ bên Lào. Theo gia phả bên họ Lê, tức bên họ mẹ các anh em Nguyễn Tường thì “ông Nhu làm thông ngôn ngạch tòa Công sứ”. “Ông Nhu” ở đây chính là bố của các cụ Nguyễn Tường. Bố các cụ không phải làm người bẻ ghi (người gác) ga xe lửa Cẩm Giàng như một số sách sau 1975 viết. Hồi ký của cụ bà Thế ở trang 48 cho biết bố các cụ làm thông ngôn cho ông Công Sứ Hải Tường một thời gian. Sau đó ông ta được đổi sang làm Công Sứ tỉnh Sầm Nứa bên Lào. Năm 1917, tình cờ gặp lại ông Công Sứ đó ở Hà Nội, ông Công Sứ mời bố các cụ sang làm thông ngôn cho ông ở bên Lào và ngày 31-8-1917 bố các cụ lên đường (hồi ký của cụ Thế trang 59). Nhưng bố các cụ chỉ làm được tám tháng thì qua đời vì bạo bệnh.
Kể từ đó gia đình 9 người gồm mẹ, 7 anh chị em và bà nội chỉ trông vào việc buôn gạo của mẹ cụ. Trong hồi ký VNMTKQ ở trang 8, cụ Bách viết, “Cảnh nghèo nàn thiếu thốn trong gia đình, dù mẹ tôi và bà tôi cố gắng xoay sở, cũng chưa giải quyết được vì đông con.” Trang 30, cụ lại viết về việc người con gái duy nhất trong gia đình, là chị Thế của cụ, không được đi học vì nhà nghèo, “Trong lúc gia đình khó khăn chị không được đi học nữa và về nhà giúp mẹ trong việc buôn bán…Chị cần cù đảm đương mọi việc trong gia đình, đã giúp đỡ không ít để các anh em yên tâm học hành, làm việc.”
Cảnh nghèo khiến nhiều năm gia đình Nguyễn tường không ăn tết. Trang 57 của hồi ký cụ Thế ghi, “Tết năm nay nhà không gói bánh chưng. Bà ngoại thấy tôi hỏi nhà cháu đã gói bánh chưa, tôi đáp thưa bà năm nay mợ cháu không có tiền nên không gói ạ.” Chẳng những không có tiền ăn tết mà mẹ các cụ có năm còn phải trốn nợ vào ngày cuối năm. Sau này vì lý do tuyên truyền chính trị, cộng sản lên án Tự Lực Văn Đoàn có cái nhìn xã hội của những kẻ thuộc giai tầng “bên trên” nhìn xuống.
Thực ra không phải vậy. Quan niệm xã hội của anh em Nguyễn Tường trong Tự Lực Văn Đoàn đã hình thành từ cái huyện Cẩm Giàng nghèo khổ, cực kỳ nghèo khổ mà gia đình Mẹ Lê trong truyện của Thạch Lam là điển hình và gia đình các nhà văn này cũng không khá hơn các gia đình nghèo trong phố huyện, nơi theo sự kể lại trong gia đình và trong các hồi ký, chỉ có mấy gia đình giầu là gia đình mấy “chú Tầu” chủ tiệm trên phố chính của huyện. Có thể nói vào thời đó, gần như cả huyện Cẩm Giàng đều nghèo như Nhà Mẹ Lê cho nên ngoài anh em nhà Nguyễn Tường không gia đình nào có con ra khỏi phố huyện sau khi “tốt nghiệp” sơ cấp (ba năm đầu của bậc tiểu học) để tiếp tục học cao hơn. Trong hồi ký VNMTKQ, ở trang 9, cụ Bách mô tả cái nghèo của dân huyện Cẩm Giàng, ” chung quanh, cảnh nghèo khổ, tiêu điều trong các gian nhà lụp xụp, cảnh chân lấm tay bùn của nông dân cặm cụi trên đồng ruộng lầm lội; những người chỉ có một cái khố che thân, cảnh chợ phiên lèo tèo…tất cả những cái đó đã ăn sâu vào trí óc chúng tôi. Về sau đã thúc dục chúng tôi muốn viết lên, muốn làm một cái gì để thay đổi tình trạng đó.” Bà chị gái của cụ, bà Thế, ở trang 53 hồi ký của riêng mình cũng ghi, “Xóm chợ gần nhà tôi toàn là người làm ruộng quê ở Hà Nam, Phủ Lý vì bị lụt lội không đủ sống nên đưa nhau đến đây. Đa số gia đình làm nghề đi kéo xe hoặc làm mướn như nhà bác Đối, đánh cá vớt tép như nhà bác Lê và còn nổi tiếng nghèo vì quá đông con.” Truyện ngắn Nhà Bác Lê nổi tiếng của Thạch Lam chính là dựa trên chuyện thực của gia đình bác Lê này. Và gia đình Nguyễn Tường cũng không khá hơn những gia đình trong xóm. Trong mấy tạp chí địa phương của Cẩm Giàng ngày nay, người dân địa phương cũng xác nhận cha ông họ thời trước 1945 thật là nghèo, không có tiền gửi con đi học ở bên ngoài phố huyện, nên toàn huyện không có người đỗ đạt, ngoại trừ mấy anh em nhà Nguyễn Tường. Cơ ngơi gọi là “Trang trại Nguyễn Tường, TLVĐ” tại Cẩm Giàng được tạo lập sau này, sau khi mấy anh em nhà Nguyễn Tường đã thành đạt ở Hà Nội, giúp mẹ trở về Cẩm Giàng lập trại để an dưỡng tuổi già (xem hồi ký về gia đình Nguyễn Tường của Nguyễn Thị Thế).
Anh em nhà Nguyễn tường sống trong hoàn cảnh gần như đáy cùng xã hội. Ở trang 54 cuốn hồi ký, cụ bà Thế viết tiếp, “Những năm mất mùa đói kém, xe kéo chẳng ai đi những gia đình này bữa cơm bữa cháo. Nhà tôi chưa phải ăn thiếu nhưng cũng chả giầu gì hơn họ.” Từ hoàn cảnh gần như đáy cùng xã hội đó, anh em Nguyễn Tường của cụ đã vươn lên qua sự thông minh và quyết tâm, và nhất là quyết tâm của một bà mẹ tuyệt vời. Trong hồi ký VNMTKQ, ở trang 30-31, cụ Bách vừa mô tả cái nghèo của gia đình vừa mô tả sự quyết tâm nuôi con ăn học của mẹ cụ qua đôi câu “cãi nhau” giữa mẹ cụ và Thạch Lam, ““Lâu nay không biết mày làm gì? Nhà đương túng bấn mà sao không mang được một đồng về? – Có lẽ vì anh bỏ trường rồi chưa làm việc gì. So với các anh lớn, có thể anh không làm cho mẹ vừa lòng lắm. Hai mẹ con cãi cọ một lúc, rồi không biết sao cả hai đều khóc. Ngạc nhiên, chúng tôi chạy ra ngoài. -Con xin lỗi mẹ, con sẽ đi làm.” Anh vừa nói vừa gạt nước mắt, trông cũng đáng thương. Chắc anh nghĩ rằng mình cũng chưa làm gì giúp mẹ. -Ừ thì mẹ cũng tha lỗi cho con. Nếu muốn đi học, thì dù thiếu thốn, cả nhà cũng sẽ giúp.”"
Tất cả mấy anh em của cụ từ những năm đầu đi học đã học ở ngôi trường duy nhất, chỉ có bậc sơ cấp (3 lớp đầu bậc tiểu học) trong cái huyện Cẩm Giàng cực kỳ nghèo khổ đó. Như đã kể, dân huyện quá nghèo, không ai đủ điều kiện cho con cái theo đuổi sách đèn ở mức vượt khỏi lũy tre làng. Chỉ có mấy anh em cụ, nhờ quyết tâm của bà mẹ, là thoát khỏi sau bậc tiểu học để lên Hà Nội tiếp tục theo đuổi sách đèn. Mẹ các cụ, sau khi chồng mất, một mình phải lo kiếm tiền nuôi gia đình tổng cộng 9 miệng ăn kể cả mẹ chồng. Để vượt qua nhiệm vụ khó khăn đó, mẹ các cụ rất cương quyết, cho các con bỏ việc mặc áo tang cho hết sầu thảm, không khóc lóc để có tinh thần mà làm ăn. Ở trang 52 hồi ký cụ Thế, có ghi: ” Em Bẩy lúc đó mới có ba tuổi bà tôi cũng bắt đội khăn sô, tôi thì đầu chẳng có tóc cũng phải chít khăn như người lớn, quần may bằng vải chàm trông y mán vậy. Mẹ tôi bắt bỏ hết bảo chúng nó còn bé bắt để tang chi trông sầu thảm. Bà nội khóc thì mẹ tôi nói người chết đã yên phận rồi, bây giờ bà phải thương các cháu lo sao cho khỏi chết đói, để yên con phải lo buôn bán chứ cứ ngồi khóc hoài sao, người chết cũng chả sống lại được mà người sống thì chết đói.”
Mẹ các cụ là người bà mà thế hệ chúng tôi luôn ngưỡng mộ là một phụ nữ rất cứng rắn và cương quyết trong mục tiêu theo đuổi, nhưng lại rất dịu dàng với các con cháu. Mục tiêu theo đuổi cả đời của cụ là sự học của các con trai. Khi cụ mang cốt của phu quân từ bên Lào về chôn tại Cẩm Giàng, cụ mẹ chồng nghĩ phải tìm ngôi đất nào cho phát phú ngay chứ nghèo quá đi thôi (Hồi ký cụ Thế trang 64). Nhưng cũng chính trang hồi ký này ghi, “Thầy địa lý cho mời mẹ tôi tới bàn cãi bà muốn phát phú thì con cháu học dốt, hay quý và thọ thì nghèo, bà tính sao. Mẹ tôi nói ngay quý và thọ thôi chứ phú trọc mà làm gì.” Chẳng biết có phải nhờ ông thầy địa lý người Tầu đặt mộ hay không mà sau này mấy anh em ông đều phát Quí như độc giả đều biết (nhưng không phát Phú). Mặc dù nghèo gần như không đủ ăn, nhưng với chuyện học của các con thì cụ hết lòng, kể cả phải cho tiền mua sách từ bên Pháp về cho các con học. Và may mắn thay các con cụ đều học giỏi, người nào cũng từng nhiều lần đứng nhất lớp, nhất trường, hay nhất cuộc thi và cũng từng thi nhẩy hai lớp ở bậc trung học, rút ngắn được khá nhiều thời gian và tiền bạc. Trang 62 hồi ký của cụ Thế ghi, “Các anh tức lắm về bàn với mẹ tôi gửi mua bên Pháp đủ các thứ sách đem về học gấp. Năm sau đổi tuổi đi thi đậu thành ra đỡ được hai năm, đỡ tốn bao nhiêu công lao và tiền bạc. “
Mấy anh em của cụ rất quyết tâm và thông minh nên thường chiếm giải nhất hay học thi nhẩy lớp. Từ anh Cả, hầu như cụ nào cũng học nhẩy hai lớp (hồi ký cụ Thế trang 62). Trang 62 của cuốn hồi ký cụ Thế cũng ghi muốn học vượt lớp thì phải đổi giấy khai sinh cho thêm tuổi. Từ hồi bé, trong gia đình, nhiều lần tôi đã nghe chuyện tất cả các chú bác và bố tôi đều học giỏi nên phải khai thêm tuổi để đi thi, tôi thường thắc mắc làm thế nào để các anh em của bố tôi đổi tuổi? Mới đây, đọc kỹ trong hồi ký của cô tôi, ở trang 72, cụ Thế đã ghi, “Thỉnh thoảng chúng tôi lại sang chơi bên ấp Phiên Đình là ấp có ông lý trưởng đã đưa cả triện lý trưởng cho mẹ tôi muốn đóng vào đâu thì đóng. Chắc hẳn ông không thể ngờ được cái triện đó đã giúp cho mấy nhà văn nổi tiếng trong văn học sử sau này.” Hóa ra, để đổi tên, đổi tuổi của mấy anh em nhà Nguyễn Tường, bà nội tôi cứ lấy cái triện của ông lý trưởng ấp Phiên Đình, huyện Cẩm Giàng mà “ịn” vào giấy khai sinh mới do chính cụ làm lại là xong(?) Cụ Bách cũng nhẩy hai lớp, và thường được giải nhất cuối năm. Phần thưởng mang về phải chở bằng xe kéo. Nghe vậy anh em chúng tôi thấy thực dân Pháp tuy thế mà rất chuộng sự học, cho dù là sự học của dân bản xứ.
Việc học của cụ Bách thật buồn cười, và sự đối xử của mẹ cụ cùng các anh cụ đối với việc học của cụ cũng rất thoáng; có thể nói là quá thoáng so với cả tiêu chuẩn giáo dục gia đình bây giờ. Theo dõi việc học của cụ Bách ở bậc trung học thôi cũng giúp hiểu thêm về sinh hoạt của Tự Lực Văn Đoàn ngay từ buổi đầu ra báo Phong Hóa. Năm 1929 cụ Bách thi vào trường Bưởi và đỗ thứ 28 trong khi nhà trường chỉ lấy có 130 người trong số rất đông học sinh dự thi. Cụ đỗ cao nhờ bài Pháp Văn (hồi ký VNMTKQ trang 33 và 35).
Nhưng ngay trong ngày khai trường, cụ Bách đã cảm thấy một bầu không khí ngột ngạt, khó thở, mà cụ cho là bầu không khí thực dân. Ở trang 35 cụ viết, “Một bầu không khí thực dân…tôi nghĩ. Tôi liên tưởng đến những truyền đơn, báo bí mật và những tiếng đồn về các hội kín chống Pháp…Từ ngày ấy, đối với nhà trường, tự nhiên tôi đã không có thiện cảm.” Cuối cùng, sau khi mới lên năm thứ hai, tương đương lớp 7 ngày nay, cụ bỏ trường về Cẩm Giàng tự học thi Tú Tài Tây. Ở trang 41 hồi ký VNMTKQ cụ viết, “1931. Suy nghĩ vài tháng rồi, tôi lấy một quyết định mạo hiểm: bỏ học về nhà. Tôi sợ nói ra, mẹ tôi và các anh chị sẽ phê bình tới tấp và sẽ ngăn cản. Vì có ai dại mà bỏ đi một trường học tốt như vậy, không dễ thi vào. Và nếu tự học thì có làm nổi không, bằng Tú Tài đâu phải dễ lấy; mà tôi lúc này mới lên năm thứ hai.”
Gia đình cụ rất phóng khoáng, ngay cả trong việc học của con cái là việc quan trọng nhất trong mọi gia đình. Trang 44, cụ ghi nhận, “Khác hẳn với dự đoán của tôi, các anh tôi chẳng ai cho là việc đáng bàn, còn mẹ tôi sau khi do dự, cũng bằng lòng: “-Ừ thì mày về nhà mà học lấy. Nhưng phải chăm mới được.”
Năm 1933 cụ thi Tú Tài Tây phần thứ I và trượt. Tưởng cũng nên nhắc lại, năm 1929 cụ Bách mới thi đỗ vào năm thứ nhất trường Trung học Bưởi, tức là vào lớp 6. Năm 1931, ở năm lớp 7 cụ xin bỏ học để về Cẩm Giàng tự học. Thế mà năm 1933, tức là đáng lẽ mới hết lớp 9 (đệ tứ niên trường Bưởi) cụ đã đi thi Tú Tài Tây phần thứ nhất, tức là vượt 2 lớp (10, 11). Các anh em khác đều học vượt hai lớp như cụ. Mặc dù thi trượt nhưng cụ cũng đã đỗ phần thi viết, tức là đỗ các môn chính. Và cụ chỉ bị trượt vì vào vấn đáp môn Anh Văn. Anh văn cụ tự học nên phần phát âm sai hoàn toàn. Cũng trang 57 cụ kể, “gặp giám khảo hắc búa, bắt tôi đọc một một đoạn truyện “David Copperfield” của Dickens. Tôi gân cổ đọc, còn ông chỉ ngồi cười. Sau tôi mới hiểu, vì ông nghe chẳng hiểu gì hết với cái tiếng Anh lạ tại của tôi. Tất nhiên là trượt, về nhà học lại.” Đọc tới đây tôi lại nhớ tới kinh nghiệm của chính tôi. Năm 1962, tôi học đệ tam Hồ Ngọc Cẩn, Gia Định, thi nhẩy tú tài I, cũng đỗ thi viết, rồi vào vấn đáp cũng trượt vì vấn đáp tiếng Anh. Ông giám khảo nói tiếng Anh với tôi rằng, “tiếng Anh của anh khiến tôi thất vọng”. Như vậy chế độ thi cử của Pháp tuy khó về nội dung nhưng lại rất mềm dẻo về thủ tục, học sinh muốn thi là nộp đơn thi, không cần học bạ gì cả. Nhưng tại sao lại có vấn đề giới hạn tuổi đi thi thì tôi chưa tìm hiểu được. Tới thời Việt Nam Cộng Hòa thì thủ tục có khó hơn một chút, là muốn thi Tú Tài I thì phải có giấy đã học lớp 11 của một trường tư hay của bất cứ một tư nhân nào có bằng cử nhân chứng nhận. Việc chứng nhận chỉ cần ký tên rồi mang công chứng chữ ký, thủ tục không quá vài phút. Chế độ thi cử hiện nay thủ tục không được dễ như vậy, chặt chẽ hơn, nhưng trình độ học sinh lại kém hơn nhiều.
Một điều đáng ghi nhận là chính cái năm thi trượt Tú Tài phần I (hè 1933), tức là đáng lẽ mới học lớp 9, cụ Bách đã bắt đầu tham gia viết báo, làm thơ trên tờ Phong Hóa. Ở trang 57 hồi ký VNMTKQ, cụ viết: “Năm đó, thi bằng Tú Tài phần thứ nhất, tôi đã “trượt vỏ chuối,” tuy đã cuốc bở hơi tai trước kỳ thi.” Ở trang 58, cụ Bách viết tiếp, “Thế là lại phải cuốc một năm nữa…Cũng may, năm ấy, tôi bắt đầu bước vào nghề viết báo, làm thơ, nên thì giờ cũng dễ trôi qua.”
Năm sau, 1934 cụ mới đỗ Tú Tài Tây phần I nhờ ông giám khảo thi vấn đáp tiếng Anh không quá khó. Như vậy sau hai năm học trong trường và ba năm tự học vất vả mới đỗ được Tú Tài Tây phần thứ I, cụ thấy không tự học được nữa mà phải vào trường. Và cụ không trở lại trường Bưởi mà xin vào trường tây Albert Sarraut. Ở trang 55 hồi ký VNMTKQ cụ kể: “Một cách chật vật, tôi cũng qua được phần thứ nhất bằng Tú Tài Tây…Nhưng phải đối diện với phần thứ hai làm sao đây? Theo ý kiến của các bạn, muốn ăn chắc, nên xin vào học trong trường Trung Học Albert Sarraut.” Ông viết tiếp, “Mùi thực dân của trường này tất sẽ nặng nề, nhưng đành phải chịu.”
Ông giỏi triết và học thi Tú Tài Triết. Trang 59 ông kể, “Vì trước kia, tôi đã ưa đọc những sách triết học, nên được giáo sư dạy môn triết mến, những tác văn của tôi thường thường ông chỉ sửa chữa rất ít và khuyến khích.” Trong nói chuyện riêng tư cụ kể nửa năm đầu cụ vất vả vì tiếng Pháp thua đám học sinh gốc của trường và thua đám tây, đầm. Nhưng nửa năm sau thì cụ vượt lên đứng đầu. Cụ viết ở trang 55 hồi ký VNMTKQ: “Cuối năm, dù không dốc hết sức để ôn tập các bài vở, nhưng may mắn tôi cũng được giải nhất trong lớp và tương đối dễ dàng qua được phần thứ hai bằng Tú Tài…” Vị giáo sư Triết người Pháp rất thích cụ và cứ ngỡ sau này cụ sẽ theo ban triết trên đại học.
Như vậy cụ đỗ Tú Tài phần II vào năm 1935. Nhưng tại sao, mặc dù học giỏi, mãi 9 năm sau, năm 1944, cụ Bách mới đỗ Bác sĩ. Từng có nhiều dịp gần gũi cụ mà chúng tôi không để ý tới chi tiết này để hỏi. Thời gian này gia đình cụ đã vươn lên tới mức bề ngoài cũng không thua kém gia đình nào; mấy anh đầu đã đi làm có chức phận. Đặc biệt anh Tam của cụ (Nhất Linh) đã tốt nghiệp cử Nhân khoa học ở Pháp về và thành lập báo Phong Hóa.
Tuy gia cảnh đã thăng tiến cả về kinh tế lẫn tiếng tăm, nhưng cụ Bách lúc nào cũng đau nỗi đau “không duyên cớ” của chàng Dũng trong Đoạn Tuyệt & Đôi Bạn, hai tác phẩm của Nhất Linh được giới trẻ thời đó ưa thích. Cái nỗi đau không rõ ràng vì không liên hệ trực tiếp tới cuộc sống của bản thân và gia đình mình. Nhưng lúc nào cụ cũng suy nghĩ, muốn làm một cái gì đó…không rõ ràng. Có thể nói, tâm trạng của cụ Bách lúc đó là tâm trạng chung của giới trẻ ở cái thời có nhiều cuộc chuyển mình của đất nước từ sau cuộc khởi nghĩa bất thành đưa tới đoạn đầu đài của lãnh tụ Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí của ông trong Việt Nam Quốc Dân Đảng. Cái tâm trạng đó chắc chắn cũng là tâm trạng của Nhất Linh từ thời rất trẻ và ông đã đưa được vào văn chương. Tất cả những điều này đã được cụ Bách mô tả ở trang 32 hồi ký VNMTKQ: “Sau 1925, là một giai đoạn rung động mạnh trong xã hội Việt Nam và cũng rung động đến cả tầng lớp học sinh nhỏ…Những tiếng đồn về các hội kín chống Pháp, về những truyền đơn bí mật như tờ “Hồn Nước”, in bằng thạch mà chúng tôi truyền nhau đọc, những cuộc bãi công, biểu tình, cái tên Nam Đồng thư xã v.v… đều ít nhiều khơi dậy lòng yêu nước của những tâm hồn trẻ thơ.” Và rồi cụ thể hơn, cụ viết rằng, chính cái đêm khởi nghĩa của Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng mà các anh em cụ chứng kiến, hồi hộp theo dõi tại Hà Nội đã ảnh hưởng và tạo nên Nhất Linh và Tự Lực Văn Đoàn sau này. Ở trang 37 hồi ký VNMTKQ, cụ Bách viết, “Một ngày tháng 2 năm 1930. Buổi tối, độ chín mười giờ…Bà, mẹ tôi đã đi ngủ. Nhớ lại còn ngồi trên gác đọc sách có anh Tam (Nhất Linh), anh Sáu (Thạch Lam) và tôi. Anh Cả đi làm ca đêm vắng nhà. Chung quanh im lặng. Bỗng đột ngột, vẳng từ xa đến mấy tiếng nổ, xem ra lớn hơn tiếng súng thường. Tiếng gì đây? mọi người sửng sốt. Súng? Bom, tạc đạn? Trong thời kỳ bất thường này chúng tôi nghĩ ngay tới một cuộc nổi dậy. Anh Tam chạy ra phía cửa sổ, hé mở cánh cửa nghe ngóng. Vài tiếng nổ thêm, lác đác. Trong thâm tâm, chúng tôi hi vọng đây sẽ là một cuộc tấn công lớn của cách mệnh; đều khát vọng cuộc khởi nghĩa sẽ đưa tới chấm dứt sự thống trị hung tàn của thực dân, dành được độc lập tự do cho dân tộc. Tiếng nổ hình như vọng tới từ trên, phía bờ sông. Nhưng rất nhanh, im lặng lại trở lại…Anh em chúng tôi chờ đợi một thời gian, không thấy có động tịnh gì khác, lại đặt mình xuống giường. Không ai nói với ai một câu nào, những đều biết là suốt đêm trằn trọc không ngủ được. Có lẽ ai cũng đã cảm thấy thất vọng sâu xa…Mặc dầu thất bại, nhưng tấm gương anh hùng ấy vẫn luôn in mãi trong trí óc anh em chúng tôi.” Và ở trang 39, cụ kết luận về ảnh hưởng của cái đêm “cách mạng Nguyễn Thái Học” đó đối với xã hội nói chung và đối với TLVĐ sau này như sau, “Tinh thần này không những sẽ phản ảnh trong các cuộc cách mệnh sau này, mà còn sẽ phản ảnh về các lãnh vực văn hóa, xã hội. Nếu không có tinh thần này, thì nói riêng, cũng sẽ không có Nhất Linh, Phong Hóa, và Tự Lực Văn Đoàn.”
Lược qua tình hình vừa nêu, người ta có thể hiểu tại sao cụ Bách lúc đó tuy học trường Tây nhưng nỗi đau “vô cớ” vẫn ám ảnh khôn nguôi. Tình yêu và lý tưởng luôn luôn là cuộc sống và nỗi ám ảnh của tuổi trẻ. Với cụ Bách cũng vậy. Cụ Bách trẻ, đẹp trai, tài hoa, chơi nhạc hay, khiêu vũ giỏi, học cũng giỏi, lại thuộc gia đình đang nổi tiếng vì thành lập được nhóm TLVĐ, dĩ nhiên không thiếu cô mê. Trong mấy cô gái trẻ có một cô cùng lớp mà tới những ngày cuối đời mới đây, khi tới thăm cụ, tôi vẫn được nghe cụ nhắc lại. Cô ta là đầm lai, học cùng lớp. Mỗi chiều tan học cô ta thường đạp xe theo cụ trên đường về. Thời đó “Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường” (tên của Hà Nội do Thạch Lam đặt) còn yên tĩnh với những con đường chìm dưới hai hàng cây, với Hồ Gươm lóng lánh bên hàng liễu rủ, biểu tượng của thủ đô ngàn năm văn vật, với Nghi Tàm, Quảng Bá, hai tụ điểm của trai thanh gái lịch vào mỗi cuối tuần, với những nam thanh nữ tú ngày ngày đạp xe đạp từ từ dong duổi trên các ngã đường. Hà nội của những năm xưa đó chưa có khói xe, chưa có kẹt đường. Hà Nội của mơ và mộng. Bây giờ mỗi khi nói tới một Hà Nội thời êm ấm đó nhiều người Hà Nội trung niên trở lên thường nói, “Hà nội thời Tự Lực Văn Đoàn”. Nhưng chàng thanh niên Nguyễn Tường Bách lúc nào cũng u-uẩn một tâm trạng. Trong đáy cùng tâm khảm, chàng tuổi trẻ Nguyễn Tường Bách luôn có một “chàng Dũng”, sau này xuất hiện trong Đoạn Tuyệt và Đôi Bạn. Không phải chỉ có cụ là có tâm trạng của chàng Dũng. Nhất Linh cũng vậy. Đã có một thời Nhất Linh trên đường lưu vong làm cách mạng đã đổi tên Nguyễn Tường Tam thành Nguyễn Tường Dũng để che dấu tung tích. Trong hồi ký VNMTKQ trang 140 cụ Bách kể: “Anh Tam lúc này lấy tên là Nguyễn Tường Dũng (đúng như tên anh chàng Dũng trong truyện Đoạn Tuyệt), bị giam vào một hang đá gần Liễu Châu…” Về cô đầm lai đó, cụ đã nói với tôi, “Cuối cùng chú nghĩ không thể yêu cô ta được, vì cô ta là đầm lai”. Và từ đó cụ cắt đứt liên hệ với cô ta. Tuy cũng như Dũng của Đoạn Tuyệt, lúc đầu chưa biết phải làm gì, nhưng việc đầu tiên đối với cụ Nguyễn Tường Bách là phải cắt đứt một “mối tình mới chớm”, chỉ vì cô ta có máu Tây.
Thế là con đường trước mặt của chàng Dũng Nguyễn Tường Bách đã khá được định hình: phải tìm cách đưa đất nước thoát vòng nô lệ thực dân Pháp. Cũng như Dũng đã giã từ Loan, dù chàng rất yêu, để lên đường làm một điều gì đó cho quê hương, chàng Dũng Nguyễn Tường Bách cũng cắt đứt một mối tình mới chớm để khởi đầu một con đường mới cho dân tộc. Ở hoàn cảnh của Cụ Bách, với 3 người anh đang mở tuần báo Phong Hóa cũng với ước vọng phải làm cuộc đổi mới cho quê hương, thì con đường hợp lý nhất và khả thi nhất đối với chàng Dũng Nguyễn Tường Bách là gia nhập cùng nhóm Phong Hóa với các anh để dùng tài văn chương của mình, qua các phóng sự, qua các bài viết, cho độc giả thấy được những nét đẹp về nước non và văn hóa dân tộc cùng những cảnh “Bùn Lầy Nước Đọng”, những cảnh khốn cùng của người dân nô lệ để từ đó mỗi người dân tự ý thức phải tìm một con đường cứu nước. Tự Lực Văn Đoàn đã khởi đi như thế; và chàng Dũng Nguyễn Tường Bách cũng khởi đi như thế.
Cụ Bách có tài văn chương và cụ mê văn chương. Cụ đã có những bài phóng sự hay. Cụ đã có ít ra là một truyện ngắn viết về một đêm Giao Thừa ở nhà thương thực cảm động. Khi hỏi về truyện ngắn này cụ Bách không còn nhớ. Tám mươi năm rồi còn gì! Tôi và Bác sĩ Nguyễn Tường Giang, con trai thứ của Thạch Lam trong nhiều lần nói chuyện với cụ có hỏi, “Tại sao chú không vào TLVĐ?” Cụ trả lời, “Vào TLVĐ đối với chú thì không khó, nhưng lúc đó việc vào TLVĐ đâu có quá quan trọng.” Chúng tôi hỏi tiếp, “TLVĐ lúc đó chưa nổi tiếng à?” Cụ cho biết, “Lúc đó TLVĐ cũng nổi tiếng rồi chứ, nhưng đâu ngờ nổi tiếng như sau này.”
(Còn tiếp)
Sửa bởi người viết 24/06/2013 lúc 02:43:27(UTC)
| Lý do: Chưa rõ