Hình Chủ tịch Tập Cận Bình dược đưa lên truyền hình tại Hội nghị Internet Thế giới lần thứ ba ở Ô Trấn tỉnh Chiết Giang ngày 17/11/2016.
Vào lúc Trung Quốc siết chặt kiểm duyệt Internet, hiện đang có những lo ngại là hình thức đàn áp thông tin này sẽ lan sang các quốc gia mới nổi mong muốn được hưởng những đặc ân của Bắc Kinh.
Chính phủ Trung Quốc biện minh việc kiểm duyệt Internet là “một vấn đề chủ quyền” tại Hội nghị Internet Thế giới lần thứ tư được tổ chức tại Ô Trấn tỉnh Chiết Giang, từ ngày Chủ Nhật 3/12 đến ngày thứ Ba 5/12, với chỉ dấu cho thấy Bắc Kinh có ý định siết chặt việc tiếp cận thông tin bằng cách triển khai những công nghệ tiên tiến.
Hội nghị thường niên có sự tham dự của các giới chức cao cấp thuộc các nước Đông Nam Á và châu Phi và nhiều người lo ngại rằng kiểu Trung Quốc kiểm soát Internet có thể được các nước ‘sao chép’.
Trong một bài diễn văn đọc trước hội nghị, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hoan nghênh những sáng kiến công nghệ, nói rằng một cuộc cách mạng công nghiệp mới đang diễn ra, do công nghệ thông tin dẫn đầu. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo là sự lan truyền thông tin trên Internet đặt ra một thách thức chưa từng có đối với chủ quyền và an ninh của các nước.
Ông Tập xem Internet như là chiến trường chính để kiểm soát thông tin. Trung Quốc đã áp đặt cái gọi là ‘Đại Tường lửa’ để ngăn chặn việc tiếp cận các trang mạng mới và truyền thông xã hội như Twitter và Facebook, nơi những thông tin gây thiệt hại cho chính phủ có thể được phổ biến. Trong quá khứ, Bắc Kinh đã trừng phạt Sina và các đại công ty Internet Trung Quốc vì đã phát tán những thông tin bất hợp pháp.
Trung Quốc thi hành luật Internet để siết chặt kiểm soát thông tin.
Theo luật, những dữ liệu của khách hàng thu thập được tại Trung Quốc chỉ có thể được giữ trong nước. Những dữ liệu như vậy chỉ có thể chuyển ra nước ngoài nếu đã được nhà cầm quyền rà soát trước. Liên đoàn Kinh doanh Nhật Bản (Keidanren) và 53 tổ chức kinh doanh khác trên thế giới vào tháng 5 vừa qua đã kêu gọi Trung Quốc hoãn việc đưa ra luật và cho rằng luật này sẽ ảnh hưởng không có lợi cho kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn cứ tiếp tục ban hành luật.
Ngoài sự hiện diện của các giới chức cao cấp Đông Nam Á, châu Phi và Trung Đông, hội nghị Ô Trấn còn có sự tham dự của một ít giới chức các nước châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước đang phát triển.
Nhiều nước mới nổi tham dự hội nghị là những nước sẽ được hưởng lợi từ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, cho thấy Bắc Kinh đã sử dụng sức mạnh kinh tế để lay chuyển các nước láng giềng. Trung Quốc kêu gọi Lào, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê-út và những nước khác trong Sáng kiến Vòng đai và Con đường cùng quảng bá kỹ thuật số và Tăng cường “trật tự” trên không gian mạng.
Đối với một số nước, đây không phải chỉ là việc được Trung Quốc ủng hộ về kinh tế. Một số nước cũng muốn đàn áp tự do ngôn luận và dùng Internet để kiểm soát kỹ lưỡng công dân nhằm dẹp tan những người bất đồng chính kiến. Một số quốc gia cho biết muốn nhập khẩu công nghệ theo dõi tiên tiến của Trung Quốc phối hợp việc nhận diện khuôn mặt và những công cụ tiên tiến khác với Internet.
Trong khi đó, những công ty lớn của Mỹ đang khó khăn tìm cách làm thế nào có thể thích ứng với tầm nhìn về Internet của Trung Quốc. Các giám đốc điều hành cao cấp của Google và Apple tham dự hội nghị Ô Trấn tự chế không chỉ trích Trung Quốc.
Theo Nikkei/CGTN