Tính lãng mạn của thi ca diễn tả cả hai thái cực, lúc hiện ra huy hoàng diễm lệ như bình minh như đầu xuân như tiếng sét ái tình; lúc tàn phai như rừng thu như hoàng hôn như tan vỡ tình yêu, đẫm buồn, sầu bi, thê lương. Mà mặt tích cực hay tiêu cực vẫn mang một vẻ đẹp lạ lùng.
Thơ có vẻ như phơi bày tâm thức của thi nhân, mà dường như cũng khiêu gợi có cái gì ẩn đằng sau ấy là những thơ mộng ao ước hơn; giống như chiếc áo lụa mỏng mai mờ ảo mặc trên người cô gái son trẻ khích thích đôi mắt nhìn vào kèm theo tưởng tượng bên trong là đồi nương liễu lài thơm tho mỹ miều diễm lệ.
Tập thơ “Phế Tích Của Ảo Ảnh” của Trịnh Y Thư, chủ đề này là tựa một bài thơ dài mười đoạn và cũng là bài mở đầu, sau đó gồm thêm 30 bài thơ, và thi tập được phân làm 3 chương, mỗi chương là những bài thơ tiêu biểu cho tiêu đề chương ấy. Bài viết này tập trung vào bài thơ chủ đề được mở đầu cho tập thơ, và hoàn toàn chỉ là sự tưởng tượng của người viết chứ không gán định nào về ý tưởng của tác giả gửi gấm trong bài thơ, xin lưu ý như thế. Bài thơ phân ra 10 đoạn, mỗi đoạn diễn tả một bối cảnh khác nhau, những câu thơ trích đoạn do người viết chọn theo ý thích nên hẳn nhiên không lột tả trọn vẹn ý tưởng của đoạn thơ ấy.
Bài thơ “Phế Tích Của Ảo Ảnh” dùng hai thể loại chính: tự do và thơ xuôi, tuy khá dài nhưng hấp dẫn người đọc qua chữ nghĩa văn chương mượt mà, chuyên chở tính ẩn dụ trong ý nghĩa “phế tích”, “ảo ảnh” của những gì đã trôi qua, kèm theo là những tư duy về chúng. Khởi đầu là câu chuyện của nhân vật “Tôi” trở về thăm quê hương Việt, mong tìm lại hương vị của quá khứ, hoặc có thể, những hương vị của quá khứ khiến cho nhân vật Tôi phát sinh nhiều trăn trở. Kế tiếp là diễn tả về một người lính già vừa tạ thế, hình ảnh tiêu biểu cho những con người sống với nỗi ám ảnh của chiến tranh mà họ đã rơi vào và xem đó là cuộc đời của họ. Sau cùng là tư duy của nhân vật Tôi trong hiện tại cuộc sống của ông, bày tỏ những cảm thức của bản thân về những phế tích của ảo ảnh. Bài thơ vì thế gây cho tôi có nhiều cảm giác và xúc cảm để tưởng tượng xa hơn, như là hình dung bên trong lớp áo tơ lụa của một xuân nữ căng tràn nhựa sống, một sự mơ mòng của một tâm hồn cũng tràn trề sinh lực về một bức tượng hay bức tranh khỏa thân tuyệt mỹ chứ không bằng ánh mắt chan ý tưởng tình dục.
Ai đó bảo rằng tâm hồn thi nhân tương đồng với tâm thức đạo sĩ. Osho thơ mộng gọi cái tâm thức này là “hang động của trái tim”. Tất cả mọi sinh thái theo nhà Phật, cho rằng đều là huyễn vọng hư ảo, như Kinh Pháp Cú nói rằng, “chúng ta là những gì mà chúng ta suy nghĩ”, thế giới bên ngoài đối với một cá nhân do tâm trí ấy nhận thức, từ đó cá nhân này sẽ sống theo cách mình chọn lựa. Tông phái Duy Thức cố gắng chứng minh thế giới ngoại cảnh chỉ là hư vọng do tâm tưởng, qua vài giai đoạn thu nhận của cơ phận đặc thù của cơ thể con người, mà tâm thức thấy chúng “hiện ra” như thật. Thiền định ở bậc cao sâu, các vị như thế cho biết, nhận ra tính vô ngã và cuối cùng là tính Không, triết lý rốt ráo của đạo Phật. Đó cũng hiển nhiên là tính “vô thường” của đời sống sinh hoại, của tiết điệu mùa màng, của lịch sử hưng phế, và ngay cả vũ trụ vô hạn v.v.
Nói chen chút đạo lý vào, vì trong bài thơ “Phế Tích Của Ảo Ảnh” ký ức còn lưu giữ của nhân vật Tôi được xem như là bóng ma của quá khứ, là phế tích, là ảo ảnh, những thứ thuộc về quá khứ, tỉ như thần rùa, như cuộc chiến Nam-Bắc, hay mang tính cá nhân như kỷ niệm một thời, hình ảnh một Việt Nam trước kia v.v. đối với hiện tại chỉ còn là những ảo ảnh, còn tệ hơn thế đối với nhà thơ họ Trịnh, chỉ là loại phế-tích-của-ảo-ảnh mà thôi, và trong một ý nghĩa nào đó, chúng không còn có tác dụng hợp thời. Người Mỹ có câu nói “Don’t look back!”, trong chiều hướng khuyến khích ta nên bước tới tương lai đàng trước hơn là mất thì giờ nhìn lui về quá khứ đàng sau; vì thế quốc gia này thăng tiến nhanh chóng để trở thành một đế quốc hùng mạnh và tiên tiến. Nếu nhà đương quyền Việt Nam thực hành như thế, nếu người Việt như thế, nước Việt ắt đã nâng cao dân trí và không bị xem là một trong những quốc gia trì trệ nhất thế giới hiện nay.
Ai ly hương cũng cất trong lòng một quê cha quê mẹ. Nhà thơ Trịnh Y Thư đi du học trước giai đoạn nước Việt Nam lâm vào cuộc chiến Nam-Bắc trở nên khốc liệt và chấm dứt vào năm 1975. Theo tôi, chàng du học sinh họ Trịnh ắt mang theo trong lòng những hình ảnh về quê hương thật là đẹp, có thể còn đầy những ấn tượng an bình, hiền hòa… Dĩ nhiên, những hình ảnh về chiến tranh Việt Nam do thông tin cung cấp tại Hoa Kỳ lúc chiến trường sôi máu đó cũng khiến cho anh chập chùng những ý nghĩ đau xót… Vì thế, quê hương đã réo gọi ông trở về thăm cố hương giống như bao trái tim nhớ nhung quê nhà, nên bài thơ “Phế Tích Của Ảo Ảnh” ngay phần mở đầu về lại quê hương, ông đã bày tỏ những cảm xúc chân tình, và bằng ngôn ngữ trí tuệ, văn chương, sự diễn đạt xúc tích, tiềm ẩn một nỗi lòng tha thiết nhưng đẫm buồn, qua dạng thi ca.
Bùi Giáng, người ở lại tận tụy với hai chữ “quê hương”, qua bài thơ "Cố Quận", có vài câu dưới đây:
Niềm vui cố quận lênh đênh
Niềm đau khách địa qua ghềnh cồng chua
Niềm vui cố quốc chiền chùa
Niềm đau xa vắng giậy mùa trở cơn
Phạm Công Thiện là người rời bỏ quê hương, sự ra đi mà ông ví giống như con trường giang mọi rợ, khi chảy khi bay, nhưng trong lòng ông, một người tưởng chừng “không còn cần thiết” phải biết quê hương là gì nữa, vẫn có hình bóng quê hương. Trong bài thơ “trường giang mọi rợ” của ông, có nhiều địa danh quê hương được ông nhắc đến qua vài câu thơ như sau:
con sông Cửu Long chảy từ thượng tứ
Mỹ Tho buồn thây chết trôi sông
…
khi thượng đỉnh đìu hiu khi trác táng đến tận màn sân khấu
vẫn nhớ những buổi hát bội quê nhà
kèn trống cải lương đứa con nít ngó cô đào trang điểm
…
biển Nha Trang trời sinh cát hạ
đọc thơ Ba Tiêu cho Quách Tấn nghe
...
bồ câu buồn gáy lại năm xưa
mái chùa cũ Đà Lạt chiều tận thế.
Phạm Công Thiện từ khi rời đất nước chưa bao giờ về thăm quê nhà, ông cho thấy ông “yêu quê hương qua màn ảnh nhỏ” khi những video về du lịch được các đài truyền hình ở Việt Nam dùng để kích động lòng thương nhớ quê hương của Việt Kiều, ông xem một cách say sưa… Cho nên, Seamus Heaney của Ái Nhỉ Lan, người thi sĩ có tâm hồn đậm đà với quê hương, khi được trao giải Nobel văn chương 1995, Phạm Công Thiện đã hào hứng viết một tiểu luận về nhà thơ này, diễn tả thi ca của Seamus Heaney mang tính sắt son chung thủy với đất nước quê hương mình:
“…đặc điểm nổi bật nhất của Seamus Heaney là khôi phục lại tính thể của "thiên nhiên"… qua sự linh hiện sống dậy của những linh địa quê hương, những hình ảnh và tiếng nói đồng vọng… từ sông hồ và đồi cao lũng gió, từ những cơn mưa bất tận… đến những làng mạc đìu hiu chiều tối… Đặc điểm sáng ngời nhất của thi ca Seamus Heaney là lòng sắt son chung thủy với đất đai, sơn hà, hải hồ của quê hương”.
Tôi thả hồn bay bay tưởng tượng theo dòng thơ của thi nhân họ Trịnh ngay đoạn thơ đầu bài:
Rêu phong mái ngói ngày tôi trở lại
đốm chiều lập lòe ánh mắt
sâu kí ức mù đồng cỏ nương ngô
âm vang châu thổ
nghe như tiếng thở dài từ nghìn năm
bồi hồi dòng sông cạn.
Đó là cảm nhận tiên khởi của người tha nhân sau bao năm dài xa cách nay trở về nhìn lại mái nhà xưa, như là chặng cuối sau những bước dài cuộc viễn du của cậu sinh viên ngày đó, tuy nhiên, chặng cuối đường như lại bắt đầu cho điểm khởi hành, mà đoạn thơ liền theo đoạn thơ trên, ông bộc lộ một nỗi bức xúc, mà, tôi hàm đoán, khởi đầu của một sự nhức nhối về những hình ảnh ký ức, ký ức giống như một con sâu mù trước cảnh vật, âm vang châu thổ quê nhà dường như là tiếng thở dài từ nghìn năm; còn ánh ban mai của một đất nước chấm dứt chiến tranh thì hừng rỡ lên như mang dấu ấn tội đồ đối với một huyền sử thần kỳ của dân tộc Việt, qua thi ngữ của ông:
Sau những bước dài cuộc viễn du
chặng cuối là điểm khởi đầu
nhức nhối những bào ảnh
bóng tối thê lương
ban mai hừng rỡ như mang dấu ấn tội đồ
phát vãng từ thần kì huyền sử.
Những dòng thơ nối tiếp, nối tiếp, tôi nhặt ra những câu tôi cho rằng chuyên chở những ý tứ chính mà nhà thơ bùi ngùi thở dài:
…
chẳng thể rũ bỏ quá khứ
như ném vào bãi phế thải
…
làm sao tôi hiểu được hoàng hôn
dù lịch sử trở về từ vĩnh cửu.
…
Kí ức tôi đang rạn vữa
còn lại chỉ là sự lãng quên
…
Chỉ còn sự cô độc
ôi tôi yêu nó xiết bao
vang váng một linh hồn hôn muội
…
Nơi tôi đứng chiều nay
những mái nhà nâu
những chiếc cầu lung linh bóng nước
sẽ tan biến cả và còn lại
chỉ là phế tích của ảo ảnh – rớt rơi.
À, cuối đoạn 1 bài thơ, Trịnh thi sĩ đã lên cò bắn ra viên đạn “phế tích của ảo ảnh”, để từ đây là những dàn trải trong tâm hồn thi nhân.
…
bất chợt một góc trời điêu hao thành lũy
giữa muôn trùng cảnh lạ bến nước bủa giăng.
Tôi chờ đợi một tiếng kêu bằn bặt thổ ngơi
ẩn nhẫn như cơn mộng oan khiên phong vận
thoát thai thành một nghĩa cử tầm thường
bốn phía trời căm dù hờn tủi cũng đành.
…
như một kẻ hành hương lạ thất lạc
trong ngôi đền không có nổi một lư hương.
Đứng dưới rượng hoa già kí ức tràn về khiển trách
không không tôi không chấp nhận
lời nguyền rủa ấy xin đừng trút lên tôi
một mai làm người tôi sẽ gửi lời thâm tạ
như lá chúc thư trần tình cho phiên bản cuối.
…
“lời nguyền rủa ấy xin đừng trút lên tôi”? Nhà thơ ngụ ý gì với câu thơ này? Kí ức, biểu tượng này đại diện cho thứ chi chi? Lịch sử? Nỗi buồn dân tộc? Bên thua cuộc? Tràn về khiển trách chi mà ông đáp rằng một mai làm người tôi sẽ gửi lời thâm tạ / như lá chúc thư trần tình cho phiên bản cuối. Một mai là Một Việt Nam Mới? Phiên bản cuối là gì? Thể chế tự do dân chủ? Bao giờ? Làm người là sao? “thể tính Việt” phục hồi? người Việt trở về nhân tính Việt? Ở đây, tôi không nghĩ là rơi vào tâm trạng “thất phu hữu trách”, ray rứt cảm thấy bản thân một người công dân chịu trách nhiệm khi đất nước suy vong; không có kiểu biếm nhẽ tự vấn tội “tôi làm tôi mất nước” của nhà văn Lê Văn Phúc. Dù chưa nghĩ ra, còn phải đi theo hành trình của bài thơ để khám phá thêm, nhưng tôi tin rằng nhà thơ nói về một phạm trù nào đó sâu thẳm hơn. Tạm cho là như thế. Để rồi sau vài đoạn thơ, mở ra, bắt gặp:
…
Những âm hồn rỉ rén trở về – không không
đây không phải chỗ cho các ngươi khiếu oan
ôi thật kinh khiếp thế chỗ những cảm xúc chết
là kí ức của cảm xúc hoen quẹn da non.
Người con lịch sử khuôn mặt ngươi ở đâu
sau tấm biển quảng cáo nịt vú đàn bà
hay bên kia rừng trảng thâm u
bên dưới những nấm mồ oan khốc.
…
Kí ức như mộ phần người chết
hãy để nó vĩnh viễn nằm dưới đáy ngục sâu
đào lên chỉ thấy toàn hồn ma
và xương xẩu kinh người.
Bốn câu sau cùng ở trên để kết cho đoạn 2 bài thơ. Những âm hồn rỉ rén trở về, chúng thực sự đã là những cảm xúc chết, nhưng không kinh khiếp bằng cái cảm xúc mới tinh còn hoèn hoẹn như da non, cảm xúc đối diện với thực tại trước mắt của quê hương khi trở về nhìn thấy ư? Để rồi thảng thốt kêu lên “Người con lịch sử, ngươi ở đâu?” Ẩn dụ cho đại danh từ “người con” này là ai? Thế hệ trẻ? Hậu duệ của tiền nhân còn không? Câu hỏi vấn nạn này buộc lòng ta phải nghĩ ngợi, ai có tư duy về đất nước nên tra vấn. Thi sĩ họ Trịnh cũng tự hỏi rồi đưa ra vài ví von, có thứ đơn giản như hàng cau đánh sập sân từ đường sau một đêm mưa làm vỡ vụn những viên gạch khép nép từ nghìn thu mà sao nghe cả đất trời sụp đổ thê lương:
Họ là ai tôi tự hỏi
những bản văn tự không ấn dấu
xung quanh một bến nước
có tiếng hát phù trầm
quay quắt một đêm mưa
hàng cau đánh sập sân từ đường
vỡ vụn những viên gạch
khép nép nghìn thu.
…
Hồn ma còn sợ bóng tối không tôi tự hỏi
hiển nhiên họ không tự biện hộ được
khi lịch sử kì oan
buộc tội ngay lúc lâm minh
và sự lừa phỉnh phỉnh lừa chính nó.
Hồn ma là hồn tử sĩ? Hồn tử sĩ biện hộ được gì trước hồn thiêng sông núi? Oan khiên kỳ quái của một lịch sử mới lâm minh đã buộc tội kẻ chiến bại; và họ cũng là những nạn nhân của một sự lừa phỉnh từ những nhân vật nguyên thủ, tướng lãnh, đã ban phát lệnh tử thủ, quyết chiến, để rồi kẻ lừa phỉnh trốn chạy như một lũ hèn mạt. Nhà thơ sau đó bảo rằng:
…
không – họ chẳng nói gì
bởi tất cả những điều cần nói
đã được nói ra
từ trước đó lâu lắm rồi.
Lời quá rõ. Tuy nhiên, nhà thơ còn bày tỏ thêm cái cảm giác đối với một loại con người mà ông ví von gọi là “những con người khổng lồ biết bay” như sau:
Nhưng tôi quả run sợ bởi đó là bước khởi đầu
dù không biết gọi nó là gì lịch sử hay kì tích
của những con người khổng lồ biết bay
phủ trùm lên ý thức tội đồ tôi nhận ra
không ai chết cho kẻ khác
kể cả người bị đóng đinh trên núi Sọ.
Ông ngầm bảo rằng không ai làm việc gì mà không có mục đích, nếu không có mục đích tối hậu, ngay cả việc Chúa Jesus bị đóng đinh cũng không mang ý nghĩa gì, ai thản nhiên chết cho kẻ khác bao giờ? Những con người khổng lồ bay trên mây tạo nên kỳ tích lịch sử, đó là bước khởi đầu cho những thứ khiến cho nhà thơ run sợ, không phải bản thân ông, mà là ý thức rằng, cái thứ đó sẽ làm cho con người sống trong loại lịch sử như thế trở thành một đời sống kinh dị kinh hoàng…
Đóng lại dòng tư tưởng của đoạn 3.
Những căng thẳng tư duy tạm dừng lại.
Bây giờ là tiêu biểu của thanh xuân, một chút tươi xanh bắt gặp trong chuyến đi tìm quá khứ vong thân của người đàn ông trở về xứ sở. Có lẽ, xã hội người Việt thời cổ sống theo chế độ mẫu hệ, rồi mặc dù đã chuyển đổi tập tục ấy, nhưng phụ nữ Việt được dùng tiêu biểu cho “MẸ VIỆT NAM” mãi đến ngày nay, hình ảnh “người mẹ Việt Nam” vẫn còn là một biểu tượng đậm nét để tôn vinh vai trò người phụ nữ, người vợ, người mẹ; dù thời thanh bình hay chiến tranh đều thể hiện sự tích cực yểm trợ tinh thần, cho đến đóng góp sức lao động, nuôi chồng, nuôi con, làm dâu, ngay cả làm chiến sĩ trong chiến tranh, kiệt nữ chống ngoại xâm v.v.
Rồi chiến tranh tàn khốc tạo ra hình ảnh người Mẹ Việt Nam chỉ còn là những gương mặt cụ già khắc khổ chịu đựng. Điểm này, tôi đã từng có nghĩ ngộ nghĩnh, tại sao hình ảnh tiêu biểu Mẹ-Việt-Nam không là những thanh nữ xuân xinh, khỏe mạnh cả hai mặt thể xác lẫn tinh thần? Người phụ nữ như thế, thì sự truyền giống, thì sự giáo dục con cái, hay nhẫn đến góp phần tạo nên kinh tế vững vàng cho mái ấm gia đình, góp tay xây dựng một xã hội lành mạnh và phát triển, như thế, chắc chắn đất nước Việt sẽ nhanh tiến và hãnh diện về nữ giới của dân tộc mình. Con người thanh xuân là mầm xanh của đất nước, tuổi trẻ là thành trì của tổ quốc. Thiếu nữ xinh tươi khỏe mạnh là những vườn hoa trái tươi non, là suối nguồn mật ngọt; thanh niên sinh lực trí tuệ là những hạt giống của dân tộc, là đôi vai gánh vác sơn hà; măng non thay thế cho tre già cằn cỗi cần được nghỉ ngơi. Quy luật đào thải và tiến hóa nơi trái đất này đã là thế.
Tôi nhìn thấy gì trong đôi mắt lá răm
ở nơi có ánh chiều tháng Chạp
và những quả ổi mơn mởn xanh
rầu rầu liếp mía
con giẻ cùi phụ họa
lời ru mái nhà nâu hiu hắt à ơi.
Miệng lúng liếng giọng luyến láy
những điều tôi không hiểu – chẳng sao cô gái ạ
tôi vốn là kẻ lạ
khát vọng hoài thai
trên những rui mè
ngôi nhà huyền sử
thất lạc trong chuyến đi tìm
quá khứ vong thân.
Bóng ma quá khứ không làm cô sợ hãi
miểng bom cắm trên hương thờ trở thành linh thiêng
…
Con nước chảy hoài bờ biên tái
một thoáng xanh về trong lệ xanh
tan đi giữa cõi mù sương ấy
hoa lê một nụ điểm trên cành.
Đoạn 4 bài thơ, toàn bộ mang một không khí, một không gian, buồn nhẹ nhàng đượm nét lâng lâng thơ mộng với phảng phất một cô gái trẻ có đôi mắt lá răm miệng cười lúng liếng, như những quả ổi mơn mỡn xanh, cô gái không biết gì về bóng ma quá khứ, hoặc quá khứ chỉ giống như hình người trên bàn thờ, cô bé thản nhiên, dù có nhìn thấy miểng bom thời chiến tranh xưa kia còn cắm trên lư hương, quá khứ ấy không làm cô sợ hãi gì hay có suy nghĩ theo kiểu nhà thơ. Sự tự nhiên của tuổi trong sáng thơ ngây mộc mạc dâng lên một sinh khí trẻ trung rạng rỡ tươi mát.