Một số người chuẩn bị biểu tình kêu gọi FCC giữ nguyên chính sách “Internet Trung Lập.” (Hình: AP Photo/Carolyn Kaster)
Hôm Thứ Năm, 14 Tháng Mười Hai, Ủy Ban Thông Tin Hoa Kỳ (FCC) bỏ phiếu 3-2 hủy bỏ chính sách “Internet Trung Lập” (Net Neutrality) dưới thời Tổng Thống Barack Obama, có nghĩa là kể từ đây, cá nhân hoặc công ty có sử dụng Internet có thể phải trả thêm tiền nếu muốn thông tin mình gởi hoặc nhận nhanh hơn, hoặc ít ra là bình thường như hiện nay.
Ba người bỏ phiếu thuận thuộc đảng Cộng Hòa, hai người bỏ phiếu chống thuộc đảng Dân Chủ.
Với quyết định này, kể từ nay, các công ty cung cấp dịch vụ Internet như Verizon, Comcast, và AT&T sẽ có thể làm chậm hoặc chặn các trang web và app, nếu thấy điều này có lợi cho họ, hoặc tăng giá dịch vụ nếu khách hàng muốn nhanh hơn.
Theo AP, các công ty dịch vụ Internet lâu nay vẫn hứa rằng, cách sử dụng hệ thống nối kết toàn cầu này sẽ không thay đổi.
“Internet Trung Lập” là gì?“Internet Trung Lập” có nghĩa là tất cả các công ty cung cấp dịch vụ Internet được đối xử như nhau, và đây là căn bản từ ngày có Internet. Tuy nhiên, các cơ quan nhà nước quản trị Internet, khách hàng sử dụng Internet, và các công ty cung cấp dịch vụ này lo ngại là các công ty cung cấp dịch vụ, khi không bị kiểm soát chặt chẽ, có thể chặn hoặc làm chậm app của các công ty đối thủ, để có lợi cho công ty mình.
Vai trò của chính quyềnNăm 2015, FCC thông qua chính sách “Internet Trung Lập,” sau khi bỏ phiếu theo đảng phái, cấm các công ty lợi dụng Internet để có lợi cho riêng minh. Theo đó, Comcast không thể tính thêm tiền Netflix để làm cho hình ảnh đến với khách hàng nhanh hơn, hoặc chặn, hoặc làm chậm đường truyền của Netflix.
Chính sách này cho FCC thẩm quyền ngăn chặn các công ty dịch vụ “ăn hiếp” khách hàng. Ví dụ, chính sách của FCC dưới thời Tổng Thống Barack Obama là “không dung thứ” kiểu làm ăn của AT&T khi công ty này vi phạm luật “Internet Trung Lập.”
Trong vụ này, AT&T không tính tiền video app đối với khách hàng sử dụng điện thoại của họ, trong khi đòi hỏi các khách hàng không sử dụng điện thoại của công ty phải trả chi phí này.
Khi một thành viên của FCC nêu vấn đề này ra và buộc AT&T ngưng, công ty này đâm đơn kiện.
Kết quả, tòa án ngả về phía FCC trong vụ kiện năm 2016.
Các công ty lớn muốn gì?Đương nhiên, các công ty lớn không thích bị các quy định ngặt nghèo “trói tay” với chính sách “Internet Trung Lập,” và luôn đâm đơn kiện ra tòa mỗi khi họ bị FCC “sờ gáy.”
Các công ty này cho rằng, những quy định trong chính sách “Internet Trung Lập” có thể làm hại doanh nghiệp của họ, đặc biệt là giá cả, mặc dù FCC nói rằng họ không quyết định giá cả của Internet, mà chính là thị trường quyết định.
Lấy ví dụ trên xa lộ, chính sách “Internet Trung Lập” muốn có 10 làn xe bằng nhau, các xe chạy tốc độ như nhau. Khi giao thông bị kẹt thì tất cả các xe cùng bị chậm như nhau.
Các công ty lớn muốn rằng, họ có quyền mở rộng một làn xe, tạm gọi là “tốc hành” (express lane), để xe nào muốn vào chạy nhanh hơn thì trả thêm tiền.
FCC cho rằng, khi mở rộng làn xe chạy nhanh này, thì chín làn xe còn lại xe bị hẹp bớt và các xe không có tiền trả thêm sẽ bị kẹt lâu hơn.
Các công ty Internet như Google ủng hộ chính sách “Internet Trung Lập,” nhưng các công ty kỹ thuật “im lặng” mấy năm nay. Netflix, một công ty ủng hộ chính sách “Internet Trung Lập” từ năm 2015, hồi Tháng Giêng nói rằng không có chính sách “Internet Trung Lập” cũng không sao, vì họ quá nổi tiếng, có tới 128 triệu khách hàng hiện nay, nên dù có bị chậm một chút, người ta vẫn vào xem phim của công ty này.
Thực ra, Netflix có “làn đường” riêng của họ, tự họ trả tiền để duy trì tốc độ nhanh, nên họ không bị “làn đường tốc hành” làm chậm lại.
Những ngày tới ra sao?Trước mắt, các phân tích gia đều cho rằng, chưa có ảnh hưởng gì rõ ràng.
Tuy nhiên, theo những tổ chức bảo vệ khách hàng, trong tương lai xa, sẽ rất khó cho chính phủ ngăn chặn các công ty dịch vụ Internet “ép” khách hàng, đồng thời, cũng rất khó để có thêm cải tiến kỹ thuật, làm cho Internet được hiệu quả hơn.
Những người phản đối chính sách “Internet Trung Lập” thì cho rằng, chính sách này làm cho họ không dám đầu tư thêm để mở rộng dịch vụ Internet.
Trở lại ví dụ nêu trên, người bảo vệ khách hàng cho rằng, khi công ty dịch vụ có được “làn xe tốc hành,” họ cứ ngồi đó thu thêm tiền, bỏ mặc chín “làn xe” kia.
Các công ty cho rằng, nếu cứ duy trì 10 làn xe như nhau, không cho họ mở “làn xe tốc hành,” họ không thể phát triển thương vụ được.
Cuộc bỏ phiếu hôm Thứ Năm rõ ràng là một chiến thắng cho các công ty, và chắc chắn, phía khách hàng sẽ đâm đơn kiện.
Phải chờ phán quyết của tòa thôi.
Đỗ Dzũng/Người Việt