Trịnh Y Thư: Say Đắm Bí Ẩn Với ‘Phế Tích Của Ảo Ảnh’Trong buôi ra mắt thơ ở quán CafeZ, Westminster hôm 17/12/2017. Từ trái, hàng ngồi: Lê Lạc Giao, Nguyễn Lương Vỵ, Thu Vàng, Nguyễn Thị Khánh Minh, Thân Trọng Mẫn, Phan Tấn Hải, Tô Đăng Khoa, Trịnh Y Thư. Hàng đứng, từ trái: Hải Hồ, Lê Giang Trần.
Bìa tập thơ “Phế tích của ảo ảnh.”
Đi tìm ngôn ngữ mới của sáng tạo, trong khi lòng đầy các hoài niệm về quê hương, về một cuộc chiến đã trôi qua nhưng còn di lụy, về những người tình và những người bạn đã trở thành hình bóng trên mây… Từ vị trí đó, Trịnh Y Thư đã viết những dòng thơ -- và như từ vị trí một người đứng chệch ra khỏi cõi này.
Thơ của anh là ký ức đau đớn, là những chữ viết được trân trọng chép xuống cho một cõi rất buồn, rất mực vắng vẻ, cho những gì như dường đã vuột ra khỏi bàn tay nắm giữ của con người, cho dù là anh làm thơ tiếng Việt hay tiếng Anh.
Từng trang một, Trịnh Y Thư viết bằng một văn phong mới và cái nhìn mới về ám ảnh của anh: Vâng, hãy hình dung rằng, một thời em đã ra đi, và tôi ngẩng nhìn lên bóng mây, chợt thấy hình em bay thật xa… Như trong thi tập “phế tích của ảo ảnh” vừa ra mắt tuần này, nơi trang 104, trong bài thơ “A Shadow in the Sky,” Trịnh Y Thư viết ngay dòng đầu bài thơ:
I love the shadows of clouds traversing…
Và nơi dòng đầu đoạn cuối là:
Call me a fool. Yes, that is me when I tell…
Được Hoàng Ngọc Thu dịch:
Tôi yêu những bóng mây vắt ngang…
Và:
Cứ gọi tôi là anh khờ. Vâng, chính là tôi đấy, khi tôi nói với em…
Phải chăng Trịnh Y Thư muốn nói rằng không ai níu lại được những bóng mây, và em là những gì đã bay thật xa trên bóng mây? Tất cả các bài thơ của Trịnh Y Thư trong thi tập đều viết về những bóng mây đã bay thật xa như thế, cho dù là anh viết về quê hương (như khi anh về thăm VN, và rồi viết trường thi “Phế tích của ảo ảnh”), hay khi viết về mẹ (Mẹ dòng nước mắt chia hai…), hay khi viết về tình bạn (sau những lần lên chùa thắp nhang cho Cao Xuân Huy), hay khi viết về một hình bóng giai nhân (Đường em đêm lầy trơn… mộ phần tôi được tiên tri), hay khi viết về trần gian (nỗi hoang tàn trong ngăn tim ghẻ lạnh/đời người rồi sẽ qua), hay viết về tháng tư chim én (xứ lạ reo vui/ta vẫn lầm quy lộ), hay khi đợi một người bạn trong bóng tối (vũ trụ này chỉ là góc bàn nơi tôi vẫn/ đêm qua đêm mỏi mòn ngồi chờ bạn), và vân vân…
.
Tôi vẫn luôn luôn có cảm giác rằng, Trịnh Y Thư là một người luôn luôn đứng chệch ra khỏi đời này. Trong khi cả nước ngập tràn binh lửa, anh được cơ may đi du học nước ngoài. Trong những năm, khi nhiều người trong thế hệ của anh trở thành người chiến bại và gánh chịu các truy bức của lịch sử, họ Trịnh trở thành một khoa học gia, một nghệ sĩ…
Khi nhìn lại ngay cả những tạp chí văn chương Trịnh Y Thư góp mặt, anh vẫn là một ngòi bút lệch pha, khó đồng bộ: giữ chức Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tạp chí Văn Học, Trịnh Y Thư vẫn không chia sẻ chung một quá khứ, trong khi những người trong Ban biên tập hoặc đã từng mang áo trận, hoặc đã từng đi tù cải tạo, hoặc đã từng là thuyền nhân vượt biển…
Trịnh Y Thư trọn đời cư trú nơi những cõi bình an, nhưng thơ anh lại là những gì rất mực bất an, như dường khó tự hòa giải. Có một nỗi ám ảnh lớn trong thơ họ Trịnh: cuộc chiến Nam-Bắc.
Trịnh Y Thư đã viết trong bài thơ Phế tích của ảo ảnh (2) những dòng rất mực bất an như sau, trích:
Vẫn biết sự thật là tiếng vọng thiên thu
nhưng hãy cho tôi hòa giải
bởi cuộc chiến với kí ức
là cuộc chiến với sự lãng quên.
.
Kí ức như mộ phần người chết
hãy để nó vĩnh viễn nằm dưới đáy ngục sâu
bởi đào lên chỉ thấy toàn hồn ma
và xương xẩu kinh người.
(ngưng trích)
.
Dễ thấy nổi bật trong Trịnh Y Thư là khát vọng sáng tạo. Anh luôn luôn nghĩ tới cái mới trong từng dòng thơ. Kể cả khi anh làm thơ lục bát.
Nhưng câu hỏi nơi đây là, anh nghĩ gì về cái mới?
Trong bài “Cái Mới Trong Thơ,” Trịnh Y Thư đọc trong buổi ra mắt sách Tuyển tập 40 năm thơ Việt hải ngoại hôm 3/9/2017 tại Quận Cam, California, kể về ám ảnh sáng tạo trong thơ, trích:
“...làm mới ngòi bút luôn luôn là nỗi ám ảnh lớn cho người chọn nghiệp văn. Nhưng có lẽ nỗi ám ảnh này đè nặng lên vai người làm thơ nhiều hơn người viết văn xuôi....
...Nghệ thuật không có đường tắt và không có giá khuyến mại on-sale. Đi vào nghệ thuật có nghĩa là tự mình chấp nhận cái giá chịu khổ đau. “Phong vận kì oan ngã tự cư.” Chính cụ Nguyễn Du cũng đã chua xót thốt lên như thế.
Đến đây tôi lại xin mở dấu ngoặc nữa, đó là, một thế kỉ thi ca của nhân loại vừa qua là một thế kỉ của cách tân không ngừng. ..
...Thời gian sắp tới, sẽ có nhiều trường thơ khác ra đời, sẽ có nhiều thi sĩ tiếp tục làm mới thi ca. Tôi có cảm tưởng trong lúc không còn ai quan tâm đến thơ nữa thì nó vẫn lầm lũi đi. Con đường của nó là con đường xuyên vũ trụ, chẳng bao giờ đến đích, và nó cũng chẳng cần đến đích làm gì. Thơ không cần mục đích, lại càng không nói đến sứ mệnh cao cả, càng không quan tâm đến sự thành công hay thất bại của chính mình...
... tôi có thể nói, giữa những con chữ, ở tầng thứ nhất, tầng của chữ nghĩa, thơ phả luồng ánh sáng diệu kì vào sự vật khiến linh hồn chúng như trỗi dậy từ cái tầm thường, vô vị. Sang tầng thứ hai, tầng của cảm xúc, thơ đi vào lòng chúng ta. Nhưng phải bước lên tầng thứ ba, tầng của cái bất khả tư nghị, của sự phối ngẫu tuyệt mĩ giữa cảm xúc và nghệ thuật, thơ mới thật sự là con phượng hoàng bay lên từ cõi hoang tàn, đổ nát.
Nếu thế thì mỗi bài thơ là một sự cách tân, mỗi thi sĩ là một người làm mới sự vật mà chúng ta mãi mãi chịu ơn. Có những điều chỉ ngôn ngữ thi ca mới nói được, chỉ thi ca mới có cái “thần” giúp chúng ta thấu thị vào tận đáy sâu của bản ngã. Người làm thơ là người nắm trong tay quyền năng “soi sáng” sự vật, quyền năng cho sự vật một đời sống mới, quyền năng “đi vào linh hồn của sự vật”, và không ai có thể tước đoạt quyền năng đó từ tay hắn.”
(ngưng trích)
.
Mỗi bài thơ là một sự cách tân… họ Trịnh đã nói như thế. Cái giá chịu khổ đau nào Trịnh Y Thư đã trải qua để hình thành thi tập này?
Có phải nhà thơ sợ ánh sáng tới sẽ làm hình ảnh nàng tan biến trong bài thơ “Rèm Cửa Sổ Mùa Đông” nơi trang 45? Trích:
.
Em cứ để yên bức rèm cửa sổ suốt mùa đông
tôi sợ ánh sáng đánh tan ảo giác cuối ngày
tô son môi
vuốt mái tóc
kẻ hàng lông mày cong cong
nhìn lại lần cuối
trong gương bộ áo đẹp
làm một điệu bộ duyên dáng
rồi mỉm cười với chính mình
em ạ lúc bước ra khỏi phòng
em đừng quên khép cửa.
(hết trích)
.
Cũng có khi ngậm ngùi cho cõi người… Trịnh Y Thư đã viết trong bài “Chùm thơ lập xuân” (trang 72) sau những buổi lên chùa thắp nhang cho Cao Xuân Huy, trích:
2.
Lên chùa ăn bát cơm chay
chợt nghe tiền kiếp chật dày thời gian
một mai về với mây ngàn
chỉ xin nhớ chút dịu dàng của nhau.
3.
Lên chùa ăn bát cơm chay
hỏi han mới biết nợ vay kiếp người
rồi đây như chiếc lá rơi
hạ đông ngọn cỏ dặm khơi ảnh nhoà.
(ngưng trích)
.
Thơ Trịnh Y Thư có khi hiển lộ những say đắm bí ẩn, nơi đó tình yêu ẩn mật giữa một cõi bóng tối, mưa nhanh, rồi hoàng hôn, rồi vụn vỡ… Bài "Trong bóng tối ta chẳng tìm thấy nhau" nơi trang 41 viết:
...
Trong nỗi hoài nghi tôi yêu người
mãi mãi đấy là điều bí ẩn
giấu trong cơn mê say đắm đuối
nỗi hoang mang của kẻ tội đồ...
hay như nơi trang 42, Trịnh Y Thư viết:
Bơ vơ tháng ngày mưa nhanh
thu vén những mảnh đời vụn vỡ
ta còn gì cho nhau
ngoài ánh mắt khoan dung
như lần chia tay trên đồi cát.
.
Hoàng hôn rồi cũng xuống
trong bóng tối ta chẳng tìm thấy nhau
chợt một hôm hóa thân cát bụi
gió tê xao xác cõi ngoài.
Nỗi buồn của Trịnh Y Thư cũng có khi rất thời sự, như dòng thơi xuôi nơi trang 29 với bài “Phế tích của ảo ảnh (8)” nhà thơ ghi lại sau một chuyến về thăm VN:
.
“Bây giờ thì tôi hiểu thành phố phóng thích tù nhân chính trị nhưng lại tống xuất tất cả các cô gái điếm lên tàu xuất dương du học. Về đâu thì làm sao tôi biết. Ban nhạc kèn đồng của đội lính cứu hỏa thành phố dàn hàng ngang dưới cầu tàu trỗi khúc nhạc tiễn đưa.
.
Ông nhạc trưởng vung tay điều khiển dàn nhạc, nhưng không ai buồn để ý đến ông bởi cô gái điếm số mười một trần truồng đứng trên boong nhoài nửa người ra ngoài thành lan can vẫy vẫy cánh tay trần chào mọi người trong lúc các cô khác cũng trần truồng nhảy cẫng xung quanh la hét.
.
Điều này gây khó khăn không ít cho những kẻ lý lịch mơ hồ như tôi. Tôi chỉ muốn chia tay lần cuối với Quá khứ, nhưng hình như hắn theo tên bạn đi chơi lêu lổng thế nào mà lạc vào sàn giao dịch thị trường chứng khoán rồi ở miết trong đó không chịu ra. Có giả thuyết được hỗ trợ bằng biện chứng chủ nghĩa xã hội với bộ mặt người cho là hắn đã bị chủ nghĩa tư bản với bộ mặt thú mua chuộc.” (ngưng trích)
.
Và những dòng thơ trôi chảy lặng lẽ như thế. Đọc tập thơ của Trịnh Y Thư, bạn sẽ thấy trang nào cũng có sức mạnh thu hút. Đó là cái thu hút của những gì rất lặng lẽ. Ngôn ngữ thơ Trịnh Y Thư rất mực trầm lắng, y hệt như những giọt cà phê buổi sáng sớm, còn đượm thơm giấc mộng đêm qua chưa tan trong trí nhớ. Kể cả, khi họ Trịnh dùng thể thơ truyền thống.
Như ở trang 130, đoạn thơ 27 của bài "Con nước vô danh" với các dòng lục bát:
đêm xuân em ngủ được không
có buồn khăn lụa áo hồng nệm hoa
còn tôi quên lối về nhà
vào chùa mách Phật em xa tôi rồi
(ngưng trích)
.
Hôm Chủ Nhật 17/12/2017, Trịnh Y Thư đã ra mắt thi tập “Phế tích của ảo ảnh” tại quán Café Z, thị trấn Westminster. Tới từ xa nhất là ca sĩ Thu Vàng từ Việt Nam. Ngoài ra, trong giới cầm bút tham dự buổi ra mắt sách có: Lê Giang Trần, Hải Hồ, Nguyễn Lương Vỵ, Nguyễn Thị Khánh Minh, Tô Đăng Khoa, Thân Trọng Mẫn, Lê Lạc Giao, Phan Tấn Hải.
Trịnh Y Thư tên thật là Trịnh Ngọc Minh, sinh năm 1952 tại Hà Nội, lớn lên ở Sài Gòn và du học tại Hoa Kỳ từ năm mười tám tuổi. Nguyên Chủ bút tạp chí Văn Học (California).
Tác phẩm dịch đã xuất bản:
-- Đời nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being), tiểu thuyết của nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera, tạp chí Văn Hoc, 2002.
-- Căn phòng riêng (A Room for One’s Own), tiểu luận văn học của nữ sĩ Virginia Woolf, Tri Thức, ấn bản thứ nhất 2009, ấn bản thứ hai 2016.
-- Jane Eyre, tiểu thuyết của nữ sĩ Charlotte Bronte, Nhã Nam, 2016.
Sáng tác đã xuất bản:
-- Người đàn bà khác, tập truyện, Thế Giới, 2010.
-- Chỉ là đồ chơi, tạp bút, tạp chí Hợp Lưu, 2012.
-- Phế tích của ảo ảnh, VĂN HỌC Press, 2017.
Đặc biệt, nhà thơ Trịnh Y Thư cho biết rằng vào một ngày sau Tết Nguyên Đán, anh sẽ họp báo để nói về Nhà xuất bản VĂN HỌC với 3 ấn phẩm đầu tiên, và rồi sẽ in đều đặn các tuyển tập văn học của nhiều tác giả từ Văn Học, hay từ Da Màu, hay từ các tạp chí khác. Trịnh Y Thư nói, trong các ẩn phẩm dự kiến xuất bản trong năm 2018 sẽ tái bản “Ngựa nàn chân bon” của nhà văn quá cố Nguyễn Mộng Giác.
Độc giả có thể tìm mua “Phế tích của ảo ảnh” hoặc liên lạc trực tiếp tới tác giả:
trinhythu2000@yahoo.com .
Hoặc vào Amazon.com và tìm: "phe tich cua ao anh" hay "trinh y thu" sẽ thấy tập thơ.
Phan Tấn Hải