Ảnh minh họa. AFP
Nghiện điện thoại thông minh và mạng xã hội gây tác hại đến não bộ, đặc biệt đến thanh thiếu niên. Tình trạng này tiếp tục bị các nhà nghiên cứu cảnh báo và một lần nữa được nhật báo kinh tế Les Echos phản ánh dưới góc nhìn của các chuyên gia tâm lý.
Les Echos nhận định : « Nghiện mạng xã hội là một thảm họa mới cho sức khỏe cộng đồng ». Theo nghiên cứu của giáo sư tâm lý Mỹ Jean Twenge, số lượng các cuộc gặp gỡ, hẹn hò trong giới trẻ, tỉ lệ học sinh trung học có bằng lái xe… sụt giảm từ năm 2012, ngược lại, tỉ lệ thanh thiếu niên trầm cảm, cô độc và có ý định tự vẫn tăng vọt đáng báo động.
Thế hệ « iGen », tên gọi được nhà nghiên cứu Mỹ đặt cho những người sinh từ 1995 đến 2012, bị « khủng hoảng sức khỏe tinh thần tồi tệ nhất từ nhiều thập kỷ qua ». Thủ phạm chính là điện thoại thông minh. Giới thanh thiếu niên không ngừng lướt mạng, thu mình, đau khổ vì ghen với những người cùng trang lứa có điều kiện thường xuyên phô bày cuộc sống thường nhật trên mạng Facebook hoặc Instagram. Thậm chí, để không bị thua bè kém bạn, họ không thể rời chiếc điện thoại thông minh ngay cả ban đêm, khi đi ngủ. Một số nhà nghiên cứu đánh giá đây là hiện tượng « sợ không có điện thoại », rất phổ biến ở người trưởng thành nhưng ngày càng tác động đến giới trẻ, lớn lên với chiếc điện thoại trong tay.
Vậy thời gian lướt điện thoại thông minh và tình trạng trầm cảm có quan hệ gì với nhau ? Theo Les Echos, dù vẫn khó giải thích được về quan hệ nhân quả nhưng giới nghiên cứu bắt đầu có thể khẳng định rằng chính mạng xã hội có tác động đến não bộ, giống như một số chất gây nghiện (thuốc lá chẳng hạn). Vì trái với vô tuyến truyền hình, các mạng xã hội đưa ra những « phần thưởng khác nhau » : người sử dụng không bao giờ biết được sẽ nhận được bao nhiêu lượng « like » (thích) hoặc sẽ xem loại video nào. Sức hấp dẫn đến mức được giáo sư Ofir Turel, chuyên về hệ thống thông tin thuộc đại học California, so sánh như « các loại bánh kẹo khác nhau được đặt trong tủ lạnh mỗi ngày, người ta khó lòng cưỡng lại được ý muốn mở nó ra ». Nhiều nhà nghiên cứu cảnh báo tác động tiêu cực đến năng lực nhận thức, như giảm khả năng ghi nhớ, suy luận và giải quyết các vấn đề mới.
Facebook : công cụ « trung lập » ?Trong thời gian dài, mạng xã hội Facebook kín tiếng về chủ đề này vì họ không muốn thừa nhận những nguy hiểm của các chức năng gây nghiện của Facebook vì đây là những tính năng trọng tâm trong mô hình kinh doanh hiện đại của mạng xã hội có nhiều người sử dụng nhất. Facebook muốn người sử dụng bỏ càng nhiều thời gian trên mạng xã hội càng tốt để bán được nhiều quảng cáo.
Tuy nhiên, Facebook bị chính nhiều nhà quản lý cũ lên án vì đã tạo ra « con quái vật » « đang phá hủy sự vận động của xã hội ». Chính vì vậy, cựu phó chủ tịch công ty Chamath Palihapitiya « cảm thấy vô cùng tội lỗi » và không muốn tiếp tục « đưa điều tồi tệ này » cho trẻ em.
« Bỏ nhiều thời gian trên các mạng xã hội là điều xấu với chúng ta hay không ? », câu hỏi điều tra được Facebook đặt ra với người sử dụng vì theo giám đốc nghiên cứu của Facebook, đây là « vấn đề mấu chốt đối với Silicon Valley ». Theo kết luận quả thăm dò do công ty tự tiến hành, Facebook là công cụ trung lập, tác động tốt hay xấu hoàn toàn tùy thuộc vào thời gian sử dụng.
Một mặt, tập đoàn nổi tiếng công nhận những tác động tiêu cực trong cách sử dụng nội dung một cách thụ động, như lướt « dòng thời sự » hoặc nhấp vào các đường dẫn (link). Mặt khác, Facebook cũng khẳng định mạng xã hội có nhiều lợi ích khác như giữ liên lạc với người thân thông qua những lời bình luận và tin nhắn, hoặc sử dụng mạng xã hội để ôn lại những kỷ niệm cũ, « giúp cải thiện tinh thần ».
Facebook tuyên bố sẵn sàng cải thiện mạng xã hội tùy theo những kết quả trên. Tập đoàn nổi tiếng cũng sẽ chi 1 triệu euro để tài trợ cho các nghiên cứu nhằm hiểu rõ hơn tác động của công nghệ đến trẻ em.
Theo RFI