Tổng Bí thư Ðảng CSVN Nguyễn Phú Trọng Các nhà hoạt động bênh vực nhân quyền trong khu vực bày tỏ sự bất bình đối với quyết định của Đại Học Thammasat, trao bằng Tiến sĩ Danh Dự cho Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam. Lễ trao bằng được dự kiến sẽ diễn ra trong ngày hôm nay tại phân khoa Khoa học Chính trị của đại học Thammasat.
Báo Bangkok Post của Thái Lan, số ra hôm nay tường trình rằng giới đấu tranh cho nhân quyền trong khu vực và tại Âu Châu đã ký một thư ngỏ, phản đối việc trao bằng danh dự cho ông Nguyễn Phú Trọng, cho rằng đây là một hành động không thích hợp trong bối cảnh chiến dịch đàn áp giới bất đồng tiếp tục gia tăng trong năm qua tại Việt Nam.
Trong thư ngỏ đề ngày 24 tháng 6, có đoạn viết: “Ðảng cộng sản đã trì hoãn mọi cải cách chính trị và gia tăng đàn áp mỗi khi đảng cảm thấy có những khát vọng về dân chủ và tự do của người dân trong thời đại toàn cầu hóa”...
Bức thư ngỏ còn nói rằng đảng cộng sản đã lên nắm quyền bằng vũ lực và áp đặt độc quyền chính trị lên toàn bộ dân tộc Việt Nam sau năm 1975, áp dụng các chính sách tàn bạo đối với những người của chế độ cũ ở miền Nam, ngăn chặn hòa giải dân tộc, đàn áp đối lập chính trị và “biến Việt Nam thành một trong những quốc gia bị đàn áp nhất trên thế giới.”
Vẫn theo các tác giả của thư ngỏ, thì ông Nguyễn Phú Trọng luôn luôn trung thành với đảng Cộng sản, và trong vị trí lãnh đạo đảng, “ông là một trong những kẻ bảo thủ nhất, bám vào hệ tư tưởng lỗi thời của chủ nghĩa cộng sản” cản trở sự phát triển có thể đưa Việt Nam tới thịnh vượng.
Lá thư ngỏ nhắc đến chiến dịch đàn áp các blogger Việt Nam đã lên tiếng bênh vực dân chủ và đòi các quyền tự do đã được ghi trong hiến pháp, và đề cập tới tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng trong một cuộc họp vào ngày 25 Tháng Hai 2013:
"Ai muốn đa nguyên và đa đảng? Ai muốn tách rời quyền lực? Ai muốn phi chính trị hóa quân đội?... Đây không gì khác ngoài sự suy thoái! Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể...thì nó là cái gì?!”
Thư ngỏ do nhiều tổ chức và cá nhân ký tên, kể cả Dân Làm Báo, tổ chức Voice, Dân Luận, Finnish Asiatic Society, ThinkCenter ở Singapore, Hội Sarawak Dayak Iban ở Malaysia, Go Island Foundation ở Indonesia, và một số tổ chức ở Âu Châu như Anh và Phần Lan. Ngoài trường đại học Thammasat, thư ngỏ còn được gửi tới nhiều trường đại học khác của Thái Lan và truyền thông báo chí.
Source: Bangkok Post, Danlambao