Biệt Ly gắn liền với Thương Nhớ. Tình cảm biệt ly và tình nhớ được nói đến rất nhiều trong văn thơ Đông, Tây, Kim, Cổ. Xin nêu vài ví dụ: Lý Bạch (701-762) vào thế kỷ thứ VIII đời Đường của Trung Quốc với Tống Hữu Nhân (Tiễn Bạn); trong trào lưu lãng mạn phương Tây thế kỷ thứ XIX có Lord Byron (1788-1824), Anh Quốc, với When We Two Parted (Khi Hai Ta Chia Tay), Alfred de Musset (1810-1857) của Pháp, với Adieu (Biệt Ly).
Thương Nhớ thì “vô cùng”. Nhớ người, nhớ cảnh, nhớ quê hương. Lỡ không có đối tượng để nhớ, có khi bịa đặt ra. Thế hệ của chúng ta, có người không nhớ quê hương. Cũng đúng thôi. Sống trong loạn ly lâu ngày, quê hương chưa tạo nên niềm gắn bó bền chặt, mình cũng chưa tích lũy được kỷ niệm gì đáng kể, thế mà đã phải tách rời. Thiếu kỷ niệm, thiếu gắn bó, nhớ được gì nơi quê cũ? Thì cứ nhớ cái mình đang thiếu hay không có chăng? Gọi là “nhớ hờ” chăng? Những ai nhiều mộng mơ thường thương vay, khóc mướn, nhớ hờ. Hay cũng có thể nhớ cái của người khác nhớ. Như Xuân Diệu thời trẻ từng tự cảm thấy mình như con chim bơ vơ, thèm thuồng, thương nhớ tổ ấm của đôi chim bạn, hay chính xác hơn, con chim mái của đôi chim bạn:
Đến gần tổ ấm đôi chim bạn
Bỗng thấy lòng cuồng yêu ngẩn ngơ.
Tôi có lần coi một YouTube về ca khúc Chiều Trên Quê Hương Tôi của Trịnh Công Sơn do Thuỷ Tiên hát và Thế Vinh đệm đàn. Khán thính giả không nhiều, thính phòng không lớn, trong đó có mấy người nước ngoài ngồi gần hàng ghế đầu. Mỹ hay Pháp hay Nga, chả biết. Đến đoạn:
Chiều trên quê hương tôi
Gió đến chơi từ bờ biển xa
Núi đôi khi màu sim tím lạ
Nắng như môi hoàng hôn trên phố
điệu nhạc buồn buồn dìu dặt, lời ca mênh mang, bát ngát, nhưng không chút ai oán, bỗng tôi để ý thấy nét đăm chiêu, mắt chớp chớp hiện lên khuôn mặt khá dạn dày, cứng cỏi của một trong mấy người ngoại quốc. Và đến đoạn:
Gió mang tin một mùa sẽ tới
Sẽ mưa lâu hoặc cơn nắng dài
thì giọt nước mắt đã rưng rưng trên khuôn mặt của một khán giả ngoại quốc khác. Có lẽ mấy người này đang khắc khoải nhớ quê hương mình. Nhớ như nhà thơ Tô Cách Lan Robert Burns đi đến đâu cũng không thể nào quên Miền Thượng Du ( My heart’s in the Highlands wherever I go - Tạm dịch: Lòng tôi vẫn quấn quýt miền Thượng Du dù tôi đi nơi nào). Và bài hát đầy thương nhớ của Trịnh Công Sơn đã tạo nên sự liên tưởng, và đánh động con tim họ. Hay cũng có thể họ thương thay cho quê hương Việt Nam đau khổ, được biểu tượng bằng hai nghệ sỹ tật nguyền, Thuỷ Tiên hỏng môi, miệng, mặt hơi dị dạng, Thế Vinh cụt cánh tay mặt vẫn cố bấm đàn ghi ta bằng tay trái và miệng thì thổi khẩu cầm. Giọng hát và tiếng nhạc đi theo nghe buốt vào tim. Hay lại cũng có thể chính Trịnh Công Sơn đang nhớ quê hương của những ngày thanh bình xa xưa nay không còn, và lan truyền nỗi nhớ ấy vào lòng người nghe.
Quê hương chỉ còn là hoài niệm của con người phổ quát trên hành tinh lắm đau thương này. Trong thế giới quay cuồng bây giờ liệu có còn ai mà không mất quê hương?
Nhưng Biệt Ly có khác. Những ca khúc về biệt ly giữa người và người, đó là chuyện bình thường. Và cũng có bài hát diễn tả tình cảm đó đối với làng mạc, thành phố, quê hương, đất nước. Chẳng hạn trong Giấc Mơ Hồi Hương của Vũ Thành có mấy đoạn nói lên lời biệt ly với Hà Nội:
Nhìn em mờ trong mây khói
Bước đi nhưng chưa nỡ rời
Lệ sầu tràn mi
Đượm men cay đắng biệt ly...
Lê Hữu Mục cũng biểu lộ nỗi buồn khi giã từ Huế trong Hẹn Một Ngày Về:
Trời đầy sương lạnh lẽo
Có ai bơ vơ
Gỡ tay vướng mà đi
Sông nước biệt ly
Người xa kinh kỳ ...
Đấy là nhạc. Thơ không thế. Hầu hết các bài thơ đều chỉ mô tả biệt ly người, chứ không biệt ly cảnh, không biệt ly quê nhà. Tại sao thế, tôi chưa tìm thấy được câu trả lời. Thì tôi mạo muội thử làm một bài thơ biệt ly thành phố Đà Lạt. Hay? Dở? Tự khen hay tự chê đều lố bịch. Chi bằng cứ đánh bạo ghi lại đây chỉ bài thơ ấy mà thôi, không bình luận, trong phần phụ chú. Bài Anh Đào Vỡ [1].
*
“Biệt Ly” được viết rất dài trong Chinh Phụ Ngâm và rất ngắn trong Truyện Kiều. Đó là những đoạn thơ kiệt tác trong văn học Việt Nam cổ điển. Nhưng ta thử lược qua Biệt Ly trong mấy bài thơ khá quen thuộc của trào lưu Thơ Mới Tiền Chiến. Cũng như trong Chinh Phụ Ngâm và Truyện Kiều, đấy là biệt ly giữa hai người với nhau.
Trước hết là Tống Biệt Hành của Thâm Tâm. Đây là một bài thơ đặc sắc.
Cảnh biệt ly diễn ra nơi đâu? Và lúc nào? Không bên con sông, mà trên con đường nhỏ. Không vào buổi sáng hay buổi trưa, “thanh thiên bạch nhật”, mà trong buổi hoàng hôn tranh tối tranh sáng. Tại sao thế? Tác giả không nói rõ nhưng ta biết người đi phải đi trong lén lút để trốn tránh sự theo dõi của nhà cầm quyền. Đi để làm việc “quốc cấm”, đi để tìm đường cứu nước, thì đâu có thể đi ngang nhiên.
Ngay 4 câu đầu tiên, chỉ 28 chữ, đã gây ngạc nhiên lớn nơi người đọc. Nó súc tích, đa chiều, đa dạng trong ý tưởng, hình ảnh, chữ nghĩa, và âm thanh. Nó là những “có” và “không”, những “hỏi” và “đáp”, những “đối chọi nhau” liên tục. Nó diễn ra ở ngọai cảnh, nó đi vào tâm cảnh. Những câu hỏi bắt đầu bằng chữ “sao” đồng thời cũng mang ý nghĩa của lời than. Nơi tiễn đưa không có sông nhưng vẫn có sóng trong lòng, không có bóng chiều ngoài thiên nhiên nhưng hoàng hôn vẫn chứa đầy trong đôi mắt, đôi mắt trong -- đôi mắt của tuổi trẻ, của những ý nghĩ trong veo, tinh anh, quả cảm.
7 chữ trong câu đầu tiên nghe nhẹ lâng lâng như hơi thở với toàn là 7 âm bằng, cơ hồ như muốn dẫn người đọc vào một cảnh trí êm ái, hiu hiu buồn thường xẩy ra trong buổi chia ly. Nhưng không. 7 tiếng dịu dàng đó được đột ngột tiếp nối bằng câu thứ hai cũng 7 chữ mà có đến 4 chữ liền nhau mang âm trắc. Đây là trường hợp độc nhất trong thơ Tiền Chiến vốn chuộng âm bằng[2]. Những âm trắc ấy gây nên ấn tượng sắc bén, khúc khuỷu, dữ dội, quyết liệt. Xin trích dẫn đoạn thứ nhất:
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
(người viết tô đậm)
6 câu tiếp theo nói rõ hơn chí nguyện của người đi. Đi không trở lại nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Chàng tuổi trẻ hẳn chưa có gia đình riêng, không vướng bận thê nhi. Chỉ còn mẹ già là mối bận tâm lớn lao nhất của chàng, và chàng đã hai lần nhắc đến mẹ. Cũng đành phải gạt bỏ. Đành phải nói cứng: “Ba năm mẹ già cũng đừng mong”. Thật ra, theo tôi, trong Tống Biệt Hành chỉ người tiễn đưa phát biểu ý kiến này nọ. Người ra đi lặng câm, và đã từ trước đó nói hết tâm sự của mình cho người bạn thân. Người bạn này biết hết, nói thay: Ta biết, ta biết.
Người đi là đứa con trai độc nhất trong gia đình. Cha có lẽ đã qua đời, hay đang nằm trong tù? Còn mẹ già, còn hai người chị, và một đứa em gái còn nhỏ. Vâng em gái mới có cái dáng điệu đầy nữ tính ấy, mới biểu lộ lòng thương tiếc bằng cách cầm chiếc khăn tay vặn quanh, quấn tròn, chắc là sau khi đã chặm nước mắt. Là người con trai độc nhất của gia đình vẫn nhất định giã từ cuộc sống yên vui mẹ, với chị, với em, để lao vào hiểm nghèo, sóng gió. Điều đó càng khiến người tiễn đưa thán phục, tôn kính - ta chỉ đưa người ấy thôi.
Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng
--Ly khách! Ly khách! con đường nhỏ
Chí lớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm mẹ già cũng đừng mong
Ra đi, lòng dửng dưng? Quyết tâm là thế, nhưng con người dễ gì bóp chết mọi thứ tình cảm. Chiều nay mới lên đường, nhưng từ chiều hôm trước người đi đã buồn. Người cố giấu, nhưng ta biết. Cái buồn đeo đẳng cho dù sen mùa hạ còn nở. Cảnh vật tươi thắm của cuộc đời êm ả đang diễn ra tước mắt liệu có níu được chân em? Chị khóc lóc khuyên em ở lại. Nước mắt chị long lanh như giọt sương đọng trên hoa sen, lá sen.
Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị hai chị cũng như sen
Khuyên đứa em trai dòng lệ sót
(gieo vần âm trắc – nt tô đậm)
Xin lưu ý đoạn trên thuộc thơ thất ngôn gieo vần trắc, cũng là lối gieo vần hiếm hoi.
Sáng hôm nay trời cũng tươi lắm, mưa mùa thu chưa tới. Mà người đi cũng chưa hết buồn. Đứa em gái nhỏ đâu có đủ lời lẽ hoặc can đảm để bắt chước chị khuyên anh ở lại. Chỉ còn bần thần với chiếc khăn tay. Khác với chiếc khăn trong ca dao khi cô gái quê tương tư, Khăn thương nhớ ai khăn rơi xuống đất/Khăn thương nhớ ai khăn vắt lên vai/Khăn thương nhớ ai khăn chùi nước mắt.
Ta biết người buồn sáng hôm nay
Trời chưa mưa thu tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay
Dây tình cảm của gia đình dễ khiến người đi ngã lòng. Vì có ai bắt buộc người phải ra đi đâu, trong khi những níu kéo ở lại thì tha thiết, dùng dằng, khốn dứt. Hết mẹ, rồi chị, rồi em, từ hôm qua cho đến hôm nay. Hoàn cảnh đó khiến ta ái ngại. Biết đâu người đổi ý? Nhưng chiều nay người nhất định ra đi. Người đi thực. Người bất chấp tất cả. Người khinh bạc đến độ phũ phàng. Có thế mới có thể cắt đứt mọi ràng buộc, bịn rịn.
Người đi? Ừ nhỉ người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say.
Dù là mô tả cảnh chia ly, bài thơ có tầm vóc của một bản anh hùng ca bi tráng, cảm khái, thấp thoáng những nét thơ cổ của Phương Đông, không than van, không rên siết, trái lại hào hùng, khắc kỷ và dữ dội. Làm ta nhớ đến hình ảnh “một đi không trở lại” của Tàu ngày xưa (Tráng sỹ nhất khứ hề bất phục hoàn khi Kinh Kha thời Chiến Quốc bên Tàu qua sông Dịch). Làm ta nghĩ đến người chinh phu coi nhẹ “niềm tây” trong Chinh Phụ Ngâm (Sứ trời sớm giục đường mây/Phép công là trọng niềm tây sá nào).
Bài thơ kết thúc bằng 4 câu vần trắc vần bằng xen kẽ nhau, trở lại giọng điệu gắt gỏng, cứng cỏi cũ .
Xét về thể loại thơ thất ngôn của thời kỳ Thơ Mới, Tống Biệt Hành có những đóng góp đầy sáng tạo. Trước hết, mỗi đoản khúc không nhất thiết phải gồm 4 câu 3 vần (câu 1,2, và 4 vần với nhau) như trong một bài thất ngôn tứ tuyệt. Đoản khúc 1 có 4 câu 3 vần; đoản khúc 2 có 6 câu vần khá tự do; đoản khúc 3 trở lại 4 câu nhưng gieo vần theo âm trắc; đoản khúc 4 trở lại lối 4 câu 3 vần cổ điển; và đoản khúc cuối cùng cũng gồm có 4 câu nhưng vần thì phóng túng, bằng trắc xen kẽ. Thử xem một bài thơ mới loại 7 chữ của Xuân Diệu, chẳng hạn bài Đây Mùa Thu Tới, ta thấy bài thơ gồm 4 đoản khúc, mỗi đoản khúc đều có 4 câu 3 vần, và tất cả đều là vần bằng[3]. Rõ ràng về mặt thể loại và gieo vần, Tống Biệt Hành uyển chuyển và đa dạng hơn nhiều.
Chữ dùng trong Tống Biệt Hành rất chuẩn xác, tinh tế, gợi cảm, mạnh mẽ; những câu hỏi, những câu trả lời, những câu tán thán chan chát nằm kề nhau, đối nhau, nâng đỡ nhau. Chẳng hạn câu hỏi ngắn và thảng thốt, Người đi? được trả lời ngay cũng bằng một câu ngắn và thảng thốt, Ừ nhỉ người đi thực! Đấy chỉ là một trong nhiều ví dụ về phong cách đó. Và nhiều chi tiết láy đi láy lại trùng trùng, điệp điệp: “Đưa người”, “không đưa”, “không thắm”, “sao có”, “sao đầy”, “ta biết”, v.v... và 3 từ “thà coi như” được lặp lại liên tiếp trong 3 câu cuối.
Biệt ly trong Tống Biệt Hành kéo dài lâu nhất so với bốn cảnh biệt ly khác sắp được nói đến dưới đây. Nó xẩy ra từ chiều hôm trước khi mấy người chị năn nỉ khuyên nhủ đứa em trai, từ sáng hôm nay khi đứa em gái nhỏ ngây thơ tay quấn chiếc khăn ngỡ ngàng chẳng biết vì sao anh lại bỏ nhà ra đi. Thời gian của biệt ly thì dài, nhưng cái cảm giác gieo vào lòng người đọc lại gấp rút, khẩn cấp, gắt gỏng. Xin ghi lại toàn bài.
Tống Biệt Hành
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng
--Ly khách! Ly khách! con đường nhỏ
Chí lớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm mẹ già cũng đừng mong
Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị hai chị cũng như sen
Khuyên đứa em trai dòng lệ sót
Ta biết người buồn sáng hôm nay
Trời chưa mưa thu tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn tương nhớ chiếc khăn tay
Người đi? Ừ nhỉ người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay
Biệt Ly Êm Ái dưới đây của Xuân Diệu thì khác hẳn:
Chúng tôi ngồi vây phủ bởi trăng thâu
Sương bám hồn gió cắn mặt buồn rầu
Giờ biệt ly cứ đến gần từng phút
Chúng tôi thấy đã xa nhau một chút
Người lặng im và tôi nói bâng quơ
Chúng tôi ngồi ở giữa một bài thơ
Một bài thơ mênh mông như vũ trụ
Đầy khói hương xưa tràn ân ái cũ
Chúng tôi ngồi vây phủ bởi trăng thâu
Tay trong tay đầu dựa sát bên đầu
Tình yêu bảo: ”Thôi các ngươi đừng khóc
Các ngươi sẽ đoàn viên trong mộng ngọc”
Cứ nhìn nhau rồi lại vẫn nhìn nhau
Hạnh phúc ngừng giữa đôi trái tim đau.
Đây là cảnh biệt ly giữa hai người yêu nhau. Hay nói cho chính xác hơn, giữa hai người sắp xa nhau. Tình cảm dàn trải ủ rũ, sướt mướt, theo lối thơ 8 chữ gieo vần từng cặp bằng trắc thay nhau liên tục từ đầu cho đến cuối. Âm điệu vang lên như những lời thủ thỉ, thổn thức, êm ái, như những tiếng mơn trớn trái tim, những lời rù rì nho nhỏ của đôi chim bồ câu bên cửa sổ. Nhưng cũng có chút lạc điệu, cường điệu, có lẽ do ở tình cảm lãng mạn như nước tràn bờ khiến họ nghĩ họ đang:
Chúng tôi ngồi ở giữa một bài thơ
Một bài thơ mênh mông như vũ trụ
Đầy khói hương xưa tràn ân ái cũ
Bài thơ nào mà “ghê gớm” thế?
Sự gần gũi, giao thoa của thân xác, điều thường thấy trong thi ca Pháp, Anh, bắt đầu du nhập vào thơ Việt Nam qua Xuân Diệu (Tay trong tay đầu dựa sát bên đầu ... Cứ nhìn nhau rồi lại vẫn nhìn nhau). Cái lối nói rất Tây cũng được sử dụng rất tự nhiên và tài tình vào trong thơ Việt (Sương bám hồn gió cắn/Chúng tôi ngồi ở giữa một bài thơ/Tình yêu bảo:Thôi các ngươi đừng khóc). Và toàn bài là tiếng nói rất riêng tư, rất cá nhân chủ nghĩa, được đúc kết bằng câu thơ cuối cùng có tính cách tượng trưng, đầy hình ảnh, và sống động:
Hạnh phúc ngừng giữa đôi trái tim đau.
Bài thơ mang đậm nét lãng mạn của phương Tây thế kỷ XIX.
Em Về Nhà của Huy Cận lại có những đặc trưng riêng dù hai thi sỹ Xuân Diệu và Huy Cận là người đồng thời và cũng là bạn chí thiết của nhau. Nét nổi bật trong bài thơ này cũng như trong hầu hết thơ của Huy Cận, đó là “không gian”. Không gian được nhắc đến nhiều trong thơ Huy Cận. Ở Xuân Diệu, thì thời gian. Một chi tiết khác cũng cần được lưu ý: tiếng “Em”. Đây là người em gái ruột thịt giã từ anh, hay là người yêu? Dù Huy Cận có em gái đi nữa, căn cứ vào văn bản, tiếng “em” trong bài để chỉ “người yêu” nghe vẫn phù hợp hơn. Rời xa người yêu, người ta mới quay quắt như thế.
Ta không biết nhà thơ có đưa tiễn người yêu đến tận nơi thuyền đậu hay không. Chắc là không. Ngày xưa, cũng không xưa lắm, yêu nhau ngoài vòng lễ giáo là chuyện cấm kỵ, nhất là về phía người con gái. Thì vụng trộm vậy. Sau cơn ngủ dài cho đến sáng, sáng trưa sáng trật, “em” được nhà thơ gọi dậy và hối thúc lên đường, sáng hung rồi, đành phải xa nhau thôi.
Trái lại, trong một bài thơ nổi tiếng khác, bài Ngậm Ngùi, khi đã “chiều rồi”, chứ không phải là lúc trời đã sáng hung, nhà thơ lại “ru em” ngủ tiếp ngoài “vườn hoang”, tay làm gối cho em tựa đầu để “Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.” Cũng có một chi tiết giống nhau. Trong Em Về Nhà, bảo em hãy “tự nhiên”, trong Ngậm Ngùi, mong em “mộng bình thường”.
Trở lại với Em Về Nhà, một mình em xuống thuyền nhé, tránh mọi dòm ngó. Đây có thể là một câu nói ở cạnh giường, lúc người đẹp đang còn “ngủ nướng”, chứ không phải nơi chia tay:
Thôi sáng hung rồi em hãy đi
Câu tiếp theo nghe lạ. Tác giả muốn nói gì? Khuyên đừng buồn là đúng, sắp xa nhau mà, nhưng sao phải “tự nhiên”. Lại cũng có chút “ngậm ngùi” chăng:
Tự nhiên em nhé chớ buồn chi.
Vì không thể tiễn đưa em đến tận bờ sông, nhà thơ càng mang cái ẩn ức dồn nén suốt cả một ngày. Thắc thỏm đứng ngồi không yên, tưởng tượng từng bước em đi. Nào con sông dài có nhiều bất trắc, nào là qua thác, xuống ghềnh, vượt vực:
Này lúc bên đường bóng đứng trưa
Thuyền em qua thác sóng xô lùa
Sông êm bãi cát con cò đứng
Khỏi vực lòng em hết sợ chưa
Chỉ một câu ngắn gọn cũng đủ nói lên tất cả nỗi bồn chồn, lo lắng, chăm chút, âu yếm, của một người yêu đối với một người yêu:
Khỏi vực lòng em hết sợ chưa
Nhưng mọi chuyện đều chưa đâu vào đâu dù em đã qua khỏi vực -- em đi từ sáng, chiều chưa về tới nhà; chiều thì cũng dở dang, nửa chiều; sông thì đến ngõ rẽ; lòng người đi thì ngao ngán, ngổn ngang trăm mối như nước bốn bề đến nỗi tiếng gà rất quen thuộc của miền thôn dã vẫn nghe ra rất lạ lẫm. Những điều nói trên khiến người đọc tự hỏi trong trăm mối tơ vò ấy có mối nào xui người đi quay thuyền lui lại, thay vì phải rẽ theo nhánh sông cũ để trở về bến xưa, về với cuộc sống yên lành ngày lại ngày:
Tới ngã ba sông nước bốn bề
Nửa chiều gà lạ gáy trên đê
Làng quê lặng lẽ sau tre trúc
Bến cũ thuyền em sắp ghé về
Khi “em tôi” đã về tới nhà cũng là lúc nhà thơ cầm không được nước mắt. Thế là hết. Thế là cuộc tình phụ trội kéo dài thêm trong tâm tưởng cũng phải chấm dứt trong nước mắt.
Biệt Ly của Huy Cận không xẩy ra ở ngoại cảnh mà kéo dài tưởng như không bao giờ dứt dứt trong lòng của thi nhân. Không gian mênh mông, sông nước bốn bề, trên những chặng đường đưa em về nhà, đã nằm gọn trong tưởng tượng phong phú, trong linh hồn bé nhỏ của Huy Cận. Nhà thơ, trong thời trẻ, từng viết:
Một chiếc linh hồn nhỏ
Mang mang thiên cổ sầu
Và đây là một nét đặc biệt khác trong bài thơ biệt ly này: Không gian bao la nhưng không hoang sơ, nỗi buồn miên man nhưng được sưởi ấm. Đấy là do ở sự ân cần, chăm chút, trìu mến của người ở lại đối với người ra đi, nó hóa thành sợi dây buộc hai người lại với nhau. Cũng như trong hầu hết thơ của Huy Cận, lời lẽ ít mà nói được nhiều:
Thôi sáng hung rồi em hãy đi
Tự nhiên em nhé chớ buồn chi
Suốt ngày nhắc nhở em từng phút
Anh đoán thuyền em đến bến gì
Này lúc bên đường bóng đứng trưa
Thuyền em qua thác sóng xô lùa
Sông êm bãi cát con cò đứng
Khỏi vực lòng em hết sợ chưa
Tới ngã ba sông nước bốn bề
Nửa chiều gà lạ gáy trên đê
Làng xa lặng lẽ sau tre trúc
Bến cũ thuyền em sắp ghé về
Khi bóng hoàng hôn phủ núi xa
Khi luồng tơ tưởng vướng chân và
Khi cầm không được anh ngồi khóc
Ấy lúc em tôi đã tới nhà
Cuối cùng, biệt ly trong Cánh Buồm Nâu của Nguyễn Bính.
Có lẽ hai người nam nữ mới gặp nhau. Có lẽ người con trai từ xa đến, ở lại không bao lâu, rồi đi. Tình yêu vừa mới đâm chồi thì chia ly. Nói như thế, trí tưởng tượng đã bị đẩy đi quá xa chăng, tôi tự hỏi. Thật ra trí nhớ đã kéo tôi về với một cuốn phim chiếu cách đây hơn nửa thế kỷ, Les Vendanges (Mùa Hái Nho) trong đó cô gái con của một chủ nông trại đã yêu chàng thanh niên đến làm thuê. Hái nho xong, hết việc làm, anh phải ra đi, để lại cô thôn nữ với mối tình vừa chớm nở. Ở quê hương ta, từ xa xưa, tình cảnh đó cũng đã được biểu lộ trong hai câu ca dao miền Trung:
Rồi mùa tót rã rơm khô
Bạn về quê bạn biết mô mà tìm
Tại quê nhà, không phải là mùa hái nho mà là mùa gặt lúa. Những người làm thuê từ những làng xa, tỉnh xa, đến gặt lúa. Xong, đạp lúa (những nhánh lúa chất đầy sân rồi cho trâu đạp lên để tách hạt lúa ra khỏi nhánh lúa, còn lại cọng rơm), phơi rơm, đánh rơm lên thành đụn cao làm thức ăn cho trâu bò vào mùa đông tháng giá cỏ không mọc nổi. Ở ngoài đồng trống thì tót (rạ) đã rã hết vì ngập trong nước mưa của mùa lụt lội, làm phân bón cho mùa lúa sau. Đến đây, việc đồng áng của mùa năm nay thế là hết. Những người làm thuê, mà người dân quê gọi là “trai bạn”, phải ra đi. Cũng để lại thương nhớ cho mấy o thôn nữ.
Vậy thì trong Cánh Buồm Nâu hai người phải lòng nhau có thể cũng có cùng một cảnh ngộ như trong Mùa Hái Nho hay Mùa Gặt Lúa, cái cảnh ngộ thường xẩy ra trong nếp sống nông nghiệp, văn hóa dân gian (folklore), từ Đông sang Tây. Và họ cũng mới yêu nhau trong “vụng trộm”, nhìn nhau qua cửa tò vò khi phải xa nhau.
Em sẽ tiễn đưa anh đến tận bờ sông? Không được đâu, em đâu dám. Trong câu đầu tiên, Hôm nay dưới bến xuôi đò, chữ dưới bến chứng tỏ nơi anh xuôi đò là ở dưới kia kìa, xa quá. Chỉ một mình anh xuống bến, em ở nơi này, trong nhà của em, nhìn theo anh, và được anh nhìn lại, qua cửa tò vò. Câu thứ ba, Anh đi đấy anh về đâu, chỉ có 6 chữ chia ra làm 2 vế, và cũng là 2 câu hỏi dồn dập, quay quắt: mới đó mà anh đã đi đấy à? Rồi anh về đâu? Anh về quê cũ, hay còn đi nơi nào khác nữa? Biết mô mà tìm.
Người thôn nữ không biết bày tỏ nỗi lòng một cách văn vẻ, bay bướm, đầy hình ảnh tượng trưng như nàng Kiều đối với Từ Hải, Cánh hồng bay bổng tuyệt vời/Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm. Cô gái quê giản dị hơn nhiều. Cô chỉ biết nhìn theo mãi con đò, như không hề chớp mắt. Con đò đã mang người mình thương, chữ “thương” dân dã chứ không phải là chữ “yêu” thị thành, đi xa dần, xa dần. Trong câu cuối cùng, đặc biệt là hai chữ cuối cùng, gợi nên hình ảnh chia lìa, đứt đoạn: Cánh buồm nâu (màu nâu còn được nhận ra), cánh buồm nâu (con thuyền đi xa hơn nhưng màu nâu ấy cũng vẫn còn đó), và cuối cùng, cánh buồm (đến đây thế là hết, anh mất hết dấu tích chẳng khác gì màu nâu bị xóa nhoà cuối chân trời). Màu sắc phai mờ, chỉ còn chút đường nét, như trong một bức tranh thủy mặc đen trắng:
Cánh buồm nâu cánh buồm nâu cánh buồm
Bài thơ chỉ được gói vỏn vẹn trong 4 câu lục bát, và cái cảm xúc chia ly chỉ thoáng hiện trong giây lát. Nghe như ca dao nhưng không phải ca dao. Nó gần ca dao nhưng nó có cái riêng của nó. Ngôn ngữ đơn sơ, trong sáng, thích đáng, nhưng không chút quê mùa, mộc mạc. Hình ảnh là của miền quê, cũng bến đò, con đò, cánh buồm. Nhưng do ở cách sắp đặt ý tứ, cách sử dụng từ ngữ, điệp ngữ, cách trình bày thi vị, đầy ấn tượng, đầy gợi ý, bài thơ nghe thật e ấp, kín đáo, hàm súc, đáng được sắp vào loại thơ tân kỳ nhất của trào lưu Thơ Mới:
Hôm nay dưới bến xuôi đò
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
Anh đi đấy anh về đâu
Cánh buồm nâu cánh buồm nâu cánh buồm