Dan biển liên bang Hoa Kỳ Alan Lowenthal đại diện khu vực tập trung nhiều người gốc Việt sinh sống ở California lên án đề xuất chính sách di trú của Tổng thống Donald Trump kêu gọi chấm dứt chính sách di trú đoàn tụ gia đình.
Một dân biểu liên bang Hoa Kỳ đại diện khu vực tập trung nhiều người gốc Việt sinh sống lên án đề xuất chính sách di trú của Tổng thống Donald Trump kêu gọi chấm dứt chính sách di trú đoàn tụ gia đình, vốn đã tạo điều kiện cho hàng chục ngàn người Việt Nam nhập cảnh Mỹ từ những năm 1990 trở lại đây.
Dân biểu Alan Lowenthal, đại diện địa hạt 47 của California trong Quốc Hội Hoa Kỳ, hôm 2/2 ra thông cáo đả kích bài diễn văn Tình trạng Liên bang của ông Trump hôm 30/1 mà qua đó Tổng thống nói sẽ cho phép các “Dreamer” – những người nhập cư được đưa đến Mỹ bất hợp pháp lúc nhỏ và đang chờ xem liệu họ có sắp bị trục xuất hay không – được trở thành công dân Mỹ, đổi lại, ông muốn có tường biên giới với Mexico, hạn chế chính sách “di dân dây chuyền” và bãi bỏ chương trình xổ số visa nhập cư Mỹ.
Thông cáo của dân biểu Lowenthal nói những đề xuất cải tổ di trú của ông Trump có những “điểm sai trái trầm trọng” khi gợi ý di dân là những kẻ tội phạm hay gánh nặng cho xã hội và rằng những người được cho vào Mỹ không trải qua thủ tục rà soát lý lịch gắt gao.
“Tổng thống Trump còn tiếp tục phát biểu sai trái khi ông gọi chính sách đoàn tụ gia đình của Hoa Kỳ là ‘di dân dây chuyền,’ và kết luận sai lầm khi Tổng thống cho rằng một di dân vào Hoa Kỳ có thể sẽ đem theo được vô số người thân khác vào định cư Hoa Kỳ - cho dù trên thật tế, luật hiện hành không cho phép điều này,” thông cáo nói thêm.
"Di dân dây chuyền" – chính thức được gọi là "đoàn tụ gia đình" theo luật liên bang – là quá trình mà theo đó những người có quốc tịch và những người có thẻ xanh (thường trú nhân hợp pháp) có thể bảo lãnh nhập cảnh Mỹ một số thân nhân nhất định.
Không công dân Mỹ nào hay thường trú nhân nào có thể trực tiếp xin bảo lãnh cô, dì, chú, bác, cháu, thông gia hoặc ông bà tới Mỹ định cư.
Về lí thuyết, một người nhập cư tới Mỹ có thể giúp cô, dì, chú, bác được định cư ở Mỹ - nếu người nhập cư đầu tiên đó trở thành công dân Mỹ và bảo lãnh cha/mẹ, rồi cha/mẹ trở thành công dân Mỹ và bảo lãnh anh chị em của họ.
Nhưng khoảng thời gian chờ đợi để có được visa là khá lâu đối với một số người thân nhất định vào Mỹ theo diện bảo lãnh gia đình – hơn 13 năm. Hơn nữa có giới hạn về số lượng visa được cấp mỗi năm cho diện bảo lãnh thân nhân.
Dân biểu Lowenthal nói thêm ông Trump đang muốn dùng những Dreamer này làm “con tin” để trao đổi, hy vọng nhận được sự nhượng bộ của các nhà lập pháp đối với những đòi hỏi nhằm cắt giảm di cư hợp pháp vào Mỹ.
“Những đề nghị hết sức hà khắc này của Tổng thống đi ngược lại những giá trị tốt đẹp của Hoa Kỳ,” thông cáo của vị dân biểu California nói.
“Tôi không thể ủng hộ những đề nghị này của Tổng thống và tôi sẽ tiếp tục tranh đấu cho một chính sách di trú hợp tình hợp lý hơn, cho những ‘Dreamer,’ và bảo vệ quyền lợi của những di dân hợp pháp và duy trì các chương trình di trú như xổ số visa và chính sách đoàn tụ gia đình,” dân biểu Lowenthal cho biết.
Theo VOA