Tôi là con một trong gia-đình. Tôi sống và lớn lên tại Việt-nam cho tới khi lên 5 tuổi, thời gian quá ngắn đối với một đứa trẻ như tôi để biết về đất nước mình. Vào cái tuổi lên năm lúc mà trí non nớt của tôi, khi đói biết kêu đòi ăn, khi buồn tiểu, biết tự đi vào nhà xí, biết khóc để phản đối khi bị đưa vào nhà trẻ mỗi buổi sáng khi mẹ tôi đi làm vì không muốn xa mẹ cả một ngày dài.
Trong cái tuổi non dại đó, tôi đã được nghe nói đến con mèo của ba tôi.
Vào một buổi chiều mưa, trời tối sớm hơn mọi ngày, mấy đứa trẻ cùng lớp đã được cha mẹ đến đón về hết, trong lớp học chỉ còn mình tôi với cô giáo. Cô giáo đi tới đi lui trong lớp, thỉnh thoảng nhìn vào đồng hồ tay hoặc nhìn ra đường có vẻ nóng ruột. Lớp học trở nên vắng lặng lạ thường. Thỉnh thoảng chỉ nghe tiếng còi xe từ bên ngoài vọng vào. Cô giáo không nói gì hết. Cô bắt đầu lấy báo ra đọc.Tôi đứng bên trong lớp, cạnh cửa ra vào, nhìn ra đường trông chờ mẹ. Thật lâu, tôi không biết bao nhiêu thời gian..nửa tiếng? một tiếng?...và trong cái ánh sáng vàng nhạt ngoài đường, mẹ tôi xuất hiện với dáng dấp vội vàng, hớt hải, quần áo ướt, đầu tóc rối tung. Tôi gọi me..mẹ, nghe tiếng tôi gọi mẹ tôi chạy về hướng tôi, tôi chạy về phía mẹ, mẹ tôi ôm tôi, tôi khóc, mẹ tôi cũng khóc. Mẹ tôi hôn lên mặt tôi, lên tóc tôi, hơi nóng thoát ra từ mẹ tôi làm người tôi ấm lại, mẹ tôi nói nhanh:
- Mẹ xin lỗi con, mẹ đến trễ làm con chờ, tội nghiệp con tôi.!
Tôi nghe dường như có một vật gì vướng trong cổ mẹ.
- Chiều nay mẹ biết mẹ sẽ về trễ, đã nhờ ba con đi đón con. Mẹ về nhà không thấy con, mẹ chạy ra đây. Tội nghiệp con tôi.....tại con mèo của ba con....
và tôi nghe mẹ tôi hít một hơi thở thật dải rồi thở ra thật mạnh như trút ra nhũng uất ức đang có trong người:
- Ác thật..ác thật...tại cái con mèo nầy!
Rồi mẹ nhẹ nhàng đẩy tôi ra khỏi vòng tay. Mẹ từ từ đứng dậy, nắm tay tôi trở vào lớp học, chào cám ơn cô giáo.
*****
Tối hôm đó, khi đi ngủ, khác với mọi đêm mẹ thường hay hát khe khẽ những bài hát để ru tôi ngủ, đêm nay mẹ tôi chỉ thở dài. Tôi nghe trong lòng tôi như có tiếng khóc, có một nỗi buồn vì thương mẹ. Tôi quờ tay vào mặt mẹ, mẹ tôi khóc, nước mắt ướt trên má. Tôi muốn hỏi mẹ tôi thật nhiều :
Tại sao ba không đi đón tôi chiều nay? Sao là tại con mèo của ba? Con mèo ác thật? Con mèo của ba tôi có khác con mèo mướp của bà Tư hàng xóm không?
Con mèo hiền lành, mỗi lần thấy tôi ngồi chơi ngoài sân thì mon men đến gần, tựa vào người tôi, đầu cứ dúi vào lòng tôi, kêu meo meo. Con mèo thật dễ thương. Tôi hay ôm nó vào người, vuốt ve. Tại sao là con mèo của ba tôi? Ba tôi bận đi tìm mua con mèo để nuôi ư ? Như vậy thì thích quá rồi chứ, nhà sẽ có con mèo, tôi sẽ có bạn chơi với nhau, và từ nay sẽ không còn chơi với con Mướp của bà Tư hàng xóm. Mà sao ba mua con mèo ác mà không mua con mèo hiền như con mèo của bà Tư ? Con mèo của ba mua chắc là đẹp lắm ? Phải là con mèo Tam thể hay là con mèo nhị thể trắng đen ? Trong trí óc ngây thơ của tôi lúc bấy giờ, cái cảm giác đồng loã với mẹ vào buổi chiều ở trường mầm non với một chút ghét bỏ, một chút giận hờn ba tôi đã tan biến, thay vào đó là một sự yêu mến và lòng mong chờ; tối nay ba tôi sẽ đem con mèo về. Cái ý nghĩ muốn hỏi mẹ tôi nhen nhúm trong lòng tự nhiên không còn nữa, thay vào bằng im lặng, lắng nghe, chờ tiếng cửa mở, chờ tiếng chân của ba tôi trở về trong niềm vui sẽ có một con mèo ! Trong giấc ngủ đêm hôm đó, tôi mơ thấy trong nhà tôi có một con mèo thật đẹp, nó có màu sắc khác con mèo vàng xám của bà Tư hàng xóm, quanh cổ nó có một giây nơ màu xanh, màu đỏ, màu vàng với một cái chuông nhỏ, toàn thân là một màu thủy tinh lóng lánh.
*****
Những tháng ngày tiếp theo, cứ mỗi buổi sáng thức dậy còn nằm trên giường, tôi lắng nghe một tiếng mèo kêu ở trong nhà, tôi vẫn nghĩ rằng đêm hôm trước ba tôi đi làm về đã đem con mèo về nhà....Không khí trong nhà vẫn yên tĩnh, tôi mở cửa ra khỏi phòng ngủ, giờ nầy ba tôi đã đi làm; ba tôi đã đi làm thật sớm, và chỉ về nhà sau khi tôi đã vào giường ngủ. Tôi chạy vào phòng khách, mở cửa phòng ngủ của ba mẹ, xuống nhà bếp, nhìn dưới bàn ăn, không tìm ra được con mèo nào, như vậy ba tôi vẫn chưa đem con mèo về nhà!
Giờ đi học, tôi theo mẹ bước ra sân, như thói quen thường lệ, con mèo của bà Tư từ bên kia rào chạy đến bên tôi, cái đuôi ngoe nguẩy đưa cao, cả thân hình tựa vào chân tôi, mặt ngước lên nhìn tôi kêu meo meo. như một lời chào hỏi buổi sáng. Con mèo cọ sát thật mạnh vào chân tôi như muốn trao niềm thân ái. Tôi cúi xuống vuốt nhẹ lưng nó, nói như an ủi: “Mèo ở nhà đừng buồn nhé, chiều nay ta đi học về sẽ chơi với mi”. Mẹ tôi sợ trễ giờ học,kéo tôi đứng dậy, lôi đi.Tôi vừa đi vừa quay lại nhìn con mèo, nó vừa ngoe nguẩy đuôi, vừa chạy theo, miệng kêu meo meo. Tôi đưa tay vẫy vẫy con mèo, lòng thầm nói : “Mèo ơi mầy sẽ có bạn...”
tôi đang nghĩ đến một ngày nào đó ba tôi sẽ đem một con mèo về nhà.
*****
Một hôm tôi được nghỉ lễ, trường đóng cửa. Ngày hôm đó mẹ tôi rời nhà rất sớm. Dì Hai, chị của mẹ tôi, được mẹ tôi nhờ đến nhà săn sóc tôi trong ngày. Dì Hai đến khi tôi vừa thức giấc, còn nằm trên giường. Dì vào nằm bên tôi. Dì Hai thương tôi như một nguời mẹ, dì không có chồng. Tất cả những tình cảm của dì dành hết cho tôi, đứa cháu duy nhất. Ông bà ngoại tôi chỉ có Dì và mẹ tôi. Dì nằm, tay để trên ngực tôi, tôi nâng tay dì. Tay dì đẹp và mềm mại hơn tay của mẹ tôi..Tôi cảm nhận mỗi khi tay dì vuốt mặt tôi, bàn tay dì thơm mùi xà phòng, có lẽ dì mới tắm ở nhà trước khi đến đây.
Bất chợt tôi hỏi dì:
- Mẹ con đi đâu sớm vậy dì Hai?
Dì bật ngồi dậy, đưa năm ngón tay lên che miệng của tôi, miệng dì chu lại “suỵt..suỵt ..” hàm ý bảo tôi nói nhỏ lại. Có lẽ dì sợ một ai dó nghe được câu chuyện giữa tôi và dì .
Dì cúi mặt xuống, nói sát vào tai tôi:
- Mẹ con đi sớm để rình bắt con mèo của ba con rồi..
Tôi nằm yên, nghe sự sung sướng tản mạn chạy cơ thể. Trong cái đầu non nớt của tôi lúc đó hàng chục con mèo với các màu sắc khác nhau xuất hiện. Tôi không biết chiều nay con mèo nào sẽ được mẹ tôi mang về. nhà. Cùng lúc tôi thầm trách ba tôi, ba tôi có con mèo mà dành nuôi riêng một mình. Ba tôi không thương tôi, giấu con mèo một nơi nào đó, nay mẹ tôi phải đi tìm đem về. Có lẽ thấy tôi nằm im muốn nghe, dì Hai nói tiếp:
- Mẹ con khổ với ba của con. Vợ con không lo săn sóc, chỉ biết lo cho con mèo của mình..Tôi ngồi dậy hỏi dì Hai:
- Dì Hai, con mèo của ba con có đẹp và hiền như con mèo mướp của bà Tư hàng xóm không dì?
Dì Hai phá lên cười, khẽ đập nhẹ trên đầu tôi, nhìn vào mặt tôi, tự nhiên mặt dì trở nên có vẻ khôi hài, dì nói:
- Con mèo của ba con làm sao mà đẹp, làm sao mà hiền được, nó dữ như cọp vậy đó. Ba con sợ nó lắm.
Rồi dì thở dài:
- Thật là đàn ông, mẹ con còn khổ nữa.
Những lời của dì Hai cứ lãng vãng mãi trong đầu tôi suốt ngay hôm đó. Tại sao ba tôi có con mèo giấu ở đâu, không chịu mang về nhà, mẹ tôi phải đi tìm ? Có thật là ba tôi chỉ lo cho con mèo, không lo săn sóc mẹ tôi và tôi?
Ba tôi vẫn cư xử tốt với mẹ con tôi đấy chứ. Ba tôi vẫn thường hay mua quà cho tôi và thỉnh thoảng cũng đưa mẹ tôi đi xem chiếu bóng hay cải lương đấy chứ. Tự nhiên tôi cảm thấy không còn thích con mèo của ba tôi nữa. Tôi cảm thấy hoang mang. Con mèo của ba tôi dữ như cọp, ba tôi còn sợ nó, như vậy hôm nay mẹ tôi đi rình bắt con mèo của ba tôi làm gì ? Tôi lo cho mẹ, con mèo nầy dữ quá, mẹ tôi bắt nó thì làm gì nó cũng cào, cắn mẹ tôi. Đem nó về nhà tôi cũng không dám đến gần nó như đã đến gần chơi với con mướp của bà Tư hàng xóm.
Dì Hai đang ở trong bếp chuẩn bị cơm trưa, tôi mon men lại gần dì:
- Dì Hai, dì Hai, dì nói mẹ con đừng đi rình bắt con mèo của ba con nữa. dì nói nó dữ như cọp, nó sẽ cào, cắn mẹ con... con không thích đâu, con không thích đâu!
Dì Hai nhìn tôi, lắc đầu, giọng dì nghiêm khắc:
- Phải bắt con mèo nầy, đập cho nó một trận nên thân, cho bỏ cái tội phá hại gia cang người khác. Nó là con cọp dữ cũng phải đánh. Con còn nhỏ chưa hiểu chuyện người lớn đâu. Tránh ra để dì làm bếp.
Bị dì Hai đuổi, tôi bỏ ra sân, ngồi một mình, con mướp từ đâu mon men đến gần chui đầu vào lòng tôi. miêng kêu meo meo. Tôi ôm nó, vuốt ve, bộ lông mềm mại thật êm tay, con vật nằm yên nheo mắt như ngủ.
Tôi nhìn con mèo, nó chẳng có vẻ gì hung dữ cả, chắc con mèo của ba tôi cũng hiền lành như con mèo nầy. Rồi tôi lại nhớ đến những ngày trước đó cũng con mướp đang nằm trong lòng tôi một cách hiền lành nầy đã đánh nhau với một con chó trong xóm vì dành nhau khúc xương cá của một ai đó ném ra sân. Cả thân hình con mướp thu nhỏ lại nhưng lông xù ra, ba chân của nó bám chắc mặt đất, chân thứ tư phía trước đưa cao, lòng bàn chân mở rộng chìa ra những cái vuốt bén nhọn tát thẳng vào mặt con chó to lớn. Cằm con mướp mở bạnh, răng nhe ra, miệng nó phát ra nhũng tiếng kêu “gừ ..gừ..rợn người. Trước sự tấn công dữ dội của con mướp, con chó gầm gừ vài tiếng bỏ chạy. Bỗng dưng trong đầu tôi hình ảnh của mẹ tôi xuất hiện, mặt mày đầy máu, áo quần tơi tả, dáng đi thiểu não, nước mắt chảy ra, tôi nghĩ chắc là con mèo hung dữ của ba tôi đã làm mẹ tôi thương tích. Tôi vội đứng dậy, ném con mướp xuống đất, chạy vào nhà, đóng cửa lại.
*****
Nằm bên dì Hai, chập chờn trong giấc ngủ trưa, tôi cầu mong mẹ tôi không gặp được con mèo của ba tôi thì tiếng dì Hai hỏi lớn:
- Em Ba về phải không? Sao, có gặp nó không ?
Mẹ tôi đã về, chắc chắn mẹ tôi đã về đang mở cửa vào nhà. Em Ba là tiếng dì Hai gọi mẹ tôi..Tôi chưa nghe tiếng mẹ tôi trả lời, có lẽ mẹ tôi chưa vào hẳn bên trong nhà nên không nghe câu hỏi của dì Hai. Dì Hai lặp lại câu hỏi cũ:
- Em Ba về phải không, sao? có gặp nó không? Tiếng mẹ tôi trả lời có vẻ bực tức:
- Không gặp được, em rình để bắt quả tang nhưng không thấy tăm hơi gì hết. Trời hôm nay nắng nóng quá, em uống hết mấy ly trà đá cũng chưa hết khát. Em đau cả đầu và chóng mặt.
Dì Hai ngồi dậy ra khỏi giường, tưởng tôi đang ngủ, dì nói:
- Cũng tại cái con mèo của ba mày làm mẹ mày khổ..
Tôi không quan tâm lời dì Hai nói, dì Hai vừa bước ra khỏi phòng, tôi vùng dậy chạy một mạch ra đến cửa, mẹ tôi đang đứng ngay trước cửa như chờ tôi, tôi nhìn thấy mẹ tôi nguyên vẹn như ngày hôm qua, như những ngày trước đó. Tôi ôm mẹ và sung sướng nói với mẹ:
- Mẹ đừng đi tìm con mèo của ba nữa. Dì Hai nói con mèo đó dữ như cọp..
Dì Hai kéo tai tôi:
- Chuyện người lớn, con nít không nên nói đến . Đi ra sân chơi đi, để mẹ và dì Hai nói chuyện.
*****
Mùa hè năm đó, vào buổi chiều, tôi chơi ngoài sân với con ngựa gỗ. Dì Hai ngồi trên chiếc ghế nơi góc sân, đan chiếc áo len màu đỏ. Thỉnh thoảng dì đến bên tôi đưa mẫu áo đang đan đo vào người tôi, dì nói, “Dì đan áo nầy cho con đem qua Pháp mặc, mùa đông bên đó lạnh lắm. Khi nào mặc áo nầy hãy nhớ đến dì Hai nghe con.”
Tôi hỏi dì nước Pháp ở đâu vậy dì Hai ? Có xa nhà mình không dì Hai? Bộ ở đó lạnh lắm hả dì Hai?
Dì nói: “Nuớc Pháp xa nhà mình lắm, ban ngày bên nước mình thì ban đêm bên nước Pháp. Bên đó mùa đông lạnh lắm, có tuyết nữa.” Tôi không biết tuyết là gì nên hỏi: “Tuyết ra sao dì Hai? đẹp không dì Hai? “ Dì Hai đưa cuộn len quẹt quẹt vào hai bên má tôi trả lời:”Tuyết đẹp lắm, trắng như bông và lạnh như trà đá con thường uống lúc ăn cơm vậy đó.”.
Nói xong dì Hai trở lại ghế tiếp tục đan áo. Tôi leo lên con ngựa gỗ vừa lấy đà đạp làm cho con ngựa gỗ tiến tới, thụt lùi, tâm trí mơ màng đến một nước Pháp xa xôi nào đó, mùa đông đầy tuyết trắng có những bông hoa xanh, đỏ, tím, vàng nở hai bên đường thì nghe tiếng dì Hai la lên thật lớn:
- Trời ơi, sao vậy?
Dì Hai ném chiếc áo len đang đan xuống đất, chạy vội ra ngõ. Tôi nhìn theo, thấy mẹ tôi đang đi vào, chiếc áo bà ba trắng lấm đất vài chỗ. Bà đi với vẻ đau đớn, mệt mỏi. Trên mặt có vài vết máu đã khô. Dì Hai dìu mẹ tôi vào nhà. Tôi thấy thương mẹ tôi vô cùng, nước mắt trào ra. Mẹ tôi nhìn tôi không nói, mặt mẹ tôi cũng đầy nước mắt. Tôi theo mẹ tôi và dì Hai vào nhà, mẹ tôi ngồi yên lặng trên ghế trong khi dì Hai dùng khăn ướt lau vết thương trên mặt mẹ. Mỗi khi dì Hai đưa chiếc khăn ướt vào vết thương, mặt mẹ tôi cau lại, chắc là mẹ tôi đau lắm. Tôi tựa lưng vào tường, nhìn mẹ tôi, chỉ biết khóc.
Đêm hôm đó ba tôi không về. Dì Hai ngủ lại. Những ngày sau ba tôi cũng không về nhà. Mẹ tôi luôn luôn im lặng, không trả lời khi tôi hỏi ba sao không về nhà. Tôi chỉ thấy nước mắt mẹ tôi ứa ra. Thấy mẹ buồn nên tôi không hỏi nữa.
Một hôm tôi đang đứng trước hiên nhà, nhớ đến ba tôi, mấy đứa cháu bà Tư hàng xóm đến gần bờ rào gọi sang hỏi tôi :
- Cu Lý qua đây chơi với bọn tao, làm gì mầy buồn vậy? Bộ mầy nhớ ba mầy hả ? Mấy bữa nay ổng không về phải không?
Tôi rơm rớm nước mắt gật đầu. Đứa lớn nhất trong đám hỏi lớn cho mấy đứa kia nghe mà mắt cứ nhìn vào mặt tôi :
- Mấy đứa bây không biết đâu, vừa rồi ba của nó binh con mèo của ông ấy nên đánh mẹ của nó bầm mình, sưng mặt.
Nghe vậy,mấy đứa kia đồng nhao nhao lên hỏi tôi:
- Phải như vậy không cu Lý, phải như vậy không cu Lý ?
Tự nhiên mặt tôi nóng phừng lên. Tôi không biết thật hư lời chúng hỏi. Tôi không muốn nghe lời chúng hỏi. Tôi cảm thấy chúng nói thật.Tôi cảm thấy chúng nói không thật. Tôi ghét chúng nó vô cùng. Tôi tức chúng nó cùng cực. Tôi không muốn nhìn chúng nó. Tôi không muốn nói chuyện với chúng. Tôi không muốn gì hết. Tôi xấu hổ. Cổ tôi nghẹn lại. Tôi hét lên:
- Không phải, không phải, tụi bây nói láo, tụi bây nói láo!
Tôi phun nước miếng vào hướng bọn chúng rồi chạy nhanh vào nhà. Mẹ tôi đang ngồi lau sàn nhà, vừa thấy mẹ, tôi vừa khóc vừa gào thật lớn:
- Mấy đứa cháu bà Tư nói ba binh con mèo của ba nên mẹ bị ba đánh phải không mẹ? phải không mẹ ?
Mẹ tôi vứt khăn lau nhà vào sô nước, ôm tôi vào lòng. Mẹ tôi nói:
- Không phải đâu, chúng nó nói bậy, con đừng tin bọn chúng, con nghe chưa?
Tôi đang nghe mẹ tôi nói, tôi nhìn mặt mẹ tôi, tôi không biết lời mẹ tôi nói đúng hay không đúng sự thật?
*****
Mùa hè qua đi, tôi thích thú trở lại trường. Tôi vẫn học lại lớp mầm non, chưa đủ tuổi để lên lớp cao hơn. Ba tôi thỉnh thoảng về nhà vào buổi tối và đôi khi ăn cơm chung cả gia đình. Ba và mẹ không nói chuyện với nhau. Một hôm ba tôi vừa ăn vừa đọc sách. Mẹ tôi yên lặng nhìn mâm cơm, đôi mắt buồn hiu. Tôi nhìn ba rồi nhìn mẹ. Tôi muốn hỏi một điều gì đó với ba tôi. Tôi muồn hỏi một điều gì đó với mẹ tôi thì ngoài sân có tiếng mèo tru tréo lên, tiếng của hai con mèo. Tiếng một con thì trầm trầm, rên rĩ. Tiếng con kia rít lên the thé như bị ai bóp vào cổ làm nghẹt thở. Âm thanh của hai con mèo làm tôi sợ hãi. Tôi đến sát mẹ tôi như cầu sự che chở, mẹ tôi âu yếm ôm tôi vào lòng. Mẹ tôi nói trong tiếng thở dài, mệt mỏi :
- Con mèo đực của bà Tư hàng xóm lại quyến rũ được con mèo cái nhà ai rồi. Nó có được bạn tình rồi.
Vừa lúc đó ba tôi dằn mạnh chén cơm xuống bàn, ném quyển sách xuống đất, đứng dậy đi thẳng vào phòng. Tôi mở to mắt nhìn theo ba tôi. Lần đầu tiên thấy ba tôi giận dữ. Tôi nhặt quyển sách đem vào phòng cho ba tôi. Ba tôi nằm trên giường, một tay gát lên trán một tay đang vuốt trên ngực.Tôi đến cạnh giường của ba tôi. Tôi sờ nhè nhẹ cánh tay ba tôi. Ba tôi im lặng.Tôi để quyển sách trên bụng của ba tôi rồi đi ra ngoài. Tôi khóc, ba tôi không nói lời nào với tôi cả.
Cây mai vàng trước nhà đang trổ hoa. Tết sắp đến. Mấy hôm nay mẹ tôi lo sắp xếp áo quần vào va-li, dì Hai cũng qua giúp mẹ. Một vài người bạn của mẹ tôi ghé thăm. Gia-đình chúng tôi sắp đi định cư tại Pháp. Chính quyền mới tại Viêt-nam thành lập sau năm 1975 trục xuất những người có quốc-tịch nước ngoài. Ông nội của tôi là người Pháp, chúng tôi có quốc tịch Pháp nên bị buộc phải ra đi. Dì Hai thường than thở với mẹ tôi: “Sao họ ác vây ? không để sau tết rồi đuổi người ta đi! Không có thời gian để đi dọn dẹp sạch sẽ mồ mã ông bà trong tộc!” Người ta bảo cho mẹ và tôi qua Pháp trước, ba tôi qua sau vì tòa đại-sứ Pháp nhờ ba tôi ở lại phụ giúp giải quyết những hồ sơ các gia-đình bị trục xuất chưa được giải quyết. Dì Hai thì thầm với mẹ tôi: “Ba nó (tôi ) tìm cách ở lại với con mèo nên xin ở lại đi sau chứ chắc gì người ta nhờ. Không chừng ba nó ở lại luôn không đi.” Tiếng mẹ tôi nhỏ nhẹ:
- Thôi chị Hai ơi, em xin chị, chị đừng nhắc đến chuyện đó nữa. Bây giờ anh ấy có bao nhiêu con mèo cũng được, em không còn quan tâm. Bây giờ em chỉ lo chăm sóc thằng cu Lý cho nên người, nhiều khó khăn đang chờ em nơi xứ người. Em biết một khi qua đến bên đó, mẹ con em sẽ bơ vơ, cuộc sống bắt đầu trở lại từ đầu. Em buộc lòng bỏ chị, bỏ xứ sở ra đi, không vì em mà vì con em, vì tương lai của đứa cháu chị.
*****
Đến Pháp, mẹ tôi được tuyển dụng làm việc trong một siêu thị tại Paris. Tôi được gởi học trong trường bán nội trú. Từ ngày đến Pháp tôi truởng thành hơn, biết tự lo, không còn quá bé nhỏ như khi ở Việt-nam. Tự tắm rửa, thay áo quần một mình. Sáng sớm thúc dậy, mền gối xếp lại gọn gàng. Sau giờ ăn, tự động đem bát đĩa của mình để vào bồn rửa chén. Khi còn sống ở Việt-nam, mọi chuyện nầy đều do mẹ tôi đảm đương hết. Những tháng ngày đầu tiên đến Pháp, ban đêm mẹ thường khóc, có lẽ mẹ nhớ Việt Nam hay mẹ nhớ ba ? Sau đó tôi không ngủ chung phòng với mẹ nên không biết mẹ còn khóc nữa không !
Một năm sau, khi hai mẹ con tôi cùng ông bà nội của tôi đang nghỉ hè ở vùng biển miền nam nước Pháp, thì được tin từ Paris báo xuống cho biết ba tôi bị tai nạn xe hơi chết tại Hà-nội. Tất cả mọi nguời đều khóc. Tôi sẽ không bao giờ nhìn thấy ba tôi nữa. Mẹ tôi ngồi bất động không khóc. Dường như mẹ tôi đã khóc quá nhiều nên giờ phút nầy bà không còn nước mắt để khóc. Lấn cuối, tại sân bay khởi hành đi Pháp, ba tôi ôm tôi nói lời tạm biệt, mẹ tôi quay mặt đi nhìn vào cõi xa xăm nào đó để mặc cho hai giòng nước mắt chảy, cho đến lúc máy bay khởi hành, mắt mẹ tôi vẫn đỏ.
Hài cốt của ba tôi được đưa về Pháp và được an táng trong nhà mồ của đại gia-đình. Mẹ tôi rất hiếm khi đưa tôi đi thăm nhà mồ, chỉ có bà nội tôi thường xuyên đưa tôi đi đến đó vào cuối tuần. Mẹ tôi viện cớ nhà mồ lớn quá và âm-u lạnh lẽo, vắng vẻ làm mẹ sợ. Nhưng những năm sau nầy tôi biết mẹ tôi thường đến nhà mồ một mình thắp những bó nhang thơm từ Việt-nam gởi qua. Nhà mồ có mái che, có vài cây lớn cho bóng mát, mùa hè chim chóc làm tổ. Những bụi hoa lila màu tím tỏa hương thơm dịu-dàng. Cái u-tịch của nhà mồ thu hút được những lũ mèo hoang về định cư ở đây. MỗI khi đến viếng nhà mồ, bà tôi hay đưổi chúng đi chổ khác. Bà nói như giải thích cho tôi nghe, “Lũ mèo tập trung về đây sinh sôi nẩy nở ngày càng đông làm ô uế nhà mồ. Người xưa nói mèo vào nhà ở cũng như mèo vào nhà mồ hay đem xui xẻo đến. Ba con bị tai nạn chết cũng do lũ mèo hoang nầy.”
Bà tôi nói chuyện với tôi bằng tiếng Pháp. Bà tôi lấy chồng và sang Pháp theo chồng năm 18 tuổi, nay đã trên 40 năm. Đầu óc tôi lại nghĩ đến con mèo của ba tôi, con mèo tôi chưa bao giờ thấy mà chỉ nghe qua lời của dì Hai và của mẹ tôi lúc còn ở quê nhà. Tôi không hiểu con mèo của ba tôi và lũ mèo hoang ở đây có liên quan gì đến nhau không ?Tôi lại thấy trong lòng không vui khi bà nội tôi đuổi chúng đi. Tôi nói:
- Bà nội, mẹ con và dì Hai của con nói ba con thương con mèo của ba con nên ở lại Viêt-Nam. Bây giờ ba con chết rồi, con mèo của ba con không ai cho ăn nên chắc cũng thành mèo hoang như mấy con mèo ở đây. Tội nghiệp ! Không ai đem con mèo của ba con qua đây cho ba con. Bà nội đừng đuổi những con mèo nầy đi, để chúng ở lại làm bạn với ba con.
Bất chợt bà nội nắm hai vai xoay người tôi lại trước mặt bà, bà nhìn vào mặt tôi rất nghiêm nghị, im lặng và nhẹ nhàng bà kéo người tôi vào lòng bà, rồi bà thở dài lắc đầu, buông tôi ra, giọng bà ẩn chứa vừa trách móc vừa thương hại pha lẫn chán nãn:
- Đến tuổi nầy rồi mà chẳng biết gì hết..
Về đến nhà tôi kể chuyện nầy cho mẹ tôi nghe. Mẹ tôi nhìn tôi bối rối. Mẹ tôi không nói lời nào. Tối hôm đó, tôi ăn cơm một mình.
*****
Năm tôi 19 tuổi, tôi qua được kỳ thi tú-tài toàn phần Pháp. Khả năng tiếng Việt của tôi sút kém dần. Lúc mới qua, mẹ tôi hỏi, tôi trả lời bẳng tiếng Việt, ngược lại bây giờ tôi hỏi và trả lời mẹ tôi bằng tiếng Pháp. Khi tôi vào đại-học, việc về thăm nhà không còn thường xuyên. Tôi luôn sống xa nhà vì việc học, vì công việc làm thêm để có tiền trang trải trong cuộc sống. Sự tài trợ của mẹ tôi trở nên giới hạn vì đồng lương của mẹ tôi phải chia hai, nhưng phần trội lúc nào cũng dành cho tôi. Ông bà nội tôi lần lượt qua đời, cô chú mỗi người có gia đình sống mỗi nơi, hiếm có những dịp đại gia đình xum họp nhau. Chỗ dựa tình cảm gia-đình bên nội xem như không còn. Mẹ tôi trở nên già nua, nhan sắc héo hon. Bà đã đeo kính khi đọc sách báo. Những sợi tóc bạc xuất hiện hai bên thái dương.
Năm cuối trước khi thi ra trường thuốc, nhân ngày lễ cho các bà mẹ, lần đầu tiên tôi mua tặng mẹ tôi một hộp phấn thoa mặt và một thỏi son thoa môi. Khi mở gói quà, mẹ tôi cười thật tươi, mắt bà sáng lên. Lâu lắm tôi mới nhìn thấy lại nụ cười ngày xưa của mẹ. Nụ cười đó đã sống lại. Mẹ tôi một tay cầm hộp quà, một tay kéo tôi đến trước bàn thờ của ba tôi, bà nói đầy xúc động:
- Ông thấy đó, con ông bây giờ đã thành người lớn rồi, biết hiếu thảo với tôi đó, ông thấy không ? Nó biết dành tiền mua quà cho tôi. Nay mai nó thành bác-sĩ rồi ! Ông không sống để nhìn thấy tương lai của con ông ! Cũng tại ông hết! Nếu biết thương vợ thương con thì đâu đến nổi bây giờ phải nằm lạnh lẽo nơi nhà mồ ?
Từ ngày hôm đó, tôi thấy mẹ tôi vui trở lại, mặt mẹ tôi có chút hồng hào, môi bà tươi hơn.
******
Ngày lễ những người cha, mẹ tôi bảo tôi mua hoa huệ trắng về trang hoàng bàn thờ của ba. Mẹ bảo thời còn sống, ba tôi rất thích hoa huệ trắng vì hương thơm của nó. Hàng năm, mẹ tôi kỷ niệm ngày chết của ba và ngày lễ của những người cha. Thường lễ của những người cha chỉ dành cho người còn sống, thấy mẹ tôi áp dụng khác người vì ba tôi không còn nữa, nên có một hôm nhân lễ của những người cha, tôi hỏi như muốn nhắc khéo mẹ tôi:
"Lễ các người cha chỉ dành cho những người cha còn sống, đâu có áp dụng cho những người cha đã chết?
Mẹ tôi nhỏ nhẹ trả lời:
"Mẹ biết, nhưng mẹ làm như vậy để nhắc cho con biết rằng dù ba con không còn thể xác nhưng phần hồn lúc nào cũng hiện hữu, lúc nào cũng ở bên con."
Buổi chiều sau khi mua hoa huệ, tôi đi vào trung tâm thương mại. Tôi muốn tìm mua một thứ gì đó cho ba tôi. Lần đầu tiên tôi nghĩ đến điều nầy. Từ bao lâu nay sự thiếu vắng ba tôi trong gia đình như một điều bình thường, kỷ niệm về ông đối với tôi chỉ còn một chút gì mơ hồ. Ông chết khi tôi còn quá nhỏ. Hôm nay tôi muốn làm cho mẹ tôi vui và tạo sự ngạc nhiên cho bà. Tôi biết mẹ tôi thương ba tôi nhiều. Hằng đêm trước khi vào phòng ngủ, mẹ tôi âm thầm đứng trước bàn thờ ba tôi lâm râm cầu nguyện. Trong bữa cơm, mẹ tôi thường nhắc đến những món ăn khi còn sống ba tôi ưa thích.
Chiều nay tôi muốn mua tặng ba tôi một món quà. Tôi dừng chân trước tiệm bán thú nhồi bông. Từ bao lâu nay tôi không có dịp như ngày hôm nay. Tôi muốn làm mẹ tôi vui. Những con gấu nhiều màu sắc, những con thỏ có đôi mắt đỏ phản chiếu ánh đèn thật hấp dẫn. Mắt tôi dán vào một con mèo nằm lẻ loi trong một góc tủ trưng bày. Con mèo Tam thể. Cái đầu nhỏ có hai tai vễnh, mặt điểm ba sắc lông vàng, đen, trắng, cổ đeo một băng vải màu đỏ, kèm một cái chuông, thân mình trông mềm mại như mèo thật, so với con mèo Mướp của bà Tư hàng xóm xa xưa, con Mướp không sao xinh bằng. Không biết con mèo của ba tôi ngày xưa có đẹp bằng con mèo nầy không? Mẹ tôi và dì Hai đã bao lần nói với tôi, "con mèo của ba tôi đẹp lắm, ba tôi thương nó lắm." Hy vọng con mèo nhồi bông nầy đẹp hơn con mèo nào đó của ba tôi ngày xưa. Nếu không đẹp bằng thì cũng có thể linh hồn ba tôi vẫn yêu thích.
*****
Mẹ tôi mở cửa, đã hơn chín giờ tối. Mẹ tôi tiếp bó hoa từ tay tôi đêm cắm vào bình trên bàn thờ của ba tôi. Tôi nghe tiếng mẹ tôi thì thào: "Ông thấy chưa, con ông nay đã biết mua hoa về tặng ông, ông linh thiêng phù hộ cho con ông mọi an lành.” Tôi bước đến bên mẹ tôi, để lên bàn thờ cái hộp có con mèo. Tôi nói: “Con mua tặng ba”.
Mẹ tôi nhìn tôi, hai mắt mở lớn ngạc nhiên. Mẹ tôi lấy chiếc hộp để xuống cái bàn nhỏ bên cạnh, từ từ tháo giây. Để trấn an mẹ đang muốn biết thứ gì bên trong hộp, tôi nói nhanh trong nỗi xúc động đang dâng lên trong lòng:
- Con mua tặng ba con mèo nầy, từ lúc con còn nhỏ, mẹ và dì Hai thường nói với con rằng ba con có một con mèo rất đẹp, ba giấu thật kỹ, không muốn cho mọi người biết, có lúc ba đánh mẹ vì mẹ không cho ba đem mèo về nhà. Nay ba chết, con mèo của ba chắc đang sống một nơi nào đó ở Việt-nam, biết đâu cũng trở thành mèo hoang. Con mèo nầy đẹp lắm, chắc là ba thích.
Mẹ tôi nấc lên, hai tay ôm con mèo nhồi bông vào ngực, đầu cúi xuống, thân người như muốn ngã vào bàn thờ của ba tôi. Mẹ tôi khóc, nói trong nghẹn ngào:
- Trời ơi, con tôi ! Con bấy nhiêu tuổi rồi sao con còn khờ quá ! Ba con không yêu thích con mèo nhồi bông nầy đâu. Trời ơi ! khờ ơi là khờ, nay mai sao mà làm bác sĩ đây ?
Mẹ tôi để con mèo nhồi bông trở lại bàn thờ, lững thững đến ngồi vào ghế salon. Tôi cũng đến ngồi bên mẹ tôi, lặng nguời. Khá lâu,cơn xúc động của mẹ tôi như đă qua đi, bà thở dài và giọng nói nghiêm và buồn:
- Con đến chừng nầy tuổi mà con của mẹ khờ quá !
Mẹ tôi ngừng một chút rồi nói tiếp:
- Ờ,mà khờ cũng đúng thôi. Bao lâu nay con sống ở xứ Tây nầy, người Việt-nam mình không có ai, ngoài hai mẹ con mình, có ông bà nội,nhưng ông bà chết lâu rồi. Con lớn lên bên xứ Tây, con thành dân Tây, đầu óc con bây giờ là đầu óc của một người Tây. Con không còn nói được tiếng Việt trôi chảy. Những gì con đã học được, đã nghe được, đã hiểu được của người lớn đã xử dụng với con trong tuổi thơ của con lúc còn ở nơi quê nhà chỉ thích hợp cho con vào thời điểm đó. Người lớn không muốn trẻ con biết sự thật của một chuyện có thể làm tổn thương đến tâm hồn ngây thơ đứa trẻ nên người lớn đã có những ngôn từ đánh lừa sự muốn hiểu biết của đứa nhỏ, dẫn dắt đứa nhỏ đi xa cái sự thật không cần phải biết ở cái tuổi non dại đó. Những lời mẹ và dì Hai nói với con thuở còn ở bên Việt-nam là những lời nói có giá trị hợp tình hợp lý cho con vào thời đó. Lời nói dối đôi lúc cũng cần thiết để bảo vệ cho sự trong trắng trong một tâm hồn một đứa trẻ.
Mẹ tôi đi đến bàn thờ của ba tôi, rồi trở lại salon với con mèo nhồi bông trên tay, bà để con mèo trên bàn, ngồi đối diện với tôi. Tôi đưa tay vuốt vuốt lưng con mèo, nhướng mắt nhìn mẹ tôi, muốn thúc mẹ tôi nói tiếp những gì bà còn đang muốn nói. Mẹ tôi cười khẽ,nói tiếp:
- Khi xưa dì Hai thường nói với con: 'Ba con có mèo' không phải là con " mèo " như con đang nghĩ. Đúng ra dì Hai con phải nói: 'ba con ngoại tình, ba con có nhân tình, hoặc ba con có vợ bé, mà đúng nhất để cho con hiểu, dì Hai phải nói: 'ba con có má hai' .Đó là những tiếng dùng chỉ đàn ông có vợ chính thức nhưng lén lút sống với những người đàn bà con gái khác. Tôi bật cười lớn:
- Ồ, mẹ,người ta đã nói dối với con ba mươi năm rồi, khủng khiếp quá! Tôi ôm mẹ tôi vừa cười vừa khóc. Tôi nói với mẹ tôi:
- Mẹ ơi, ba mươi năm, nay con mới thành người lớn. Nếu không có ngày hôm nay, con vẫn còn là một đúa trẻ. Tôi ôm con mèo nhồi bông vào lòng, vuốt vuốt đầu nó:"Mày không phải là con mèo của ba tao yêu thích, không phải là con mèo của ba tao yêu thích!" Trong đầu tôi xuất hiện nhiều hình ảnh người đàn bà, tôi không biết ai trong số đó là người tình của ba tôi ngày xưa?
*****
Tôi lập gia-đình. Mẹ tôi sống với tôi cho đến khi đứa con trai thứ hai của tôi được tám tuổi. Những ngày cuối đời, mẹ tôi thường bảo tôi nếu có dịp thuận tiện nên đưa gia- đình con cái về thăm Viêt-nam cho chúng biết quê hương nước Việt. Và tôi đã trở lại Viêt-nam sau bốn mươi năm bị chính quyền CS thời đó đuổi đi.
Dì Hai và mấy con cháu trong tộc đến thăm tôi tại khách sạn. Dì Hai già cỗi, ốm yếu nhưng vẫn còn linh hoạt.
Trong buổi họp mặt, tôi nghe dì Hai hỏi lớn tiếng một ai đó trong những người có mặt:
- Tại sao không thấy con Yến tới thăm anh Hai nó, không đứa nào nhắc nó sao?
- Chị Yến hôm nay họp giao ban nên không nghỉ được.
Tiếng một ai đó trả lời dì Hai. Tôi đang phân vân giữa câu hỏi và câu trả lời nầy thì dì Hai nói với tôi:
- Để dì nói cho con biết, Yến là con gái của con mèo của ba con ngày trước. Khi con và mẹ con qua Pháp, ba con sống với nó. Khi ba con chết thì con mèo của ba con sinh ra con Yến bây giờ. Mọi người đều giấu không cho mẹ con biết chuyện nầy. Nay mẹ con con Yến cũng ở gần đây. Chuyện cũ cũng đã qua, dầu sao con và con Yến cũng cùng dòng máu, nay có có dịp, anh em nên gặp nhau. Ngày xưa là chuyện của người lớn, nay người lớn đã không ai còn sống, người còn sống phải sống làm sao cho hợp đạo lý, cho người chết ấm lòng.
*****
Gia-đình tôi theo chân dì Hai đến thăm con mèo của ba tôi ngày xưa và Yến, đứa con gái của ba tôi với con mèo đã làm tan nát con tim và làm đang dở cuộc đời của mẹ tôi.
Tôi nhớ lại, ngày hôm đó tôi đã ôm Yến như ôm đứa em gái của tôi sau bao năm xa cách nay mới gặp lại. Tôi đã ôm con mèo của ba tôi như một người thân thiết và tôi nghe tiếng con mèo của ba tôi nói trong nước mắt: “Dì cám ơn con đã không khinh bỉ dì, đã tha thứ dì nên đến đây thăm dì. Dì cám ơn con đã đón nhận Yến là ruột thịt của mình”.
Tôi đã tưởng đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trở về thăm quê nhà.......Dì Hai cũng đã già rồi, tôi đâu còn ai ruột thịt để tới lui.
Nhưng trước khi chiếc máy may hạ cánh xuống phi trường nước Pháp, thằng con trai lớn của tôi nói với tôi:
- Mùa hè năm tới ba cho con về thăm cô Yến, đừng đi nghỉ hè nơi khác.
Tôi gật đầu một cách máy móc.
Nguyễn Đại Thuật