logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
phai  
#1 Đã gửi : 09/02/2018 lúc 10:26:06(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Hiệp định Genève cắt đôi hình đất nước, kéo theo một cuộc di dân từ Bắc vào Nam, với qui mô chưa từng có, kể từ ngày lập quốc. Những người di dân ấy, đã mang theo ngôn ngữ, văn hóa đặc trưng vùng, miền về nơi định cư mới. Và trong dòng người đó, có rất nhiều văn nhân, nghệ sĩ tài năng. Có thể nói, cái ngôn ngữ, văn hóa này, ảnh hưởng ít, nhiều đến tâm hồn những văn nghệ sĩ phương Nam. Tô Thùy Yên là một trong những nhà thơ chịu ảnh hưởng như vậy, và ngay từ buổi đầu đến với thi ca. Nhất là từ khi ông tham gia sáng lập Tạp chí Sáng Tạo ở Sài Gòn cùng với những thi sĩ, văn nhân đất Bắc như: Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sĩ Tế, Thái Tuấn, Ngọc Dũng, Duy Thanh…

Do vậy, đọc Tô Thùy Yên, ta có thể thấy, dường như ông đã trộn ngôn ngữ, văn hóa của cả ba miền Bắc Trung Nam vào những trang thơ của mình, để làm nên ngôn ngữ thơ (bác học) sang trọng, không thể lẫn lộn với bất cứ nhà thơ nào khác. Thông thường khi đọc một tác phẩm nào đó, một chút lưu tâm, ta có thể nhận ra quê quán nơi sinh trưởng của tác giả, thông qua ngôn ngữ biểu đạt. Nhưng, cũng giống như nhà thơ Luân Hoán, đọc Tô Thùy Yên, quả thật, khó có thể nhận biết, quê quán, nơi sinh trưởng của ông qua những đặc tính trên.


Tuy đến với thi ca sớm, nhưng Tô Thùy Yên viết không nhiều. Cho đến nay, ông mới in ấn, xuất bản hai thi phẩm: Thơ Tuyển (1995) và Thắp Tạ (2004) ở hải ngoại. Cùng với nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn, Tô Thùy Yên là một minh chứng làm sáng tỏ cho một nhận định: Có người cả đời làm và in thơ, nhưng không bao giờ thành thi nhân, và có người chỉ cần một tập, hay một bài thơ đã trở thành thi sĩ. Và không dừng lại ở đó, Tô Thùy Yên còn là một nhà thơ lớn tên tuổi trên thi đàn Việt cũng như quốc tế. Nói Tô Thùy Yên là nhà thơ lớn, chắc chắn không phải, bởi số lượng tác phẩm đồ sộ như Võ Phiến, hay Du Tử Lê... mà do tư tưởng, nghệ thuật sáng tạo, cũng như nhân cách sống của ông.


Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, sinh năm 1938 tại Gò Vấp, Gia Định. Ông đến với thi ca vào những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước. Ông có một thời gian học Đại học Văn khoa Sài Gòn. Năm 1963 Tô Thùy Yên trở thành sĩ quan Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Sau chiến tranh ông bị bắt, và tù đày suốt 13 năm. Hiện ông đang sống và viết tại thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.


Nhìn vào những biến cố đau thương của đất nước, ta có thể thấy, cũng như những nhà thơ, người lính cầm súng khác, thi ca Tô Thùy Yên được viết, và chia thành ba giai đoạn: Hai mươi năm cuộc chiến huynh đệ tương tàn, rồi đến những năm tháng tù đày, và cuộc sống nơi đất khách quê người.


Người lính qua hình tượng nghệ thuật


“Cánh đồng con ngựa chuyến tàu” không phải là bài thơ đầu của Tô Thùy Yên, nhưng nó là cái mốc khởi đầu cho ông bước chân vào làng văn. Bài thơ thất ngôn này, ông viết năm 1956, gây sự chú ý cho người đọc, cũng như giới cầm bút lúc đó, bởi tính mới lạ của nó. Tuy nhiên, với tôi, đây không phải là bài thơ hay của Tô Thùy Yên. Cái hữu hạn của cuộc sống, con người dường như là tư tưởng nhất quán xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo của Tô Thùy Yên. Và “Cánh đồng con ngựa chuyến tàu” là bài thơ mang tính triết lý như vậy, mà ngay từ ngày đầu cầm bút ông đã gửi đến người đọc. Có thể nói, Tô Thùy Yên có cái nhìn, quan sát tỉ mỉ, để đi đến sự liên tưởng khá thú vị. Vâng, sức lực, nhanh chậm hiện hữu đều nằm trong cái qui luật của tự nhiên. Và “vết chấm nâu” ấy chính là điểm dừng của vòng quay trong bức tranh của thiên nhiên, vũ trụ vậy.


Tuy nhiên, dù Tô Thùy Yên có dày công với thủ pháp xếp vần, và hoán đổi vị trí âm ngữ trong thơ, nhưng nếu không có câu thơ kết: “Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ/ Chấm giữa nền nhung một vết nâu” tạo nên bố cục của bức tranh hay tứ của một bài thơ, thì những câu thơ trên chỉ là những câu nói thường nhật mà thôi:


“Trên cánh đồng hoang thuần một màu,
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu.
Tàu chạy mau, tàu chạy rất mau.
Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu.
Cỏ cây, cỏ cây lùi chóng mặt.
Gò nổng cao rồi thung lũng sâu.
Ngựa thở hào hển, thở hào hển.
Tàu chạy mau, vẫn mau, vẫn mau.
Mặt trời mọc xong, mặt trời lặn.
Ngựa gục đầu, gục đầu, gục đầu.
Cánh đồng, a! cánh đồng sắp hết.
Tàu chạy mau, càng mau, càng mau.
Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ,
Chấm giữa nền nhung một vết nâu.”


Có thể nói, Tô Thùy Yên có sở trường về thơ thất ngôn. Ông rất dụng công làm mới không chỉ về nội dung hình thức nghệ thuật, mà còn khắt khe về chọn lọc ngôn từ. Do vậy, thơ Tô Thùy Yên không chỉ đọc một lần, mà buộc ta phải suy nghĩ. Và đọc nó, ta thấy nặng nhọc, không kém gì tác giả viết ra nó. Nói thơ Tô Thùy Yên không dành cho người đọc hời hợt là vậy. Nói về người lính, từ trước đến nay, chúng ta thường nhớ đến Quang Dũng và bài thơ Tây Tiến, mà dường như quên mất bài Qua Sông của Tô Thùy Yên. Với tôi, đây là một trong những bài thơ bi thương, và hay nhất của thi ca Việt viết về người lính trong chiến tranh. Ngoài giá trị về mặt tư tưởng, Tô Thùy Yên còn cho ta thấy tài năng nghệ thuật sử dụng từ ngữ, với lối so sánh ẩn dụ rất mới lạ, lấy nỗi nhớ để đo khoảng cách: “Con đường đáo nhậm xa như nhớ” cùng những từ có âm đôi (âm kép): “Châu thổ mang mang trời nước sát”. Hoặc từ ngữ ghép mới, hoán chuyển độc đáo từ danh từ thành tính từ: “Mưa lâu trời mốc buồn hôi xưa”. Nó làm cho câu thơ sắc và sinh động. Với thủ pháp nghệ thuật này, sau này nhà thơ Trần Mạnh Hảo sử dụng rất thành công trong trường ca Đất Nước Hình Tia Chớp: “Chỉ nhìn vào móng chân thôi/ Biết em đã lội qua thời trẻ trung”. Nếu “Trời mốc” trong câu thơ của Tô Thùy Yên, từ danh từ chuyển thành tính từ, thì động từ “Lội” trong câu thơ của Trần Mạnh Hảo cũng hoán chuyển thành tính từ. Và cả hai đồng lột tả sự buồn thảm, xót xa. Có thể thấy, đây là một trong những đặc tính nghệ thuật tiêu biểu của Tô Thùy Yên. Ta hãy đọc lại đoạn trích dưới đây để thấy được cái tàn nhẫn của chiến tranh, cũng như số phận bi thương của người lính:


“Đò nghẹn đoàn quân xa tiếp viện
Mưa lâu trời mốc buồn hôi xưa
Con đường đáo nhậm xa như nhớ
Chiều mập mờ, xiêu lạc dáng cò

Châu thổ mang mang trời nước sát
Hồn chừng hiu hắt nỗi không tên
Tiếp tế khó - đôi lần phải lục
Trên người bạn gục đạn mươi viên
Di tản khó - sâu dòi lúc nhúc
Trong vết thương người bạn nín rên
Người chết mấy ngày chưa lấy xác
Thây sình mặt nát lạch mương tanh...” (Qua Sông)


Khổ kết bài thơ, tác giả bất ngờ đổi thủ pháp nghệ thuật, từ thất ngôn chuyển sang thể lục bát. Làm cho câu thơ trở nên mềm mại, ngân nga, như những lời ru mình, ru đồng đội, ru cho đất nước trong cơn khổ đau vậy. Đây cũng là sự độc đáo của bài thơ. Tuy nhiên, với thủ pháp này, ta đã bắt gặp ở Đến Hương Phấn Mê Linh, hay Tìm Bóng Tử Thần trong thơ Đinh Hùng:


“... Nao nao mường tượng bóng mình
Mịt mùng cõi tới u minh tiếng rền
Xuống đò, đời đã bỏ quên...
Một sông nước lớn trào lên mắt ngời.” (Qua Sông)


Nếu hình ảnh người lính trong thơ Nguyễn Bắc Sơn hiện lên với khẩu khí ngang tàng, và bất cần: “Khi tao đi lấy khẩu phần/ Mày đi mua rượu đế Nùng cho tao/ Chúng mình nhậu đế trừ hao/ Bảy ngày sắp đến nghêu ngao trong rừng… Mai ta đụng trận ta còn sống/ Về ghé Sông Mao phá phách chơi/ Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm/ Đốt tiền mua vội một ngày vui…”, thì người lính ấy trong thơ Tô Thùy Yên tuy khí chất trời Nam, nhưng vẫn mang mang nét hào sĩ, trí thức. Thật vậy, đọc Anh Hùng Tận một bài thơ tự sự, kể về một chiều nghỉ chân trên đường hành quân, tác chiến. Không có khói bom và tiếng súng, nhưng dường như người đọc vẫn cảm được cái chết (có thể ngày mai) đang đến rất gần với người lính, thông qua hình tượng ẩn dụ: “Bạn hỏi thăm ta cho có lệ/ Cuộc đời binh nghiệp. Ta cười bung:/ Còn mươi tháng nữa lên trung úy/ Có thể ngày mai chửa biết chừng”. Và có thể nói, Anh Hùng Tận cũng là một trong những bài thơ điển hình về tài năng sử dụng các biện pháp tu từ với câu thơ vắt dòng, cùng dấu chấm ngắt câu độc đáo, gây bất ngờ cho người đọc trong thơ Tô Thùy Yên:


“Dựng súng trường cởi nón sắt
Đơn vị dừng quân trọn buổi chiều
Trọn buổi chiều, ta nhậu nhẹt
Mồi chẳng bao nhiêu, rượu rất nhiều
Đây ngã ba sông, làng sát nước
Xuồng ba lá đậu kế chân bàn
-
Ta gạn dăm lời thơ tặng bạn
Dẫu từ lâu bỏ việc văn chương
Thiệt tình tên bạn ta không nhớ
Nhưng mà trông mặt thấy quen quen
Hề chi, ta uống cho say đã
Nào có ra gì một cái tên...
Tới đây toàn những tay hào sĩ
Sống chết không làm thắt ruột gan
Cũng không ai nhắc về thân thế
Có vợ con mà như độc thân
Bạn hỏi thăm ta cho có lệ
Cuộc đời binh nghiệp. Ta cười bung:
Còn mươi tháng nữa lên trung úy
Có thể ngày mai chửa biết chừng…”


Dường như thoáng một chút bi quan, nhưng hình ảnh người lính trong thơ Tô Thùy Yên vẫn hiện lên một cách hồn nhiên, và sảng khoái:


“Ta chắt cho nhau giọt rượu sót
Tưởng đời sót chút thiếu niên đây
Giờ cất quân, đưa tay bắt
Ước cõi âm còn gặp để say.” (Anh Hùng Tận)


Tôi biết và đọc Trường Sa Hành của Tô Thùy Yên khi đi sâu vào tìm hiểu thể thơ Hành. Tô Thùy Yên viết bài thơ này, khi ra thăm đảo vào tháng 3-1974, ngay sau khi giặc Trung Quốc đánh Hoàng Sa. Với tôi, Trường Sa Hành là bài thơ viết về biển đảo hay nhất từ trước đến nay của nền văn học Việt Nam. Và có thể nói, Trường Sa Hành không chỉ có giá trị về văn học, mà còn giá trị về mặt lịch sử. Đọc Trường Sa Hành, có lẽ ta cũng nên nhắc lại một chút về thể thơ này: Viết về chiến tranh, người lính có lẽ không có thể thơ nào chuyển tải và lột tả hết cái bi thương bằng thể thơ Hành. Hành thuộc thơ cổ, có xuất xứ từ Trung Quốc, thường viết theo thể thất ngôn, hoặc ngũ ngôn, dài ngắn tùy thuộc tâm trạng, cảm xúc của tác giả. Nó là thể thơ khó nhằn, khó viết. Nhìn chung, các nhà thơ Việt rất ít, hoặc ngại sử dụng thể loại này.


Đã đọc khá nhiều thơ thể hành, nhưng quả thực, còn đọng lại trong tôi không nhiều. Bởi, tuy từ ngữ, khẩu khí trong thơ mang tính tự do, phóng khoáng, nhưng để đạt đến cái đỉnh bi tráng, thực sự lay động lòng người, không phải nhà thơ nào cũng làm được. Tôi cho rằng, kể từ khi có thơ mới đến nay, Trường Sa Hành của Tô Thùy Yên cùng với Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, Hành Phương Nam của Nguyễn Bính, Biên Cương Hành của Phạm Ngọc Lư và Đau Thương Hành của Thế Dũng là những bài viết theo thể Hành hay nhất.


Thật vậy, cuộc sống gian khổ của người lính, dưới cái điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên, đã được tác giả nhân cách hóa bằng hình tượng so sánh đảo trôi. Đảo trôi là từ mới của Tô Thùy Yên. Và vẫn thủ pháp hoán chuyển, động từ (trôi) sang tính từ trong câu thơ: “Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi” chỉ cái hữu hạn của sức người dưới cái khắc nghiệt khôn cùng của thiên nhiên. Nhiều lần tôi đã viết: Thơ hay dứt khoát phải có từ mới, hoặc cụm từ mới. Từ hay cụm từ mới không có nghĩa người viết chế, nghĩ ra, mà do cách sử dụng từ ngữ. Nhiều từ, cụm rất cũ, nhưng người viết đặt hoặc ghép trong câu đúng văn cảnh nào đó, gây bất ngờ cho người đọc, nó trở thành câu mới, nghĩa mới. Nhà thơ tài năng, ngoài kiến thức ra, dứt khoát phải là người có trí tưởng tượng và sự liên tưởng phong phú. Vâng! Tô Thùy Yên là một nhà thơ tài năng như vậy. Có thể nói, ông là nhà thơ hàng đầu về làm mới ngôn ngữ, và thi pháp. Sự nhào trộn giữa mới và cũ mang mang hồn cổ phong ấy, đã đưa câu thơ tưởng chừng dân dã, trở nên sang trọng.


Ta hãy đọc lại đoạn trích dưới đây, để thấy rõ cái gian khổ, bi ai của người lính đảo, cũng như tài năng làm mới thơ thất ngôn của thi sĩ Tô Thùy Yên:


“Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề
Lính thú mươi người lạ sóng nước
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi


Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa

Bốn trăm hải lý nhớ không tới
Ta khóc cười như tự bạo hành
Dập giận, vác khòm lưng nhẫn nhục
Đường thân thế lỡ, cố đi nhanh


Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời…” (Trường Sa Hành)


Đắng cay, gian khổ là thế, nhưng dường như không riêng Tô Thùy Yên, mà nhà thơ quân đội nào cũng vậy, luôn có cái nhìn nhân bản và khách quan về chiến tranh. Nếu lòng nhân đạo, trong thơ Nguyễn Bắc Sơn chỉ gói gọn ở hai người lính đối đầu: “Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước/ vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi” thì sự nhân đạo, cảm thông trong thơ Tô Thùy Yên rộng lớn, và khai mở hơn. Ông gọi tên, lột mặt một cách mỉa mai, những kẻ mê hoặc, đứng sau cuộc chiến: “Ta thương ta yếu hèn/ Ta thương ngươi khờ khạo/ Nên cả hai cùng cam phận quay cuồng/ Nên cả hai cùng mắc đường Lịch Sử/ Cùng mê say một con đĩ thập thành”. Và Chiều Trên Bến Tam Giang là một bài thơ độc thoại như vậy của Tô Thùy Yên. Bài thơ được viết theo thể tự do, và chia làm ba đoạn. Và mỗi đoạn là một bài thơ hay, hòan toàn có thể đứng độc lập. Đây là bài thơ điển hình nhất về sự dung hòa ngôn ngữ vùng, miền trong thơ Tô Thùy Yên. Nếu không biết Tô Thùy Yên người Sài Gòn-Gia Định, thì có lẽ, ai cũng nghĩ, tác giả phải là người Huế, hoặc Hà Nội.


Phần hai của bài thơ được nhạc sỹ Trần Thiện Thanh phổ thành bản nhạc nổi tiếng cùng tên. Thông qua tình yêu và nỗi nhớ, Tô Thùy Yên đã giãi bày về cuộc chiến với tư tưởng bi quan, chán chường. Thật vậy, chiến tranh đã vào thành phố, len vào: “Nơi chúng ta thường hẹn gặp” để rồi chỉ còn những ghế bàn quạnh quẽ, cô đơn. Đọc bài thơ này của Tô Thùy Yên, chợt làm tôi nhớ đến câu thơ rất hay của Ngô Thanh Hoàn: “Chiến tranh cắn vào mê nón cháy em ngồi.” Vâng! Chiến tranh cháy vào trong lòng thành phố, nhưng thi sĩ Tô Thùy Yên vẫn lãng mạn hóa tình yêu và cuộc sống, qua những lời độc thoại của mình. Có thể nói, chính sự dung hòa ngôn ngữ, đã làm nên lời thơ nhẹ nhàng và tuyệt đẹp này:


“…Giờ này có thể trời đang mưa
Em đi nép hàng hiên sướt mướt
Nhìn bong bóng nước chạy trên hè
Như những đóa hoa nở gấp rút
Rồi có thể em vào một quán nước quen
Nơi chúng ta thường hẹn gặp
Buông tâm trí bập bềnh trên những đợt lao xao
Giữa những đám ghế bàn quạnh quẽ…”


Và người lính của Chiều Trên Bến Tam Giang không trở về, để em thành Góa Bụa. Rời bỏ quán nước quen, em chạy tìm anh ngoài cõi gió. Nếu ta đã đọc Làm Dâu của nhà thơ, người lính chiến bên kia chiến tuyến Trần Mạnh Hảo: “…Mỗi khi chim lợn kêu dồn/ Khói hương khấn gió Trường Sơn tìm mồ/ Đêm về đội lén khăn xô/ Thương người nằm khoác ba lô mối đùn…” thì mới hiểu hết nỗi đớn đau với tiếng kêu oan khốc của người đàn bà Góa Bụa trong thơ Tô Thùy Yên. Và xin nhắc lại bài thơ của Trần Mạnh Hảo, để chứng minh thêm một điều: Chiến tranh, dù ở phía nào đi chăng nữa, sự đớn đau ấy đều giống nhau, và bao giờ cũng thuộc về những người mẹ, và những người vợ.


Có thể nói, Tô Thùy Yên viết Góa Bụa không chỉ bằng cảm xúc, mà còn bằng lý trí của mình. Và đã lâu lắm rồi, tôi mới được đọc những câu thơ mới lạ với hình ảnh ẩn dụ hay đến rợn cả người như vậy: “Ngọn đèn hư ảo chong linh vị/ Thắp trắng thời gian mái tóc em.” Đọc nó, chợt làm tôi nhớ đến cảm xúc khá tương đồng trong bài Biển Hoàng Hôn của mình viết đã lâu: “Sóng bạc đầu mang cả màu tóc em”.


Góa Bụa là bài thơ cô đọng, bố cục khá chặt chẽ. Từ siêu hình trở về hiện thực, Tô Thùy Yên đưa người đọc chìm vào nỗi đau với những câu thơ đậm tính ước lệ, tượng trưng. Ta cùng đọc đoạn trích dưới đây để thấy rõ điều đó:


“Con chim nhào chết khô trên cửa,
Cửa đóng muôn ngàn năm bặt âm,
Như đạo bùa thiêng yểm cổ mộ.
Sao người khai giải chưa về thăm?


Em chạy tìm anh ngoài cõi gió,
Lửa oan khốc giỡn cười ghê hồn,
Tiếng kêu đá lở long thiên cổ,
Cát loạn muôn trùng xóa dấu chôn...


…Ngọn đèn hư ảo chong linh vị,
Thắp trắng thời gian mái tóc em.
Tim đập duỗi ngoài thân nỗi lạnh.
Hồn xa con đóm lạc sâu đêm...”


Là nhà thơ quân đội, do vậy thơ Tô Thùy Yên luôn đồng hành cùng người lính. Ông đã trải lòng mình, lòng đồng đội lên những trang viết của mình. Tính xã hội cũng nóng bỏng trong thơ ông: “Cuộc cờ kỳ lạ không bày tướng/ Ăn sạch quân, trừ lính được thua…”. Nhận ra chân tướng, và nước cờ ấy, Tô Thùy Yên chán chường, luôn mơ ước trở về với tuổi thơ, trở về người thi sĩ đích thực: “Hề, ta trở lại gian nhà cỏ/ Giữa cánh đồng không, bên kia sông /… Vầng trăng ta thấy thời thơ ấu/ Mọc lại cho ta thuở xế tàn”. Nhưng ước nguyện ấy của thi sĩ, chỉ là một giấc mộng trên Chiều Phá Tam Giang mà thôi.


Từ giam hãm tù đày đến tấm lòng nhân bản, vị tha


Chiến tranh chấm dứt, thời thế, xã hội đảo lộn tùng phèo. Thay cho trở về tuổi thơ, trở về làm người thi sĩ, thì giam hãm tù đày là nơi Tô Thùy Yên buộc phải đi đến. Tàu Đêm là một bài thơ, hay là cuộc hành trình vào nơi địa ngục ấy của ông. Tôi đã đọc hồi ký, thơ văn của một số nhà văn và cả những tướng, tá Quân đội Việt Nam Cộng Hòa cùng viết về những ngày tù tội, tàu xe chuyển trại. Nhưng có lẽ, Tàu Đêm làm tôi xúc động hơn cả. Từ hiện thực tủi nhục, khổ đau và đói rách: “Ngồi đây giữa những phân cùng bụi…/ Ta trở thành than, thành súc vật.” người tù Tô Thùy Yên hồi tưởng về một thời tươi đẹp, mới đây thôi, nhưng ở nơi tưởng chừng xa vời vợi. Có điều đặc biệt nữa, đọc thơ Tô Thùy Yên, ta thấy cứ tầng tầng lớp lang, so sánh nằm trong so sánh, hình ảnh lồng trong hình ảnh, buộc người đọc cứ phải bóc dần ra. Tuy nhiên, cũng như các nhà thơ khác, Tô Thùy Yên không phải, không có những câu thơ dở nằm trong bài thơ hay. Nhưng có thể nói, ngoài tài năng Tô Thùy Yên có tính cần cù, tìm tòi sáng tạo. Mỗi bài thơ của ông, ta đều có thể tìm thấy một điều mới mẻ ở trong đó. Do vậy, bài thơ nào của Tô Thùy Yên cũng đi vào lòng người. Và Tàu Đêm cũng là một bài thơ như vậy của ông: “Có lúc tàu qua những thị trấn/ Mà đêm đã gói lại im lìm”. Đây là hai câu thơ hay, và tôi thích nhất trong bài. Bởi, động từ “gói” được đặt đúng văn cảnh, bật lên hình tượng ẩn dụ mới, làm cho người đọc chờn chờn, rợn rợn, trước cái thị trấn chết, và cuộc sống tù hãm của con người. Và mảnh đất chết, vắng những linh hồn ấy, thì những tiếng kêu của những kẻ tù đày, khốn khổ đó rơi tõm vào hư vô mà thôi: “...Tàu ơi, hãy kéo còi liên tục/ Cho tiếng rền vang dội địa cầu/ Lay động những tầng mê sảng tối/ Loài người hãy thức, thức cùng nhau”. Và đoạn trích dưới đây không chỉ cho ta thấy nỗi thống khổ, bị đày đọa của những cựu sĩ quan VNCH, mà còn chứng minh thêm tài năng xây dựng hình ảnh, hình tượng của Tô Thùy Yên:


“Ngồi đây giữa những phân cùng bụi
Trong chuyển đời xung xát bạo tàn
Ta trở thành than, thành súc vật.
Tiếng người e cũng đã quên ngang.

Tàu ơi hãy kéo còi liên tục
Cho tiếng rền vang dậy địa cầu
Lay động những tầng mê sảng tối
Loài người hãy thức, thức cùng nhau...”


Tiếng kêu cất lên từ miền đất chết, chỉ vọng lại một dấu chấm than (!), trong nỗi tuyệt vọng của người lính tù phương Nam: “Xứ khổ, thêm chi mùa thảm khốc/ Than ôi, trời đã bỏ rơi dân!”. Và Tầu Đêm không dừng lại sân ga, địa ngục trần gian là nơi họ phải đến: “Ở đây, địa ngục chín tầng sâu/ Cả giống nòi câm lặng gục đầu”. Nếu ta đã đọc Ra Biển Gọi Thầm của Trần Hoài Thư, hay Sau Cơn Binh Lửa của Song Vũ, thì sẽ giảm đi sự giật mình kinh hãi, khi đọc Mùa Hạn của Tô Thùy Yên. Đọc Mùa Hạn, cho ta cảm giác, trong cái bi đát tột cùng ấy, người tù không còn sống bằng sinh hóa năng lượng nữa, mà chỉ còn sống bằng những hoài niệm. Và những hoài niệm bình yên và tươi đẹp ấy, chính là sự dung hòa, làm dịu đi nỗi nhục nhã, đắng cay trong thơ mà thi nhân muốn gửi đến người đọc chăng? Phải nói, những đoạn, hoặc những bài hoài niệm này của Tô Thùy Yên có lời thơ rất đẹp: “Ở đâu còn cụm mây hư ảo/ Bay tự ngàn năm trắng cổ thi”. Không dừng ở hoài niệm và nhẫn nhục, lời thơ Tô Thùy Yên cũng căng lên đầy phẫn uất. Tuy nhẹ nhàng, nhưng sự mỉa mai, châm biếm ấy, mang tiếng cười rất chua cay: “Đám chủ mới, y trang xúng xính/ Súng nghênh ngang, tiếng hét phàm phu/ Xua trăm họ sá chi thân mạng / Lăn địa cầu ra khỏi lối xưa.” Uất ức là vậy, nhưng tính nhân bản lòng vị tha, luôn mở cho mình, cho người những lối thoát, xuyên suốt cuộc sống, cũng như trang thơ Tô Thùy Yên: “Những ai hôm trước từng gây tội/ Hãy lắng tâm tha lấy lỗi mình/ Tựa tại, thời gian chôn chính nó/ Đời lên lại mãi tựa bình minh.” Ta có thể thấy, ở lãnh vực nào, thể loại nào thơ của Tô Thùy Yên rất nhẹ nhàng, chừng mực. Nhưng không hiểu sao ông lại bị bắt nhiều lần, và tù lâu đến vậy, dù có là sĩ quan cấp tá đi chăng nữa? Tôi cứ ngẫm nghĩ và tự hỏi. Tuy nhiên, tôi chỉ có thể tìm ra câu trả lời: Cũng như Vũ Hoàng Chương cái tên, cái bóng Tô Thùy Yên quá rộng, quá dày đối với một chế độ, chính quyền yếu đuối, nhìn đâu cũng thấy vi trùng sợ hãi chăng?. Đoạn trích dưới đây, là một trong những đoạn thơ, mà một số người cho là nặng nề nhất của Tô Thùy Yên:


“Ở đây, địa ngục chín tầng sâu,
Cả giống nòi câm lặng gục đầu,
Cắn chết hàm răng, ứa máu mắt,
Chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn nhau.


Bước tới, chân không đè đá sắc,
Vai trần chín rạn gánh oan khiên,
Nước khe, cơm độn, thân tàn rạc,
Sống chẳng khôn, cầu được thác thiêng.


Xứ khổ, thêm chi mùa thảm khốc.
Than ôi, trời đã bỏ rơi dân!
Nắng kim khí chảy, đá rạn nứt,
Gió táp, rừng khô rụm, cát tràn…


Ta nhặt từng trang sách rách toang
Đứa ngu đã xé vứt ra đường.
Ta gom từng hạt cây luân lạc,
Mong mỏi gầy lên một địa đàng…” (Mùa Hạn)


Mười năm nơi địa ngục trần gian, cứ tưởng rằng đã tẩy rửa được tư tưởng, tâm hồn, cũng như ý trí Tô Thùy Yên, nhưng họ đã lầm: “Mười năm ta vẫn cứ là ta”. Và Tô Thùy Yên đã sống sót trở về. Ông không khỏi bùi ngùi, xúc động. Quê hương còn đó, nhưng đã vắng những bóng người: “Khách cũ không còn, khách mới thưa”. Không một chút hận thù, nhưng ông vẫn muốn bóc trần bộ mặt thật của chế độ, xã hội: “Ta về khai giải bùa thiêng yểm”. Cho nên, lời vĩnh biệt mười năm chết dấp của Tô Thùy Yên đã không thành sự thật. Nhà tù, nơi chết dấp ấy, vẫn là nơi ông phải nhiều lần quay trở lại. Vì vậy, Ta Về của ông không chỉ viết, và đọc cho một lần... Và tôi cũng không rõ, những lần ra tù sau, tâm trạng ông có bùi ngùi, thiết tha giống với lần đầu không?


Đi sâu vào nghiên cứu, có thể thấy, Ta Về là bài thơ điển hình nhất về tư tưởng, nhân cách con người Tô Thùy Yên. Thời gian này, Tô Thùy Yên đến gần thiền triết, với tâm thức, linh hồn đã vượt ra khỏi cuộc sống dã man tầm thường, trong một cái xã hội lưu manh ấy:


Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay


Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
Mười năm mặt sạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ…


…Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi…”


Có thể nói, cùng với giai đoạn trước 1975, thời gian cải tạo tù đày, và cho đến ngày xuất ngoại, bút lực của Tô Thùy Yên mạnh mẽ, tài hoa. Thi pháp, nghệ thuật của ông đã đạt tới mức bậc thày.


Thân làm lữ khách, tâm nơi quê nhà


Lần cuối cùng thoát ra từ nhà tù nhỏ, Tô Thùy Yên không còn bùi ngùi, và thiết tha nữa. Bởi, không phải riêng người lính tù thất trận, mà cả thành phố của ông: “Thành phố của anh/ Nhục nhằn duyên cưỡng ép”. Và thành phố rộng, nhưng chẳng còn một bóng người quen. Để rồi, buộc ông phải trốn bỏ nơi bản quán: “Anh/ lên đường, cúi mặt lên đường/ Giả tảng không nhìn nỗi sỉ nhục/ Phi trường bị đánh thức”. Cái mênh mông của nước Mỹ càng làm cho tâm hồn Tô Thùy Yên thêm trống trải, cô quạnh. Sự hoang mang ấy, dường như làm cho ông bi quan và chán chường: “Nước Mỹ này quá rộng và quá buồn/ Anh không còn muốn tự định liệu.” Và xa thật rồi, mà Tô Thùy Yên cứ ngơ ngẩn hỏi. Một câu hỏi của người dường như đã lạc mất linh hồn:


“Đi như lạc trong trời đất,
Thuỷ tận sơn cùng, xí xoá ta.
Cõi chiều, đứng lại, khóc như liễu:
Có thật là ta đi đã xa?” (Đi Xa)


Quê hương, bản quán là nỗi nhớ thường trực trong Tô Thùy Yên. Một khúc nhạc quê, một kỷ niệm nhỏ trở về cũng làm tâm hồn nhạy cảm của người thi sĩ xao động. Và không chỉ cô đơn với cõi chiều tàn ấy, mà trên đường xe chạy, hay hàng quán nơi chốn đông người, Tô Thùy Yên vẫn cảm thấy lẻ loi, dằn vặt tự hỏi. Vâng! Có lẽ, đây là nỗi đau, nỗi buồn tâm lý chung của những kẻ xa quê, chứ không riêng người thi sĩ:


“Thả hồn trôi theo một tấu khúc chừng quen,
Dềnh giạt về những quá khứ bỗng ngoi nổi.
Nhớ lại, cố nhớ lại những người bạn bặt tin, những người thân tứ tán…


Ghé lại một trạm xăng, một hàng fast food hay một rest area
Đây là đâu?
Đây cũng là đâu đó vậy
Dấp nước đầu, cổ, mặt,
Tỉnh tỉnh lại với đời...
Và trong những khoảnh đèn khoét đọng lẻ quạnh,
Nhìn chút đỉnh những con người,
Nhìn cuộc sống còn nửa thức, nửa ngủ.
Hỏi lại mình: Lòng ngất tạnh khuya,
Tìm đâu một chốn ấm hơi đời?” (Đường Trường Đêm)


Rồi người thi sĩ đã tìm thấy hơi ấm ở nơi tình người, tình đồng hương. Và cũng từ cảm xúc ấy đã cho ông nguyên liệu sống viết nên thi phẩm Gặp Gỡ Giữa Đường. Có thể nói, đây là những lời lục bát tự sự hay trong thi tập Thắp Tạ. Một thể thơ Tô Thùy Yên rất ít sử dụng. Ta hãy đọc lại đọa trích dưới đây, để thấy sự cô đơn và hoang mang ấy, dường như có lúc đã biến mất trong ông:


“…Vào đây, có lửa, có người,
Có cây rộng lượng che trời hộ ta,
Có câu thăm hỏi quê nhà,
Đường qua thế ấy, đường xa thế nào?
Giờ lâu, liệu lửa tiêu hao,
Quơ thêm tâm sự cho vào chuyện chung,
Giữ ta sáng ấm mặt lòng,
Rõ đêm nhân thế vốn cùng loại đêm…”


Tập thơ Thắp Tạ hầu như bao gồm những sáng tác từ khi Tô Thùy Yên định cư tại Hoa Kỳ. Có thể nói, đến với thi tập này, bút lực của ông không còn được như trước, kể cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Âu đó cũng là điều rất bình thường như con người, có lúc hay lúc dở, khi khỏe mạnh hoặc ốm đau vậy. Và cũng có lẽ, do môi trường sống thay đổi, hoặc do sức lực, tuổi tác của của Tô Thùy Yên chăng? Bài thơ “Vẫn Là” khá hay, được Tô Thùy Yên viết sau khi ông đến Mỹ được mấy năm. Khi nói về sự tĩnh lặng của mùa thu, của tâm hồn, trong Thu Điếu, Nguyễn Khuyến đã dùng động để tả tĩnh: “Cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Ở bài thơ này cũng vậy, Tô Thùy Yên đã bắt chước tiền nhân chăng? Ông dùng tiếng động của vật rơi để miêu tả cái tĩnh lặng của không gian, cũng như tâm trạng. Với thủ pháp vắt dòng, đảo ngữ khá hay. Tuy nhiên, những người đọc bình thường, hoặc hời hợt sẽ khó hiểu, không gây được cảm xúc. Hơn nữa, trong thơ ông thường sử dụng khá nhiều cổ ngữ, hay thuật ngữ Đạo giáo do vậy rất kén người đọc:


“Vẫn là tiếng thinh lặng kinh hoàng
Đâu đó quanh đây
Do một vật đã rơi buông từ chỗ rất cao
Còn để lại…”


Thắp Tạ còn có những bài thơ khá dở. Và Nhanh Hơn là một bài thơ như vậy. Dù có nói đến cái hữu hạn của con người trước qui luật của tạo hóa, thiên nhiên, thì bài thơ này chưa được sàng lọc, và tinh cất. Nếu bực mình, bác Tô Thùy Yên có lọc ra quất roi vào đít, thì em vẫn nói: Mấy câu này chưa hẳn đã phải là thơ:


“Cố gắng,
Cố gắng theo cho kịp
Cái bóng mình như có đi nhanh hơn.”


Có thể nói, đi sâu vào nghiên cứu Tô Thùy Yên, cho ta biết thêm sự dung hòa trong một chiếc cán cân khác của nền văn học miền Nam. Sự dung hòa ấy, không chỉ trong thơ, mà còn in đậm trong cuộc sống thường nhật của ông. Mười ba năm dài đằng đẵng trong lao tù, cứ tưởng rằng hận thù ấy đeo đẳng mãi trong ông. Nhưng Tô Thùy Yên đã bước ra khỏi hận thù, trải lòng mình vào những trang thơ. Do vậy, đọc thơ ông, ta không cảm thấy nặng nề về tư tưởng. Cả cuộc đời của mình, Tô Thùy Yên luôn cần mẫn đi tìm lại hồn thơ cũ để tặng cho người và cho đời. Hồn thơ ấy, chắc chắn sẽ sống cùng thời gian. Và tôi xin mượn bài thơ Tặng Phẩm có thể làm sáng tỏ thêm chân dung của nhà thơ, để kết thúc bài viết này:


“Thức cho xong bài thơ.
Mai sớm ra đi,
Cài hờ lên cửa tặng.”

Leipzig ngày 8-2-2018
Đỗ Trường[

Sửa bởi người viết 09/02/2018 lúc 10:28:05(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.592 giây.