Người nước ngoài trước Cục Di trú Nhật ở Tokyo.
Trong năm 2017 số người xin tị nạn ở Nhật Bản tăng đến mức kỷ lục 80%, lên đến 19.628 người, nhưng chỉ có 20 người được chấp thuận, theo Reuters.
Nhập cư hiện đang là một chủ đề gây tranh cãi ở Nhật Bản, một đất nước rất tự hào về sự đồng nhất văn hoá và dân tộc, ngay cả khi dân số già đi và lực lượng lao động khan hiếm.
Mặc dù là nhà tài trợ chính cho các tổ chức viện trợ quốc tế, Nhật Bản rất miễn cưỡng trong việc nới lỏng các chính sách về người tị nạn hoặc cho phép những người lao động được nhập cư.
Bộ Tư pháp Nhật cho biết trong những năm gần đây, số người xin tị nạn tăng lên khi người ta lợi dụng một hệ thống luật pháp trong đó vừa cho phép người có thị thực hợp lệ được đi làm lại vừa có thể nộp đơn xem xét quy chế tị nạn.
Nhưng kể từ giữa tháng 1 năm nay, Chính phủ đã hạn chế quyền làm việc, theo đó chỉ những người được xem là người tị nạn thực thụ mới được phép đi làm.
Bộ Tư pháp cho biết kể từ giữa tháng 1, số người nộp đơn trung bình mỗi ngày giảm đến 50% so với tháng 12.
Số liệu sơ bộ cho thấy trong số 19.628 người nộp đơn vào năm 2017, có ¼ người Philippines, tiếp theo là người Việt Nam và Sri Lanka.
Trong số 20 người được chấp thuận quy chế tị nạn vào năm ngoái, có 5 người Ai Cập, 5 người Syria và 2 người Afghanistan. Bộ này đã từ chối nêu rõ quốc tịch của 8 người còn lại, vì lo ngại rằng họ có thể bị nhận dạng một cách dễ dàng.
Ông Eri Ishikawa, thuộc Hiệp hội Tị nan Nhật Bản, nói: "Con số 20 người là quá ít. Theo kinh nghiệm của chúng tôi về hỗ trợ người tị nạn, tôi nghĩ số người được chấp thuận phải nên nhiều hơn."
Trong năm 2016, Nhật Bản đã chấp nhận 28 người tị nạn.
Theo VOA