Cụ ạ, tôi sống với tôi gần 80 năm, tôi cứ tưởng là tôi biết tôi rõ ràng, từ đường tơ, kẽ tóc, tính tình, hạnh kiểm, tốt xấu ra sao, tôi chỉ có thể che giấu người ngoài, nhưng đối với tôi, thì tôi chẳng thể nào giấu được. Các cụ ngày xưa đã chả nói, biết mình chẳng ai bằng mình, phải không? Thế nhưng, tưởng thế mà không phải thế cụ ạ.
Ngày xưa, hồi còn ăn chưa no, lo chưa tới, tôi cùng mụ bạn con chí cắn đôi – nói theo điển tích thì là như thế, chứ tôi và nó đều thuộc loại con nhà văn minh sạch sẽ, ăn ở rất hạp vệ sinh, không bao giờ có chí và lại càng không ăn chí bao giờ – mỗi khi vô công rỗi việc, lại xoay ra suy ngẫm sự đời, để chứng tỏ với bản thân rằng, rất có thể tôi là một cái giá áo, một cái túi quà, nhưng ít nhất cũng là một loại giá áo túi quà biết suy nghĩ – vì tôi suy nghĩ nên tôi mới là. Nhưng lần nào cũng như lần nấy, sau khi triết lý vụn một hồi, bèn phát hiện ra rằng, khi con người trở thành triết nhân, điều đó có nghĩa rất rõ ràng là cuộc đời người đó đang tới hồi bế tắc! Thành thử, từ đấy tụi tôi tránh triết lý tối đa. Nhưng, khi nghĩ lại, nếu không suy nghĩ thì sẽ không là, cho nên lại phải suy nghĩ để có thể là... bất cứ thứ gì có thể là. Nhờ thế, sau này, khi về già, nghĩ lại, mới thấy, thời gian nghiền ngẫm đó, đã giúp cho tôi có một căn bản triết lý bổ ích. Nhưng đó là chuyện khác, không thuộc phạm trù bài viết hôm nay.
Về già, con người bỗng đâm ra ù lì. Ấy chết, xin lỗi cụ, đó là trường hợp của tôi, tôi nói tôi chứ không nói cụ. Vì tôi là tôi, cho nên tôi mới biết là tôi ù lì. Tôi đâu có là cụ mà biết được cụ có ù lì hay không? Bài triết lý này trích trong sách Trang Tử, rút ra từ chuyện Trang Tử và con cá vàng. Tôi khỏi cần nhắc lại câu chuyện này, vì tôi biết chắc chắn cụ cũng đã từng đọc qua; Hơn nữa, Trang Tử là Trang Tử, con cá vàng là con cá vàng, tôi là tôi mà cụ là cụ. Mỗi người nhìn vấn đề một khác, có nói ra, mấy khi đã đi đến đồng thuận??? Có khi lại còn đâm ra chí chóe nữa ấy chứ! Già rồi, nên thinh lặng.
Về già, còn lại một chút hơi tàn, lực tận, tôi cũng ngại không muốn thảo luận theo cái kiểu cù nhầy, nên tôi mất hẳn cái thú triết lý. Thứ nhất, cần phải có đối tượng mới có thể triết lý vụn được. Mụ bạn tôi ỏ một thành phố cực Bắc, mà tôi thì ở tận cùng Nam, cho nên tương cố bất tương kiến, đành phải dùng điện thoại, mà nói điện thoại để triết lý kiểu này, tôi e chưa kết luận, óc đã chín thành chả nướng rồi. Không thể triết lý một mình, vì nếu làm như thế, người sống xung quanh, có thể nghĩ rằng mình hóa dại, họ sợ lây, nên họ bèn bỏ mình vào nhà thương điên thì phiền, cho nên, vì không có ai nói bằng miệng với, cho nên tôi mới phải hành nghề nói bằng tay, in xuống giấy. Nói bằng tay có cái lợi là có nhiều người chú ý, theo dõi, nhưng cũng có cái hại là quên đi cách phát âm. Cho nên, khi cần nói, nhiều khi tôi cứ nghẹn họng, y như người bị bịt miệng. Đang nói lại ngừng ngang vì tìm không ra lời.
Vì thiếu hoàn cảnh trau dồi triết lý, cho nên con người tôi, hồi này trở nên hơi bị nông cạn. Đôi khi chẳng còn biết mình là ai. Ta hay là sư, sư hay là ta. Tôi kể chuyện sư hay ta này rồi, cụ đừng hỏi là tôi nói cái giống gì vớ vẩn đấy nhá! Tôi không nhắc lại nữa đâu. Nếu cụ quên thì cụ ráng chịu vậy, kẻo tôi kể lại, có cụ nhớ, cụ ấy lại mắng cho là nói chuyện vòng quanh, câu giờ, cho chóng hết giấy, thì oan tôi.
Mà cũng sắp hết giấy thật rồi. Thôi để tôi vào chuyện chẳng có lại không kịp.
Hôm vừa rồi, con trai tôi điện thoại. Con Claire lanh chanh dành nói trước. Nó líu lo, tôi nghe tiếng được tiếng còn, tiếng hiểu, tiếng không, cứ ậm ừ cho qua. Thật ra tôi đâu có cần biết nó nói cái giống gì, chỉ cần nghe tiếng nó là đủ nhớ, đủ thương. Tôi hỏi Jacob đâu rồi. Nó bảo Jacob còn đang làm bài. Chúa tôi! mới học có lớp 3 mà giờ này vẫn còn phải làm bài? Bộ sắp thi tú tài hay sao chớ? Bố nó tìm cách giải thích, thằng này hồi này ham chơi, lúc đi học về không chịu làm ngay, để đến gần đi ngủ mới đem bài ra làm cho nên giờ này chưa xong.
Thế là, cùng một lúc, không biết bao nhiêu điều hắc ám thi nhau đổ dồn lên cái óc quá tải của tôi. Thằng bố nó, ở tuổi này, mỗi khi làm bài mẹ phải ngồi bên cạnh gãi lưng. Thằng Timmy, ở tuổi này, vẫn còn ngồi lòng bà để làm bài, mà thằng Jacob lại phải làm bài một mình, trong khi con Claire và bố hủ hỉ với nhau. Hừ! thế này là thế nào chứ? Tôi cố gắng giữ bình tĩnh bề ngoài, lấy giọng bình tĩnh hỏi con tôi, theo thể thức cảnh sát hỏi cung can phạm. Tại sao nó lại quên làm bài? Mỗi khi đi học về, con không xét thời khóa biểu cho nó sao, và nhắc cho nó biết, nó có những bài gì phải làm à? Khi nó làm bài, con không ngồi cạnh nó sao? Con tôi thấy chiều hướng câu chuyện đi đến chỗ bất lợi cho nó, nên vừa nói vừa muốn chấm dứt: có chứ nhưng mà cái thằng này nó hay câu giờ lắm. Mẹ còn lạ gì tính nó. Thôi để con cho tụi nó đi ngủ đây. Tôi đâu có buông tha dễ thế. Ngủ gì mà ngủ. Thằng Jacob chưa làm xong bài. Mẹ thấy hồi này con có vẻ chú ý quá nhiều tới con Claire mà lơ là với thằng Jacob. Nó lơ đãng, quên làm bài, câu giờ, xuống điểm, phải chăng vì nó thấy nó bị bỏ rơi. Con có biết hậu quả tai hại của thái độ con yêu con ghét nguy hiểm như thế nào, ảnh hưởng sâu xa, lâu dài, tới tâm lý đứa trẻ như thế nào không?
Trong óc tôi, trước mắt tôi, hiện ra biết bao nhiêu thí dụ cụ thể, những nạn nhân của tệ nạn này. Tôi không thể nào quan niệm được thằng Jacob, thằng đích tôn thừa trọng của tôi, một thằng bé thông minh, đĩnh ngộ, giỏi giang, đẹp như thiên thần, bây giờ bị rơi vào tình trạng một đứa con bị bỏ bê, bị bố mẹ lơ là. Tôi suy nghĩ, tính toán, làm cách nào tôi có thể bay lên Dallas, chấm dứt ngay tình trạng này. Làm sao tôi có phép thần thông của ông Tề, nhổ một sợi tóc, thổi phù một cái, hóa thành tôi thứ hai để một tôi, ở Houston lo cho ông, một tôi bay vù lên Dallas, bênh vực thằng cháu nội. Trong khi đầu óc tôi sôi sùng sục thì thằng con tôi cũng mất bình tĩnh. Nó lên giọng: mẹ à. Trẻ con quên làm bài là chuyện thường tình, nó không phải là một cái máy mà lúc nào cũng chạy đều đều, theo một tốc độ nhất định. Nó là một con người năng động chứ không phải là một bức tượng bất động. Mẹ đã từng là thày giáo, mẹ phải biết điều này chứ. Tôi cũng mất bình tĩnh la lên, ngắt lời cái thằng trứng-đòi-khôn-hơn-rận: vì thế mới cần có bố mẹ nhắc nhở nó; vì mẹ là nhà giáo, vì mẹ biết, nên mẹ mới không thể chấp nhận cái chuyện con yêu con ghét. Thằng con tôi cũng la lên: mẹ ơi, mẹ đang dramatizes rồi đó, mẹ có biết không? Thôi không nói chuyện này nữa. Để lúc nào mẹ bình tĩnh lại sẽ nói tiếp. Thằng Jacob làm bài xong, chạy lại góp chuyện. Nó khoe: bà ơi, con lại được giải nhất cho cái science project của con. Tuần sau con sẽ được dự thi cấp state. Nite bà, love you. Thằng con trai cũng nói, con cho tụi nó đi ngủ. Nite mẹ.
Tôi cảm thấy hơi an tâm, và bình tĩnh để nghiền ngẫm lời buộc tội của con. Dramatize? Tôi? Sao cái lời này nghe là lạ mà lại quen quen, nhưng nó không thể nào áp dụng vào cho tôi. Hình như, ngày xưa tôi hay buộc tội mẹ tôi bằng câu này. Không, không phải hoàn toàn như thế này, nhưng đại khái ý nghĩa cũng giống vậy. Mẹ tôi là một nhà văn chuyên viết tiểu thuyết, cho nên tôi hay buộc tội mẹ tôi “tiểu thuyết hóa” mọi chuyện. Bây giờ, con trai tôi cũng buộc tội tôi bi thảm hóa sự vật. Bi thảm hóa còn nặng hơn, tệ hơn, tiểu thuyết hóa nhiều. Tôi??? Tôi?? Bi thảm hóa??? Không thể như thế được!!!! Tôi có thể độc tài, độc đoán... nhưng không thể bi thảm hóa... Nó nói ai chứ không thể là tôi.
Cái người bi thảm hóa là ai thế nhỉ??? Không thể nào là tôi được. Làm sao có thể là tôi?
Bà Ba Phải (Viendongdaily)