Dư luận trên các trang mạng trong tuần qua vẫn tiếp tục bàn tán về danh sách một số blogger có thể sẽ bị ‘nhập kho’. Nguồn tin về bản danh sách này từ nhà văn Nguyễn Trọng Tạo khi ông nhận được thông báo qua điện thoại của một người trong đoàn tháp tùng chủ tịch Trương Tấn Sang tới Bắc Kinh.
Viết mà không biết lách là một nghề hết sức nguy hiểm ở Việt Nam. Ý thức rõ ràng về mối nguy đó, nhưng niềm đam mê và sự thôi thúc phải nói lên sự thật đã khiến giới blogger người nọ tiếp nối người kia tiếp tục dấn thân. Đã có những người phải vào tù, với những bản án hết sức nặng nề, nhưng rồi lại xuất hiện thêm các cây bút mới.
Sau vụ bắt giữ 2 blogger có tiếng là nhà báo Trương Duy Nhất và nhà văn Phạm Viết Đào, sự hiểm nguy với giới blogger dường như càng đến gần hơn.
Chúng tôi vừa có cuộc phỏng vấn với 3 blogger tiêu biểu, với cùng những câu hỏi như nhau:
1. Dư luận cho rằng, có một danh sách 20 blogger đang nằm trong tầm ngắm của cơ quan an ninh, anh/ chị nghĩ sao về việc này?
2. Cơ quan an ninh đã từng cảnh báo, đe dọa hay yêu cầu anh/ chị ngưng viết chưa?
3. Viết blog là việc khá mạo hiểm ở VN, rất nhiều người đã bị bắt, bị xử tù, anh/ chị có chuẩn bị sẵn sàng tinh thần cho mình không?
Và dưới đây là câu trả lời của các blogger:
Bà Đặng Phương Bích1. Mình nghĩ điều này hoàn toàn có thể có. Nhưng chưa chắc họ đã thực hiện ngay. Họ sẽ thăm dò phản ứng của dư luận, và cũng chờ kết quả đấu đá phe nhóm đến đâu.
2. Với riêng mình thì chưa có ai gặp mình để cảnh báo hay đe dọa về việc viết blog. Chỉ có trước đây, họ có tìm gặp mẹ mình, ca thán về việc mình viết rất “khó nghe”
3. Mình nghĩ, nếu chỉ phản ánh hiện thực xã hội, và bày tỏ quan điểm như mình mà cũng đi tù, thì mình chấp nhận đối mặt với nó.
Ông Huỳnh Ngọc Chênh1. Tôi tin rằng có người trong đoàn tháp tùng với CT TTSang từ bắc Kinh điện về nói chuyện với nhà văn Nguyễn Trọng Tạo về danh sách 20 người là có thật. Nhưng danh sách ấy có thật hay không là một chuyện khác. Trước đó ít lâu tôi cũng đọc được trên mạng hoặc nghe tin đồn về danh sách 4 người rồi 5 người rồi 10 người cũng rất nhiều. Tôi không tin rằng những danh sách ấy là có thật. Tuy nhiên tôi tin rằng có một danh sách rất dài có khi đến hàng trăm người bị thuộc diện phải giám sát hoặc theo dõi là chắc chắn có. Đó là công việc của an ninh làm thường xuyên. Như chị Bùi Hằng, cô Nguyễn Hoàng Vi, gia đình Huỳnh Thục Vy… thì lúc nào cũng có người theo dõi. Bản thân tôi, tôi biết luôn luôn có người nghe lén qua điện thoại. Tôi có bằng chứng về việc này. Một lần Ngài Tổng lãnh sự Pháp tại TP HCM gọi điện xin tôi một cuộc hẹn để gặp nhau ăn tối. Tôi chưa hề nói chuyện nầy với ai, phía bên ngài tổng lãnh sự cũng vậy thế nhưng qua ngày hôm sau vài người biết cuộc hẹn của tôi gợi ý tôi không nên đi.
Cũng có thể danh sách 20 người ấy được vờ tung ra để hăm dọa mọi người, hoặc nếu có thì cũng chỉ là để quản lý, giám sát chặt hơn chứ không phải là danh sách để bắt.
Tuy nhiên cũng chẳng biết trước được việc gì, ai viết blog trong tình hình này lại không bị quy, chí ít cũng vào điều 258. Và bất cứ ai cũng có thể bị bắt như các anh Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Đinh Nhật Uy.
2. Trước đây khi tôi còn làm báo thanh niên, thì có gián tiếp qua ban biên tập báo hoặc trực tiếp gặp tôi để khuyên can tôi nên dừng viết.
Sau này khi tôi đã về hưu thì chỉ thấy có áp lực gián tiếp từ bạn bè và các người thân trong gia đình. Chưa trực tiếp có nhân viên an ninh nào đến gặp tôi để đề nghị tôi ngừng viết.
Tôi cũng có chựng lại vì áp lực từ người thân. Các con tôi, nhất là con gái út rất sợ hãi, luôn ngăn cản tôi viết blog. Tôi hứa với cháu là sẽ giảm đi và không viết về chuyện quốc sự nữa.
3).Khi viết blog là tôi đã bị đặt vào chỗ nào rồi. Những gương Cù Huy Hà Vũ, rồi Điếu Cày còn sờ sờ ra đó. Tôi biết mình cũng có thể sẽ bị bắt bất cứ vào lúc nào. Do vậy cũng chuẩn bị sẵn tinh thần và mọi việc. Tuy nhiên vẫn chưa chuẩn bị được tinh cho con cái. Nhưng hy vọng rồi con cái tôi cũng quen dần và có thể chấp nhận được. Ở tù, nhất là nhà tù CS thì không phải là chuyện đùa. Nhưng biết sao được, chẳng lẽ vì quá sợ hãi mà câm nín tất cả hết hay sao. Mình không dám lên tiếng chống đối lại bất công tham nhũng ngoại xâm, không dám phản biện lại những điều sai trái thì còn ai dám nữa.
Ông JB Nguyễn Hữu Vinh1. Tôi có đọc thấy trên mạng rằng sau khi ông Trương Tấn Sang đến Trung Quốc, thì đã có danh sách 20 Blogger có thể bị bắt trong thời gian tới. Tôi đón nhận thông tin này cũng bình thường.
Những người có tinh thần dân tộc, yêu nước, những người đã biểu thị lòng yêu nước của mình qua những cuộc xuống đường và những người cất tiếng nói của mình vì lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc từ trước đến nay, nhất là trong giai đoạn vừa qua đã chịu nhiều vấn đề với bộ máy công quyền. Đa số những vấn đề họ chịu đựng là những việc làm bất chấp pháp luật, lương tâm như bắt bớ, đánh đập, giam giữ… Do vậy, khi có thông tin về việc có thể bắt giữ thêm 20 Blogger trong danh sách có thể bị bắt vì tinh thần chống Trung Quốc xâm lược thì không ai ngạc nhiên lắm. Người ta chỉ ngạc nhiên về thái độ của nhà nước đối với giặc và đối với dân mà thôi.
Điều thú vị là nếu như trước đây, có một lời đồn rằng có một tên phản động, thì hầu hết mọi người đều không tự nhận là mình, và sẽ đồn thổi và tìm kiếm một ai đó ngoài mình. Nhưng khi nhận được thông tin này, những người yêu nước đều tự nhận là mình và nếu vậy thì con số sẽ không còn là 20 người nữa mà đã là hàng trăm, thậm chí cả ngàn người. Đa số nhận thông tin đó bình tĩnh và thậm chí còn… háo hức. Tôi hiểu rằng họ coi đó như là sự hi sinh cho đất nước, cho Tổ Quốc.
2- Tôi chỉ là một người viết một số vấn đề bằng tiếng nói của mình, với tiêu chí là Sự thật – Công lý – Hòa bình. Nội dung viết về các vấn đề như Tự do tôn giáo, quyền của người dân, lòng yêu nước chống xâm lược với mục đích là xây dựng một nhà nước pháp quyền. Tất cả những điều tôi viết là sự thật và mang tính xây dựng, lên án những cái xấu, cái tha hóa, cổ vũ cho nhân quyền, dân quyền và xã hội tốt đẹp.
Trong quá trình đó, tôi đã rất nhiều lần phải làm việc với cơ quan an ninh điều tra, khoảng hơn ba chục lần gì đó tôi không nhớ rõ cụ thể, mỗi lần vài ba ngày. Trong khi làm việc, có lần cơ quan an ninh đã yêu cầu tôi không viết lên Blog và mạng internet. Tôi có trả lời họ rằng đó là quyền tự do của tôi được pháp luật quy định. Tất cả những điều tôi viết là sự thật và vì thế, nếu cần cấm, thì cần có một văn bản luật của Quốc hội hoặc một cơ quan nhà nước đủ thẩm quyền, trong đó chỉ cần có nội dung “Cấm viết sự thật” thì tôi sẽ ngưng. Nhưng đến nay, theo tôi được biết thì trong hệ thống văn bản pháp luật chưa có văn bản đó.
3- Không chỉ viết Blog, mà tất cả những ai không hành động đúng ý muốn của nhà nước độc đảng hiện nay, đều là mạo hiểm. Tuy nhiên muôn ngàn người dân Việt Nam khát khao tự do, dân chủ thực chất, họ không có tội gì nếu được xét xử công minh theo pháp luật.
Phần tôi, tự xét thấy mình không làm điều gì vi phạm luật pháp đã được công bố. Tôi hành động trong khuôn khổ Hiến pháp và luật pháp cho phép cũng như những văn bản quốc tế mà VN đã ký kết và có nghĩa vụ thực hiện. Tôi thực hiện theo lời Đức Giáo Hoàng đã dạy: “Giáo dân tốt cũng là công dân tốt” mà nhà nước VN hiện nay cũng đang phát động mọi người làm theo tinh thần đó. Người công dân tốt có nghĩa vụ bảo vệ đất nước, lãnh thổ và xây dựng xã hội tốt đẹp, không chấp nhận sự tha hóa và suy đồi của bất cứ ai. Người giáo dân tốt có một vai trò là “Ngôn sứ” của Thiên Chúa là nói lên sự thật, lên án tội ác. Vì vậy, khi thực hiện đúng những tiêu chí đó, tôi thấy mình không có lý do gì phải bị bắt bớ, tù đày.
Tuy nhiên, trong thực tế VN hiện nay, những điều không bình thường đã trở thành bình thường, thì chúng tôi như cá trong chậu và chim trong lồng, mọi điều có thể xảy ra.
Cũng như những người yêu chuộng sự thật, công lý, hòa bình, tôi phó thác tất cả trong tay Chúa quan phòng, gìn giữ.
Mạc Việt Hồng (Danchimviet)