Tôi thường ngồi bất động, nhìn vào một điểm nào đó trên sân khấu, mà những người đi chung thường nghĩ rằng tôi là một khán thính giả tận tụy. Nhưng kỳ thực người ngồi bất động, nhìn vào một điểm nào đó trong tiếng ồn chuyện trò của nhiều người, trong rừng âm thanh và ánh sáng, nếu cứ nhìn vào một điểm, dần dần điểm ấy sẽ mờ đi hiện thực để hiện ra những ký ức mơ hồ. Trong mắt tôi đang là cô gái bưng ly rượu ngả nghiêng bàn này sang bàn khác, màu hổ phách của rượu mạnh sóng sánh trong cái ly trong veo làm tôi nhớ xa xăm về một thời quá vãng…
Hôm đó, sau buổi học, mấy đứa học trò kéo nhau đi thăm mẹ của bạn Hoàng Lan đang bệnh nặng. Chúng đem theo quà thăm bệnh là túi khoai lang vài kí-lô, mới đào được ngoài gò, túi tôm tép do mấy đứa con trai đã rủ nhau đi vét đáy ngoài sông, chừng cũng đủ vài bữa ăn cho mẹ con Hoàng Lan…
Trên đường đi, con bé Thu Hương đã mười tám tuổi nhưng như con nít, nó ngồi lên cổ thằng Ân là thằng bạn trai cao nhất lớp nhưng lại nhỏ hơn nó 2 tuổi, nghe nó xưng chị với cưng thật hồn nhiên. Hai đứa cố hái nhánh hoa trong sân nhà người ta trĩu ra đường, để làm quà cho mẹ của Hoàng Lan. Tâm con bé Thu Hương cao hơn cả nó ngồi trên cổ thằng Ân, nhưng vẫn vói chưa tới nhánh hoa lòng. Tôi chợt hiểu ra làm người có lòng không dễ, nên ông thầy cúi xuống chung vai với thằng Đức, thằng Nghĩa, tạo thành thế chân vạc, nhấc cả thằng Tâm và con Thu Hương lên, mới hái được cành hoa gạo thấp nhất…
Không biết giờ này mấy đứa học trò dễ thương có còn giữ được tâm hồn trong sáng và trái tim thơ ngây khi đất ruộng đã bị đô thị hoá và người nông dân đứng nhìn nhà máy của nước ngoài chạy ầm ầm trên những thửa ruộng xưa. Không biết mẹ của Hoàng Lan đã qua được kiếp người hay chưa? Sao tôi lại nguyện cầu cho người ta chết, -vì giữa mênh mông sông nước biển trời ngày ấy cũng như rừng âm thanh ánh sáng hiện tại chỉ có tôi và Hoàng Uyên là mẹ của Hoàng Lan không nói mà hiểu nhau hơn vạn lời.
Năm đó, Hoàng Uyên mới chừng ba mươi, hay ngoài ba mươi chút đỉnh mà Hoàng Lan đã mười sáu thì phải! Hoàng Uyên nằm đó, bóng mặt ủ ê trong căn chòi xiêu vẹo, sự cô liêu hoang lạnh đến chạnh lòng với nhan sắc phai tàn ở tuổi đương xuân do xài quá độ. Là những gì mơ hồ tôi thấy trong ly cognac sóng sánh mà cô gái kia đang cầm trong tay, không biết ở nhà cô có con bé Hoàng Lan hiếu thảo với mẹ, thương yêu những bạn bè không khi dễ nó.
Không biết mấy giờ ly rượu cạn, cô gái kia ra về. Và hôm nào là hôm cô không dậy nổi nữa. Ai là người đến thăm…
Tôi thường ngồi bất động nên chả thấy gì trong góc đêm kia, người đàn ông tôi gặp vài hôm trước để xin ông một hợp đồng làm ăn. Tôi là người đi xin và ông là người có quyền cho hay không cho. Ông đã không cho, và cũng chẳng đáng nhớ mặt tôi làm gì nên ông đang luồn cúi một hẻm ngực sâu như tài tử Marilyn Monroe của thế kỷ trước đã làm điên đảo tới tổng thống đương thời của Hoa Kỳ…
Người đàn ông ấy đang có tất cả, trừ hạnh phúc. Nhưng lạc đường tìm kiếm mờ dần trong mắt tôi để hiện ra người đàn ông không có gì hết, trừ hạnh phúc. Đó là một ông Mễ già hơn tuổi, râu tóc xồm xoàm không cắt tỉa. Tôi gặp ông lần đầu ở Phở Đoàn là để mắt tới ông ngay, bởi ông có nụ cười rất hiền, giấu sau bộ râu quá rậm lại không tỉa tót cho giống bá tước hay công tước gì đó. Ông có ánh mắt thật xa của một cao tăng, cử chỉ nhu hoà như người khất sĩ. Ông xuềnh xoàng trong y phục nghèo khó, mang túi nải cái bang, thường đi vào những tiệm ăn, ông để lên mỗi bàn khách đang ăn một cái keychains bằng thái độ nhã nhặn thay cho lời xin lỗi làm phiền và xin giúp đỡ tôi… Sau khi ông đã đi giáp vòng tiệm ăn thì đứng vào một góc nhà hàng chừng năm phút. Rồi đi thu lại, để đi tiệm khác. Bàn nào mua giúp ông thì không cần biết khách trả bao nhiêu, ông đều cảm ơn và bỏ tiền vô túi nải. Bàn nào không mua thì ông nhặt lại cái keychains với lời cảm ơn thật dễ thương, rồi đi.
Hôm buồn cười nhất là hai mẹ con người Việt kia, xăm xoi cái keychains thích thú và nghĩ rằng ông là người truyền giáo, vì keychains là cây thánh giá bằng nhựa, có câu kinh thánh ép trong hai lớp nhựa trong. Người mẹ trẻ nhắm mắt lại kính cẩn, hôn cây thánh giá, rồi bỏ vào giỏ xách của cô. Đứa con gái bé bỏng đòi chơi với món quà be bé xinh xinh. Nhưng không được phép. Mẹ của bé giải thích đó không phải là đồ chơi…
Họ tiếp tục ăn tới không hết, bỏ mứa, trong ơn phước đời đời của Chúa ban. Nhưng ông già Mễ đứng đợi họ trả tiền đã mòn mỏi lòng kiên nhẫn đến cạn kiệt. Ông làm dấu thánh giá, rồi lặng lẽ ra đi. Tôi nhớ nét mặt ông hôm đó rất buồn-thanh thản, không buồn khổ như buồn thường đi với khổ. Ông là ai mà vững căn tu.
Đến hôm tôi gặp ông bên hông Pawn Shop, có cái góc tiếp giáp với nhà hàng Lá xanh, là một góc gió mát rượi, sạch sẽ. Có người đàn bà… ngoại hình không hơn gì ông. Nhưng bà đang cho ông ăn trưa. Người đàn bà chốc chốc lại đưa cho ông nước uống, sau mỗi cú nuốt vội để còn làm ăn. Bà lau đến mòn gương mặt râu ria bằng cái khăn ướt trong túi zipper bag lấy ra. Tôi nhắm mắt lại khi bà hôn lên gò má ông. Hoá ra ông là người giàu nhất Dallas mà tôi không biết. Nên thương ông chủ lạc đường trong hẻm tội tình đang u mê vung vãi tiền bạc là công sức làm việc của chính mình. Ông chủ không mờ dần đi như ban nãy mà ông Mễ mờ đi như hạnh phúc đã giã từ cuộc sống hôm nay.
Đến đêm kia, có một người đàn ông vừa rớt do quá chén, hai người bạn dìu ông ra xe, rồi họ trở vô tiếp tục cuộc vui chưa tàn với những người bạn khác. Người đàn ông trong xe say mèm, mơ thấy một bàn tay với cái khăn nóng có chút nước hoa thường lau mặt cho ông mỗi khi say. Nhưng bàn tay không giữ được nên chỉ còn cơn say. -Người đàn ông trong xe kia sẽ tỉnh lại, ông ta lại vô uống tiếp để thấy được bàn tay… Ông ấy không phải bợm nhậu như tôi nghĩ, chỉ là nhớ quá một bàn tay đấy thôi.
Trời như đã về sáng bằng đồng hồ sinh học trong người, mùa xuân đã về với cơn mưa cô quạnh đang vây hãm những gã giang hồ, gái đứng đường co ro trong chăn mỏng ngoài vỉa hè. Là những mặt người vào ban ngày rất vui tươi trong các cuộc chuyện trò đầy tiếng chửi thề. Sự sống động của họ đã tan biến trong niềm xúc cảm chơi vơi, những người tôi đã gặp trên đường về, nhớ tới, khi lái ngang qua hồ 30, chỉ có sóng, và gió, làm tôi đã dừng lại vớt mình khi hừng đông đã tỏ mặt người… Hình bóng những người kỹ nữ tan loãng ra như lời nhạc đêm xuân bay biến, “ta tiếc cho em trong cuộc đời làm người. Ta xót xa thay em là một cánh hoa rơi. Loài người vô tình giẫm nát đời em. Loài người vô tình giết chết đời em…”
Phan