Vị bác sĩ trẻ chăm chú nghe tôi nói, ông gật đầu nhẹ vài cái rồi nở nụ cười to. Nhìn thấy cái cười của ông thì tôi hơi yên tâm. Chắc cũng không có gì đâu. Bác sĩ Young là bác sĩ gia đình. Ông là người Phi Luật Tân, chắc cùng là Châu Á với nhau, ông đối xử với tôi như là người trong gia đình hơn là giữa bệnh nhân và bác sĩ.
- Không sao đâu cô. Kết quả thứ máu vừa rồi rất tốt. Cô cứ giữ tập thể dục như thế này là quá tốt.
- Nhưng sao mấy tháng này tôi có đủ thứ bệnh hiện ra vậy bác sĩ? Mắt tôi thấy chớp sao, đầu gối đau, tai lùng bùng, và mất ngủ nữa.
Tôi dừng lại không nói tới chuyện tóc rụng và nay mai phải niềng răng bởi răng và tóc không liên quan đến ngành chuyên khoa của ông. Ông lại cười to hơn, nói:
- Đừng lo cô. Theo như cô nói, năm vừa rồi cô có quá nhiều lo lắng về gia đình và công việc. Có thể những điều đó làm cho các hiện tượng lão hoá đến cùng một lúc. Lão hoá là định luật tự nhiên. Cô không có gì phải lo hết. Nếu đi bộ nửa tiếng một ngày như có đây thì cô phải sống đến một trăm tuổi.
Nghĩ tới má tôi và những người cao niên trong nhà dưỡng lão tôi mới đi thăm tuần vừa qua, tôi nói với ông:
- Tôi thật không ham đến một trăm đâu. Tám mươi lăm là tốt rồi.
Vị bác sĩ lại cười nửa, dặn dò tôi một vài điều căn bản và chào tôi. Vậy chắc mình cũng không sao đâu. Chỉ là lão hoá thôi mà.
*
Lão hóa. Cái từ này tôi nghe trên TV cách đây mười năm qua một chương trình quảng cáo. Mới đầu tôi không hiểu nó là cái gì. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi mới nghe thấy hai chữ này. Tôi vốn là người ham đọc sách. Lúc còn ở Việt Nam, tôi đọc hết sách của Tự Lực Văn Đoàn. Đọc qua Nhã Ca, Túy Hồng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc.
Nếu phải kể ra tên thì còn dài nữa nhưng tôi không thấy cuốn sách nào nói tới hai chữ “lão hoá” cả. Không hiểu nhưng nghe riết rồi cũng hiểu. Tôi đoán ra lão hoá nghĩa là già. Lúc đó tôi bật cười ra, “Ha, mấy ông quảng cáo giỏi thiệt. Già thì không nói là già mà nói lão hoá, nghe cho nó văn chương. Bây giờ thì lão hóa đang ở trong người tôi và có lẽ tôi cũng cần kiếm lại những cái quãng cáo kia. Cái từ lão hoá nghe không còn văn chương nữa.
*
Nhóm bạn tôi bốn đứa mỗi năm gặp một lần vào lúc cuối năm. Chỉ là dặn nhau ra ngồi ăn và tán gẫu một chút. Phần còn lại dành cho text. Chúng tôi biết nhau từ mấy mươi năm trước khi đang học Đại Học. Lớn lên gia đình mỗi khác nhưng vẫn còn giữ liên lạc với nhau cho tới giờ. Thùy vẫn còn buồn ủ rũ sau cái chết của mẹ cô. Thùy chăm sóc cho mẹ được bảy năm, mỏi mệt quá, cô gửi mẹ vào viện dưỡng lão. Hai tháng sau bà cụ mất lặng lẽ trong đêm. Thùy cứ ray rức mãi về quyết định của mình.
- Thôi, Thùy cố gắng đừng buồn nữa. Sống, chết đều do ông Trời quyết định. Mình không có tính toán trước được đâu.
Phượng an ủi Thùy, ngừng một chút, cô nói tiếp:
- Sẵn đây, mình nói các bạn biết, mình và anh ấy chuẩn bị ly dị.
Ba đứa còn lại quay nhìn Phượng ngạc nhiên. Cô im lặng bình tĩnh, cái bình tĩnh để che đậy những giông bão trong lòng. Với tâm trạng của hai bạn mình tôi không dám chia sẻ câu chuyện đi bác sĩ của tôi. Cái khổ của thể xác làm sao bằng cái khổ tinh thần được.
*
Chúng tôi quyết định đi xi nê ở một rạp gần bên. Dù không nói ra, cả bọn đều nhớ đến cái đêm đi coi xi nê cách đây cũng phải ba mươi mấy năm. Bữa đó, Phượng khóc nức nở báo tin bồ của cô quyết định chấm dứt cuộc tình. Chỉ có khác, cái buồn của ngày hôm nay hình như trầm hơn và cũng sâu hơn. Cũng như bữa đó, xong xi nê chúng tôi ra ăn tối và ngồi nói chuyện tiếp đến khuya. Ngồi xung quanh cái lò sưởi của nhà hàng câu chuyện về khuya trở nên vui nhộn hơn. Hình như trong chúng tôi ai cũng cảm giác được tự do. Câu chuyện không có gì đặc biệt, chỉ là những chuyện hàng ngày chia sẻ với nhau. Khi ra về, Thùy nói:
- Vui quá, lâu lắm mình mới có một bữa ra ngoài vui như thế này.
Chắc phải bữa nào đi nữa đi, mấy đứa.
- Đúng vậy. Mình phải sống như khi hồi mình còn trẻ mới thấy vui được. Hòa trả lời.
Phượng chêm vào:
- Lúc đi trời còn nắng. Lúc về đã qua ngày khác rồi. Tụi mình đúng là đi hoang.
Tôi cũng nói theo:
- Thật đó, mà bữa nay đi chơi sao không thấy mệt.
Và mỗi đứa ra về trên mỗi freeway khác nhau, hẹn một ngày gặp tiếp.
*
Sáng hôm sau tôi thức dậy trễ, vội vàng text cho cô sếp chắc tôi phải vào trễ hai tiếng. Mở điện thoại ra đã thấy ba cái text của bạn mình. Một đứa nói bị nhức đầu vì ngủ không được. Một đứa nói đau cổ họng. Còn Hòa dặn đừng đi khuya nữa, muốn sống như khi còn trẻ nhưng không được đâu. Cô đang bị nóng và sợ chắc bị cúm.
Tôi cười thầm bởi chính mình cũng thấy mỏi quá. Cũng may là sáng nay không có họp. Năm chữ “sống như khi còn trẻ” của Hòa vang vang trong đầu. Hòa nói đúng. Muốn nhưng không được đâu. Mà muốn để làm gì chứ. Tôi nhớ một câu nói người ta thường hay dùng, ta không thể thay đổi hay sống về quá khứ, cũng không tiên đoán được tương lai, điều tốt nhất là hãy sống với hiện tại. Cái hiện tại là Thùy vẫn còn buồn, Phượng đang tiến hành ly dị, Hòa sống một mình, và tôi cảm thấy mỏi mệt vô cùng. Nó không phải là chuyện vui nhưng nó là chuyện của mình. Và nếu mình không biết thương yêu nó, chăm chút nó, thì ai đây? Đời sống không phải là ngồi chờ trận bão đi qua mà phải biết đi trong cơn mưa đang trút xuống.
Tôi vội vàng ngồi dậy text. Không sao đâu, cố gắng tĩnh dưỡng, gặp lại hai tuần. Nghĩ tới cái đầu gối đang đau, tôi text tiếp. Ăn nhẹ xong vô gym ngồi ngâm nước nóng nói chuyện. Cái bữa ăn tối hôm qua mắc quá, khi chia tiền trả tôi biết đứa nào cũng hít hà.
Và tôi lo chuẩn bị đi làm. Chắc không vô trễ đến hai tiếng như mình đã nói.
TUYẾT VÂN