Hình bìa ấn bản Thụy Điển: Cô bé và một cây xăng thời thập niên 50‘ của thế kỷ trước.
Agneta Pleijel, sinh tại Stockholm năm 1940, là nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia, người viết film, giáo sư kịch nghệ, nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng của Thụy Điển. Từ 1981, Sinhnăm 1940, là con gái một nhà toán học Thụy Điển nhận học bổng để làm việc Viện Einstein ở Hoa Kỳ, Agheta thời thơ ấu từng sống tại Mỹ. Tác phẩm của bà đã được dịch qua hơn 20 ngôn ngữ khác nhau. Tiểu thuyết mới nhất của bà là “SPADOMEN”, tiếng Thụy Điển có nghĩa là “Bói Toán” hoặc Quẻ Bói, kèm theo tựa nhỏ ngoài bìa: “Hồi Ký Một Thiếu Nữ”. Bản Anh ngữ dịch từ tiếng Thụy Điển bởi Marlaine Delargy, xuất bản tại New York 2017 chọn tựa đề là “A Fortune Foretold” có nghĩa có thể hiểu là “Quẻ Bói Trước Vận Mạng”, hay “Số Phận Đã An Bài”, Từ 1987, Bà là Chủ Tịch Văn Bút Thụy Điển, và đã sát cánh với Thomas V. Vegesack, Chủ tịch PEN-Writers in Prison Committee, tận lực vận động bảo vệ các nhà văn Việt Nam bị cộng sản cầm tù. Tác phẩm của bà đã luôn được dịch ra hơn 20 thứ tiếng. Bản Việt ngữ sau đây do Sớm Mai Lê dịch từ nguyên tác Thụy Điển, từ sách do tác giả trao tặng.
Và hình thiến nữ cho bìa ấn bản Anh ngữ.
Thư từ của họ hàng và bạn bè. Tôi đã đọc chúng từ những năm 90 sau khi ba tôi qua đời, và đã sắp xếp tất cả khá thứ tự. Những mảnhđời, mà lời giải đáp của chúng là cái chết, đã không hề gây rắc rối. Thế nhưng chúng vẫn rên rĩ, càm ràm, những kẻ đã không còn đó nữa.
Không phải vì những lời than vãn trong các lá thư, nhưng vì những cuộc sống dù đã đi qua mà dường như chúng vẫn chưa kết thúc. Chúng đã từng một lần ép sát vào nhau, như những cành cây cao cọ xát vào chính những chồi non của chúng tại căn nhà ở vùng quần đảo cũ kỹ này.
Tôi lắng nghe trong lúc tôi kéo khăn tắm từ dây phơi mỗi sáng. Nghe thật ảo não. Chán ngán. Hôm nay là 10 tháng 8, và ba tôi nếu còn sống thì hôm nay là sinh nhật 100 tuổi của ông. Tôi đang ngồi trong căn phòng cũ kỹ thời con gái của cô Ricki của tôi, một căn phòng rất nhỏ, nhìn xuống con dốc ra biển. Cây cối đã cao ngút trời từ khi tôi còn bé. Dưới cảng mọc lên một cây thông méo mó.
Đó là một cái cây già cỗi nhưng vẫn vươn một cành xuống mặt nước. Một chú bé đã có thể nằm trên đó để đọc sách, như trong những chuyện cổ tích bí hiểm của Anh .
Êm đềm. Không cả một cánh buồm trên mặt nước.
Tôi đã ao ước được biết điều gì đã xẩy ra, và theo thứ tự nào . Từ ký ức. Tất cả những câu hỏi không có câu trả lời. Chúng tôi là ai? Tình yêu là gì? Nó phải còn sót lại chút gì nếu nó đã có lần hiện hữu chứ?
Nếu không, tất cả chỉ là một sự chết chóc và nhàm chán.
Ký ức luôn là sự dối trá. Tôi bơi trong dòng nước ấm của tháng 8. Cô gái mà đã một lần là tôi, cô bé, đứng ở một khoảng cách xa, như trong một ống nhòm để ngược. Những người khác cũng vậy. Trong một khoảng cách thật xa. Như những tấm hình cứng ngắc. Tôi còn nhớ một tấm hình của Ricki vào tuổi 16. Một thân thể nhỏ bé, gầy guộc.
Cô mặc áo bơi ngồi trên cái ghế trong vườn với khăn tắm choàng trên tóc. Cô nhìn ra biển và cây thông đang trong lúc đầy sinh lực. Cô nhìn như đang suy nghĩ về một điều gì đó. Cô có vẻ như vậy trong rất nhiều hình.
Tôi vẫn chưa ra đời trong số lớn của những tấm hình đó. Nhưng năm 20 tuổi tôi đến thăm Ricki trong nhà thương Sưders, mà từ trạm xe buýt nhìn tới tôi cứ tưởng là một tòa lâu đài. Đó là lần cuối cùng tôi gặp cô. Trước khi đến thăm tôi ngủ lại căn chung cư tại Drottninghusgränd của cô.
Đó là một buổi tối mùa hè nóng và ngột ngạt. Tôi nhớ tôi đã phải mở cửa sổ và kéo hết màn.
Tôi đã phủ phục trước tủ sách.
Bergson. Freud. Nietzsche. Schopenhauer. Spinoza. Sách của Ricki. Không ai trong gia đình đọc loại sách đó. Tôi đã dọn giường tôi sẽ ngủ, cái giường nhỏ của cậu con trai gầy guộc của Ricki. Những cuốn sách Kalle Anka (vịt Donald) nằm gọn gàng trong ngăn tủ bên cạnh. Tôi đã không thể ngủ được. Tôi đã cố gắng thủ dâm, tôi nhớ vậy.
Năng động. Ngăn nắp. Tôi đã không phải là trinh nữ, nhưng tôi đã có bao giờ, có được cảm giác như sự mô tả trong Chuông gọi hồn ai của Ernest Hemingway? Trong đó cả thế giới run rẩy.
Có hai thái độ mạnh mẽ và ngược lại với nhau. Đầu hàng và phòng thủ. Phóng túng và tự chủ. Những điều đó gây ra cảm giác không chịu được và tôi đã đầu hàng. Thật ra điều làm tôi chống lại thủ dâm chính là sự cô độc. Nó luôn nhắc nhở người ta nhớ đến điều đó. Sự tồn tại là những mảnh rời rạc ghép lại với nhau.
Tôi vào phòng tắm uống nước.
Tôi không nhận ra khuôn mặt trong gương. Không chắc là tôi thích cô ta. Tôi đã không nghĩ vậy. Tôi không hiểu gì cả, không một chút. Tôi chỉ muốn có 3 điều. Được tự do, viết lách và được khoái lạc. Sau đó, có thể rất lâu sau đó, có một đứa con.
Điều cuối cùng nằm trong một tương lai quá xa xăm đến nỗi nó trở thành hão huyền. Tôi đã lo lắng trước việc vào bịnh viện. Cố gắng nhớ đến Ricki mà lại xuất hiện chính tôi. Hay đúng hơn, cô bé.
. . .
Cô Ricki của tôi là một kiến trúc sư. Cô ta làm việc cho HSB (công ty tiết kiệm cho khách thuê nhà và hội xây dựng ) khá lâu . Ký ức đầu tiên của tôi về cô khi nào nhỉ? Đó là thời chiến tranh và người cô trẻ đến thăm chúng tôi tại Lund. Tôi nhớ cô nói giọng Stockholm.
“Con ngợ (ngựa) chại theo cỏ xenh (một cách phát âm của người miền nam)”
Cô đã phải lập đi lập lại, và lần nào cũng thật buồn cười. Một trong những lá thư - sẽ được kể lại sau – ghi lại là ba tôi đã cởi bỏ nhẫn cưới năm 1948 và sau đó chỉ là sự cố gắng chịu đựng trong hôn nhân của mình. Có thật vậy không?
Chúng tôi từ Mỹ về vào cuối thu. Chúng tôi đã ăn giáng sinh với ông bà nội. Căn hộ, một chung cư dành cho các giáo sư, trên bàn ăn có một cái chuông bạc để gọi người hầu (cô ta đã không còn nữa, nhưng cái chuông thì vẫn nằm đó).
Một cuộc đối thoại căng thẳng. Chả ai thèm để ý đến bọn trẻ.
Quà giáng sinh phát trong căn phòng được gọi là thư viện. Mùi xì gà và mùi xà bông chua chua lan tỏa đầy hành lang dài.Tường đầy sách, bàn ghế da. Tất cả cứ như trong một bức hình đen trắng. Chỉ mỗi Ricki xuất hiện với màu sắc: đó là nhờ món quà tuyệt vời của cô ta.
Một chiếc hộp bóng lưỡng hiện ra dưới lớp giấy gói quà. Một chàng ảo thuật gia trong chiếc áo choàng đen, găng tay và chiếc mũ cao màu đỏ phía trên. Trong cái hộp có những ngăn bí mật: những bình thủy tinh, các que, hình khối, bộ bài, hột xí ngầu và sợi dây , một cái khăn lụa có thể làm mất đi hay làm dài ra được. Cô bé há hốc mồm, gần như nín thở vì sự kỳ diệu tuyệt vời của nó.
Cô đã tập những trò ảo thuật đó trong căn bếp tại Årsta. Trong căn hộ mới cái gì cũng lạ lẫm. Ánh sáng từ bên ngoài vào gắt và tạo hình dốc đứng. Với thời gian cô đã có thể làm dài ra sợi dây trên dây chuyền với các hạt lủng lẳng . Ra lịnh cho hột xí ngầu đổ xuống số 6. Làm xuất hiện một dòng chữ dấu kín trên trang giấy trắng.
Những điều đó cho cô cảm giác sửng sốt và khoan khoái trong lòng. Chúng đã cho quyền lực.
Và Ricki, người nghĩ ra món quà cho cô bé biết được điều thay đổi bí mật đã gây ra bởi một sức mạnh huyền bí.
. . .
Những ngôi nhà cao mới xây cất. Ông bà ngoại đã may mắn kiếm được nhà cho họ trong lúc họ đang còn ở Mỹ, nếu không họ đã không có chỗ nào đề ở khi họ về đến nơi. Từ ban công lầu 7 nhìn xuống là một tảng đá và một cây thông đang đông đá. Vùng ngoại ô này vẫn còn là một khu đang xây dựng, nhà cách nhau cả một khoảng xa vắng ngắt. Cô bé lên 8.
Khom người trên ghế sô pha trong bếp, cô bé tập say sưa cách làm cho những dòng chữ bí mật hiện ra. Bà mẹ muốn được yên thân để đánh đàn. Cô được lệnh dẫn bầy em xuống nhà bằng thang máy. Nó đi chậm làm sao.
Bên ngoài - cô bé, Ninne và Ia – bị bao vây bởi những khuôn mặt thù hằn. Những đôi mắt lạnh lẽo nhìn trừng trừng. Chẳng ai nói gì. Một cậu bé trắng tóc vàng đi chung quanh họ rồi phá tan sự im lặng. Tụi nó hôi mùi nước đái mèo . Mây đứa nhỏ cười phá lên rồi giải tán. Trong phút chốc tất cả như bị nuốt chửng đi mất. Chỗ chơi trống rỗng. Ánh sáng như được sàng lọc và những xác nhà tăm tối. Chúng nó không chơi đu lâu. Những gì vừa xẩy ra đã làm chúng mất hứng thú.
Hơn cả thế: sự sợ hãi. Cô và Ninne, lúc đó được 6 tuổi, đã bắt đầu vào trường ở Årsta. Chúng phải đi khá xa. Chúng luôn đi sát bên nhau. Sau lưng chúng là những tiếng cười khúc khích của mấy cậu trai nhỏ, hay những câu nhạo báng. Chúng nó mặc đồ không đúng: áo choàng và khăn của mỹ.
Tuyết rơi. Lúc nào tuyết cũng rơi, rơi xéo và gió.
Sân xi măng của trường đầy những đứa trẻ không quen biết. Tại sao cô bé không giữ im lặng về nước Mỹ ? Có vẻ như khoe khoang khi nói mình đã ở đó. Cũng như cái cặp bằng nhựa đỏ của cô, thật phách lối. Rồi ngôn ngữ nữa, cô nói giọng skånsk ( giọng miền nam thụy điển ) pha giọng mỹ. Cô đã năn nỉ mẹ mua một cái nón len angora. Đa số các cô bé bấy giờ đều có nó. Đó là một loại nón len đan bằng sợi len có lông bọc ngoài hai phần kim loại che quanh tai. Màu xanh hay hồng là hai màu đang được ưa chuộng.
Mẹ cô đã không chịu hiểu.
Cô được một cái mũ be re, cũng như Ninne. Một loại mũ lố bịch mà mẹ cô lỡ ưa thích. Gustav Vasa, lũ học trò trong sân trường thường chọc ghẹo, với cái mũ của ông trên bao bánh mì cứng( Gustav Vasa là một vị vua trị vì từ năm 1523 đến 1560, trong các gói bánh mì cứng Wasa thời đó thường có hình ông ). Cô bé đã có thể làm bất cứ điều gì để trốn học, nhưng cô bị bắt buộc phải đến trường. Thế là nhà ảo thuật đã là vị cứu tinh của cô, cho cô một chiếc phi thuyền riêng, đem cô từ cửa sổ nhà bếp và đặt cô lên ghế nhà trường.
Cũng thế chàng lôi cô về nhà. Nhờ vậy mà cô không cần phải nói chuyện với ai. Nhưng đường bay từ nhà đến trường thì thật đau khổ. Cô đã bay ngang qua núi đồi, sông ngòi bằng những cú quẹo gắt trên những rừng rậm và sông nước. Cô kiêu căng chăng ? Không. Cô đã bị buộc chặt trong nỗi sợ hãi.
Đó là mùa xuân của lớp 3 trong trường và lần thứ 4 cô đối diện với một đám đông học trò mới. Cô đã biết từ lâu thế nào là đứng như trần truồng trước những đôi mắt xa lạ đầy thù nghịch. Mãi cho đến bây giờ những đứa trẻ ở Årsta vẫn là điều kinh hoàng nhất.
Cô luôn luôn một mình trong sân trường. Cô nắm chặt tay trong túi. Cô rất sợ hãi. Ký ức đó vẫn rất mãnh liệt.
Stockholm mùa hè 2016: Gia đình Nhã Ca-Trần Dạ từ đón khách quí. Nhà văn Agneta Pleijelø và ông chồng, tác giả nổi tiếng Maciej Zaremba. Sớm Mai Lê và Trần Dạ Từ nhận sách mới từ túi quà do tác giả trao tặng.
Vào mùa xuân đó cô lên 9 và Ricki, người cho cô hộp ảo thuật đã đến Årsta trông bọn trẻ vào một buổi tối. Tối đó cô ta mặc một bộ đồ ngủ bằng lụa trắng. Lụa! Bọn trẻ được sờ vào lụa; mềm mại như những cái vuốt ve. Cô ta thơm mùi nước hoa hay xà bông mắc tiền. Không môi son hay sơn móng tay.
Khuôn mặt cô hơi cứng, gần như giống đàn ông. Cô nói năng chậm rãi, từ tốn và bằng giọng mũi. Không bao giờ có những câu không suy nghĩ, trêu chọc, vô nghĩa. Những người lớn khác ầm ĩ lên bởi những điều không ra gì, nhưng cô thì không.
Chung quanh Ricki toát ra một vẻ bình an.
Cô đem theo bản vẽ kiến trúc của chỗ làm và khi mấy đứa nhỏ đã vào phòng ngủ, cô trải nó ra trên bàn bếp. Những căn nhà cho những người tí tẹo. Cô đã vẽ tất cả cái này ư ? Ricki chỉnh lại cô : cô chỉ vẽ toa lét. Một chút thất vọng – toa lét – nhưng cô trang trí nội thất cho những bức vẽ trong trí tưởng tượng và cho phòng riêng của cô.
Ricki cho là mình không thể ngủ ngay lập tức. Mình có thể đọc sách bao lâu mình muốn. Đó là điều cô sẽ làm và cô cầm theo cuốn sách đến nằm trên đi văng của mẹ trong phòng khách . Im lặng. Không một tiếng động từ phòng khách. Sau một lát cô bé nhận ra cô của cô đã tắt đèn và thế là cô cũng tắt đèn trên sô pha trong bếp, giường của cô.
Sáng hôm sau cô bé thấy Ricki ânơi bàn ăn trong bộ đồ ngủ bằng lụa. Vẽ toa lét sớm thế này thì hơi chán thật.
Cô có bạn trai chưa Ricki ?
Người cô uống cà phê và lật trang báo Dagens Nyheter. Cô ta lắc đầu mà không hề rời mắt khỏi tờ báo. Thế là cô bé mắc cở vì câu hỏi của mình. Từ cô bé, một đứa nhỏ 9 tuổi thiếu tự tin! Đứa nhỏ không có cả một người bạn, lúc nào cũng một mình trong sân trường. Kerstin ở lầu một trong cùng căn nhà học cùng lớp với cô.
Cô bé không quen cô ta. Tanja ở lầu năm học cùng lớp với Ninne và ba mẹ cô bé đó là người nước ngoài. Ba Tanja cấm họ ăn thịt nguội và bà mẹ không được hút thuốc. Trước khi ông ta về nhà, bà đứng nơi cửa sổ và dùng khăn bếp lùa khói thuốc ra. Nếu ba Tanja biết được, ông sẽ đánh bà bằng một sợi dây da mà ông thường dùng để buộc mấy dao cạo râu.
Thỉnh thoảng ông cũng đánh Tanja. Đó là mẹ Tanja kể cho mẹ nghe dưới phòng giặc chung. Cô bé không quen họ. Cô không quen ai cả. Cô tiếp tục hỏi Ricki những điều không quan hệ đến cô.
Phải có một anh nào để ý đến cô chứ ?
Ricki lấy nửa muỗng đường vào ly cà phê. Không hơn nửa muỗng. Cô ta luôn cẩn thận trong việc ăn uống. Không được nhiều đường và ít muối ( nghe nói đã giữ nước và làm nở tế bào khiến người ta bị mập, cô ta đã nói vậy tối hôm trước).
Không, Ricki trả lời và tiếng giấy báo sột soạt.
Cô ta đã có thể la và bắt cô bé im mồm, nhưng Ricki không làm vậy. Cô đã cư xử với cô bé như người ngang hàng, điều đã làm cho cô bé vô cùng biết ơn, một cảm giác cô không tìm được lời để diễn tả. Nhưng thay vì im mồm đi thì cô bé lại càng cà chớn hơn. Cô tuôn ra những lời như cô hy vọng là Ricki sẽ sắp tìm được một anh bạn trai. Cô ta không thể chờ đợi lâu hơn được nữa. Cô đã 30 rồi và như vậy là già rồi đấy; bộ cô không muốn có con à ?
Ricki nhìn qua cô bé trong im lặng. Còn cô bé thì kết thúc sự đả kích của mình bằng vẻ trách móc và thất vọng.
Ricki, con thật hết hy vọng về cô !
Người cô vói tay qua bàn cắt mấy lát bánh mì. Cô đưa tay vặn cái nắp hộp mứt cứng ngắt mà đã không ai mở nổi. Cô xử dụng sợi dây trên raketost ( một loại phô mai mềm nằm trong một ống giấy, phô mai được đẩy ra khỏi ống và cắt lát mỏng bằng một sợi dây được treo bên cạnh) một cách tài tình, khiến những lát phô mai cắt ra rất mỏng và đều đặn. Cô ta đi tắm, thay đồ và bước ra khỏi phòng tắm với bộ đồ lụa ngủ gấp trên tay.
Sau đó cô bé đã mắc cở. Cô cho rằng cô đã làm tổn thương Ricki. Cô đã lên mặt và gây thương tổn , chỉ để cảm thấy mình có giá trị hơn lên.
Cô đã xấu hổtrong nhiều năm. Con bé 9 tuổi. Thiếu tự tin mà to mồm. Tôi biết được vì sao cô ta hay bị chọc ở trường Årsta. Chẳng phải vì cô kênh kiệu, mà vì cô đã luôn cố gắng để diễn vai người lớn.
Chuyện Ricki đã đi cùng cô bạn Lisa đến gặp bà thầy bói – họ đã cố gắng thay đổi cuộc đời họ - tôi đã không biết. Nhưng như bản năng của những đứa trẻ, sự xấu hổ tràn vào bất cứ nơi nào nó tìm được chỗ ẩn náu.
Ricki và cô bạn Lisa được mời đến ăn tối tại Årsta. Chồng của Lisa, người tự xưng là người phát minh, cũng được mời. Sau bữa ăn trong bếp, người lớn và trẻ con cùng chơi trò chiếc tàu được tải (một trò chơi tới từ thời mà mọi vận chuyển hang hóa đều bằng tàu thủy, người chơi ngồi thành vòng tròn, người bắt đầu lăn trái banh đến một người chơi khác và nói tàu được chất bằng một chữ, người kế tiếp sẽ bắt đầu một hang khác với cùng một chữ cái đầu tiên, và cứ thế cho đến lúc không tìm ra được chữ nữa hoặc người chơi mệt)
Chiếc tàu tải cam từ Phi châu.
Với bánh mì từ Borås, chanh từ Cyprus. Ông phát mình, mặt đỏ gay, ngồi đong đưa trên ghế và say đến nỗi ông không bắt được trái banh được xếp bằng khan tay.
Khi mà mọi người đã bỏ để qua một chữ cái khác từ lâu rồi, mà ông phát minh vẫn bướng bỉnh tiếp tục với chữ B. Bé gái, đưa bé gái lại đây. Chèo lại đây với các bé gái.
Ông ta không bỏ được chữ bé gái cho đến lúc Ricki và Lisa dỗ được ông ta ra khỏi nhà và vào được thang máy. Cô bé muốn biết ông ta ra sao sau đó. Nhưng chẳng ai muốn trả lời và mãi tới lúc đó cô mới biết rằng chuyện thật khá xấu hổ.
Sau đó thì ba cô nói ông ta chắc đã uống quá nhiều rượu.
Mẹ thì thẳng thắn hơn và gọi nhà phát minh đó là bợm nhậu. Bà đã phải tự tìm hiểu xem ông ta muốn gì. Khi biết được bà đã thấy thật tội cho Lisa, vì người bạn trai của mình là kẻ chỉ chạy theo phụ nữ.
Lisa là nha sĩ, phòng mạch của cô ta nằm ở Kornhamnstorg. Không lâu sau hôm đó cô bé bị đau răng, ba cô đã gọi cho Lisa, và cô ta thật dễ thương vì đã nhận cô bé dù hôm đó là chủ nhật. Trong lúc Lisa đang khoan vào răng, thì ông phát minh xuất hiện ở phòng mạch. Cô bé chỉ nhận ra điều đó khi Lisa đưa cái khoan ra khỏi miệng cô. Ông ấy đòi tiền và không chịu đi trước khi được.
Thế là có một màn cãi nhau. Qua khóe mắt cô bé đã thấy Lisa lấy giỏ và mở ra. Và từ giờ anh đừng bao giờ xuất hiện ở đây nữa.
Khi ông phát minh đã đi khỏi, Lisa im thin thít.
Điều đó đã khiến ngay cả cô cũng không thể làm như là ông ta đã đến đấy. Đó là lần đầu tiên cô bé nhận ra rằng người lớn đã giữ im lặng về những điều khó chịu. Qua cách đó họ cũng đã bắt con nít nói dối và làm bộ. Điều được giữ kín nhất là những gì thuộc về giới tính và tình dục. Miệng và bộ phận sinh dục có dính líu đến nhau. Chúng là những cái lỗ trống có thể đi thẳng vào thân thể.
Khi cô bé ở nhà một mình cô nghiên cứu bộ phận sinh dục trong cuốn sách y tế cùa gia đình, nằm trong ngăn dưới cùng trên kệ sách trong phòng ngủ của ba cô.
Đàn bà có một cái lỗ hổng. Cô bé cũng có. Theo như trong sách thì bộ phận sinh dục của người đàn ông được đưa vào đó. Vậy thì ba cô cũng đã đưa vào mẹ vậy à ? Không đời nào. Không thể nghĩ ra. Những nghi vấn bắt đầu mọc ra.
Cô bé luôn đặt vội vã cuốn sách vào kệ khi cô nghe tiếng chìa khóa vặn vào cửa ngoài. Sao cô lại biết được đọc những điều như vậy thật xấu hổ ? Cô biết rất rõ. Nó thuộc về cái khoảng không được nói lên đó.
-Ông ta viết hay, Vilhelm Moberg, mẹ cô đã nói với ba về cuốn sách cả hai đã đọc. Báo chí nói nhiều về cuốn đó. Nó được coi là không đàng hoàng. Câu chuyện đã được bàn cãi trên quốc hội, ba tôi nói. Khi họ đã đọc xong cuốn sách, cô bé cũng đọc, với đèn pin dưới mền.
Những người di dân (Utvandrarna) của Vilhelm Moberg là cuốn sách hay nhất cô từng đọc. Nhân vật được tả hay đến nỗi không thể quên: Kristina, Karl Oskar, Ulrika ở Västergưhl bị gọi là điếm, và anh chàng không đàng hoàng mà dương vật chĩa thẳng lên khi anh ta đã chết. Thật là tuyệt vời.
Trong đó cũng nói đến tinh trùng và trứng. Không một chữ về phần còn lại. Không chút gì về chuyện dương vật được nhét vào lỗ hổng.
Ba cô phát hiện ra được chuyện cô đã đọc cuốn sách. Cô ngồi vẽ trên bàn bếp. Ba cô đứng dựa lưng vào tủ lạnh. Ông đưa tay vuốt vuốt mái tóc, như ông vẫn thường làm mỗi khi ông không biết sẽ phải nói gì.
À há, vậy là con đã đọc . Con thấy sao?
Hay ( giọng tôi bình thản)
Không có chỗ nào con thấy khó chịu hay không hiểu sao?
Không ( nhún vai), chẳng hạn cái gì chứ?
Một câu trả lời ranh mãnh. Ba tôi bỏ cuộc. Nhưng trên khuôn mặt ông cô hiểu được cái cảm giác khó chịu khi thấy con mình cho rằng ông đã làm những điều gớm ghiếc ấy với mẹ. Cô đã không muốn làm cho ba cô bối rối. Nhờ cuốn sách Những người di dân cô đã phải chấp nhận rằng sự thể là như vậy.
Tất cả đều chứng tỏ điều đó.
Trước khi đọc cô chẳng hiểu làm sao để sinh con , chúng ra từ lỗ rún hay mông. Bây giờ cô đã biết những đứa bé ra từ đằng trước, từ cái lỗ không có cả tên gọi của người đàn bà. Cái mông trước, mẹ cô nói thế. Và dù cho không thể tin tưởng nổi – làm thế nào đứa nhỏ có thể chui ra từ cái lỗ bé tí ti ấy – đó vẫn là những kiến thức vô giá trị.
Với thời gian cô sẽ dùng những hiểu biết đó để làm le với các bạn mình. Nhưng hiện tại thì tiếc rằng cô vẫn chưa có gì cả.
Cô đã đọc không ngừng nghỉ. Tất cả những gì cô tìm được và cô đã bắt đầu khá sớm. Trong năm học đầu tiên, lúc đó ở Lund – cô đã vô trường sớm 1 năm vì cô đã tự học đọc – cô bị bịnh.
Bịnh ban đỏ cộng với biến chứng tuyến hạch. Cô phải nằm trong phòng cách ly tại bịnh viện. Không ai được vào gặp cô, ngoài những người làm việc trong đó, họ vào để chích vào mông cô những cây kim nhọn.
Penicillin đúng là thần dược, cứ 3 tiếng cô được chích một mũi và chắc nhờ vậy mà cô sống sót. Nhưng mông cô thì đầy dấu của những mũi chích. Cô cứ rờ vào chúng không ngừng và khóc.
Như một cái rây. Như một miếng xốp để tắm đã được vắt khô.
Cô thường được vẫy tay cho ba mẹ cô qua khung cửa kính. Cả hai đều mặc quần và áo lạnh dày, trời bên ngoài đổ tuyết. Có một lần ba cô dán một miếng giấy lên mặt kính. Cô đọc. Có một cậu bé cũng nằm phòng cách ly cô có thể gặp. Thật là dễ sợ ! Một cậu bé lạ !
Không, không ! Cô lắc đầu quầy quậy để họ không tiến hành cuộc gặp gỡ đó. Cô rất nhút nhát. Những đứa con nít lạ đáng sợ hơn bất cứ thứ gì. Cô đã khóc nức nở không ngừng trên giường bịnh. Cho đến khi có một cô y tá nghiêm khắc trong cái áo đen và mũ trắng – cô ta tên là Ingrid- hiện ra trên đầu giường cô.
Con có muốn lành không ? Nếu muốn thì con phải ngừng khóc.
Bởi vì cô là một đứa bé vâng lời nên cô nín ngay lập tức. Đêm thật là kinh dị. Cô sợ bóng tối và khóc lóc trở thành bạn đồng hành. Điều duy nhất ba mẹ cô có thể làm là gửi sách vào cho cô. Một cuốn một ngày, và còn sách thì cô đỡ nhớ họ. Cô ở phòng cách ly nhiều tuần. Có thể nhiều tháng. Cô lên 7 tuổi trong đó. Đọc đã trở thành một phần của cô.
Khi cô được về nhà, chân cô yếu đến nỗi chúng không đỡ được cô. Thật khó để cô hiểu được gia đình cô vẫn ở đó, như thường lệ, mà không hiểu được cô đã phải chịu đựng kinh hoàng thế nào.
Thời gian trong bịnh viện đã khiến họ sống không cần đến cô. Họ không muốn có cô à? Cái đứa bé không hiểu vì nguyên nhân gì, đã tự đánh giá thấp mình. Như cô. Rồi cô nghe họ sẽ dọn đi.
Ba cô vừa được trợ cấp cho công trình nghiên cứu ở Princeton tại Institute for Advanced Study. Cái tên đó được nói đến suốt, nên cô đã nhớ. Chẳng ai nói chuyện gì khác ngoài America. Chẳng ai buồn hỏi cô thế nào.
Họ vượt Địa Trung Hải bằng tàu Gripsholm. Lớp hai tại một trường Mỹ và những người bạn mới mà cô không biết ngôn ngữ để nói chuyện với họ. Cô đọc. Cô đọc qua truyện Mỹ hồi nào mà cô không để ý đến. The Bobsey Twins, chuyện về một gia đình với nhiều cặp con sinh đôi.
Polyanna, câu chuyện thường làm cho người ta vui.
Và Alice in wonderland, không thể quên được. Giống như qua Looking glass, cũng như Alice và cũng không thể quên được. Chỉ cần bước qua tấm gương và tất cả đều có thể xẩy ra. Cô đọc say sưa đến nỗi cô quên mất cô đang ở đâu. Vào mùa xuân họ lái xe đi từ Princeton đến Los Angeles trên chiếc Nash cũ kỹ, vì ba cô sẽ làm việc tại đó, chuyến đi mất 10 ngày. Cô đọc suốt trong những ngày trên xe.
Trong lúc họ lái xe vào mua Hamburgare và Coca cola.
Trong nhà trọ. Trong trạm xăng. Cô đọc qua các thành phố. Qua những thảo nguyên. Qua con đường 66 rực sáng ánh đèn. Cô đọc qua những ngọn núi. Và khi họ xuyên qua biên giới California. Cô chỉ thả cuốn sách hay những cuốn tạp chí về Roy Rogers, anh hùng giữa những cowboy của cô, khi họ ghé thăm khu bảo tồn của người indian hay dừng lại để chiêm ngưỡng Grand Canyon.
Họ lái xuyên qua sa mạc muối vào ban đêm, cho đỡ nóng. Cô ngồi ở băng sau, Ninne dưới sàn xe giữa băng trước và băng sau và Ia nằm trên đùi mẹ và chân trên lòng ba. Ánh đèn xe dọi vào những xương thú và người. Xe mà chết máy thì họ chết.
Mẹ đã nói thế. Ba quay cửa kính xuống. Ông hút thuốc và nghỉ tay trên thành cửa sổ. Cái không khí nóng bao phủ họ. Đó là một ký ức của sự an toàn. Bầu trời đen ngòm uốn cong quanh họ. Chung quanh xe là những nguy hiểm bất ngờ đang đe dọa. Nhưng cô đang nằm an toàn như trong một trái đậu. Không có gì có thể xẩy ra với cô.
Không thể trong đêm giữa sa mạc này. Không bao giờ. Cô đã muốn thế.
Chỉ có 5 người bọn họ. Không ai khác nữa.
Cô đọc để trốn , để không ai có thể tìm thấy cô. Cô đã cần như vậy tại Årsta. Mẹ cô hay nổi giận; cô phải đi chợ, giặt đồ, xếp vớ, hút bụi và nấu ăn. Việc cuối là việc cô rất ghét nên thường là falukorv ( một loại xúc xích ) hay blodpudding ( gần như huyết nhưng lại là xúc xích huyết ). Cũng chẳng có gì sai nghiêm trọng, ngon mà.
Mẹ cô thì dĩ nhiên là chơi đàn.
Những lúc đó đầu bà thường ngửa ra sau, lưỡi bà nhúc nhích trong gò má, đôi bàn tay to lớn chạy trên những phím đàn và cả căn hộ vang rền. Cô thường khóa tai mình lại. Chỉ bởi vì cô nhận ra được sự bất an và giận dữ của mẹ.
Nhưng thỉnh thoảng mẹ cũng muốn hát cùng với bọn cô. Bà chơi những bài hát trẻ con mà bà đã làm lúc bà còn ở Lund, khi bà là cô giáo dạy đàn tại đó.
Bà để Ia trên đùi mình và chơi bài Gläns ưver sjư och strand.
Con là một nghệ sĩ, bà nói vậy với Ninne.
Ia còn quá nhỏ nên bà không đánh giá được. Nhưng với cô thì bà hay bực tức: kềm cái thanh quản của con lại, đừng buông ra nhiều như vậy.
Làm sao để kềm thanh quản lại ?
Nó nằm ở đâu ?
Cô mất hứng ca hát. Không cô đã không muốn. Cô giận. Vậy là mẹ nói cô cố chấp. Cô tra chữ đó : bướng bỉnh, ngoan cố, kiêu ngạo. Tất cả là cô à ? Cô hiểu là mẹ nghĩ cô không phải nghệ sĩ, bà phải là người hiểu điều đó. Cô không chịu được mẹ chỉ trích cô.
Những lần như vậy cô cảm thấy bị bỏ rơi, không được thương yêu. Da cô như đang bị xé nát. Cô yêu mẹ. Cô yêu mẹ rất nhiều nhưng lại sợ bà. Mẹ dễ bị nổi cộc. Những lúc đó Ia trốn dưới cây đàn và Ninne toát mồ hôi trong phòng. Cô thì cố gắng cãi lại.
Mẹ không công bằng, mẹ không tốt.
Nhưng khi mẹ ở trong trạng thái giận dữ thì bạn nên coi chừng. Bà bực tức, và bà biến thành con thỏ đang cố vùng vẫy để thoát thân trong cơn sợ hãi. Tim bà đập mạnh và bà không thở được.
Và trong một thoáng sau đó khi mẹ thở dài và nói rằng đời sống của bà trôi qua một cách vô nghĩa, thì bà như đang bị kẹp chặt trong cảm giác tội lõi. Đó là điều tệ hại nhất, khi bà mẹ không bằng long với chính mình. Bà như bị treo bởi cái kẹp tội lỗi trên dây phơi quần áo. Tội lỗi, đó là sự cắn rứt lương tâm.
Bà cũng chẳng biết lương tâm nằm ở chỗ nào.
Nhưng nó xám xịt, vấy bẩn và khiến bạn nhức nhối.
. . .
Người ta không thể đứng từ bên ngoài để nhìn thấy mình. Cô bé đứng trên cửa sổ lầu 7 và nhìn thấy mẹ mình đi ra từ tiệm tạp hóa Snabbkưp , dòng chữ chạy trên bảng đèn điện đỏ.
Bà mẹ xách những túi xách nặng. Bà đi cà nhắc bởi chứng tê liệt bà mắc phải thời thơ ấu. Lúc đó mẹ 17 tuổi, và bà đã cầu xin thượng đế giữ gìn đôi tay bà, và lời cầu xin đã được nghe thấy.Đôi tay bà vẫn được dung để đánh đàn dương cầm, nhưng một chân bị teo lại như que củi, và đã khiến bà đi cà nhắc.
Tội nghiệp mẹ! Đang lê bước qua công viên với những túi xách nặng trĩu, trong lúc Ia đang lầm lũi trước bà trong tuyết. Cô bé nên chạy xuống để giúp bà bưng xách. Nhưng có cục đá trên ngực đang ngăn cô lại. Một cục đá nặng.
Đá hoa cương nhưng có một những khe bằng thạch anh sang chói. Phần thạch anh là phần muốn giúp mẹ. Phần đá hoa cương nặng hơn.Mẹ và Ia qua khỏi công viên và đèn đường đã sang. Họ sẽ phải băng qua đường, và bà mẹ không thể vừa giữ tay Ia vừa xách giỏ. Cô bé nên xuống thang máy.
Cô đã không làm. Cô chỉ nghĩ đến bản thân mình.
Mẹ nói đúng. Cô không nhúc nhích. Mãi đến khi nghe tiếng thang máy đóng cô mới lê bước ra hành lang và mở cửa cho họ.
Agneta Pleijel
(Trích Số Phận. Hồi Ký Một Thiếu Nữ)