Xe cạn xăng. Tôi chạy tới trạm xăng quen thuộc. Vừa vui vì chỗ tôi thường đậu mọi khi, hôm nay trống cho tôi vào, vừa nhác thấy trong tầm mắt khuôn mặt thân thiện của một phụ nữ đồng hương không quen biết. Chị tiến gần đến xe của tôi, không chỉ gật đầu cười chào mà chừng như có điều gì cần nói.
Theo thói quen, tôi cười chào đáp lại, nghĩ rằng cử chỉ hòa nhã giữa người Việt với nhau biểu lộ qua ánh mắt và nét cười như thế là đủ nhưng không phải, chị ý tứ đứng xa đủ để tôi mở cửa xe, chờ cho tôi bỏ một chân xuống đất xong chị mới nhỏ nhẹ lên tiếng: “Cô có điện thoại, làm ơn bấm số này giùm em để người nhà ra đây đón em.” Cô chìa vào mắt tôi một cái điện thoại nhỏ, kiểu cũ, không có nhiều chức năng và phân bua: “Em vừa tuột tay làm rơi, nó bị vỡ, không gọi được nữa.”
Phản xạ tự nhiên của tôi là toan lấy điện thoại từ trong ví ra và giúp cô nhưng một ý nghĩ khác bất chợt thoáng qua đầu, có lẽ do quang cảnh trạm xăng lúc đó vắng teo, không có ai khác ngoài cô với tôi khiến tôi chột dạ, vội đổi hướng mà nhẹ nhàng hỏi lại cô: “Sao em không vào bên trong kia, nhờ thư ký làm giùm em cuộc gọi?” Cô nhanh nhẩu trả lời: “Em vào rồi nhưng chỉ có th… Mỹ đen, nó không hiểu em muốn gì.”
Và cô hỏi tiếp tôi: “Cô có đi về phía đường Harbor, gần nhà băng Wells Fargo không?” Đã có sẵn hướng giải quyết cho tình thế có vẻ khúc mắc này, tôi ôn tồn trả lời: “Không em ạ! Tôi đang đi về thành phố Anaheim. Em cứ theo tôi vào tiệm, tôi thông dịch giùm.”
Cô đứng phía sau tôi, chờ tôi can thiệp để cô được giúp đỡ nhưng khi tôi quay lại thì cô không còn ở đấy nữa. Tôi đang ngơ ngác, tiếng người thư ký da màu với bộ râu quai nón cắt tỉa tươm tất, đối diện tôi, bình thản cất lên: “She’s gone!” Quả nhiên cô biến mất, nhanh như một tia chớp trên khoảng sân trống trải của trạm xăng, không kịp cả một tiếng chào. Tôi hỏi người bán xăng: “Anh có thấy ai đến đón cô ấy không?” Anh ta lắc đầu thay cho câu trả lời.
Câu chuyện không có gì nhưng để lại trong tôi cảm giác băn khoăn, như thể tôi vừa trượt một bài thi trắc nghiệm.
Thông thường, con người ứng xử dựa trên kinh nghiệm cá nhân hay học tử người khác. Kinh nghiệm dù sống qua, phần nhiều đúng nhưng cũng có khi không đúng. Trái lại, hành động theo phản xạ, hồn nhiên, dẫu có thế nào, còn chút an ủi gỡ lại nhân danh tình người. Biết vậy nhưng sợ hãi lại là một phản xạ khác, có tính cách áp đảo nên tôi đề phòng.
Suốt buổi chiều còn lại hôm đó, tôi loanh quanh nghĩ về người đàn bà lạ mặt, cảm thấy áy náy trong lòng. Tôi hình dung lại chị, vẻ tươi tắn để làm quen, sự hoạt bát không một tí ngại ngùng khi nhờ vả, cái áo jacket thời trang cũ kỹ, cuối cùng chị bỏ đi như một làn gió, cố đoán xem chị thực sự là ai?
Chị không có gì đáng để tôi ngờ vực nhưng cũng không có gì ở chị bảo đảm là tôi an toàn trong câu chuyện dằng dai với chị. Có thể nào tôi đã phạm lỗi lầm quá đa nghi với chị bằng kinh nghiệm nghe được từ những trường hợp khác: người lạ lân la hỏi chuyện, xin quá giang một cuốc xe, nhờ vả một việc gì rồi xuất kỳ bất ý có hành động gây thiệt hại cho nạn nhân, giản dị nhất là khiến nạn nhân bị mê đi và giao hết những thứ mình có trên người cho họ. Bởi vì người Mỹ thường nói “You never know until you do it,” chưa làm thì không thể có kết luận cụ thể.
Vô cớ nghĩ xấu về người khác, mình đã tự tạo nghiệp ác cho mình. Điều gì đã khiến tôi có dự tưởng quanh co, lắt léo từ lời thỉnh cầu của một phụ nữ bị ai đó thất hẹn ở cái trạm xăng vắng vẻ này? Trong một xã hội vàng thau lẫn lộn, thiện ác như ngày và đêm nối theo nhau, tự vệ trở thành bản năng thứ hai trong con người, làm sao phân biệt được để chọn phúc hay họa, tránh được niềm ân hận đã quay lưng lại với đồng loại của mình khi họ cần sự giúp đỡ nhất?
Sáng nay, người cắt cỏ mới đến giúp tôi theo hẹn mỗi Thứ Ba do sự cắt đặt của ông chủ anh. Anh ta còn trẻ, có lẽ ở độ tuổi ngoài ba mươi, vạm vỡ, khỏe mạnh, da rám nắng như phần đông người lao động Mễ. Anh ta không tới một mình mà dẫn theo một bé trai có khuôn mặt khôi ngô, đĩnh ngộ. Bé vác cái chổi cao gấp rưỡi em, tươi cười chào tôi với chút bẽn lẽn.
Tôi hỏi bé: “Con đi theo giúp daddy hả?” và ngừng câu hỏi ở đây tuy tôi còn một câu khác muốn hỏi: “Sao sáng nay con không đi học?” Trừ phi nghe chính bé trả lời (trường hợp này không xảy ra vì tôi biết tế nhị giữ câu hỏi cho riêng mình) tôi sẽ không có cách nào hiểu được nguyên nhân khiến một đứa bé trai chừng lên bảy hay lên tám không tới trường mà theo cha đi cắt cỏ và thổi lá cho khách hàng thuê mướn ông.
Từ thời Tổng Thống Bush, để hoàn thiện nền giáo dục quốc gia trên đà tăng trưởng, Quốc Hội đã cho ban hành đạo luật chủ trương No Child Left Behind, vấn đề trong thực tế là “đứa trẻ nào sẽ không bị bỏ lại phía sau?” cho dù nước Mỹ từ ngày lập quốc, đã tự định hình là một quốc gia hợp chủng và từ thập niên 1960, bức tường kiên cố phân định trắng đen được coi là đã hoàn toàn tan rã. Tất nhiên không phải đứa trẻ nào cũng rời mái trường trung học với mũ áo tân khoa, vòng hoa và dây biểu chương quanh cổ nhưng cơ hội cắp sách tới trường cần phải công bằng và đều khắp. Người lớn có câu: “Một ngày thiếu vắng tiếng cười là một ngày phí uổng,” các em nhỏ cũng nên có một câu tương tự: “Một ngày bỏ qua học vấn là một ngày phí uổng, đáng tiếc cho tương lai.”
Cha mẹ đóng góp phần lớn sức lực vào công cuộc đầu tư giáo dục dài lâu này. Vì sao ông bố trẻ đang phải kiếm ăn lam lũ quanh những khu vườn đầy lá rụng và cỏ dại kia lại không đưa con tới trường mà dẫn con, để con vác chổi theo mình, vui vẻ nhảy chân sáo hôm nay dưới ánh mặt trời nhưng rồi bé sẽ lớn, mùa Đông sẽ tới và cái chổi sẽ trở nên vô cùng cấn cái.
Tôi mong Thứ Ba cách tuần sau không còn thấy em theo cha đến thổi lá và nhổ cỏ vườn nhà tôi nữa. Tôi sẽ hỏi thăm và sẽ rất vui biết em đang ở trường học với bạn bè cùng lứa với em. Biết đâu một ngày nào đó tôi đã về cùng cát bụi nhưng em sẽ có dịp lái xe qua con đường này, nhớ lại người đàn bà Á Đông luống tuổi từng mời em uống nước và khen em là con trai ngoan, từng luôn nhớ hỏi thăm em và thành thật nói với cha em rằng: “Ông cố lên, thằng bé có dáng dấp một thầy thuốc giỏi và có tấm lòng đấy!”
Từ hơn mười năm nay, vợ chồng bạn tôi từ một thành phố mạn Bắc California dọn về Little Saigon sau khi cả hai nghỉ hưu. Anh chị mua một căn mobile home trên đường Bolsa, sửa sang, trang hoàng trong ngoài, trồng hoa ba phía vườn xung quanh nhà. Như chim tìm đàn, người tìm hàng xóm, các chủ nhà bản xứ hoặc dọn đi khu xa hơn hoặc vào nhà dưỡng lão, thay thế dần bằng các ông bà chủ mới người Việt. Và cứ thế, họ quây quần bên nhau, ngày càng đông hơn, cùng nhau sớm chiều chăm chút khu vườn.
Xuân qua, Hè tới, Thu về, Đông trở lại, bốn mùa hoa trái sum suê. Những cây đào nhật tân nở rộ đón Tết, cánh hoa mỏng màu hồng nhạt, đẹp như một mảnh hồn Nhật Bản. Những cây đào Sakura đỏ tía màu xác pháo, nở tung tóe, sặc sỡ, mạnh mẽ trên cành. Những chậu mai chiếu thủy đài các, những chậu thổ lan hoa trĩu nhánh, bụ bẫm, như bà mẹ quê mắn con, đẹp hồn nhiên, mộc mạc. Những bụi hồng thoảng mùi hương ấm. Những khóm bông giấy rực rỡ lối vào. Những cây bưởi sai quả hấp dẫn người qua đường, chỉ chép miệng ngắm cho đã mắt chứ không ai dám chạm tay vào. Những cây quýt chi chít trái, chín rộn ràng trước hiên nhà. Những cây quất, cây cam quả vàng ối lên tận ngọn.
Cái gì cũng nhiều, cũng tươi tốt, cũng đẹp và được săn sóc thật kỹ. Căn bản là mảnh vườn trước sau không quá lớn, chỉ đủ là thú tiêu khiển tao nhã vừa với sức của người cao niên. Các cụ chăm chút, trông nom, cắt xén, tưới tẩm và hưởng thành quả gieo trồng từ hai bàn tay mình. Hoa nở, hoa tàn rồi chồi nụ mới lại cho hoa mới, những chu kỳ sinh diệt ngắn hạn trong thiên nhiên man mác vẻ u buồn nhưng bao dung và hứa hẹn, có lẽ cũng giúp các cụ có cái nhìn êm ả hơn về đời người.
Phải công nhận người Mỹ có cách thu xếp những cảnh đời về chiều at its best. Đây là cách viết (hay nói) chen tiếng Anh, nôm na gọi là ba rọi, thường bị phê phán. Tuy nhiên, nếu tiếng Việt có những từ rất khó dịch trọn nghĩa ra tiếng Anh thì cũng nhiều trường hợp ngược lại. “Cách tốt nhất” trong cảm nhận của tôi, dường như không lột tả được tới mức tột đỉnh của cái “tốt” như mấy chữ “at its best,” từ phát âm đến khía cạnh gợi hình.
Đến một tuổi nào, bỏ ngôi nhà gạch ngói bề thế, hai, ba ga ra, dọn vào ngôi nhà di động làm bằng vật liệu nhẹ, ba bốn bề cửa mở, vào ra dễ dàng, hệt như cái nhà đồ chơi ngày còn bé nhưng lớn rộng hơn, để làm quen với ý niệm sự vững chắc nhất của đời người, chỉ một chớp mắt, hiện nguyên hình là trò chơi trong tay tạo hóa. Cái nhà di động, tuy vậy, vẫn là cái nhà đủ che nắng, che mưa, ấm lạnh hai mùa, muốn đặt ở đâu chỉ cần trả tiền chiếm ngụ miếng đất vừa với nó. Thật cũng là giả và giả cũng là thật, chẳng khác gì một kiếp nhân sinh, nơi trú ngụ nào cũng là ở tạm.
Bao giờ tới thăm bạn, đi trên con đường nhỏ quét dọn sạch sẽ, chạy thước thợ giữa những ngôi nhà di động đẹp mắt, tôi cũng thấy lòng lâng lâng niềm vui, muốn ngỏ lời cám ơn tất cả các gia chủ trong khu nhà di động và sinh động ấy, đã có nỗ lực giữ cho cuộc sống luôn tươi vui, long lanh màu sắc và đáng sống, thơm tho cho đến giọt rượu đời cuối cùng trong chiếc ly cạn.
Chưa về lại được Việt Nam, chúng ta vẫn có góc vườn nhỏ xanh mướt bầu bí, mướp ngọt, mướp đắng, rau lang, rau dền, mồng tơi, húng cây, kinh giới, tía tô, cà chua, mía, sả… là hương vị quê nhà trong những bữa ăn lách cách, lèng xèng tiếng nồi niêu, bát đĩa khua trong căn bếp nhỏ, thỉnh thoảng xen lẫn thanh âm tiếng cười nói của bạn bè, chẳng là niềm an ủi dịu dàng cho “người di tản buồn” ư?
Bùi Bích Hà