logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 11/04/2018 lúc 12:13:04(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
UserPostedImage
Tác giả Hòn Bi và Cơn Lốc, hai tập truyện ấn hành trước 1970, Đinh Phụng Tiến sinh năm 1940, cựu sĩ quan VNCH, cựu tù nhân. Về Đâu là chuyện khi người tù trở về. Hình Tác giả, Saigon 1969.


Thủ tục trình diện công an Phường tạm ổn trong buổi sáng hôm sau. Người đàn ông "chủ nhà" của tôi tên là Mạnh đã dẫn tôi đến đồn công an từ sáng sớm. Từ đây, trách nhiệm của tôi là, sẽ trình diện công an mỗi ngày, liên tục trong tháng đầu để khai lý lịch và báo cáo sinh hoạt hàng ngày. Từ tháng thứ hai, tôi phải chuẩn bị viết nhật ký, kê khai mọi công việc và sinh hoạt mỗi ngày để nộp cho công an vào mỗi đầu tháng. Tôi bị quản chế thêm một năm.

Chúng tôi chuẩn bị đến nhà Thịnh trong buổi chiều hôm đó. Tôi ghé thăm bà chị ở đường Võ Tánh, với ngụ ý tìm kiếm một sự giúp đỡ nào đó không tiện nói ra. Đúng như dự tính, chị tôi đã cho tôi một cái xe đạp cũ để làm chân. Đây là chiếc xe thứ hai, vì gần mười năm trước đó, hôm 30 tháng tư năm 75, tôi đã mượn của chị một chiếc xe đạp nhưng không có dịp trả lại.

Tôi dùng chiếc xe ấy, chở Thịnh về nhà anh ở trên đường Trương Minh Giảng. Thành phố vắng hoe, chợ búa lèo tèo và luộm thuộm. Những căn nhà mặt tiền, những cửa tiệm đều đóng cửa im ỉm. Dọc trên đường đi, tôi thấy đó đây, có thể nơi đầu một con hẻm, có thể tại một góc phố hay dưới một tùm cây có những người đứng hoặc ngồi chồm hổm ở đó. Thường bên cạnh họ là một chiếc bị cói hoặc chiếc túi nylon. Khi chúng tôi đi ngang qua mặt họ, luôn luôn nghe những câu hỏi "có gì bán không ?" Chúng tôi lắc đầu.

Lúc đầu, tôi còn thấy ngạc nhiên về chuyện đó, nhưng không bao lâu sau, tôi hiểu được nguyên nhân của nó là do luật cung cầu mà ra. Kể từ 75, thành phố đã nhanh chóng bị đưa vào một kiểu kinh tế chỉ huy của đảng cộng sản mà người ta đã lấy các đơn vị quận, huyện làm đơn vị căn bản. Từ đó, mỗi nơi đều rập khuôn tự cung tự cấp. Nạn ngăn sông cấm chợ phổ biến. Mang vài ký thịt heo từ nơi này đến nơi khác đủ là một tội nặng. Buôn bán là rất xấu đối với luân lý và luật pháp. Việc buôn bán chỉ dành cho các cơ quan chính quyền, thuộc Bộ Thương Nghiệp. Những cửa hàng buôn bán của nhà nước được lập lên nhưng hàng hóa không có. Người bán hàng là công nhân viên của nhà nước nên tệ nạn cửa quyền, hách dịch phát sinh. Những cửa hàng ấy vắng khách vì nhiều nguyên nhân như không có hàng để bán hoặc nếu có, giá đắt, người bán hàng hách dịch chửi bới khách hàng hoặc hàng chỉ bán cho người có giấy phép và số lượng rất hạn chế... khiến một thị trường buôn bán "chui" xuất hiện.

Tôi đã gặp những khuôn mặt ngơ ngác trên đường phố. Những khuôn mặt đầy những âu lo và sợ hãi. Không ai có thể biết được ngày mai sẽ ra sao. Hầu như gia đình nào cũng có người bị đi tập trung cải tạo. Họ đi cải tạo vì nhiều tội danh khác nhau. Tội phát ngôn bừa bãi. Tội châm biếm chế độ. Tội tàng trữ văn hóa đồi trụy. Tội nghe nhạc vàng. Tội nghe đài địch. Tội làm ăn biếng nhác mang tính chất lãng công. Tội có những hành vi không minh bạch. Tội lang thang. Tội buôn bán...

Thành phố mà tôi ở nhiều năm trong suốt thời trẻ tuổi đã đổi thay. Đường lộ vắng vẻ, người qua lại thưa thớt. Phân nửa dân chúng đã được đẩy đi những vùng kinh tế mới trong kế hoạch dãn dân của chính quyền. Tại những khu kinh tế mới ấy, họ đang làm...nông nghiệp với hai bàn tay không và cái dạ dầy trống rỗng. Những vùng đất cao trên những ngọn đồi đã được khai quang, trồng khoai mì để giải quyết chuyện lương thực. Trên chín mươi phần trăm dân số làm ruộng nhưng vẫn không đủ ăn,vì năng suất rất kém và vì nhà nước đã thu sạch.

Tôi và anh Thịnh đến "ngôi nhà ấy" ở ngay một ngã tư trên đường Trương Minh Giảng đã được đổi tên là Lê Văn Sỹ. Đó là một ngôi nhà mặt tiền khá khang trang, cửa vẫn đóng như những ngôi nhà khác. Chúng tôi đứng ở trước cửa một hồi lâu mà không hiểu vì sao anh Thịnh không gõ cửa. Nhưng sau đó, tôi đã hiểu về sự bối rối của người đàn ông. Tôi mạnh dạn gõ vào cánh cửa sắt của căn nhà ấy. Phải gõ cửa nhiều lần, chúng tôi mới nghe tiếng dép lê từ trong nhà đi ra. Cánh cửa sắt bị đẩy quá đà, mở rộng. Và như một luồng gió hút, Thịnh trờ tới đứng ngay giữa nhà. Tôi nhanh chân bước vào theo. Người đàn bà kéo nhanh cánh cửa khép kín. Trước mặt chúng tôi là một phụ nữ xinh đẹp. Tôi đoán chừng là người vợ mà Thịnh đã nói. Cho đến mãi sau này, tôi vẫn không thể nào quên những cảm xúc đã bộc lộ trên khuôn mặt bầu bĩnh ấy. Cho đến mãi sau này, tôi vẫn không thể nào quên những cảm xúc bộc lộ trên khuôn mặt người đàn ông, chồng chị, anh Thịnh.

Hai người đứng cách nhau khoảng hơn hai thước. Người đàn bà đứng đó, tay chân run rẩy, mắt mở to. Trên khuôn mặt bầu bĩnh đang hiện rõ tất cả những cảm xúc trái nghịch một cách kỳ lạ: Mừng vui, kinh ngạc đến đau đớn và sợ hãi. Đôi môi người đàn bà ấy rung mạnh, miệng hé ngập ngừng như muốn nói to mà không nói được. Một tiếng "anh" vừa vang lên, hút vào không gian, tợ hồ như một hòn đá vừa ném xuống mặt nước hồ yên tĩnh. Âm thanh ngắn gọn ấy chìm khuất đâu đó, nhưng dường như những âm vang vẫn quanh quẩn như những làn sóng trên mặt nước. Thịnh đứng đó bất động.
Khuôn mặt người đàn ông hết sức lạnh băng. Những đường nhăn chợt hằn rõ, như những vết dao khắc trên đá. Thoảng bên tai, tôi nghe có tiếng "em", mà âm thanh bất ngờ rền rĩ tợ hồ như một phím đàn đã vang lên bởi một bàn tay vô tình chạm phải. Tôi hình dung đến một cây đàn dương cầm bỏ quên nhiều ngày trong một lâu đài hoang phế, mà một kẻ lạ vô tình đã để ngón tay mình lên phím đàn ấy. Âm thanh ấy vô tình lôi kéo người nhạc công muốn chơi một tấu khúc dở dang. Bầu không khí yên tĩnh và hoàn toàn yên tĩnh. Những con chim tự phương trời xa xôi đang kéo nhau về. Những vùng mây nhẹ mỏng, những cánh hoa đã héo tàn cùng những lời ái ân đang trôi trên những cánh gió ở một chốn nào. Nhưng bất chợt, cánh cửa sắt mở rộng một lần nữa. Tiếng kim khí cọ sát làm tan hẳn những đám mây và bầy chim vỗ cánh bay xa. Một người đàn ông bước vào với chiếc xe gắn máy cũ. Chúng tôi vội chào nhau. Và bất ngờ, nhanh chóng như một cánh chim đảo lộn trên bầu trời, người đàn bà ấy thay đổi hẳn nét mặt. Một cách hết sức bình tĩnh, chị giới thiệu người đàn ông ấy với chúng tôi: "Nhà tôi mới đi làm về".

Đoạn, chị quay lại để giới thiệu chúng tôi với người đàn ông ấy: "Anh, đây là anh Thịnh, ba của Kim và Hà đấy, cả bạn anh ấy nữa... Các anh ấy đi cải tạo đã được tha về".

Đôi mắt Thịnh chợt trở nên xa vắng, trong khi người đàn ông ấy khựng lại mất ít giây, song anh ta đã nhanh chóng bình tĩnh nói với chúng tôi: "Mời các anh ngồi, chúng ta sẽ nói chuyện nhiều hơn. Nhưng trước hết là mừng các anh được tha về cái đã".

Tôi nói "cám ơn" và kéo Thịnh ngồi xuống bộ ghế gần đó. Thật là khó cho Thịnh vì cho đến giây phút ấy, sự thật mới được phơi bầy. Người đàn ông ấy vào trong nhà nói nhỏ với vợ điều gì đó rồi trở ra với dáng vẻ bình tĩnh và vui vẻ: "Các anh dùng với tôi chai bia nhé. Bia Trúc Bạch đem từ Hà Nội vào ngon đáo để".
UserPostedImage

Chúng tôi từ chối uống bia nhưng nhận lời uống trà Bắc Thái với anh ta. "Vấn đề cụ thể là như thế này..." Anh ta ngừng lại ít giây rồi chậm rãi nói tiếp: "Trước khi chung sống với nhau, tôi biết Lan đã là vợ anh. Bây giờ Lan và tôi đã là vợ chồng. Thời gian mà Lan sống với tôi có lẽ cũng bằng hoặc có khi còn lâu hơn cả thời gian mà Lan đã sống với anh. Khác một điều, Lan đã có với anh hai mặt con, còn chúng tôi thì chỉ có một. Tất cả đều minh bạch, rõ ràng. Chỉ có một điều mà không ai có thể nghĩ tới là anh trở về. Bây giờ anh đã về đây. Được gặp anh cũng là điều hay. Tôi mong được nói chuyện với anh ngay hôm nay. Thôi thì mình cứ nói hết. Việc này đang làm chúng ta khó xử".

Tôi thấy Thịnh ngồi lặng đi một lúc rất lâu. Nét mặt của anh lúc này trở nên bình tĩnh lạ thường. Đó là một khung trời quang đãng sau cơn giông tố. Thịnh nói: "Tôi muốn biết về các con tôi, hai cháu Kim và Hà. Tiếc một nỗi là Lan đã không hề cho tôi biết về việc này. Phải chi tôi biết, thì chắc chắn đã không có ngày hôm nay. Không có ngày hôm nay, chúng ta đã không phải đối diện với những điều khó xử".

"Vâng. Về các cháu Kim và Hà, Lan sẽ nói để anh biết sau. Nhưng lúc này, tôi nghĩ là giữa tôi và anh, chúng ta không nên để có một tí vẩn đục nào giữa hai người đàn ông với nhau. Vì mọi chuyện cũng đã qua rồi. Vả lại, việc này nếu chỉ có một mình tôi thì không thể nào tôi có thể thực hiện được. Không lẽ tôi phải chịu trách nhiệm tất cả hay sao?"

Thịnh nói nhanh: "Không. Không. Tôi không có ý nói như thế. Nhưng chẳng lẽ tôi lại phải chịu trách nhiệm, hoặc là một phần trách nhiệm về một việc mà tôi không gây ra?"

Người đàn ông nói với Thịnh bằng một giọng thấp và dứt khoát: "Dù sao, một trang sách cũng đã lật qua. Chuyện đời là như thế. Chúng ta, ai cũng có trách nhiệm và, cũng có thể chẳng ai có trách nhiệm về những đổi thay ấy."

Thịnh nói: "Tôi bị xúc động về những điều anh nói, nhưng hệ lụy của những đổi thay mà anh vừa nói chắc chắn không nhỏ. Vì nó đã làm cho ít nhất là một gia đình tan nát, ít nhất là..."

"Tôi hiểu điều anh muốn nói, người đàn ông nhấn mạnh, thế nhưng làm sao mình có thể trở lại từ đầu? Tôi đâu phải là người phải chịu trách nhiệm về việc này."

Tôi buột miệng nói: "Xin lỗi, đây chẳng phải là chuyện của tôi nhưng tôi cứ nghĩ rằng, ví thử một ngày kia anh ra chợ Trương Minh Giảng, bị một kẻ gian móc túi một số tiền. Sau đó, kẻ lấy tiền của anh bảo rằng...chuyện ấy đã qua..."

"Cái ví dụ của anh rất hay nhưng không đúng với sự thực". Người đàn ông nói dứt khoát từng tiếng rành mạch.

Tôi biết là mình đã lỡ lời, bởi vì đúng như anh ta đã nói, một mình anh ta không thể thực hiện được tấn bi kịch này. Thịnh vội vàng nói ngay: "Tôi chỉ muốn biết về hai cháu Kim và Hà mà thôi, anh ạ".

Người đàn ông vội đứng dậy và nói: "Chuyện ấy để nhà tôi thưa với anh chi tiết hơn. Bây giờ, tôi xin phép chạy ra ngoài có chút việc, và cũng để anh tìm hiểu cho tường tận".

Nói đoạn, anh ta dắt chiếc xe gắn máy qua cửa và đi khuất sau khi cánh cửa sắt đã khép lại. Lan từ trong nhà bước ra, khuôn mặt bầu bĩnh ướt đẫm nước mắt. Lan ngồi xuống chiếc ghế, chỗ ngồi của người đàn ông trước đó. Hai bàn tay Lan đặt xòe đủ năm ngón trên đùi làm ra vẻ thoải mái. Trên khuôn mặt bầu bĩnh ấy, những nét của một thời nhan sắc lộng lẫy vẫn còn in dấu dưới những vết chân chim nơi cuối mắt, chân mày.

"Anh ta nói đúng,” Thịnh nói, “một mình anh ta không thể tạo nên tấn bi kịch ngày hôm nay... Kim và Hà bây giờ ở đâu? Anh muốn biết rõ điều ấy".
Bất chợt Lan òa khóc: "Nếu em có đủ can đảm để chết, hoặc em không đủ can đảm để sống thì tấn bi kịch ngày hôm nay đã không thể xẩy ra..."
"Nghĩa là...", Thịnh hỏi.

"Anh còn nhớ trước hôm anh đi, em đã ra chợ trời mua hai chục viên Cloroquine để anh chống sốt rét. Nhưng khi đi, anh đã quên đem theo? Em giữ nó đến gần hai năm sau. Hẳn anh còn nhớ, tháng tư năm ấy mình chưa kịp lãnh lương nên khi anh đi, trong nhà chỉ còn vừa đủ số tiền để anh mang theo đóng tiền ăn, để học tập trong vòng một tháng. Em đã kiếm sống bằng cách nào để nuôi con, chờ anh về sau một tháng học tập? Nhưng một tháng trôi qua, một năm trôi qua, rồi nhiều năm trôi qua cũng chẳng thấy anh về. Khi anh đi khoảng hai tháng sau đó, cán bộ đến từng nhà bảo mọi người phải đi kinh tế mới. Vợ con phải đi kinh tế mới để chứng tỏ sự hợp tác với chính quyền thì chồng và cha mới được tha về".

Đôi mắt Lan đã nhòa lệ: "Như mọi người thôi, mẹ con em lên đường đi Sông Bé để anh sớm được về. Một năm, rồi một năm nữa... em không hề có tin tức gì của anh. Cho đến một hôm, tin đồn nói rằng anh đã bị xử bắn trong một vụ vượt trại ở Suối Máu. Em bỏ các con, trốn từ Sông Bé về Biên Hòa, tìm đến trại Suối Máu. Em đã nhịn đói, nhịn khát, đêm ngủ trong một chiếc chuồng trâu để mỗi buổi sáng ra đứng bên đường đón các anh trên đường đi lao động. Trong đoàn người rách rưới ấy, vệ binh cầm súng canh gác rất kỹ, khó hỏi han. Nhưng qua những lời trao đổi vụng trộm kín đáo, nhiều người cho em biết đã có một vụ xử bắn hai người trong trại Suối Máu về tội trốn trại vào tháng trước. Một trong hai người ấy tên là Thịnh. Nhiều người xác nhận như thế. Em đánh liều vào ban chỉ huy trại để hỏi cho ra lẽ, với hy vọng là cùng lắm cũng có thể xin được xác anh mà đem về. Nhưng ở đấy, người ta đã chối bay chối biến rằng, không hề có một vụ xử bắn nào và cũng không hề có một trại viên nào đã qua đời. Mọi người đều khỏe mạnh, không hề có ai đau ốm. Trong thâm tâm, em cầu mong được như vậy, dù rằng chẳng được gặp anh. Em đành trở lại Sông Bé. Nhưng khi bước chân đến cổng rào kẽm gai thì người vệ binh nói nhỏ cho em biết rằng hai người tù trốn trại đã bị xử bắn vào tháng trước. Phiên tòa xử cũng có khoảng hai chục "trại viên" được gọi vào tham dự. Người ta đã bắn hai tử tội ấy bằng những loạt đạn AK vào một buổi trưa, mà nấm mồ chôn ngay phía sau trại. Người vệ binh ấy khuyên em nên đi về, vì chính sách là không muốn gây những ảnh hưởng không tốt ra bên ngoài nên có dò hỏi cũng vô ích mà thôi."

Lan ngừng lại để khóc. Tôi nhớ lại, vào lúc ấy cả tôi và Thịnh đều đang ở trại Suối Máu. Suốt trong nhiều tháng Thịnh bị giam riêng trong connec, cấm không được thư từ với gia đình, vì những lời phát biểu "không đúng đắn với cách mạng". Đó là nguyên nhân khiến cho Thịnh bị mất hẳn liên lạc với vợ con trong nhiều năm. Hai người trốn trại đã bị xử bắn trong thời gian đó. Một trong hai người tên là Thịnh. Khoảng gần hai chục "trại viên" được lựa chọn chứng kiến vụ xử bắn này với mục đích để răn đe. Sau đó, một đợt học tập mới được tổ chức trong toàn trại. Học tập, phê phán những hành vi trốn trại và cả những ý đồ dự định trốn trại.

Lan nghẹn ngào, cùng một lúc, đôi vai Thịnh rung lên. Người đàn bà ấy nói bằng một giọng đều đều, tôi nghe chừng như có một tầu lá khô nào đó rơi trên mặt hè. Và gió cuốn lê trên con đường phố cũ, âm thanh gờn gợn tưởng như chẳng bao giờ dứt: "Em trở về Sông Bé. Đôi bàn tay chai sần và sức cùng lực kiệt, tiếp tục bươi móc trên những vồng khoai lang để có miếng ăn. Những đứa con đã đói lả, nếu không có một vài người thương tình chia sớt chút đỉnh cho chúng, hẳn chúng đã chết đói trước khi em về tới nơi. Đối với em, anh không còn nữa, kể từ ngày ấy".

Thịnh không nói một lời nào. Đầu anh gục xuống, rút trong đôi vai gầy. Những sợi tóc điểm bạc trên đầu bay bay ngơ ngác.

"...Và đêm hôm ấy, đêm rằm tháng bẩy âm lịch, Lan nói, em còn nhớ rõ vì là ngày giỗ của những cô hồn. Em nhớ đến anh. Đã có lúc, em nghĩ đến một điều này mà không biết có nên nói ra hay không. Phải chi anh nằm xuống trước một giờ của ngày 30 tháng tư năm ấy. Em và các con hẳn đã có một niềm tự hào là vợ, là con của một chiến sĩ. Vâng, đêm hôm ấy một mình em ra bờ giếng công cộng ở một nơi thuộc tỉnh Sông Bé. Vùng kinh tế mới ấy đâu có khác gì một trại giam. Nhưng em và con sẵn sàng chịu đựng để mong anh có được ngày về. Đến lúc ấy đối với em là hết. Căn nhà này, ngày xưa chúng ta đã ở trong những năm tháng hạnh phúc, lúc ấy đã phải giao cho Phường quản lý. Một cách khác, là đã bị tịch thu. Bụng đói cào cấu cùng với hai chục viên thuốc chống sốt rét mà anh bỏ quên, em ra bờ giếng. Em biết, với hai chục viên trong cơn đói cào cấu, đời em sẽ kết thúc nhanh hơn. Một nắm thuốc và một gầu nước lạnh dưới lòng giếng đã được kéo lên. Em theo anh. Em theo anh mãi mãi. Những ngày thơ mộng ở một thế giới khác sẽ được bắt đầu từ đây..."

Tôi cảm thấy như có một làn gió lạnh. Cái lạnh của những buổi trưa hôm nào ở Lào Kay, lùa từ phương bắc, làm tê buốt sống lưng.

"Nhưng khi ngụm nước đã tràn đầy trong miệng, chỉ việc đưa nắm thuốc trong tay lên nữa là xong, thì hình bóng Kim và Hà hiện lên đang khóc lóc trong cơn đói lả".

Lan nói tiếp: "Nếu em đã có đủ can đảm để chết hoặc là em không có đủ can đảm để sống, thì tấn bi kịch ngày hôm nay đã không xẩy ra".

Bầu không khí trong căn nhà chợt trở nên hoang vắng. Tiếng kêu của một loài chim mất tổ vang vọng đâu đó. Những bông hoa tơi tả dưới những luồng gió to đang lay động. Thịnh nói nhỏ: "Đáng lẽ anh đã không trở về đây. Đáng lẽ anh đã không trở về đây để khuấy động một cuộc đời...đúng ra, khuấy động những cuộc đời mà trong đó có cả anh nữa. Nhưng anh vẫn mong muốn biết một điều gọi là sự thật, thế thôi. Anh muốn biết Kim và Hà, các con của chúng ta, giờ ra sao..."

UserPostedImage
Dường như người đàn bà đang nén những cơn xúc động lớn. Khuôn mặt bầu bĩnh kia chợt như một tảng bột mềm bị đập mạnh trên một nền đất bẩn: "Đó cũng là điều mà em mong muốn biết từ nhiều năm nay. Bởi vì sau khi biết rằng cho dù mẹ con em có lao động và chịu đói khát cho đến chết thì anh vẫn không thể trở về, ba mẹ con dắt díu nhau trốn về thành phố. Vào lúc ấy, trốn vùng kinh tế mới cũng giống như những người vượt trại cải tạo, giống như những người vượt biển. Cuộc vượt biển nội biên ấy đã dìm cái gia đình nhỏ bé chúng ta xuống đáy vực. Không hộ khẩu là không có chỗ dung thân, không có sổ mua gạo, khoai mì, khoai lang, mắm, muối. Trong khung cảnh ấy em gặp Đảm, người đàn ông đã nói chuyện với anh hồi nãy, trong căn nhà này. Đảm đã giúp mẹ con em thoát qua những cơn đói lả. Đảm đã giúp mẹ con em tạm thoát cảnh khốn quẫn. Dù sao, vào lúc đó, dưới mắt mọi người thì anh đã không còn nữa. Anh đã chết từ Suối Máu. Nội của Kim và Hà có thể tha thứ cho em nếu như em gặp một người đàn ông khác. Riêng với em, lúc đó phải dựa vào Đảm là một nỗi cay đắng khôn cùng. Bởi vì Đảm đã đến thành phố này từ một tỉnh của miền bắc. Sau đó, bằng nhiều cách, nội đã kéo được Kim và Hà ra khỏi tay em, đưa chúng về quê. Sau nhiều ngày đắn đo, em quyết về để tạ lỗi với nội, cầu xin nội tha thứ để có các con. Nhưng nội đã gởi chúng nó xuống một chiếc ghe do người bà con tổ chức vượt biên. Con thuyền ấy không biết đã đến được một nơi nào, bởi vì từ ngày ấy không có tin tức gì nữa".

Thịnh ngồi yên. Khuôn mặt anh bình thản như những lúc anh ngồi thiền, giữa một bầu không khí ồn ào của anh em đang chia những củ khoai mì của một bữa ăn trưa trong trại giam. Giọng nói của Thịnh thật ấm áp, bình tĩnh: "Anh hối hận vì sự có mặt của anh ngày hôm nay lại đang làm khuấy động những cuộc đời. Anh có lỗi vì anh đã không thể bảo vệ được cho em và các con. Anh có lỗi vì anh còn sống sót..."

Lan chợt cắt ngang bằng những lời nói giữa những tiếng nấc nghẹn: "Em hiểu. Chúng ta không thể làm lại được bất cứ một điều gì. Em yêu anh. Trọn đời em vẫn yêu anh. Nhưng ví thử ngày hôm nay anh sẵn sàng tha thứ cho em, và với tiếng gọi của tình cảm em theo anh, như một sự trở về... liệu chúng ta có thể yên ổn với những qúa khứ hết sức nặng nề ấy không ? Em đã chết, từ khi nghe tin anh...ở Suối Máu ngày nào".

Thịnh lên tiếng: "Đảm có phần nào có lý, em ạ. Chúng ta ai cũng có trách nhiệm và, cũng có thể chẳng ai có trách nhiệm về những đổi thay... em, em không có lỗi trong việc này".

Lan nghẹn ngào: "Anh không có lỗi. Đảm cũng đâu có lỗi. Chúng ta bị cuốn hút vào một cơn lốc lớn. Gia đình của Đảm đã tan nát trong suốt thời kỳ gió lốc ấy. Ông bà nội của anh ta đã đánh mất hết tài sản, chết gục trong thời kỳ tiêu thổ kháng chiến và cải cách ruộng đất. Bố mẹ Đảm đã bị lùa từ thành phố lên thượng du, cũng đã bỏ mình trong những hợp tác xã nông nghiệp. Những người anh chết trên đường Trường Sơn. Đứa em gái đã được tuyên dương anh hùng sau khi bị buộc phải tố cáo bố mẹ. Phần thưởng là được nhận vào làm công nhân trong một xưởng dệt, nhưng cũng đã bị tàn phế sau những đợt thi đua. Anh ta đã sống sót, cũng như anh và em đã sống sót. Những người sống sót ở hai miền đất nước không còn hiểu được nhau. Bởi vì chúng ta đều đã là những kẻ tàn phế mất rồi".

Thịnh đứng dậy: "Thôi, thế là xong. Nhưng anh vẫn còn hy vọng chúng ta chưa mất những đứa con. Cầu mong con thuyền ấy đã tới bến. Bây giờ tâm hồn anh rất thanh thản. Anh chỉ mong em được bình yên. Anh đi nhé. Giã từ em. Tương lai không thuộc về chúng ta nữa. Anh đi đây".

Lan nhỏm người dậy, nhưng như một tầu lá rũ, Lan sụm dần xuống, gục đầu trong cánh tay: "Vâng, anh đi. Em sẽ theo anh bằng cách mà em đã lựa chọn. Bởi vì em vẫn yêu anh. Em mãi mãi yêu anh, nhưng tất cả qúa khứ của chúng ta nặng nề quá. Anh đi đi. Em yêu anh... ngày mai, anh nhớ ghé lại đây một lần. Chỉ một lần nữa thôi, em có một điều muốn trao cho anh. Đó là một lời giải đáp".

Chúng tôi bước ra khỏi căn nhà ấy khi trời đã tối. Một buổi tối không có điện khiến thành phố trở nên đêm đen. Sau lưng tôi có tiếng trẻ con gọi mẹ, mẹ ơi. Tôi đoán chừng đó là đứa con của Lan và Đảm. Tôi muốn quay lại để chào cháu nhưng không biết nghĩ sao, tôi đã ngồi lên xe đạp, chở Thịnh đi.
Lại một đêm nữa không ngủ được, cho đến sáng hôm sau đến lượt Thịnh phải trình diện "điạ phương". Thật là oái oăm cho anh, vì không biết mình sẽ phải trình diện ở đâu. Đến Phường cũ ở đường Trương Minh Giảng là một điều không hợp lý. Cuối cùng, tôi chỉ biết lại đưa anh đến đồn công an nơi Phường tôi ở để tùy nơi ấy quyết định. Tôi sẵn sàng để anh tạm trú trong cái buồng xép mà người "chủ nhà" của tôi đã cho tôi tạm trú. Tại đây, người ta bảo chúng tôi phải lên Phòng Quản Lý Người Học Tập Cải Tạo Về để nơi đây quyết định. Trường hợp của Thịnh phải cấp thành phố mới có thể có ý kiến. Một đằng, nhu cầu quản lý con người cần sự chặt chẽ. Đằng khác, khi ra trại, trung ương đã không chỉ định rõ sẽ gởi Thịnh về đâu. Sau rất nhiều lần khai báo, cấp thành phố chấp thuận cho Thịnh về tạm trú nơi tôi tạm trú. Trong những ngày đầu, buộc lòng tôi lại phải nhờ đến bà chị trên đường Võ Tánh để có thể sống qua ngày.

Chiều hôm sau tôi nhắc Thịnh về lời dặn của Lan hôm trước, lúc chia tay. Thịnh không muốn đi, nhưng Thịnh vẫn hy vọng Lan sẽ hé mở một chi tiết nào đó về những đứa con của mình. Anh khẩn khoản nhờ tôi thay anh đến nơi đó. Tôi nghĩ công việc khó khăn và đau lòng này sẽ chỉ còn xẩy ra một lần, nên nhận lời đi thay anh.

Tôi đến ngôi nhà Lan ở vào buổi tối, nhưng nàng không còn nữa. Người đàn bà ấy đã uống rất nhiều Cloroquine sau khi chia tay với Thịnh chiều hôm trước và nàng đã qua đời trong một bệnh xá của Phường. Lan có để lại hai lá thư ngắn. Một gởi cho Thịnh, một cho Đảm. Tôi không biết nội dung hai lá thư ấy đã nói những gì.

Tôi cũng không biết Đảm đã đau đớn ra sao và Thịnh buồn khổ như thế nào, vì cả hai người đàn ông từ đó không hề biểu lộ một tình cảm nào. Họ yên lặng và lạnh lẽo như những pho tượng đá. Tôi nhớ đến những đứa con của họ. Những đứa trẻ đã xuống thuyền trong một hôm nào để ra khơi. Con thuyền ấy, không biết đã trôi dạt đến bến bờ nào. Cả người bạn của tôi nữa, anh Thịnh. Người đàn ông ấy cũng đang trôi nổi trên một chiếc thuyền trôi, không biết sẽ đi về đâu.

Những đứa trẻ, Kim và Hà, vẫn không có tin tức. Những cánh chim non ấy đang bay trong một bầu trời giông bão, mà người mẹ vẫn hằng rõi theo trong tất cả những buổi chiều mệt mỏi. Nhưng người đàn bà ấy đã không còn nữa. Và việc làm ấy, không biết đã làm chứng được một điều gì? Những cánh chim vẫn mỏi cánh bay... những cơn gió lốc vẫn lùa những cơn sóng lớn trên biển khơi. Con thuyền ấy đã trôi vào một vùng giông bão. Không biết đã đi về đâu.


Đinh Phụng Tiến

Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.212 giây.