logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 16/04/2018 lúc 10:01:45(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
UserPostedImage

Có những bài tuỳ bút và bút kí mà khi đọc xong chúng ta tự hỏi sao tác giả ‘hay chữ’ thế, sao mình không nghĩ ra được những chữ đẹp lộng lẫy như tác giả. Nhưng cũng có những bài bút kí làm chúng ta trầm trồ khen tác giả về những câu chuyện độc đáo, những vốn sống, về sự phong phú trong trải nghiệm xã hội, và những mối giao hảo đúng người, đúng địa chỉ. Tôi gọi hai loại bút kí là kí của nhà văn và kí của nhà báo. Trong những bài kí của nhà văn, ý tưởng có thể lan man, chuyện nọ xọ chuyện kia, nhưng văn chương và chữ nghĩa lại là cả một sáng tác. Nhưng kí của nhà báo có cái khó vì tác giả phải sắp xếp và lồng những trải nghiệm của mình trong câu chuyện về một nhân vật sao cho độc giả thẩm thấu câu chuyện và ý nghĩa của nó; đó là loại bút kí biến dữ liệu thành thông tin.

Đinh Quang Anh Thái là một tác giả của loại kí thuộc nhóm hai. Qua 12 bài kí sự trong cuốn sách, tác giả đã kể lại những cuộc tiếp kiến với những văn nghệ sĩ và nhà hoạt động nổi tiếng như Bùi Bảo Trúc, Đỗ Ngọc Yến, Đoàn Kế Tường, Hồ Hữu Tường, Hoàng Cơ Trường, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Tất Nhiên, Lê Văn Tiến, Nguyễn Chí Thiện, Trần Văn Bá. Tất cả những nhân vật vừa kể đều đã ra người thiên cổ, sau một lần ở trọ trần gian. Thời gian ‘ở trọ’ của họ đã để cho thế hệ sau những bài học nhân thế, tình yêu quê hương, và niềm hi vọng về một ngày quê hương sẽ sáng chói. Quyển kí này là một lời giới thiệu tổng quan về những nhân vật trên mà thế hệ sau có thể tìm hiểu sâu hơn.
Chiến tranh và hệ quả của nó trong thời hậu chiến là môi trường cho những chất liệu phong phú cho bút kí. Có biết bao câu chuyện bi hùng cần được kể lại. Thế nhưng trong thực tế có rất ít bút kí trong văn học Việt Nam, có lẽ người Việt chúng ta không quen với kí và hồi kí. Cũng có những cuốn kí từ một phía của cuộc chiến, nhưng hình như đó là những tập kí có mục tiêu tuyên truyền kèm theo những thậm xưng mang tính thần thánh là chính. Còn ở đây bạn đọc sẽ gặp những con người thật, những sự việc thật, và cái chất thật được thể hiện qua những thành bại, hỉ nộ ái ố của các nhân vật. Không có thần thánh. Chẳng có tuyên truyền. Tất cả là sự thật.
Tôi gọi tập bút kí này là những mảnh đời. Đó là mảnh đời lưu vong của những văn nghệ sĩ như Nguyễn Chí Thiện, Nguyễn Tất Nhiên, và những đồng hương ở Nga và Tiệp. Họ là những người trong giới tinh hoa (elite) của miền Nam, của dân tộc như Nguyễn Ngọc Bích, Bùi Bảo Trúc, Hồ Hữu Tường, Lê Văn Tiến. Họ là những nhà hoạt động nổi danh một thời như Trần Văn Bá, Đoàn Kế Tường và Hoàng Cơ Trường. Họ là những du học sinh và những người lao động chân tay ở xứ người. Như DNA của 6 tỉ người trên hành tinh này chẳng ai giống ai, nhưng ai cũng có 23 nhiễm sắc thể, mười hai nhân vật trong quyển kí này có những chất liệu hoàn toàn khác nhau, nhưng có cùng chung thân phận: long đong. Tuy long đong ở nước ngoài nhưng tất cả đều có một mẫu số chung về lí tưởng: mong cho quê hương sáng chói.
Người đọc kí thường trông chờ những thông tin “độc” từ những nhân vật và sự kiện sẽ không thất vọng với tập kí này. Ví dụ như những câu chuyện độc đáo đằng sau một cây bỉnh bút nổi tiếng Bùi Bảo Trúc. Những ai từng yêu mến kiến văn uyên bác và cách viết dí dỏm của Bùi Bảo Trúc sẽ thấy thích thú khi biết rằng ông từng là một phát ngôn viên của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Ông Bùi Bảo Trúc là người mà trình độ tiếng Anh có thể ngang hàng trình độ tiếng mẹ đẻ, người mà “giá nhắm mắt thì có thể nhầm là một người Anh chính cống đang phát biểu“, và người đã “dùng ngoại ngữ đối đáp và tạo được sự nể trọng của giới kí giả nước ngoài.” Một người giỏi tiếng Anh khác là Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích (từng là giám đốc chương trình Việt ngữ của Đài Á Châu Tự Do), người mà tác giả mô tả rằng “[…] mỗi khi chú chấp bút viết một bản văn bằng Anh ngữ, Phó tổng giám đốc đài là nhà báo Dan Southerland phải thốt lên rằng, không thể sửa, dù một dấu phẩy bài chú viết.” Đọc đoạn này chúng ta có thể so sánh với những phát ngôn viên ngày nay của Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa thì chỉ biết ngậm ngùi.
Hay những câu chuyện làm chúng ta phải chạnh lòng về cuộc đời của các nghệ sĩ. Ai yêu nhạc đều biết đến cái tên Nguyễn Tất Nhiên, nhưng có lẽ ít ai biết đằng sau những vần thơ tình tươi tắn và nghịch ngợm đó lại là một cuộc đời bị ám ảnh bởi cái chết và … muốn chết. Nguyễn Tất Nhiên thường hay tâm sự với người bạn mình là Đinh Quang Anh Thái rằng “chắc có ngày tui tự tử quá ông ơi”, và quả thật ngày đó đã đến vào năm 1992 khi Nguyễn Tất Nhiên tự kết liễu đời mình trong một chiếc xe cũ kĩ đậu trong sân một ngôi chùa ở Little Sài Gòn. Trước ngày chết một tuần, khi được mời đi ăn trưa, Nguyễn Tất Nhiên thản nhiên nói “thằng sắp chết không ăn, không hút thuốc.” Có ai nghĩ tác giả của Thà như giọt mưa, Trúc đào, Cô Bắc kì nho nhỏ lại từ giã cõi đời trong hoàn cảnh như thế.
Tác giả còn kể lại hai chuyến đi sang Tiệp và Nga, với những câu chuyện hết sức thú vị về du học sinh và những người đi lao động bên đó. Những câu chuyện về sự bưng bít thông tin ở trong nước, những khát vọng của các sinh viên và người lao động về một nước Việt Nam mới được Đinh Quang Anh Thái viết ra rất thật và chân tình. Câu chuyện đi Nga với hãng hàng không Aeroflot có thể làm cho những người sống ở phương Tây như chúng ta phải mở mắt kinh ngạc. Tác giả kể “Thảm lót sàn rách nát, có chỗ cộm lên từng cục, nhất là ngay cửa vào, chỗ để mấy xe thức ăn, thảm rách được lấp liếm qua loa như một đống giẻ dơ bẩn khiến tôi suýt vấp ngã. Chưa hết, chỗ để hành lý trên đầu hành khách không có nắp đậy an toàn, nó chỉ là một loại kệ chạy dài gắn vào thân phi cơ.” Nhưng câu chuyện trên máy bay thì có thể làm cho chúng ta đắng lòng. Khi tác giả hỏi một cô người Nga ngồi cạnh trong chuyến bay “có bao giờ cô gặp người Việt Nam ở Nga chưa”, cô nói “Có chứ, chẳng có gì tốt đẹp về họ cả, buôn chui bán lận, gấu ó lẫn nhau là tất cả chuyện về họ.” Đến ngay rời Nga cũng có một câu chuyện giống với trải nghiệm của hầu hết người Việt ở các phi trường lớn của Việt Nam: “Sáu ngày với cái lạnh và đói ở Mockba rồi cũng đến lúc chia tay. […] Qua cổng hải quan, kỷ niệm chót của chúng tôi tại xứ này là mỗi đứa phải ‘thông cảm’ 20 dollars cho nhân viên di trú kiểm soát thông hành. Nếu không, người ‘anh em’ gây khó dễ thì ‘làm gì nhau.’”
Và, còn nhiều câu chuyện hay như thế, nhưng tôi để cho bạn đọc từ tìm đọc và suy nghiệm. Những câu chuyện về Đỗ Ngọc Yến, người sáng lập nhật báo Người Việt, tờ báo lớn nhất của người Việt ở nước ngoài; về Nguyễn Ngọc Bích, từng là Giám Ðốc Ban Việt Ngữ Ðài Á Châu Tự Do; về Như Phong Lê Văn Tiến, một nhà báo lừng danh mà tác giả gọi một cách thân thương là “Cậu Tiến”. Tất cả đều được Đinh Quang Anh Thái phác họa bằng một văn chương dễ đi vào lòng người: đó là văn chương mang tính hình tượng.
Tôi biết Đinh Quang Anh Thái khá lâu. Những năm trong thập niên 1990s tôi hay đóng góp bài vở choTạp chí Thế Kỷ 21, một tạp chí của Người Việt, nơi anh làm việc. Biết qua những bài viết, chứ ít khi nào gặp và nói chuyện. Lần đầu tiên tôi có dịp gặp và nói chuyện với anh là qua một anh bạn khác, và anh để lại trong tôi ấn tượng của một người thẳng thắn, cương trực, nhưng hài hước — một tố chất rất cần thiết trong những buổi đàm đạo trên bàn cà phê. Nhìn bề ngoài anh trông giống một gã giang hồ hơn là một kí giả, nhưng khi anh nói chuyện thì mới thấy cái duyên chất của một kí giả. Sau 1975 anh từng ở tù ở Việt Nam (tôi không hỏi vì lí do gì) nhưng anh kể chuyện trong tù hết sức dí dỏm, có khi cười ra nước mắt, y như một cuộc du ngoạn, chứ không phải đi tù. Bùi Ngọc Tấn đi tù và ‘chưng cất’ những nỗi đau khổ thành chữ, nhưng đối với Đinh Quang Anh Thái nhà tù có vẻ như là nơi anh chắt chiu những câu chuyện hài đen về xã hội chủ nghĩa. Những gì anh trải nghiệm ở Nga mang đậm chất hài đó, và chắc chắn sẽ đem đến cho bạn đọc nhiều nụ cười mỉm.
Đinh Quang Anh Thái là một kí giả, nên anh có một vốn sống rất phong phú. Những bài bút kí này chưa phản ảnh hết những gì anh biết về nhiều nhân vật khác. Phải nghe anh nói về những lần tiếp kiến với văn thi nhạc sĩ lừng danh, những chính khách lừng danh lẫn chính khách nửa mùa mới thấy anh có cái tài kể chuyện. Đó là những thông tin “độc” — theo cách nói thời nay ở trong nước. Lúc nào cũng bằng một lối nói sôi nổi và hào hứng. Lúc nào anh cũng kết thúc câu chuyện bằng một câu kết như là một bài học ở đời. Câu kết thường là trắng đen, dứt khoát, không có vùng màu xám. Nhưng trong loạt bài bút kí này, những câu kết của anh thường là những câu buồn và vương vấn. Viết về Hồ Hữu Tường, tác giả kết thúc bằng câu “[…] thương bác những ngày nghiệt ngã trong trại giam, bưng chén canh chung lên môi, nuốt cùng bao nỗi cay đắng khổ cực của một phận người suốt đời mưu cầu cái chung cho dân tộc“, hay viết về Như Phong Lê Văn Tiến, tác giả nhận xét “Bây giờ thì cậu không còn nữa, nhưng đó chỉ là phần xác thôi, chứ tinh anh của cậu vẫn còn và sẽ còn mãi trong lòng nhiều người, nhiều thế hệ.”
Nói như Nhạc sĩ Tuấn Khanh, Việt Nam là một “phác đồ của nghịch cảnh, phác đồ của mỗi cá nhân bị buộc phải chịu trách nhiệm thay cho các nền chính trị đã điều khiển dân tộc này, chưa thấy yêu thương đã ngập hận thù. Tất cả chúng ta đã hoặc đang là nạn nhân của chính trị.” Mười hai bài bút kí trong tập sách này nói lên thân phận của những nạn nhân đó. Đáng lí ra tôi sẽ ‘bật mí’ cho bạn đọc những câu chuyện hay khác về học giả Hồ Hữu Tường và thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, nhưng tôi nghĩ các bạn không muốn tôi làm như thế vì cần phải để dành một số ngạc nhiên. Những câu chuyện trong tập sách, nói theo khoa học, chỉ là dữ liệu; cái quan trọng hơn là thông tin. Người viết bút kí hay là người biết chuyển hóa dữ liệu thành thông tin. Qua tập bút kí này các bạn sẽ thưởng thức những thông tin để đời mà các nhân vật và sự kiện đã đóng góp qua tài chuyển hóa của tác giả Đinh Quang Anh Thái.
Sách có bán tại các tiệm sách địa phương, tại tòa soạn Nhật Báo Người Việt hoặc trên online www.nguoivietshop.com
Nguyễn Văn Tuấn/Người Việt
phai  
#2 Đã gửi : 24/04/2018 lúc 10:24:21(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Đọc Ký Đinh Quang Anh Thái Trong Những Ngày Tưởng Niệm Tháng Tư Đen

Tác giả Đinh Quang Anh Thái đưa cho tôi tập Ký (nhà xuất bản Người Việt Books) của anh vào những ngày cuối tháng Tư. Những mẫu chuyện anh ghi lại trong tập Ký không có chủ đề về biến cố Tháng Tư Đen. Nhưng nó làm cho tôi trăn trở thật nhiều về cái ngày lịch sử đó, và những hệ lụy mà nó để lại cho dân tộc Việt Nam mãi đến ngày hôm nay.

Anh Thái chỉ hơn tôi 8 tuổi. Nhưng đủ để đưa anh vào một thế hệ đặc biệt hơn hẳn, với những kinh nghiệm sống mà thế hệ tôi hoặc trẻ hơn không có được. Vào thời điểm tháng 4/1975, anh đã là một thanh niên, một sinh viên Sài Gòn. Anh đã sống thực sự với những niềm tự hào, những nỗi lo toan, cả hy vọng lẫn tuyệt vọng của Miền Nam Việt Nam. Vào thời điểm lịch sử đó, tôi vẫn là một thằng con nít của bậc trung học đệ nhị cấp, chỉ có khái niệm rất mù mờ về chiến tranh, về lằn ranh mỏng manh giữa sự sống và cái chết của thanh niên thời đó. Về vận nước Việt nổi trôi mà không có lời giải.

Anh Thái thuộc thế hệ chuyển tiếp của lịch sử Miền Nam Việt Nam cho đến ngày mất nước. Vì lẽ đó, anh được tiếp xúc nhiều  với những bậc đàn anh đã góp phần tạo nên lịch sử, chính trị, văn hóa của Miền Nam. Những người đã được anh nhắc tới trong tập Ký: Hồ Hữu Tường, Như Phong Lê Văn Tiến, Đỗ Ngọc Yến, Hoàng Cơ Trường, Trần Văn Bá… Có lẽ vì được hoạt động cùng thời với những con người đặc biệt như vậy, anh Thái đã chọn con đường đấu tranh ngay từ ngay sau Tháng Tư Đen, để rồi phải trải qua tuổi thanh xuân đẹp nhất của một đời người trong lao tù cộng sản. Lúc anh ở tù, tôi vẫn còn được may mắn cắp sách đến trường, dù gia đình đói nghèo, và cũng có một ông bố ở tù.

Lúc anh ra tù, đến nhà tôi chơi một thời gian trước khi vượt biên, anh cũng có kể cho tôi nghe những câu chuyện trong tù của anh. Nhưng chỉ khi đọc tập Ký, tôi mới hình dung ra được rất nhiều điều về anh và những người tù mà anh nhắc đến. Đặc biệt là động lực đã khiến cho những người như Trần Văn Bá, đã bỏ cuộc sống êm ấm ở nước ngoài để sẵn sàng về chết trên quê hương Việt Nam. Tất cả những người đó có chung nhiều đặc điểm. Họ đều là những nhân tài của đất nước Việt Nam. Nếu ở một hoàn cảnh đất nước khác đi, họ đã có thể đóng góp rất nhiều để Việt Nam trở thành một quốc gia tiến bộ hơn ngày hôm nay. Họ là những người yêu đất nước Việt Nam vô vàn, yêu vô điều kiện, không vì lợi ích cá nhân. Họ có một niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của một đất nước Việt Nam, vì thế họ bỏ cả một đời để góp phần vào việc đổi thay vận mạng đất nước.

Vậy mà… Đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ biến cố Tháng Tư 1975… Tương lai của đất nước Việt Nam vẫn cứ mịt mờ, dưới sự cai trị của những con người đặt quyền lợi cá nhân, đảng phái lên trên vận mệnh của đất nước, dân tộc; những con người đã bỏ tù, đày đọa những người con ưu tú của đất nước nhắc trong tập Ký.

Những người yêu nước, trăn trở với vận nước được anh Thái nhắc đến không chỉ ở xã hội Miền Nam Việt Nam, mà có cả những người từng thuộc miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Có nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, người tù thế kỷ của lao tù cộng sản. Từ trong tù, ông vẫn không ngừng mơ đến một ngày “… khi vận nước xoay vần, tất cả thành nguyên tử…”. Có cả những người trẻ tuổi trưởng thành trong chế độ cộng sản, là con cái của quan chức chế độ, đi hợp tác lao động ở Đông Đức, Tiệp Khắc, Nga, nay ở lại các nước này , và trở thành những thành phần đối kháng với chính quyền CSVN. Trong Ký có kể lại đối thoại giữa một nhà hoạt động trẻ tên Dũng ở Tiệp, gọi phone chúc tết ông bố cán bộ ở Hà Nội. Khi ông bố vừa định khuyên con mình về nghĩa vụ “trung với đảng”, Dũng đã nói bố mình hãy đổi đề tài, nếu không anh sẽ cúp máy. Những câu chuyện như vậy nhắc nhở với cộng đồng Người Việt Tị Nạn ở hải ngoại rằng, không phải cứ “là con cán bộ đi nước ngoài” đều là những người ủng hộ, tay sai của chế độ. Nếu tìm cách kết hợp với họ, sức mạnh đấu tranh của cộng đồng cho đất nước sẽ mạnh hơn nhiều. Bởi vì không ai hiểu chế độ cộng sản hơn là những người đã sinh ra, lớn lên, và từng được hưởng đặc quyền của chế độ.

Tập Ký làm cho người đọc thêm trăn trở trong những ngày tưởng niệm 43 năm Tháng Tư Đen. Là vì ước mơ một đất nước Việt Nam tươi đẹp vẫn còn mờ mịt. Những người con ưu tú, hết lòng với đất nước nhắc đến trong Ký lần lượt đã ra người thiên cổ. Câu chuyện về các bạn trẻ ở Tiệp, Nga thế mà thắm thoát đã hơn 2 thập kỷ. Trong khi cái chính thể gây ra thảm họa cho dân tộc thì vẫn cứ chai lỳ, độc ác tồn tại trên quê hương Việt Nam. Những tiếng nói phản kháng từ hải ngoại hình như không mấy tác dụng. Còn những người dám dũng cảm lên tiếng trong nước vẫn còn quá đơn độc, lạc lõng trong 90 triệu người dân Việt Nam. Họ dễ trở thành nạn nhân đàn áp của một chính thể đặt quyền lợi đảng phái lên trên tổ quốc và dân tộc.

Nhiều câu hỏi được đặt ra. Đến chừng nào Việt Nam mới thay đổi được vận nước, đem lại ánh sáng tự do dân chủ về cho Việt Nam?

Đến chừng nào những người đấu tranh cho tương lai dân tộc Việt Nam sẽ được phép ở lại trong nước, chứ không phải ra lưu vong bên nước ngoài như những người trong tập Ký, và mới hơn là những Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Việt Khang…?

Chừng nào thì số người dân trong nước dám mạnh dạn đứng lên đòi quyền yêu nước lại cho chính mình sẽ đông hơn số người đàn áp? Hay là số phận của những người đấu tranh trong nước vẫn chỉ là những thiểu số nhỏ nhoi như thế hệ của những người yêu nước trong tập Ký, để rồi tiếp tục là mục tiêu đàn áp dễ dàng của bạo quyền?

Sau mỗi bài viết trong tập Ký, tác giả thường có một nguyện ước về một tương lại tốt đẹp cho Việt Nam: “Tôi cũng ước mong điều này cho đất nước tôi, Việt Nam”; “…Sông núi Việt Nam ơi, hẹn mai ta sum vầy nhé…”; “… Giá như (Hoàng Cơ) Trường đừng mất sớm, lý tưởng mà Trường theo đuổi chắc chắn sẽ đóng góp không ít cho đất nước mai sau…”.

Tôi chợt nghĩ rằng, giá như tập Ký của Đinh Quang Anh Thái được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam, thì có thể những nguyện ước trên sẽ sớm thành hiện thực…

Đoàn Hưng
song  
#3 Đã gửi : 07/10/2018 lúc 10:45:16(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Khóc cười qua ‘Ký’ với Đinh Quang Anh Thái


UserPostedImage
Hai quyển “Ký 1” và “Ký 2” của Đinh Quang Anh Thái, hồi tưởng của đời người hay bản thảo lịch sử? (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – “Ký” là tựa đề nhà báo Đinh Quang Anh Thái đặt cho hai quyển sách ghi lại những thời điểm đáng nhớ của ông qua những nổi trôi của cả một đời người, từ khi còn là một tù nhân Cộng Sản đến lúc trở thành nhân vật tên tuổi nhất nhì của làng báo Việt Nam ở Mỹ, có thể  sánh với Walter Cronkite, Dan Rather, Peter Jennings của người bản xứ.
Ngắn, gọn và lột tả nhân vật là bút pháp của nhà báo mà tác giả dùng suốt cả hai quyển “Ký” (Người Việt Books, 2018).

Đọc “Ký,” người ta không hề có cảm giác đang nghe một cụ già ngả nghiêng chén rượu, khề khà lải nhải chuyện ngày xửa ngày xưa, mà hình dung ngay một nhà báo xông xáo, đang vội vàng, ghi chép những câu chuyện thời sự sống động ngay trước mắt, ngay bây giờ.
Chỉ vài chữ, ông bắt ngay được chân tướng nhân vật, như bài thơ “Haiku” Nhật Bản.
“Ký 1”
Cứ xem ông viết về ông Hồ Hữu Tường, tác giả “Tiểu Phi Lạc náo Sài Gòn” (Nam Cường, 1966) thì biết.
Qua “Bác Năm Tường ‘Phi Lạc Náo Chí Hòa,’” ông sắc bén nhận xét: “Bác Năm vóc người hơi thấp, da xanh tái, hàm răng to, chắc và cáu vàng. Hai tai Bác Năm dài, dầy, trông như tai Phật.”
Rồi tro “Nguyễn Tất Nhiên, chiếc quần mới và bữa thịt chó cuối năm cũ,” ông chỉ buông vừa đủ chữ là độc giả thấy đúng người ông muốn tả, từ nhân dáng đến cá tính.
“… Anh chàng cao lêu nghêu, ‘mặt vác lên trời’ với “nụ cười ‘kẻ cả,’” và “Nhiên kiêu lắm, nhiều khi đến ngông cuồng.”
Thế thôi.
Vẫn với văn phong ấy, trong “Đêm Giao Thừa trên đất Tiệp,” ông, rất vắn tắt: “Đỗ Ngọc, bút hiệu Đỗ Quyên, đặc sệt ‘Bắc 75,’ râu quai nón, ăn nói bỗ bã. Hồ Huy, trọ trì giọng Quảng Bình, làn da tái xanh như mới chui từ rừng ra. Hoài Hương thì quê Nam Bộ, từng là Thanh Niên Xung Phong, giọng nói có vị ngọt của sông nước Cửu Long.”
Ngắn, gọn và giàu tình cảm.
Sau lần gặp gỡ vội vàng, ông chào bạn, lên đường sang Tiệp Khắc nhưng mãi đến giờ, ông vẫn giữ “túi ni lông Hoài Hương cho, trong có ổ bánh mì và chai nước ngọt.”
Hãy coi ông tả người bạn trên đất Tiệp tên Ngô Văn Chính ở Plzen. Đây là người ông đặt cho biệt danh là ông “Góc Độ.”
“Chính người nhỏ nhắn, mặt choắt nhọn, cứ mở miệng ra là ‘ở một góc độ nào đấy, thì…’”
Rồi ông Trương Tiến Dũng, một người bạn khác.
“Còn Dũng thì rõ ra là công tử quần bò (jeans), áo da, tóc tai gọn gàng, duy giọng nói khàn khàn như bị cảm.”
Tiết kiệm từng chữ, ông tả người nào ra người nấy.
Vẫn với ngòi bút nhà báo, với vỏn vẹn vài chữ, ông thần tình lên án cả một chế độ phi nhân ở Việt Nam kể từ 30 Tháng Tư, 1975.
UserPostedImage
Một trang trong “Ký 1.” (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Cứ đọc thì thấy… “Đoàn Kế Tường giữa chông chênh ‘Thiện-Ác:’”
“…Nhớ cái đói của Tường.
Một buổi sáng, trại giam vừa đánh kẻng báo thức. Tường chồm dậy, nhìn sang, nói. ‘Hôm ni trại cho ăn mắm ruốc Thái ơi.’ Quả thật, tôi ngửi thấy mùi khăm khẳm, tanh tanh.
Tường cuống quít chuẩn bị chén để nhận mắm ruốc. Tức là vài thìa nước muối pha chút mắm ruốc.
Kẻng trưa báo cơm, tù thường phạm đã có án đem lên mỗi phòng giam một thùng rau muống luộc lều bều những sợi dài ngoằng mà tù đặt tên là ‘canh kẽm gai.’ Nhìn thùng canh, Tường làu bàu chửi, ‘đ* mạ hắn, sáng nay tao rõ ràng ngửi thấy mùi tanh; đ* mạ thằng nào đi ỉa sớm.’
Chả là hai đứa tôi bị công an trại sắp chỗ gần sát cầu tiêu, cả ngày chịu đựng mùi phân, mùi nước tiểu. Nhiều đêm hai đứa thức trắng vì có bạn tù bị tiêu chảy, ôm quần chạy thục mạng cả chục lần vào cầu ngồi. Mùi tanh khắm lặm. May mà trong bụng teo tóp, không có chút gì, chứ không đã ọc hết ra rồi.
Sáng đó, Tường và tôi lầm mùi phân với mùi mắm ruốc.
Thương Tường. Thương mình.
Khốn nạn cái đời tù! Khốn nạn cái chế độ không có bộ mặt người đày đọa con người.”
Cộng Sản biến con người thành con chó, ngửi phân mà cồn cào ngóng đợi.
Thế thôi. Chỉ bấy nhiêu thôi, ông khiến độc giả không biết phải khóc, hay cười, hay cười ra nước mắt, hay phải nghẹn ngào cố giữ để khỏi bật òa cho cả dân tộc, cả quê hương còn đang quằn quại dưới gót chân “nội bang.”
“Ký 1,” ông nghiêng mình, cúi chào những văn nghệ sĩ cũng như nhà hoạt động quen thuộc Bùi Bảo Trúc, Đỗ Ngọc Yến, Đoàn Kế Tường, Hồ Hữu Tường, Hoàng Cơ Trường, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Tất Nhiên, Lê Văn Tiến, Nguyễn Chí Thiện, Trần Văn Bá…
Qua vần thơ Đinh Quang Anh Thái mượn từ bài “Ông Đồ” (1936) của thi sĩ Vũ Đình Liên, ta thoảng nghe tiếng ông thở dài hoài tưởng những người bạn cũ, mới đây mà đã…
“… Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu, bây giờ?”
“Ký 2”
Trong “Ký 2,” ông như mở lòng ra để đón nhận những người anh em yêu công bằng và tự do sinh ra ở bên kia chiến tuyến.
Qua “Giọt Nước Mắt Người Phụ Nữ Bên Thắng Cuộc,” ông tạo cơ hội để nghe tâm sự của một trí thức chối bỏ chế độ. Không có cách phỏng vấn khéo léo, dễ gì ông khuyến khích được một tự sự đầy nhân bản của một nhà văn miền Bắc.
Ông viết: “… Dấu mốc quan trọng làm thay đổi hẳn cuộc đời Dương Thu Hương là thời điểm đoàn quân của ‘bên thắng cuộc’ vào Sài Gòn trưa ngày 30 Tháng Tư năm 1975.
Trả lời phỏng vấn bằng điện thoại. Dương Thu Hương kể:
‘Ngày 30 Tháng Tư năm 1975 đã là một ngã rẽ trong đời tôi. Khi đội quân chiến thắng vào Sài Gòn. Trong khi tất cả mọi người trong toán quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi ngồi bên lề đường khóc. Vì tôi thấy tuổi xuân của tôi đã hy sinh một cách uổng phí…’”
Ghi chép lại những gì người ta nói không là nhiệm vụ chính của một nhà báo. Làm sao để người ta nói điều đáng nói mới là chuyện tất yếu.
Một trang trong “Ký 2.” (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Chưa hết, ông còn thể hiện lòng nhân ái qua “Hai Đại Tá, Hai Chiến Tuyến, Một Tấm Lòng Chung.”
Ông xóa mờ vĩ tuyến 17 trên bản đồ để tô đậm lòng yêu nước của hai anh em trong cảnh nồi da xáo thịt khốc liệt.
Ông viết: “Phạm Phú Quốc là đại tá Không Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Phạm Quế Dương là đại tá Lực Lượng Phòng Không Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Cùng cấp bậc, cùng họ Phạm nhưng không hề có chút quan hệ thân tộc nào. Phạm Phú Quốc chào đời ở Đà Nẵng, Phạm Quế Dương sinh ra ở Hà Tây. Một người thuộc quốc gia, một người bên Cộng Sản.
Năm 1965, trong một phi vụ oanh kích miền Bắc, máy bay Phạm Phú Quốc bị phòng không bắn rơi, ông tử nạn tại Hà Tĩnh.
Năm 1998, Phạm Quế Dương góp tay với thân nhân Phạm Phú Quốc tìm kiếm và cải tang hài cốt người quá cố về chôn cất tại quê quán Quảng Nam…”
Cũng ngắn, cũng gọn mà người đọc thấy được sự phi lý cùng cực của chiến tranh.
Nếu “Ký 1” là cung cách Đinh Quang Anh Thái cúi chào những anh em của “muôn năm cũ” thì “Ký 2” là lời chào đón những anh em mới, của hôm nay và mai sau.
Cả hai “Ký” đều không chỉ là ký sự của một người mà còn là một bài tường thuật về tâm tư và hoài bão rất Việt Nam.
Một cách ngắn.
Gọn.
Đằng-Giao/Người Việt
phai  
#4 Đã gửi : 20/05/2019 lúc 08:53:18(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Đọc "Ký" của Đinh Quang Anh Thái

UserPostedImage
Ký 1 và Ký 2 của Đinh Quang Anh Thái [Nxb Người Việt, 2018)
Hai tập "Ký" và "Ký 2" của Đinh Quang Anh Thái thuộc thể loại ký sự nhân vật, trong đó tác giả ghi lại những nét đặc biệt và hoạt động của nhiều người Việt, đặc biệt là những người từng bị tù cộng sản và những người phải sống lưu vong trong gần nửa thế kỷ qua.
Vào tù cộng sản lâu nhất là ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện, tất cả 27 năm. Một người mà Đinh Quang Anh Thái quen biết, làm bạn và sống gần ông ở Quận Cam, California.
Nhờ sự vận động của nhiều người và các tổ chức nhân quyền quốc tế, nhà thơ đến Hoa Kỳ vào giữa thập niên 1990. Thoát khỏi ngục tù ở Việt Nam, ông kiên trì tiếp tục chống cộng một cách cương quyết khiến có kẻ bôi nhọ, tấn công ông, cho nhà thơ là Nguyễn Chí Thiện giả.
Tác giả hỏi nhà thơ sao không phản ứng, ông trả lời: "làm thế nào được, đi rừng gặp thú dữ, chẳng lẽ mở mồm xin chúng buông tha."
Đọc ký của Đinh Quang Anh Thái, mỗi nhân vật được nhắc đến đều để lại một điều gì đặc biệt.
Khi viết về nhà báo "Đỗ Ngọc Yến, con người bí ẩn" tác giả phác hoạ chân dung một nhà hoạt động thanh niên sinh viên, tuy trình độ học vấn chỉ đến mức sinh viên muôn đời, nhưng ông biết nhiều chuyện bên trong chính trường miền Nam.
Đinh Quang Anh Thái cho rằng "Cộng sản Hà Nội rất muốn có bộ trống làm bằng da Đỗ Ngọc Yến" vì trong thời gian tác giả trong tù, nhiều lần bị an ninh tra hỏi về hoạt động của ông Yến trước năm 1975. Năm Trà, phó giám đốc Công an Thành phố HCM, cho rằng Yến "ẩn dưới chiêu bài hoạt động thanh niên sinh viên để chống cộng."
UserPostedImage
Nhà báo Đỗ Ngọc Yến
Về nhà báo Đỗ Ngọc Yến, cũng như một số anh em trong chương trình CPS - Sinh hoạt Học đường - nếu ai đọc các báo cáo của CIA liên quan đến chiến tranh Việt Nam đã được giải mật sẽ thấy có nhắc đến. Riêng Đinh Quang Anh Thái dẫn lời Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình, cựu chỉ huy tình báo Việt Nam Cộng hoà, nói: "Yến lãnh tiền của Cục Tình Báo do tôi lãnh đạo."
Khi biến cố 30/4/1975 xảy đến, Đinh Quang Anh Thái mới bước qua tuổi đôi mươi, nhưng ông đã tham gia vào guồng máy của chính quyền Việt Nam Cộng hoà, công tác ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sài Gòn, Mỹ Tho.
Qua nhiều hình ảnh có trong "Ký" và những chi tiết ông kể lại là các sinh hoạt với các anh Đỗ Ngọc Yến, Nguyễn Ngọc Bích, Hà Tường Cát, Trần Đại Lộc trong trại hè Nối Vòng Tay Lớn năm 1973, 1974. Qua công tác này tác giả đã có dịp gặp gỡ nhiều sinh viên từ nước ngoài về thăm quê nhà để thấy những nỗ lực xây dựng đất nước sau Hiệp định Ba Lê 1973.
Một trong những sinh viên du học thời đó là Trần Văn Bá, từ Pháp, là một thành viên nồng cốt của Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Paris, mà sau đó vào năm 1980 anh đã trở về để trực diện đối đầu với chế độ cộng sản, rồi bị bắt và bị Hà Nội xử bắn năm 1985.
Trong tác phẩm, tác giả tỏ lòng ngưỡng mộ với Trần Văn Bá, cũng như với nhiều người khác đã dấn thân hoạt động cho một Việt Nam tự do, dân chủ.
Image caption Ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện
Nhiều chuyện tù được tác giả kể lại, từ bát canh lõng bõng nước muối, chuyện ghẻ lở đến những sinh hoạt của tù nhân. Dí dỏm nhất là chuyện về tác giả "Phi lạc sang Tầu" Hồ Hữu Tường, một người lên tiếng vận động cho một nước Việt Nam độc lập, trung lập, thống nhất và đã phải vào tù của cả ba chế độ. Nhưng trong tù ông rất lạc quan, mơ một ngày cộng sản phải nhường quyền cho ông.
Sau bảy năm tù vì tội "in báo bí mật chống cộng sản sau 75", đến Mỹ định cư Đinh Quang Anh Thái đã làm nhiều nghề từ cắt cỏ, lái taxi trước khi làm cho tờ Người Việt, Diễn Đàn Thế Kỷ ở California, làm phát thanh với Đài Á Châu Tự Do ở Thủ đô Washington.
Qua công việc truyền thông ông đã phỏng vấn nhiều người. Trong tập "Ký" đầu tiên tác giả phác hoạ chân dung của một số nhân vật từ miền Nam, như giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, nhà báo Bùi Bảo Trúc, học giả Hồ Hữu Tường, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, bác sĩ Hoàng Cơ Trường. Tập "Ký 2" có những bài phỏng vấn với người miền Bắc như cựu Trung tướng Trần Độ, nhà nghiên cứu Hà Sĩ Phu, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, nhà báo Lê Phú Khải, nhà văn Dương Thu Hương.
Về Tướng Trần Độ, một vị chỉ huy quân sự và một nhà lãnh đạo văn hoá của Hà Nội, sau khi lên tiếng kêu gọi cải cách dân chủ để phát triển đất nước, đã bị khai trừ khỏi Đảng. Qua ngòi bút của tác giả, người đọc thấy cách hành xử của Bộ Chính trị tại đám tang của Tướng Độ đã để lại một vết nhơ trên mặt lãnh đạo Hà Nội.
Nhà văn Dương Thu Hương cũng đã từng phải trả giá khi bà viết lên sự thực về Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa đất nước tụt hậu. Ít khi nhà văn nữ này tiếp xúc với truyền thông Việt ngữ, nhưng bà dành cho Đinh Quang Anh Thái nhiều dịp phỏng vấn để thấy bà rất cương quyết, rất bỗ bã trong ngôn từ dành cho lãnh đạo Hà Nội, là thứ ngôn ngữ của nông dân quê mùa, theo bà như thế mới đúng bản chất của người dân chửi lãnh đạo.
Đọc "Ký" để biết nhà văn nữ sẵn sàng từ các con vì không muốn chúng bị liên lụy, để biết bà không phải là người không còn tình yêu mà thực ra vẫn còn bỏng cháy và đã có lần thầm yêu một người Mỹ gốc Áo.
Hai tập "Ký" của Đinh Quang Anh Thái là những tài liệu ghi lại nỗ lực của nhiều người Việt ở Mỹ, ở Pháp, ở Tiệp và ngay trên quê hương Việt Nam, bằng cách này hay cách khác, kể từ sau biến cố 30/4/1975, để mong đem lại tự do dân chủ cho đất nước.

Bùi Văn Phú gửi cho BBC Tiếng Việt từ San Jose, Hoa Kỳ
Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.263 giây.