Di dân bị trục xuất khỏi Mỹ.
Hơn 100 tin nhắn tưởng chừng “vô hại” gửi cho cô gái Mỹ đã đẩy một sinh viên Việt rơi vào vòng lao lý và trong cảnh sắp bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ.
Từ trại giam của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) ở Pennsylvania, vốn thực hiện các vụ bắt giữ di dân, anh Trần Thái Hưng, 27 tuổi, quê ở thành phố cảng Hải Phòng, cho VOA Việt Ngữ biết rằng anh sang Mỹ du học tự túc từ năm 2009 theo diện visa F1.
Tháng Tám năm ngoái, khi chỉ còn một năm là kết thúc khóa học thạc sĩ về tài chính, anh Hưng vướng vào một vụ anh cho là “vớ vẩn” và bị Đại học Wilmington ở tiểu bang Delaware cho thôi học. Nhưng mọi chuyện không dừng ở đó.
Theo lời kể của sinh viên này, do cuộc sống “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” với người vợ gốc Việt, anh nhắn tin trong nhiều tháng trời cho một cô gái người Mỹ dù cô nói đã có bạn trai.
Anh cho biết đã gửi hơn 150 tin nhắn, trong đó có nhiều tin “chỉ hỏi han sức khỏe” và nhắc cô gái “giữ ấm khi trời lạnh” vì cứ nghĩ nó sẽ “mưa dầm thấm lâu” và “vô hại như ở Việt Nam”.
Nhưng nữ sinh người Mỹ đã lên báo cảnh sát và nam sinh viên người Việt đã bị bắt và bị kết án tại tòa vì tội “quấy rối”.
“Em chưa bao giờ muốn hại ai nên em bị kết tội này rất oan uổng. Em muốn được ra ngoài để có cơ hội tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình vì em sang đây chỉ muốn có cuộc sống tốt đẹp cho mình và giúp gia đình, chứ chẳng ai muốn phạm tội vớ vẩn này và bị đuổi về cả”, anh Hưng nói.
Hàng nghìn người gốc Việt hiện trong diện bị trục xuất, theo ICE.
Theo ICE, sau khi anh Hưng “bị đuổi học”, tình trạng cư trú theo diện không di dân của anh cũng bị chấm dứt. Đại diện của cơ quan này cho VOA Việt Ngữ biết rằng ngày 2/9/2017 lực lượng cưỡng chế thi hành của ICE đã bắt anh Hưng bên ngoài nơi làm việc ở Delaware vì “không tuân thủ các điều kiện cư trú không di dân”.
Hồi cuối tháng Hai năm nay, theo ICE, một thẩm phán về nhập cư đã yêu cầu đưa anh Hưng ra khỏi Mỹ và trở lại Việt Nam, và “vụ việc liên quan tới anh ta hiện vẫn đang được xem xét”.
Trả lời VOA Việt Ngữ, anh Hưng cho biết rằng anh muốn hợp pháp hóa tình trạng của mình để được ở lại Hoa Kỳ bằng việc xin tư cách thường trú nhân theo diện hôn thê với người vợ Mỹ gốc Việt nhưng anh nói rằng cô “không hợp tác” và coi anh như “đã chết rồi” sau khi anh dính vào vụ “quấy rối”.
Khi được hỏi liệu đây có phải là một vụ kết hôn giả để được ở lại Mỹ, anh Hưng bác bỏ và nói thêm rằng nếu giả thì đã xin lấy thẻ xanh, tức thẻ thường trú nhân, ngay sau khi làm đám cưới một năm trước đó.
Nam sinh viên người Việt cho biết đang “kháng án vụ quấy rối, nên phải mấy tháng nữa mới xong”. Anh nhiều lần thở dài khi nói về người thân ở Việt Nam cũng như tương lai của mình.
“Bố mẹ em rất là buồn. Sang đây, chả làm gì mà lại dính vào vụ này, xong lại dính vào tội vớ va vớ vẩn nữa. Bị đuổi về thì bố mẹ em rất buồn. Bố mẹ nào chả buồn”, anh Hưng nói.
Anh Hưng cho rằng tình trạng của mình một phần cũng là vì chính sách về di dân thắt chặt hơn của ông Trump.
Sinh viên 27 tuổi cho rằng tình trạng của mình một phần cũng là vì chính sách về di dân thắt chặt hơn dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Trump.
Anh nói: “Chính sách của ông ấy cứng rắn nên nó cũng làm thay đổi thái độ của thẩm phán, của những nhân viên [ICE] ở đây, thiên về đuổi người nhập cư về nhiều hơn. Ông Trump là tổng thống, là nhánh hành pháp, nên nó ảnh hưởng”.
Khi được hỏi rằng nếu có cơ hội, anh muốn nói gì với nguyên thủ Mỹ, anh Hưng trả lời: “Đa số mọi người muốn đến Mỹ vì cuộc sống tốt đẹp hơn, không phải đến đây để quấy rối hay gây tội gì cả. Ai cũng chỉ muốn tốt cho gia đình mình thôi. Những người di dân tới đây, ông hãy cho người ta một cơ hội, vì có nhiều người đến đây một thời gian lâu rồi, có con cái, gia đình ở đây lâu rồi, không ai mong muốn bị cắt khỏi gia đình cả”.
Theo Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ, tới tháng 12 năm ngoái, có 8.600 người gốc Việt ở Mỹ trong diện có thể bị trục xuất, trong đó “7.821 người phạm tội hình sự”.
Tin cho hay, phần lớn những người này là thường trú nhân hợp pháp và chưa có quốc tịch Mỹ.
Mới đây, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nói rằng ông “từ chức” khi gần hết nhiệm kỳ hồi năm ngoái vì bất đồng với chính sách của Tổng thống Trump, sau khi “bị ép” về kế hoạch trục xuất người gốc Việt, nhất là những di dân tới Mỹ sau Chiến tranh Việt Nam, mà ông nói “không có tổ quốc để trở về”.
Trong khi đó, theo nhà ngoại giao này, phía Việt Nam lưỡng lự, không muốn nhận lại vì sợ họ "gây rối".
Theo VOA