Blogger Đinh Nhật Uy (Nguồn : danlambaovn.blogspot.fr)Trong một bản thông cáo báo chí công bố tại New York vào hôm qua, 02/07/2013, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo CPJ (Committee to Protect Journalists) đã bày tỏ thái độ quan ngại sâu sắc về cuộc điều tra đang tiến hành nhắm blogger Đinh Nhật Uy. Đây là blogger thứ ba bị chính quyền Việt Nam bắt giữ trong vòng một tháng, trong khuôn khổ một chiến dịch mà CPJ mệnh danh là « tăng cường đàn áp » các tiếng nói phê phán chính phủ.
Bản thông cáo trích lời ông Bob Dietz, điều phối viên chương trình Châu Á của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo – tổ chức bảo vệ các nhà báo trên thế giới có trụ sở tại New York – xác định : « Ba vụ bắt giữ trong một tháng là dấu hiệu cho thấy là Việt Nam đang tăng cường đàn áp các nhà báo trực tuyến bất đồng chính kiến ». Đối với ông Bob Dietz, như vậy là « hồ sơ nhân quyền của Việt Nam vẫn tiếp tục ảm đạm bất chấp thành công kinh tế của nước này ».
CPJ đã dựa vào các nguồn tin báo chí để nhắc lại rằng blogger Đinh Nhật Uy bị cáo buộc « lạm dụng tự do dân chủ », một tội danh có thể bị đến 7 năm tù theo điều 258 của Bộ Luật Hình sự của Việt Nam. Ông Uy bị cầm giữ ba tháng để điều tra, sau khi bị bắt ngày 15/06 vừa qua tại tỉnh Long An (miền Nam Việt Nam).
Theo giới điều tra Việt Nam, blogger này đã bị bắt vì đã tập hợp và công bố các bài viết và hình ảnh bóp méo sự thật trên blog của mình, bôi nhọ uy tín của các cơ quan Nhà nước. Các nguồn tin báo chí cho biết là máy vi tính, điện thoại, đĩa cứng, sách vở, tài liệu tại nhà của blogger này đều bị tịch thu.
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo cũng ghi nhận là trước khi bị bắt, blogger Đinh Nhật Uy đã nhiều lần bị công an triệu mời sau khi em trai ông là Đinh Nguyên Kha, một chuyên viên máy tính, bị bắt vào tháng 10/2012 về tội tuyên truyền chống Nhà nước.
Vụ bắt giữ ông Đinh Nhật Uy xẩy ra chỉ ít lâu sau hai vụ bắt giữ khác nhắm vào hai blogger tên tuổi là ông Phạm Viết Đào và Trương Duy Nhất.
Trong bản thông cáo báo chí, CPJ đã nhắc lại thái độ quan ngại của mình trước việc chính quyền Việt Nam, trong năm qua, đã siết chặt gọng kềm trên các phương tiện truyền thông cũ và mới, thông qua một chiến dịch kiểm duyệt, giám sát, và bắt giam và truy tố. Trong những năm gần đây, chiến dịch đàn áp đã nhắm nhiều hơn vào các nhà báo mạng.
Source: RFI