Mấy năm trước người Mỹ gốc Việt trong vùng Little Saigon và trên các trang nhà của nhiều tổ chức đấu tranh trên xa lộ Internet có nổi lên một phong trào vận động xin chữ ký yêu cầu Đại diện Thương Mại Mỹ, Đại sứ Robert B. Zoellick, phải thương lượng sửa lại điều khoản C1 và H của Hiệp Ước Thương Mại Song Phương (gọi tắt Thương Ước) giữa Washington-Hà nội. Đó là điều khoản tạo ra giao lưu văn hoá một chiều, Hà nội-Washington, mà người Mỹ gốc Việt là nạn nhân bị tước đoạt quyền phổ biến tư tưởng, phát hành văn hoá phẩm sách, báo, băng nhạc, v.v... ở VN, trong khi CS Hà nội được tự do du nhập văn hoá phẩm mọi loại vào Mỹ, quê hương thứ hai của người Việt thế hệ thứ nhứt và nước nhà của người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ hai sanh tại Mỹ. Một bất công đã tạo nhiều cuộc phản đối biểu tình mạnh từ khi có Thương Ước giữa Washington - Hà nội đến giờ.
Phong trào nổi lên hợp thời cơ và thuận nhơn hoà. Thương Ước theo qui định sau 3 năm thực hiện sẽ duyệt lại một lần, lần đầu vào tháng 11 năm 2004. Nếu không có ai đặt vấn đề, khiếu nại, đương nhiên sẽ được gia hạn 3 năm nữa, đến tháng 12 năm 2007 chẳng hạn.
Phong trào này hợp với lòng dân Mỹ cũng đòi hỏi xét lại Thương Ước. Tiêu biểu, dân Mỹ nuôi và bán cá đã đấu tranh kiên quyết và thắng CS Hà nội trong vụ kiện cá ba sa, CS làm ăn không theo tiêu chuẩn kinh tế thị trường đem cá ba sa qua Mỹ bán phá giá thị trường Mỹ, bị phạt đánh thuế lên gần 70%. Dân Mỹ nuôi, lưới và bán tôm đang đấu tranh kiên quyết sắp thắng CS Hà nội đã làm ăn cũng không theo tiêu chuẩn kinh tế thị trường đem tôm qua bán phá giá thị trường Mỹ. Dân Mỹ làm dệt may Mỹ bị CS Hà nội cướp miếng bánh mì vì CS Hà nội trả công rẻ mạt cho công nhân VN nên giá thành hàng dệt may của CS thấp đem qua Mỹ bán phá giá thị trường; chánh quyền Mỹ đã cắt giảm hạng ngạch nhập của CS Hà nội. Quan trọng nhứt, CS Hà nội đang làm màu, o bế Mỹ để được Mỹ ủng hộ vào Tổ chức Mậu dịch quốc tế WTO. Đây là cơ hội bằng vàng để người Mỹ và người Mỹ gốc Việt đòi hỏi giao lưu văn hoá công bình, có qua có lại, mà chánh quyền Clinton đã vô tình hay cố ý bỏ quên văn hoá phẩm Mỹ gốc Việt và tước đoạt quyền phổ biến tư tưởng hiến định của công dân Mỹ gốc Việt.
Cuộc đấu tranh cũng hợp với truyền thống và sắc thái của quốc gia và xã hội Mỹ. Mỹ là nước của những người nhập cư. Xã hội Mỹ đa sắc tộc, đa văn hoá. Văn hoá Mỹ đa dạng. Không lý do gì, không ai có quyền bỏ quên, hy sinh một nền văn hoá đã là thành tố của văn hoá Mỹ một phần ba thế kỷ trở lại đây. Đó là nền văn hoá của người Mỹ gốc Việt.
Nền văn hoá Mỹ gốc Việt đó không bị xã hội, chánh quyền và nhân dân Mỹ bỏ quên trong nội địa Mỹ. Trái lại nó được giúp đỡ phát triển sum sê nhờ giống tốt ở nước nhà được vun trồng trên đất nước và bầu không khí tự do của xã hội đa nguyên, đa văn hoá Mỹ. Tuy nhiên con người Mỹ gốc Việt của nền văn hoá Mỹ gốc Việt ấy cũng như nền văn hoá Mỹ gốc Việt hoàn toàn bị chánh quyền của TT Clinton bỏ quên khi tái lập bang giao và giao thương với CS Hà nội.
Công dân Mỹ gốc Việt hoàn toàn bị bỏ quên ở VN trong hiệp ước bang giao giữa Washington-Hà nội. Công dân Mỹ gốc Việt sanh ngoài hay trong nước Mỹ đều không được sự bảo vệ của hiệp ước bang giao ấy, do chánh quyền Clinton ký với CS Hà nội. TT Clinton thả nổi một cách khó hiểu và không thể chấp nhận được quyền bảo vệ công dân Mỹ gốc Việt ở Việt Nam, điều mà hầu hết các hiệp ước bang giao của Mỹ với các nước khác đều có. Trái lại, CS Hà nội kiên quyết xem bất cứ người Việt sanh ở VN hay ở ngoại quốc dù đã nhập quốc tịch nước nào rồi đi nữa đều cũng còn là công dân của chế độ CS Hà nội, nếu chưa có giấy phép từ bỏ quốc tịch Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Nền văn hoá Mỹ gốc Việt, quyền phổ biến tư tưởng của công dân Mỹ gốc Việt cũng hoàn toàn bị bỏ quên trong Hiệp Ước Thương Mại Song Phương được hình thành và ký kết trong thời TT Clinton nắm chánh quyền. Điều khoản C1 và H của Hiệp ước này cho phép CS Hà nội độc quyền và tự do đưa văn hoá phẩm, sách, báo, tạp chí, phim ảnh, băng nhạc của CS Hà nội vào Mỹ, trong khi đó những sản phẩm tinh thần của người Mỹ hiệp ước chấm chấm để đó, chờ ngày hai bên thương thảo lại cho nhập vào VN, mà không nói kỳ hạn rõ ràng. Thương Ước đó hết hạn vào giữa tháng 11, nếu không có khiếu nại sẽ tự động được gia hạn thêm 3 năm nữa. Và những cái chấm đó cứ dài dài đến bây giờ, thiệt hại cho công dân Mỹ nói chung và công dân Mỹ gốc Việt nói riêng sẽ dài dài hơn.
Vấn đề rõ như ban ngày là văn hoá phẩm của người Mỹ gốc Việt là thành tố của nền văn hoá Mỹ. Không một người Mỹ công chính nào có thể chấp nhận một giao lưu văn hoá một chiều Hà nội-Washington, mà bế toả chiều Washington-Hà nội. Trừ ra chánh khách kỳ thị chủng tộc, chống Chiến tranh VN còn sót lại, không một chánh khách công chính nào không xem nền văn hoá của người Mỹ gốc Việt không phải là văn hoá Mỹ. Sáng tác, sáng tạo tại Mỹ, bởi công dân Mỹ. Lưu hành khắp nước Mỹ. Bán đóng thuế vào ngân sách quốc gia Mỹ. Lưu ký tại Quốc Hội Mỹ. Tiếng Việt tuy không phải là chuyển ngữ của công quyền Mỹ như tiếng Anh nhưng là ngôn ngữ được chánh quyền thừa nhận như tiếng của những khối thiểu số như Hispanics, Đức, Pháp được cơ quan công quyền dùng, trường học dạy như sinh ngữ ở nơi có nhiều người Việt sinh cư lập nghiệp.
Người Mỹ Gốc Phi Châu phải tranh đấu chống kỳ thị chủng tộc hàng thế kỷ mới không bị kỳ thị chủng tộc như ngày nay. Hiến Pháp, luật pháp mới tu chính sửa lại cho hợp với lẽ công bằng. Thì không lý do gì người Mỹ gốc Việt không tranh đấu để hủy bỏ những điều khoản vi hiến, bất công và kỳ thị, mà TT Clinton và chánh quyền của Ông đã vô tình hay cố ý bỏ quên, tước đoạt quyền công dân và quyền phổ biến tư tưởng của công dân Mỹ gốc Việt. Tự do, dân chủ, không xin mà có -- đấu tranh mới được.
Các tổ chức sản xuất băng dĩa nhạc, phát hành sách báo, các cơ sở làm báo chí, truyền thanh, truyền hình, là những người bị thiệt hại nhiều nhứt, hiểu biết sự bất công này nhứt, là những người, những cơ quan có thế đứng hàng đầu trong các cuộc khiếu nại, tranh đấu đối với chánh quyền Mỹ./
Vi Anh