Nhìn đồng hồ. Còn đúng năm phút. Đẩy cửa bước vào. Tiếng chuông kính coong. Một loạt những con mắt ngước lên nhìn. Căn phòng hình vuông, nhỏ, và lúc này thì quá là chật chội. Hai bức vách hai bên mỗi bên bốn chiếc ghế, phía vách tường có khung cửa chính thì chỉ có ba chiếc ghế. Tất cả đều có người ngồi. Trong chớp mắt, nhận diện được ba người lớn, năm thiếu niên và ba trẻ nhỏ. Cạnh thứ ba của khung vuông là quầy tiếp khách có khung kính che kín, chỉ hở khoảng hẹp bên dưới, vừa đủ để đẩy cái máy tính tiền và mảnh giấy cho khách ký hồ sơ. Những con mắt ngước nhìn chỉ một giây là chán, lại tiếp tục dán vào cái điện thoại di động (mấy cô cậu teenagers), mấy cái I-pad (mấy em bé) và dán miệng vào cái điện thoại (hai vị người lớn), chuyện trò râm ran như chỗ không người.
Bước vào. Tay đặt lên ngực, chẳng phải để nén những nhịp tim không đều mà để kiểm lại cho chắc ăn là cái đinh ốc nhỏ xíu có còn trong túi áo hay không. Dựa vào quầy, nhướng con mắt chờ đợi. Bà thư ký đang dán mắt vào màn hình máy điện toán. Chờ nhé, tự nhủ. Và kiên nhẫn chờ. Điện thoại trên bàn reo vang. Bà thư ký vẫn dán con mắt vào màn hình. Cái điện thoại vẫn kiên nhẫn réo gọi. Kẻ nào đó ở đầu dây kia có thừa kiên nhẫn để chờ đợi. Đầu này bà thư ký cũng đủ kiên trì để không thèm nhấc cái ống nghe lên mà hello. Điện thoại vẫn réo. Hai con mắt vẫn dán vào màn hình. Khách đứng dựa hẳn vào quầy, đưa cái mặt lại gần khung kính hơn. Nếu là mùa đông, hơi thở chắc chắn đã làm mờ khung kính. Nhưng bây giờ đã giữa mùa xuân. Trời âm ỉ nóng. Và hơi người ngột ngạt trong căn phòng chật hẹp. Chuông điện thoại vẫn réo vang, lẫn vào tiếng máy khoan rin rít vọng ra từ những căn phòng vuông vức phía sau. Pick up the phone, please. Giọng phụ nữ từ trong vọng ra. I am in the middle of something. Bà thư ký gằn giọng đáp lời.
Ngỡ ngàng. Không biết làm gì, đành đứng ỳ ra đó, chờ.
4:10 pm
Điện thoại ngưng. Bà thư ký vẫn dán mắt vào màn hình máy điện toán. Hình như trên khóe môi mong mỏng một nụ cười. Nhất định là bà thư ký đang xem tường trình đám cưới của Hoàng Tử Harry và công nương Meghan đồng thời bấm mute để không ai phát hiện ra được. Mình Hello một câu để đánh thức bà thư ký. Ba mươi giây sau, cái đầu bà thư ký hơi nhúc nhích, nhưng con mắt vẫn dán vào màn hình, Hello.
Vậy là văn phòng đã biết mình có mặt. Yên trí là sẽ được gọi vào khi đến phiên mình. Từ từ lùi bước. Nhìn quanh. Ba phía vách tường vẫn đông người. Nhìn lướt thôi (cho khỏi mang tiếng bất lịch sự) nhưng cũng điểm được những khuôn mặt. Ba bà mẹ Ấn Độ, Phi Châu, và Trung Mỹ với một ông bố Việt Nam. Đoán thế, bởi nghe họ chuyện trò. Mấy bà mẹ đi với đám teenagers. Ông bố Việt Nam đi với hai đứa con bé tí. Thầm nghĩ nếu là mình là cái ông Việt Nam này, mình sẽ bế một đứa con, cho nó ngồi trên lòng, nhường ghế cho người khách lớn tuổi đang đứng lớ ngớ giữa phòng đợi (là tôi) này. Nhưng mà đâu phải ai cũng biết nghĩ như thế. Tôi nhìn lướt ba bố con ông Việt Nam. Ông bố Việt Nam vẫn ngó lơ. Tôi biết họ Việt Nam chính cống bởi nghe đứa bé, “Daddy, lát nữa mình đi Harvey không?”
4:20 pm
Không có chỗ nào để đứng trong lúc chờ nên cứ xớ rớ, quay phải rồi lại quay trái, xoay ngang rồi xoay dọc. Điện thoại trong văn phòng lại reo. Lần này bà thư ký bắt lên và một cuộc cãi cọ lao xao cả phòng đợi. Không có bảo hiểm thì ráng chịu chứ ai chịu cho mình. Muốn bớt thì phải nói trước. Làm xong rồi thì phải trả tiền.
4:30 pm
Đứng một hồi mỏi chân, đẩy cửa, bước ra ngoài. Tiếng chuông cửa kính coong nghe vui tai. Nhìn quanh quất chung quanh. Thắc mắc: Bãi đậu xe ở sân sau vắng vẻ sao trong phòng đợi lại đầy khách. Và ngạc nhiên. Rồi lại nhìn quanh. Chẳng có chỗ nào để tạm nương thân. Đành ngồi ngay xuống bậc thềm, mở túi xách, lấy cái laptop ra, viết những dòng này. Đã mấy lần đến đây nên đã quen chờ đợi. Lần đầu, cứ tưởng giờ giấc bên này là quan trọng nên đi tay không. Ai ngờ chờ dài cổ. Lúc chờ thì không biết làm gì và cũng không thể làm gì. Hôm nay biết khôn, mang theo cái laptop và luôn cả cuốn truyện để đọc trong lúc chờ.
Bạn thân mến. Hôm nay tôi viết cho bạn trong khi chờ tới phiên mình chữa răng. Và chỗ tôi đang ngồi để gõ những dòng này là hiên sau văn phòng nha sĩ của tôi. Lần nào cũng chờ. Và không chỉ chờ năm, mười phút. Mỗi lần như thế tôi lại phải hình dung đến những bệnh nhân ở Việt Nam. So với những cực hình mà bệnh nhân cũng như người nhà của họ phải gánh chịu thì chuyện chờ đợi một hai tiếng đồng hồ của tôi chẳng nghĩa lý gì.
4:40 pm
Bạn sẽ bảo không hài lòng thì đổi người khác, việc gì phải theo đuổi rồi cằn nhằn. Tôi cằn nhằn bởi trước đây tôi cũng đã từng có nha sĩ. Và giờ giấc với ông nha sĩ đầu đời của tôi ấy thật tuyệt vời (tại sao cái gì đầu đời – ví dụ: tình đầu – đều tuyệt vời nhỉ). Bạn chỉ cần tới trễ một phút thôi là bạn đã thấy nha sĩ đang chờ trong phòng khám. Bạn tới sớm một phút thì nha sĩ vừa xong với bệnh nhân trước và đúng giờ hẹn là bạn được mời vào. Ông nha sĩ ấy (than ơi!) đã về hưu, tôi bơ vơ mất một thời gian dài. Rồi cứ khất lần tới khi có cái răng đau. Tôi mò mẫm tìm ông nha sĩ gần nhà. Ông nha sĩ gần nhà và đám nhân viên của ông, từ thư ký đến phụ tá nói tiếng Anh nghe vô cùng vất vả. Trước khi khám, ông ta đi một đường thuyết minh về cái tủ hồ sơ để ngay sau lưng cô thư ký. Rằng ông làm ăn có lương tâm, ông được khách tín nhiệm đếm không xuể, cứ nhìn mấy cái ngăn đựng hồ sơ kia thì biết. Rồi ông gật gù rằng trám cái này chỉ tốn khoảng hai trăm bạc. Nghe rào đón như thế tôi cũng đem lòng tín nhiệm cái nhà ông khoác áo blouse trắng ấy. Soi cái gương bé tí trong miệng người bệnh, lấy máy chụp hình bấm vài tấm xong, ông bảo cái này trám không thôi chưa đủ, nhiều khi phải giải phẫu nữa mới được. Và ông giới thiệu cái máy laser gì đó, phát minh mới nhưng vô cùng cần thiết. Không dùng nó thì chỗ trám không được lâu dài. Và muốn trám cho bền thì cần cắm mấy cái đinh bằng kim loại tốt để không bị han rỉ vân vân và vân vân. Rồi ông đưa tờ giấy viết tay lem nhem bảo tôi ký, đại khái làm phẫu thuật này có chết thì rán chịu. Tôi không thắc mắc vì cái chuyện chết thì rán chịu nhưng tôi rất khó chịu những câu tiếng Anh sai văn phạm vô cùng sơ đẳng. Tuy nhiên, tôi cũng nhắm mắt ký cho xong chuyện.
4:50 pm
Bạn thân mến. Tôi vẫn ngồi chờ ở hiên sau phòng khám nha khoa trong khi viết tiếp những dòng này.
Tới đâu rồi nhỉ? À, ký cái giấy viết tay lem nhem của ông nha sĩ gần nhà. Ký xong, ông nha sĩ bắt đầu làm việc. Cứ sau vài động tác, ông lại dùng cái máy ảnh nhỏ chụp hình những chiếc răng của tên bệnh nhân khốn khổ là tôi. Tới mức tôi có cảm tưởng mình đang tham gia một photoshoot. Rồi ông đâm kim. Rồi ông ta bảo mới dùng tia sáng (ông ta nói là thần diệu) laser làm gì đó (có trời biết – bởi tôi có thấy cái máy laser nào đâu) xong. Rồi ông khoan, ông đục. Ông chạy ra chạy vào phòng khám tìm kiếm lung tung. Rồi cũng xong.
Và tôi suýt ngất đi khi con bé thư ký đưa cho cái hóa đơn 975 đồng tiền Nữ Hoàng.
Đó vẫn là chuyện nhỏ. Chuyện lớn là cái răng (mà ông nha sĩ bảo rằng) đã từng được chữa bằng tia sáng laser thần kỳ, rồi giải phẫu, rồi đục, rồi khoan, rồi gài chốt kim loại quý, rồi trám… ngày hôm ấy chỉ dùng được chưa tới một tuần thì vỡ ra một mảnh bên hông và cục xi măng rơi ra theo.
Cho tới hôm nay, mỗi lần chạy xe qua phòng mạch gã lang băm ấy tôi không thể không thốt ra mấy chữ (cho mình tôi nghe): Đồ lang băm! Charlatan! Scammer! Bạn bè bảo sao không vạch mặt chỉ tên cái tên trộm cướp ấy, tôi thì nghĩ chuyện đã qua, cho qua luôn. Và tôi lại nghĩ (sao cứ phải nghĩ nhỉ) so với đồng bào mình đang gian nan ở cái đất nước Việt Cộng tù ngục kia thì mình còn hạnh phúc hơn họ gấp ngàn lần. Bởi tôi vẫn nhớ hồi còn ở trong nước, cái lần đem thằng cháu đi nha sĩ, chị nha sĩ (vừa hồng vừa chuyên) đâm kim, chích thuốc tê xong, nhổ ngay lập tức, thuốc tê chưa ngấm, thằng nhỏ giẫy lên bần bật. Về nhà phát hiện ra cái răng sâu vẫn còn trong miệng.
5:00 pm
Vẫn chờ. Đám bệnh nhân chưa thấy ai mở cửa đi ra, nghĩa là trong phòng đợi chưa có ghế trống.
Vậy thì mình tiếp tục viết về cái sự đi nha sĩ của mình ngày hôm nay. Sẽ viết trong khi chờ đợi xem buổi hẹn nha sĩ có giúp mình hoàn tất một bài viết vớ vẩn nào đó không.
Bạn thân mến. Không biết bạn có cảm giác lo âu khi sắp đến giờ hẹn nha sĩ không, riêng tôi, gần đến ngày hẹn nha sĩ tôi luôn thấy bất an, nhất là từ khi tìm được ông nha sĩ hiện tại, nha sĩ mà lát nữa đây tôi sẽ há rộng miệng để ông ta đục đẽo. Ngày xưa tôi không bao giờ có cảm giác ấy. Tâm trạng bất an hệt như cảm giác mà tay cảm tử quân trải qua khi cố vượt qua những tuyến phòng thủ của đối phương, và xoay sở làm sao để an toàn tính mạng mà trở về.
Tuyến phòng thủ thứ nhất: Quầy tiếp khách. Ông nha sĩ là di dân từ một nước nghèo không khác gì Việt Nam mình, còn bà thư ký là người Việt như tôi. Có phải vì vậy mà khi di dân qua nước khác, họ mang theo cả những hành trang tâm lý cồng kềnh. Bà thư ký có lối nhìn người bệnh như người ta nhìn những kẻ khốn cùng, đến trông chờ sự cứu giúp. Không bao giờ có được một lời chào trọn vẹn câu chữ hay một nụ cười thường thấy ở những receptionists người Canada thứ thiệt (thay vì dùng chữ “da trắng” nghe nặc mùi kỳ thị, tôi chọn chữ “thứ thiệt” bởi dân receptionist thứ thiệt thì bất kể màu da hay nguồn gốc, luôn bặt thiệp, lịch sự, và đặc biệt ở những cơ sở phục vụ về sức khỏe thì luôn giúp cho người bệnh cảm thấy yêu đời dù chỉ trong phút giây.) Thêm vào đó bà thư ký này sẵn sàng cho nổ tung cơn giận nếu người bệnh (lắm chuyện) có những thắc mắc về bệnh lý hoặc nêu ra những sai sót trong việc tính tiền vân vân.
Tuyến phòng thủ kế tiếp là phòng khám. Lần đầu tiên khám răng, tôi bị ông nha sĩ đánh phủ đầu (y như đám luật sư lần đầu nói chuyện với thân chủ luôn làm ra vẻ nghiêm trọng – Vụ này chắc sẽ phải ở tù lâu lắm!). Tính làm cái răng, nghe nói sẽ tốn khoảng chục ngàn, ai mà không ngại. Hẹn nha sĩ. Nha sĩ bảo nên làm cái này, cái này, cái này, dùng phẫu thuật này, phẫu thuật kia, kỹ thuật nọ, kỹ thuật kia rối tung lên. Tôi hỏi làm như vậy tốn bao nhiêu. Chỉ có vậy mà ông nha sĩ nổi nóng. La lối um sùm đại khái là ta đây là nha sĩ có lương tâm, ta đây quan tâm đến sức khỏe người bệnh chứ ta không chú ý đến tiền bạc. Ta đây không muốn người bệnh dọ giá cả ở đây rồi đi làm chỗ khác.
Hôm ấy tôi bảo tôi cũng quan tâm đến sức khỏe nhưng tôi là người trả tiền nên tôi phải quan tâm luôn đến chuyện tiền bạc. Và tôi không có thì giờ đồng thời cũng không hề có ý định đi dọ giá cả.
Cái nhìn gườm gườm của ông nha sĩ ngày hôm ấy in đậm trong trí nhớ tôi đến độ tới bây giờ, dù ông gọi tôi là brother tôi vẫn thấy rờn rợn vì cái nhìn ấy.
5:15 pm
Đã quá giờ hẹn một giờ mười lăm phút. Ông bố người Việt đã dẫn hai con ra về. Tôi lò mò vào phòng đợi. Bây giờ thì có ba ghế trống. Bà thư ký kêu lại, đưa cho xấp giấy khai lý lịch bệnh tật. Anh điền dùm cái này. Tôi nhìn lướt qua tờ giấy, thấy mình đã biến thành phụ nữ với cái tên Ann. Rồi tôi nhận ra đây là tờ thẩm định giá cả. Những con số làm mình ngây ngất. Tôi lật trang sau. Gặp tờ cam kết rằng nha sĩ sẽ không chịu trách nhiệm nếu thế này thế nọ vân vân và vân vân. Phòng nha khoa này khá hơn sào huyệt của gã scammer dạo trước. Giấy tờ không viết tay lem nhem mà in đâu ra đó, rõ ràng và rành mạch.
Tôi điền kín trang giấy, chỉ bỏ trống đoạn: Nếu là nữ thì bạn có đang mang thai không?
Nộp xấp giấy cho bà thư ký, tôi móc túi lấy cái hộp bé tí có cái đinh ốc rơi ra từ chiếc răng đang làm dở dang hôm trước, đưa cho bà. Bà lắc đầu: Khỏi cần!
Tôi bỏ chiếc đinh ốc vào túi áo. Và tiếp tục chờ.
5:25 pm
Tôi được gọi vào. Mừng nhé. Đến phiên mình rồi. Cô phụ tá dẫn vào phòng làm răng. Ngồi lên đây. Cất cái laptop đi. Há miệng. Ngậm cái phim. Chụp nhé. Rồi, cảm ơn. Cô phụ tá nói tiếng Anh khó nghe, nhưng cũng đoán được. Chờ. Lại chờ.
5:35 pm
Chán quá, nhổm dậy, lục túi lấy cuốn truyện ra đọc. Hôm nay đã khôn ra nhiều bởi biết chờ ở phòng chờ đợi chưa đủ, vào phòng khám vẫn còn phải chờ. Và cái sự chờ nơi đây cũng lâu không kém. Thầm cảm ơn mình đã mang theo cuốn sách để giết thời giờ. Loại sách bỏ túi. By Grand Central Station I Sat Down and Wept của Elizabeth Smart. Cái cô Elizabeth này tội nghiệp hết sức. Hiến trọn cả một đời cho tình yêu. Cái tựa truyện nghe nói tới nhiều mấy mươi năm trước khi còn ở Việt Nam (khi Việt Nam chưa thành Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam – gọi tắt là Việt Cộng). Cuốn sách mỏng. Ngôn ngữ thơ. Đẹp và buồn. Tiếc là không được phổ biến và yêu thích như L’Amant của Marguerite Duras.
5:40 pm
Ông nha sĩ vào tới. Long live my Dentist! Muốn reo lên như thế. Khỏe không Brother? Cái vỗ nhẹ trên vai. Chiếc lưng ghế ngả ra sau. Đầu dốc ngược. Khung đèn tròn che mất một khoảng trần nhà màu trắng đục. Những ngọn đèn sáng trắng, chói lòa con mắt.
6:25 pm
Xong. Ông nha sĩ vỗ vai, nồng nhiệt câu nói, Tôi ghim cho bạn cái đinh ốc mới, cái cũ (đang nằm trong túi áo mình) không dùng được nữa. Tôi làm cho bạn như làm cho my brother, chứ không phải chỉ như làm cho bệnh nhân. Tôi gật gù: Đa tạ. Đa tạ. Rán cười cho tươi. Cái miệng chắc sưng vù. Đoán vậy bởi thấy cái mặt nặng nề như có đeo thêm tảng đất sét bên ngoài. Bà thư ký đưa cái hóa đơn. Bần thần nhìn những con số. Sao còn nhiều thế này. Bệnh nhân thắc mắc một cách rụt rè. Đúng rồi chứ nhiều đâu mà nhiều. Bà thư ký hùng hổ trấn áp. Hôm trước đã trả cả ngàn đồng rồi. Bệnh nhân cả quyết, bởi hôm trước thực sự là đã trả một số tiền không nhỏ. Bà thư ký đăm chiêu nhìn màn hình máy điện toán. Và gật gù: Đúng rồi, để trừ số tiền ấy ra. Bệnh nhân đứng chờ điều chỉnh. Và đưa cho bà thư ký cái thẻ tín dụng. Mất toi cả tuần lương. Lại thầm khen mình có trí nhớ tốt là hôm trước đã trả một phần tiền, chứ không thì mất toi hai ba tuần tiền lương nữa.
6:30 pm
Vào xe ngồi, viết tiếp. Để tôi kể lại cho bạn nghe những gì xảy ra trong tôi lúc ngồi trên ghế, ngoác miệng ra để ông nha sĩ hành sự.
Ông nha sĩ đang khoan cái răng, bà thư ký réo từ phía trước: Doctor ơi, Mister (gì gì đó) đòi nói chuyện với ông. Ông nha sĩ ngoái cổ ra sau: Bảo nó tôi đang bận. Bà thư ký gào: Nó không chịu. Nhùng nhằng qua lại một hồi, ông nha sĩ bỏ bệnh nhân (là tôi) với cái răng đang khoan dở dang, ra đấu võ miệng với một tên bệnh nhân.
Trước khi bắt điện thoại, ông ta lẩm bẩm, This guy is getting on my nerve!
Chờ. Cuối cùng thì cuộc đấu đá nha sĩ vs bệnh nhân, chủ tiệm vs khách hàng, chủ nợ vs con nợ… cũng xong. Ông nha sĩ vào tiếp tục khoan khoan, đục đục. Bỗng tiếng Việt oang oang: Em ơi, muốn tới Yorkdale Mall thì exit highway 401 chỗ nào? Nghe ra giọng bà thư ký. Và ở phòng kế bên oang oang tiếng Việt trả lời: Chị phải exit ở khúc đường Allen. Allen là đường nào, ở đâu, tao có biết đâu.
Thì ra ở phòng kế bên có cô hygienist người Việt. I don’t know, ask A. (A. là tên gọi của ông nha sĩ.) Rồi cuộc đối thoại tiếng Việt ấy chuyển sang tiếng Anh: Doctor A. where do I exit…
Ông nha sĩ ngưng máy khoan, suy nghĩ tìm câu trả lời.
Bệnh nhân (là tôi) biết đường nhưng đang ở trong tình trạng há miệng thì mắc quai nên không giúp gì được.
Phòng nha khoa không rộng cho lắm nên mọi câu đối thoại đều vang vọng khắp chốn. Giọng bà thư ký gắt gỏng bằng tiếng Anh trên điện thoại. Giọng bệnh nhân ngồi chờ, buồn tình tán gẫu tiếng Spanish, tiếng Punjabi trên điện thoại di động, tiếng máy game leng keng từ I-pad của lũ trẻ. Những câu đối thoại tiếng Việt giữa hai cô nhân viên về món bún bò Huế ở một nhà hàng mới mở ở Toronto, về một cô mới được chồng bảo lãnh ở Việt Nam qua nhận làm món nem nướng Ninh Hòa ngon tuyệt.
Tôi chìm trong vũng âm thanh ấy. Và thỉnh thoảng lại giật bắn người vì cái dùi đang khoan trong miệng.
Thôi. Chừng đó cũng đủ để lát nữa về phải uống hai viên Advil không phải để ngừa cái đau ở chiếc răng mới bị đục đẽo mà để chống lại cơn nhức đầu sau một buổi hẹn đáng nhớ ở phòng khám nha khoa; cái nơi giúp người bệnh rèn luyện bao nhiêu là đức tính, trong đó quan trọng nhất là đức kiên nhẫn.
Và tôi hiểu ra rằng chả việc gì phải nổi điên lên vì chờ quá lâu bởi lâu cỡ nào thì rồi cũng phải tới phiên mình.
Ơi, cái răng, cái tóc!
Khúc An