logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
phai  
#1 Đã gửi : 27/05/2018 lúc 10:09:03(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
A/ Truyện “The Thaw” (Băng Rã) của Ilya Ehrenburgh

1/ Bối Cảnh Lịch Sử

Stalin sinh năm 1878, tham gia đảng cộng sản bôn sê vich Nga năm 1917, làm tổng bí thư đảng cộng sản Nga năm 1922, thay thế Lenin lãnh đạo Liên Bang Xô Viết sau  khi Lenin chết ,  tháng giêng năm 1924, cai trị Liên Xô dưới chế độ độc tài cá nhân trong 30 năm cho đến khi chết ngày 5 tháng 3 năm 1953. Đó là 30 năm bóng tối và băng giá cho nhân dân Liên Xô nói riêng và cho đế quốc cộng sản toàn thế giới nói chung. Những cuộc thanh trừng nội bộ đẫm máu từ 1936 dến 1940, những trại cưỡng bách lao động Gulag, những nông trường tập thể kolkhoz, những chính sách thi đua sản xuất quá sức người…là những địa ngục có thật trong cõi người.

Ilya Ehrenburgh (1891-1967) , gốc Do Thái được xem là nhà văn xô viết thuần thành cho đến năm 1954 khi ông xuất bản tác phẩm The Thaw mà nội dung tả thực phê phán tính cách phản nhân tính của chế độ cộng sản.  

2/ Nội Dung Truyện The Thaw

Nguyên tác bằng tiếng Nga nhan đề : OTTEPEL có nghĩa sự tan rã của tuyết và băng vào cuối mùa đông và tiết trời trở nên ấm áp hơn vào đầu mùa xuân

Truyện diễn tả nội tâm của hơn mười nhân vật trong một nhà máy ở một tỉnh lẻ, xoay quanh ba nhân vật chính : Zhuravlyov, giám đốc nhà máy ; Lena, giáo viên, vợ Zhuravlyov, và Koroteev, kỹ sư máy. Thời gian là từ mùa đông đầu năm 1953 trước cái chết của Stalin hai tháng. Nội tâm mỗi nhân vật là một đời sống thực sinh động phong phú trong khi họ phải đeo mặt nạ để nói những điều giả dối trong đời sống tập thể.

Zhuravlyov là một loại cán bộ giả bộ phục nhân dân, kỳ thực chỉ lo tiến thân. Tiền quỹ đáng lẽ dùng để xây nhà cửa cho công nhân vốn rất tồi tệ, hắn dùng để xây thêm lò đúc mong vượt chỉ tiêu thi đua. Cấp bộ trung ương biết nhưng cũng lờ như không biết vì muốn báo cáo  thành tích lên cấp cao hơn. Như thế là các cấp cán bộ lừa dối dây chuyền từ dưới lên trên. Công nhân nhà máy cũng như dân trong tỉnh biết hết nhưng vì sợ trù dập mà im miệng.

Lena lấy Zhuravlyov sáu năm trước vì thấy hắn năng nổ làm việc . Nhưng trong đời sống hôn nhân , hắn khô khan, có thái độ lạc quan rỗng tuếch,  luôn nói về những con số thi đua, những thành tích , không bao giờ có lời tâm tình với vợ. Lena chán nản muốn ly dị, nhưng chần chờ vì còn đưa con 5 tuổi, bé Shura.

Một lần bé Shura bịnh, Lena mời bác sĩ Vera đến , nhân đó Lena biết được thái độ của Zhuravlyov đối với Vera. Số là vào ngày 13 tháng giêng năm 1953, báo Pravda và Izvestya tung ra chiến dịch tố cáo 9 bác sĩ cao cấp trong đảng có âm mưu giết hại những đảng viên cao cấp và tướng lãnh hồng quân. Lena biết Vera là người lương thiện được mọi người yêu quý. Nhưng Zhuravlyov nói với Lena cần phải canh chừng Vera đừng nên tin cẩn bà ta. Lena  tức giận và   càng thấy khinh ghét tư cách của Zhuravlyov. ( Vụ Bác sĩ Âm Mưu “Doctors’ Plot” , sau khi Stalin chết, đã được minh oan, chỉ là thủ đoạn vu khống của Stalin nhằm chuẩn bị một đợt thanh trừng mới).
Vào tháng hai, Lena quyết định nói với Zhuralyov là nàng ly dị, dẫn theo bé Shura về ở tạm với Vera. Đó là vào cuối mùa đông. Ngày đầu tiên thoát khỏi “con người máy”, nàng cảm thấy đời sống thật tuyệt vời. Mặc dù trời vẫn còn lạnh, nàng sung sướng nghĩ rằng mùa xuân sắp đến rồi.

Tin Lena ly dị đến tai hiệu trưởng của trường Lena đang dạy học. Ông ta tên là Andrei Pukhov, một chiến sĩ cách mạng lão thành Old Bolchevik từ hồi 1917 cùng thế hệ với Trostky, Kamenev, Zinoviev. Ông ta tán thành vì ông vẫn coi Zhuravlyov là một thứ cán bộ thư lại điển hình không xứng hợp với tâm hồn lãng mạn của Lena. Trong nội tâm ông luôn có sự giằng co giữa niềm tin vào cách mạng và những mối hoài nghi. 

Mẹ của Lena là bà Antonina đang làm giám đốc một nông trường tập thể. Bà đồng ý với quyết định của Lena, vì bà vẫn luôn luôn coi Zhuravlyov là một kẻ nói láo, một kẻ vô cảm với nhân dân.

Trong nhà máy có một nhà thiết kế tài hoa tên Sokolovsky, thích âm nhạc của Shostakovich ( 1906-1975 ), am hiểu hội họa , thích họa sĩ Tây Ban Nha Goya ( 1746-1828) trường phái lãng mạn. Anh ta có một cô con gái sống ở Bỉ tên Mary. Mary viết thư cho bố báo tin sẽ cùng chồng về thăm quê hương để tìm hiểu về đời sống trong xã hội Xô Viết. Sokolovsky viết thư trả lời rằng cô sẽ không dễ dàng hiểu được một đời sống phức tạp, cơ cực ở Liên xô. Tuy nhiên anh ta đắn đo suy nghĩ và hủy bức thư .

Trong một cuộc họp đảng bộ nhà máy, Sokolovsky than phiền nhà cửa của công nhân tồi tệ quá, đáng lẽ ban lãnh đạo nhà máy phải xây dựng từ năm ngoái ( 1952 ). Zhulavlyov nổi giận
nói việc xây lò đúc để thi đua mới là ưu tiên, gọi Soko là kẻ mị dân. Sau đó Zhulavlyov trả thù Soko bằng cách cho loan truyền lời vu khống Soko là  gián điệp cho nước ngoài vì có con sống ở Bỉ.
Kỹ sư máy Koroteev lúc đầu còn thân thiện với Zhulavlyov, nhưng sau lời vu khống này anh ta khinh bỉ tư cách của hắn và rời xa.
 Một cơn bão bất thường ập tới thị trấn làm cho 11 nhà công nhân đổ sập. Zhulavlyov bị quy hoàn toàn trách nhiệm và bị cách chức . Mọi người bình thản coi như một việc đương nhiên
phải đến.  

Trươc khi ly dị, Lena thường gặp Koroteev nói chuyện về hạnh phúc đích thực trong đời sống . Hai người có vẻ tâm đầu ý hợp và hinh như đều hiểu ngầm là họ đã yêu nhau ; “tình trong như đã mặt ngoài còn e”.
Tuy nhiên, Koroteev có cảm thức tội lỗi là yêu một người đàn bà có chồng. Hơn nữa anh ta còn vướng hình bóng của  người yêu đầu tiên, Natasha. Hai người gặp nhau ngoài mặt trận, yêu nhau và hẹn ước sẽ kết hôn sau chiến tranh. Nhưng hai ngày sau khi Đức Quốc Xã đầu hàng, Natasha chết vì dẵm phải mìn. Koroteev suy sụp tâm hồn và từ đó không bao giờ nghĩ đến một người đàn bà nào khác.

Nội tâm của Koroteev còn u ám vì hai biến cố mà anh ta giấu kín. Koroteev mồ côi cha từ nhỏ. Mẹ lấy chồng khác, có lẽ là một đảng viên cao cấp. Năm 1936, lúc chàng 10 tuổi, là năm Stalin mở đầu chiến dịch thanh trừng đẫm máu, hàng loạt những lão tướng bôn-sê-vich từ thời cách mạng 1917 bị hành quyết. Cha ghẻ của Koroteev cũng bị bắt đi mất tích, còn bản thân chàng bị đuổi ra khỏi đoàn thanh niên cộng sản Konsomol; bạn bè xa lánh không ai dám giao thiệp với chàng. Tình đời đen bạc đã làm tâm hồn chàng thui chột bản tính hồn nhiên.
Sau chiến tranh chàng theo học ngành cơ khí tại Moscow, được nhà trường đánh giá là xuất sắc và có ý giữ chàng lại làm giảng viên cho trường. Tưởng là được vận may trên đường đời, ai ngờ có một người khác con ông cháu cha giành mất. Thế là chàng đành phải về tỉnh nhỏ làm việc trong nhà máy của Zhulavlyov.  Không ngờ chàng gặp và yêu Lena, mặc dù bề ngoài chàng lạnh lùng giữ khỏang cách với nàng.

Một buổi tối, thị trấn tổ chức một buổi sinh hoạt văn hóa  nhằm phê bình một tiều thuyết do một nhà văn trẻ vừa xuất bản. Cuốn tiểu thuyết này có nội dung táo bạo kể chuyện một người vợ ngoại tình mà tác giả có ý bênh vực. Koroteev và Lena đều tham dự. Một cách vô thức , như cái máy phát thanh , Koroteev hăng hái kết án hành vi ngoại tình coi như tàn dư của giai cấp tư sản. Sau buổi hội thảo, Koroteev phản tỉnh và thấy mình   lây cái bệnh đạo đức giả của xã hội xô viết. Vì trong thâm tâm chàng thấy rõ mình yêu Lena mặc dù biết nàng đang có chồng là thượng cấp của mình. Giả dối, nói láo để giữ vững lập trường và giữ thân. Nhưng Lena lại hiểu chàng, cho là Koroteev chỉ nói dối để ngăn ngừa Lena rơi váo tội lỗi.

Sau vụ Zhulavlyov vu khống Sokolovsky, Koroteev càng xác định rõ phê phán của mình về con người xô viết là đúng. Zhuravlyov là điển hình một con người máy vô cảm thiếu quân bình . Koroteev thấy cần phải thay thế những người lãnh đạo như hắn bằng những người lãng mạn có tình người , tôn trọng tình cảm cá nhân. Chàng nhớ đã đọc ở đâu đó một câu của Maxim Gorky ( 1868-1936) nói về sự cần thiết phải đem chủ nghĩa nhân bản vào chế độ xô viết.

  Sau khi Lena ly dị một thời gian, Koroteev và Lena đã gặp nhau và đã tỏ tỉnh cùng nhau. Sự kết hợp của họ mang ý nghĩa tượng trưng : ly khai chế độ máy móc vô cảm đạo đức giả, sống trung thực với lòng mình.

Còn một vài nhân vật phụ nhưng hành trạng của họ phản chiếu những mặt tiêu cực của xã hội xô viết. Volodya Pukhov , con trai của cụ Andrei Pukhov, có năng khiếu hội họa nhưng thiếu tâm hồn nghệ sĩ. Anh ta chỉ vẽ được những bức tranh để cổ động cho một chương trình chính trị, như vẽ những người công nhân trong nông trường, những con gà mái của hợp tác xã,  những nữ công nhân trong xưởng làm sô cô la…Anh ta tự cho là không có tài bằng Saburov, một họa sĩ luôn luôn đề cao một nghệ thuật đích thực. Khi về làm việc tại nhà máy, anh ta vẽ bức chân dung của giám đốc Zhulavlyov nhằm bợ đỡ cấp trên, lo tiến thân. Tuy nhiên, về hai bức tranh được đề nghị giải Stalin, anh ta nói với cô bạn gái Tanechka trong chốn riêng tư là chỉ đáng bỏ sọt rác.

 Tanechka từ nhỏ đã mê trở thành một kịch sĩ. Nhưng khi đi sâu vào thế giới kịch nghệ, cô chỉ thấy những mưu mô, những phe nhóm, những kịch sĩ tồi mà vẫn được huy chương, những buồng khách sạn dơ dáy với những cuộc làm tình bất chính..Cô thất vọng não nề vì không tìm được những kịch sĩ chân chính. Sau khi trải qua nhiều cuộc tình vô vọng, cô tạm chấp nhận Volodya mà theo cô hắn chỉ là một thợ vẽ kiếm cơm.

Sonya, em gái của Volodya, trong lòng thì yêu Savchenko , một kỹ sư trẻ. Nhưng cô tự từ chối tình cảm của mình vì muốn trở thành một người phụ nữ xô viết gương mẫu chỉ sống theo lý tưởng cách mạng với lý trí lạnh lùng . Trên bề mặt xã hội cô cố đóng kịch , nhưng trong nội tâm cô khóc thầm.

Mỗi cá nhân trong xã hội xô viết đều sống như những nhân vật kể trên, luôn luôn phải che giấu tình cảm thực bằng những lời nói theo công thức xã hội làm sẵn. Tâm hồn họ bị đóng băng, nhưng luôn mong chờ một mùa xuân ấm áp cho băng tan. Văn sĩ Ehrenburgh dùng từ OTTEPEL, THE THAW đặt làm nhan đề cho tập truyện ám chỉ cuộc sống trong xã hội xô viết đã trở nên ấm tình người hơn sau khi Stalin chết vào cuối mùa đông.

Nhan đề “The Thaw” đã được các sử gia ghép với tên của chủ tịch Liên xô  Khrushchev –Khrushchev-Thaw để chỉ thời gian 10 năm 1954-1964 mà nhân dân xô viết được hưởng một chút tự do tương đối dễ thở sau 30 năm ngộp thở dưới triều đại Stalin. Lẽ ra nội dung truyện bị kiểm duyệt cấm in và tác giả có thể bị tù đầy dưới thời Stalin, nhưng sau khi Khrushchev lên nắm quyền từ ngày 14 tháng 9,  1953 , thì năm sau 1954 truyện được cho phép xuất bản.   

 B/ Nikita Khrushchev Và Sự Củng Cố Quyền Lực 1953-1956

N.Khrushchev (1894-1971 ) từ con một công nhân mỏ nghèo khổ trong một tỉnh lẻ của nước Nga, Kalinovka, gần biên giới với Ukraine, đã leo lên tột đỉnh quyền lực của Liên Bang Xô Viết năm 1953. Hành trình đó trải dài hơn 30 năm kể từ 1917 không phải với bàn tay sạch mà thành tựu được .

1/ Đồng lõa với tội ác của Stalin:

Là con nhà nghèo, Khrushchev ( viết tắt K. ) chỉ được học chữ có 4 năm nhưng thành thạo nghề thợ máy, có tài tổ chức. Tháng 5- 1917 sau khi Nga Hoàng Nicolas II thoái vị, K. đã
 được bầu làm chủ tịch xô viết tỉnh Rutchenkovo. Năm 1918 . nôi chiến Nga bùng nổ giữa phe bôn-sê-vích và phe tư sản. K. bị động viên vào làm ủy viên chính trị trong một đơn vị của hồng quân. Sau khi nội chiến chấm dứt năm 1920,  K. tiến thân nhanh trong hệ thống đảng. Năm 1925 K. đã được bầu làm đại biểu đi dự đại hội đảng tại Moscow . Nhờ sự giúp đỡ của một cán bộ cao cấp thân cận Stalin -----Lazar Kaganovich ( 1893-1991 ), năm 1927 K. được cử làm trưởng ban tổ chức của ủy ban trung ương đảng cộng sản Ukraine. Năm 1929, Kaganovich về Moscow kéo theo K. . Đến năm 1932, Kaganovich làm chủ tịch đảng bộ Moscow, thi K. làm phó chủ tịch  . Kể từ đây , K . được gần cận đại lãnh tụ. K. được tham dự những buổi họp mặt không chính thức với Stalin. Đôi khi còn được Stalin mời về tư dinh.

Từ năm 1924, sau khi Lenin chết và Stalin loại bỏ được địch thủ chính là Trotsky để lên nắm quyền cho đến năm 1934, Stalin đã loại bỏ khỏi bộ máy quyền lực những lão tướng bôn-sê-vich của thời Lenin như Kamenev, Zinoviev, Bulgarin…Đầu năm 1934 phe cách mạng kỳ cựu tổ chức đại hội thứ 17 đảng cộng sản Liên Xô nhằm lật đổ Stalin ( Xem ĐCSVN---Nguyễn Minh Cần—trang 79-80 ) ) Nhưng Stalin thắng thế quyết định thanh trừng đẫm máu . Những đảng viên gọi là Old Bolchevicks phần lớn bị hành quyết trong những vụ án gọi là “ Những Vụ Án Moscow 1937-1938” ( The Moscow Trials ). . Khrushchev đã giúp Stalin, đóng vai trò quan trọng trong nhũng vụ thanh trừng này.

K. đã có công với Stalin như thế nào?
Năm 1934, K. được cử làm chủ tịch đảng bộ Moscow, rồi trở thành ủy viên trung ương đảng.
Trong năm 1936 khi những vụ án diễn ra, K. đã tuyên bố : “Everyone who rejoices in the successes achieved in our country, the victories of our party led by the great Stalin, will find only one word suitable for the mercenary and fascistes dogs of the Trotskyvite-Zinovite gang. That word is Execution” ( Sử gia Taubman , người viết tiểu sử K. ,  chép  lại ---Nguồn Internet : Wikipedia )
 
Chúng tôi xin tạm dịch : “Mọi người vui hưởng  những thành quả trong xứ sở chúng ta, những chiến thắng của đảng ta lãnh đạo bởi Stalin vĩ đại, sẽ chỉ tìm thấy một từ ngữ duy nhất thích hợp cho những con chó đánh thuê, phát xít của bè lũ Trotsky và Zinoviev. Từ ngữ đó là Hành Quyết”.
 
Quả thật, 35 trong số 38 viên chức cao cấp trong đảng bộ Moscow bị giết, 3 người còn lại bị đầy đi những vùng xa xôi . 136 trong số 146 bí thư chi bộ bị giết, 10 người còn lại sống sót. Tất cả đều là những bạn hữu, đồng sự của K. và K. hầu như không làm gì để cứu họ.

Vào tháng 6 năm 1937, bộ chính trị ra chỉ tiêu cho tỉnh Moscow : phải bắt 35,000 “kẻ thù của cách mạng”, và phải hành quyết 5,000 tên. K. muốn đạt chỉ tiêu thì phải bắt 2,000 kuklaks ( phú nông Nga ). Hai tuần sau , K. báo cáo lên trên là đã bắt 41, 305 “kẻ thù” trong đó có 8,500 tên đáng bị hành quyết. ( Xem nguồn Internet : Wikipedia ).  

           
Đức Quốc Xã đã xâm lăng và chiếm đóng Ukraine từ tháng 6- 1941 cho đến tháng 11-1943 và đã tàn phá nền nông nghiệp và công nghiệp của xứ này một cách nặng nề. K. được Stalin bổ nhiệm làm chủ tịch nước Cộng Hòa Xô viết Ukraine có trách nhiệm tái thiết kinh tế, củng cố ảnh hưởng chính trị của Nga Xô vì ở Ukraine vẫn còn phong trào quốc gia dân tộc tranh đấu cho sự độc lập của Ukraine tách khỏi hệ thống Liên Xô. Phong trào này thành lập đội quân gọi là UIA ( Ukrainian Insurgent Army –Đạo Quân Nổi Dậy Ukraine ). K. đã dùng hồng quân và công an xô viết tiêu diệt lực lượng này. Từ 1944 đến 1946 K. báo cáo về Moscow đã giết 110,825 và bắt khoảng 250,000 “bandits” ( những tên cướp có võ trang) ; từ 1944 đến 1952 K. đã bắt 600,000 người vùng Tây Ukraine và trong số này một phần ba đã bị hành quyết và số còn lại bị tù đầy trong những trại tù ở miền đông Liên Xô ( Nguồn Internet : Wikipedia ). Còn về mặt kinh tế, chính sách nông trường tập thể kolkhoz đã làm hàng triệu nông dân Ukraine khổ ải điêu đứng.  
   Chính nhờ những công trạng đó mà năm 1949 kỷ niệm 70 sinh nhật Stalin, K. được Stalin gọi về Moscow trở thành một trong bảy cận thần của lãnh tụ : Beria, Malenkov, Kaganovich, Molotov, Voroshilov, Bulganin, Khrushchev. Tuy K. đứng hàng thứ 7 nhưng hầu như được Stalin coi là một yếu tố cân bằng quyền lực giữa Beria và Malenkov. Bảy cận thần này trong những năm cuối đời Stalin từ 1950 đến 1953 đều được ăn cơm tối chung với lãnh tụ hàng đêm.

Trong hồi ký sau này, K. đã viết lại những chi tiết thú vị. Bữa cơm thường bắt đầu từ 1 giờ sáng. Có lần Stalin bảo K. hãy nhảy một điệu vũ Ukraine, và K. phải theo lệnh nhảy. K. viết : “When Stalin says dance, a wise man dances”. Vì phải tiếp Stalin suốt nửa đêm về sáng, nên thường K. buồn ngủ ; vì thế trưa nào K. cũng phải ngủ trưa cho đã mắt, vì “Things went badly for those who dozed off at Stalin s table”. ( Vô phúc cho kẻ nào ngủ gật trong bàn ăn với Stalin ).( Wikipedia ).

Những chi tiết vụn vặt như thế lại tố cáo một thực tế to lớn về bản chất của những người tự gọi là cách mạng. Những cận thần của Stalin chẳng khác những tên thái giám hèn hạ trong những triều đại phong kiến ngàn xưa luôn luôn khom lưng trước hoàng thượng nhưng hét ra lửa với nhân dân.

Lãnh tụ gọi là vĩ đại nhưng lại luôn sống trong sợ hãi. Stalin mắc một loại bệnh tưởng , lúc nào cũng tưởng như có kẻ sắp hãm hại mình. Năm 1948-1950 Stalin đã ngụy tạo vụ Leningrad Affair để thanh trừng những phần tử trong và ngoài đảng mà Stalin nghi ngờ sẽ phản bội. Đầu năm 1953 Stalin lại ngụy tạo vụ Doctors’ Plot   cũng để nhằm thanh trừng đợt nữa. ( Britanica. Com : History ).

Khi làm việc trong phòng, Stalin thường treo bảng ngoài cửa “Đừng làm rộn”.   Chính vì vậy , vào ngày 1 tháng 3 năm 1953, Stalin bị đột quỵ trong phòng mà không ai hay. Mãi 12 tiếng đồng hồ sau , các cận vệ mới dám tự động mở cửa vào . Bốn ngày sau, mồng 5 tháng 3 năm 1953 Stalin lìa đời. K. viết trong hồi ký : “Stalin gọi bất cứ ai không đồng ý với ông ta là “Kẻ thù của nhân dân”………vì thế có hàng trăm ngàn người lương thiện bị giết . Mọi người đã sống trong lo sợ dưới thời Stalin. Ai cũng nơm nớp chờ đợi một tiếng gõ cửa vào nửa đêm, và tiếng gõ đó là tiếng gõ của tử thần…” ( Wikipedia ).

 K. là cận thần của Stalin và cũng chính K. là người phản lại Stalin sau khi ông ta chết .  Cũng như 30 năm trước, Stalin đã phản bội Lenin sau khi Lenin chết bằng cách  thanh trừng đẫm máu những đồng chí Old Bolchevicks của thời 1917.
phai  
#2 Đã gửi : 27/05/2018 lúc 10:10:15(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
2/ Khrushchev Triệt Hạ Tay Chân của Stalin

-Beria ( 1899-1953 ) Trùm cơ quan mật vụ của Stalin, bị Khrushchev bắt vào tháng 6 -1953 và bị hành quyết tháng 12 -1953
-Malenkov ( 1902-1988) , tay chân thân tín của Stalin trong các cuộc thanh trừng, trở thành chủ tịch Liên Xô thay thế Stalin vào tháng 6 -1953, bị K. truất chức vào năm 1955, không bị giết.

=Molotov ( 1890-1986) :Ngoại trưởng Liên Xô, bị K. truất chức vào năm 1961, không bị giết.

Ngày 14 tháng 9 -1953 K. được bầu làm Bí Thư thứ nhất Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Liên Xô, coi như nắm quyền lực tối cao.

“Stalin’s death made clear a basic problem in the Soviet system :It lacked a legal, well-defined way for one leader to succeed another. Without public elections, leaders within the Communist party maneuverd for position, hoping to gain enough support to be named general secretary” ( World History—sđd— tr.753 )

Chúng tôi xin tạm dịch ; “Cái chết của Stalin làm nổi rõ một vấn đề nền tảng của hệ thống Xô Viết : Nó thiếu một phương thức hợp pháp, được đinh nghĩa rõ ràng để cho một lãnh tụ này kế thừa một lãnh tụ khác.Vì không dựa trên những cuộc bầu cử của công chúng, nên những lãnh tụ trong đảng cộng sản đã dùng nhiều thủ đoạn để chiếm một vị thế hy vọng có đủ số ủng hộ để trở thành tổng bí thư”.

Hệ thống cai trị của chế độ cộng sản không khác gì một hoàng triều quân chủ trong đó các hoàng tử giết nhau giành ngôi báu; điển hình như đời Đường, Lý Thế Dân giết hết anh em, hay đời Minh , chú là Yên Vương Chu Lệ giết cháu là Huệ Đế ( 1402 ).

Stalin đã dùng nhiều thủ đoạn để loại bỏ dần những vây cánh của Lenin mà trám vào tay chân thuộc hạ của mình để có đa số phiếu. K. cũng bắt chước Stalin để loại bỏ dần những vây cánh của Stalin, và sau cùng hạ bệ chính Stalin.

Để làm hậu thuẫn cho kế hoạch của mình, cuối năm 1955, K. thả hàng ngàn tù chính trị từ các trại tù Gulag. Khi được thả vể, các tù nhân này kể cho công chúng về tất cả những tội ác của chế độ Stalin.


C/ Chiến Dịch Hạ Bệ Stalin ( 1956-1964 )---Bài Diễn Văn Bí Mật Tháng 2-1956

Từ tháng 10 -1955, K. đã chuẩn bị dư luận trong hàng ngũ chóp bu của đảng Công Sản Liên Xô là trong đại hội đảng thứ 20 vào tháng 2-1956 K. sẽ tuyên bố công khai tội ác của Stalin để lấy lại niềm tin của nhân dân vào đảng. Nhưng những đồng chí thân cận K. cũng như Malenkov và Molotov đều khuyên K. chỉ nên nói trong phiên họp kín giới hạn.

1/ Nội dung bài diễn văn bí mật

Ngày 14 tháng 2 năm 1956 đại hội 20 khai mạc. Sáng sớm ngày 25 tháng 2, K. kết thúc đại hội bằng bài diễn văn tố cáo tội ác của Stalin , nhan đề : “On The Cult Of Personality and Its Consequences”.

a/ Đã giết các đồng chí của Lenin từng góp công vào cuộc cách mạng cộng sản tháng 10 năm 1917 : Trotsky, Kamenev, Zinoviev, Bulgarin…và những người theo họ trong những vụ án Moscow 1936-1938, vụ Leningrad 1948-1950, vụ Âm Mưu của các Bác Sĩ 1953…

b/ Đã bắt vào các trại tù Gulag khoảng 10 triệu người để cưỡng bách lao động như những nông nô thời phong kiến ( Xem ĐCSVN—NMC—trang 83)
c/ Đã tước quyền sở hữu đất đai của nông dân, không cấp thẻ thông hành cho họ để đi đây đi đó ( ĐCSVN—NMC—trang 84)

d/ Đã tước quyền sáng tạo văn học nghệ thuật của trí thức và văn nghệ sĩ.

e/ Trong kế hoạch ngũ niên từ 1928, việc cưỡng bách tập thể hóa nông nghiệp để lập ra những nông trường tập thể kolkhoz đã dem lại cái chết từ 5 triệu đến 10 triệu nông dân, gây ra nạn đói khủng khiếp năm 1931-1932 tại Nga Xô ( Xem World History---sđd—trang 656 ).

K. đã không nói tới những tội ác của Lenin, Dzerzhinsky, trùm mật vụ sắt máu của Lenin, lờ đi cuộc tàn sát 21, 857 sĩ quan Ba Lan tại rừng Katyn cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 1940 mà Stalin đổ vấy tội cho phát xít Đức ( Xem ĐCSVN—NMC—sđd trang 176 ).

Tất cả những tội ác đó, K. quy trách vào bệnh sùng bái cá nhân mà Stalin dùng để cai trị bằng sắt máu từ trong đảng ra đến quần chúng nhân dân.

Tuy nhiên điều quan trọng nhất mà K. không dám nói ra là sự mâu thuẫn trong tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản đã dẫn đến những mâu thuẫn trong thực hành. Bản thân K. là con người hai mặt tự mâu thuẫn. Một mặt cổ võ cho tự do, một mặt dùng bạo lực đè bẹp mọi phong trào đòi tự do về triết học, văn học , nghệ thuật, xã hội, chính trị, kinh tế.

2/ Những Hiệu Ứng Chính trị Của Bài Diễn Văn

Tác giả Nguyễn Minh Cần trích một đoạn văn trong hồi ký của nhà văn Ilya Ehrenburg như sau : “ Tại phiên họp kín hôm 25 tháng 2, khi nghe báo cáo của Khrushchov, vài đại biểu đã ngất xỉu…Tôi xin nói thật là : khi đọc báo cáo đó, tôi bị xúc động rất mạnh, vì đây không phải là một người nào đó được minh oan nói ra trong đám bạn bè, mà đây là vị bí thư thứ nhất Ban Chấp Hành Trung Ương báo cáo tại đại hội đảng. Ngày 25 tháng 2 đối với tôi, cũng như đối với đồng bào của tôi đã trở thành một ngày trọng đại”. ( ĐCSVN—sđd---trang 175).

Chúng ta nhớ nhà văn này đã được phép xuất bản truyện “ Ottepel” ( Băng Rã ) năm 1954, tức là sau khi Khrushchev lên làm Bí Thư thứ nhất ngày 14 -9-1953 và sau khi hung thần mật vụ Beria bị hành quyết tháng 12-1953 cùng một số bộ hạ thân tín. Phải chăng K. đã chuẩn bị dư luận hạ bệ Stalin từ năm đó? Trong truyện Ottepel, nhân vật Zhuravlyov giám đốc nhà máy có thể là một hình ảnh thu gọn của đại lãnh tụ Stalin.

Bài diễn văn đã gây nên những biến cố chính trị trong lòng đế quốc cộng sản mà sự ứng xử tàn bạo của K. đã tố cáo nhân cách hai mặt của K.

a-Georgia , quê hương của Stalin : mồng 4 tháng 3 -1956, bài diễn văn của K. đã gây nên một cuộc nổi loạn chống Moscow diễn ra tại thủ đô Tbilisi. Cuộc nổi loạn của thanh niên nhanh chóng biến thành một phong trào rộng lớn trong quần chúng đòi hỏi Georgia độc lập khỏi Liên Bang Xô Viết. Đến mồng 9 tháng 3, hồng quân xô viết đã dẹp tan cuộc nổi loạn.
Năm 1924 chính Stalin đã dùng bạo lực dẹp tan phong trào yêu nước đòi độc lập của nhân dân Georgia. Lần này , người hạ bệ Stalin nhân danh tự do lại là người dẹp phong trào đòi tự do.

b-Ba Lan : 28 tháng 6 -1956 công nhân nhà máy Poznan đình công đòi hỏi nhiều tự do hơn, kéo theo số quần chúng tham gia nổi dậy đến 100, 000 người. Cuộc nổi dậy cũng bị đàn áp bằng súng đạn.

c-Hung gia Lợi : Ngày 23 tháng 10 , 1956 nhân dân Hung Gia Lợi nổi dậy đòi độc lập khỏi Liên Bang xô viết để lập chế độ dân chủ. Cuộc nổi dậy cũng bị hồng quân xô viết đè bẹp. Theo tác giả Nguyễn Minh Cần, ngày 1-11-1956 số xe tăng Nga Xô kéo vào thủ đô Budapest lên tới 3000 chiếc so với 2445 chiếc mà Đức Quốc Xã dùng để tấn công nước Pháp vào tháng 6 -1940 .
Và ngày 3-11-1956 đã có tới 11 sư đoàn hồng quân tràn ngập khắp nước Hungary
( ĐCSVN—NMC---trang 188 ).

d-Trung Hoa Cộng Sản, Albani, Bắc Việt Nam, Bắc Triều Tiên : Chống lại chủ trương của K. vì bản thân Mao Trạch Đông đã muốn bắt chước Stalin thiết lập chế độ sùng bái cá nhân.
Bắc Việt Nam từng tôn sùng Stalin như thần thánh mà văn công Tố Hữu, một thứ đao-bút-lại cao cấp, đại diện biểu lộ bằng những lời vè như sau :

Hoan hô Xít-Ta-Lin
Đời đời cây đại thọ
Rợp bóng mát hòa bình
Đứng đầu ngọn sóng gió

Khi Stalin chết ( 1953) Tố Hữu viết :
…………….
Hôm qua loa gọi ngoài đồng
Tiếng loa xé ruột, xé lòng biết bao
Làng trên xóm dưới xôn xao
Làm sao, Ông đã..làm sao, mất rồi

Ông Stalin ơi, Ông Stalin ơi
Hỡi ơi, Ông mất, đất trời có không
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình, thương một, thương Ông thương mười
…………..
(Trăm Hoa đua nở Trên Đất Bắc---sđd---chương 3 )

2/ Những Hiệu Ứng Văn Học Nghệ Thuật Đối Kháng Đảng Trị

Trường hợp nhà văn Vladimir Dudintsev (1918-1998 )

Dudintsev sinh tại Ukrain , gốc Nga, cha là sĩ quan trong quân đội Bạch Vệ chống lại Hồng Quân Bôn-sê-vích từ 1918 đến 1920. Cha ông bị Hồng quân bắt và xử tử. Nhưng Dudintsev sinh ra và lớn lên, hưởng thụ nền giáo dục cộng sản, tốt nghiệp luật sư năm 22 tuổi (1940). Bị thương trong thế chiến thứ 2, Dudintsev trở thành phóng viên báo chí sau chiến tranh.
Nhờ đi chu du khắp nước, ông chứng kiến tận mắt nhửng mặt trái của chế độ cộng sản làm vỡ tan những lý tưởng cách mạng thời niên thiếu, từ đó xuất sinh hai tác phẩm nổi tiếng : “NOT BY BREAD ALONE (1956 ) và “THE WHITE ROBES” (1987 ).

Truyện “Not By Bread Alone”:

Có lần một người thợ mỏ kể cho ông nghe chuyện về mỏ thiếc . Anh ta là thợ mỏ lâu năm đã khám phá ra một mỏ thiếc trong vùng mà trữ lượng lớn có thể giúp nền công nghiệp Liên Xô phát triển. Anh ta báo cáo lên cấp trên, nhưng ban lãnh đạo quả quyết không thể nào vùng đất này có mỏ được, bác bỏ đề nghị khai thác mà cũng chẳng hề cho kiểm chứng thực nghiệm. Đó là thái độ giáo điều của giai cấp mới lãnh đạo từ bàn giấy.

Khởi hứng từ câu chuyện này, Dudintsev viết tác phẩm “Not By Bread Alone”.
(Con Người Không Chỉ Sống Bằng Bánh Mì ).

Truyện xảy ra nơi tỉnh lẻ Muzga, Siberia. Drozhdov là giám đốc một nhà máy lớn, có cô vợ trẻ Nadya, vừa đi công tác từ Moscow về. Nadya khoác chiếc áo lông mắc tiền nhập từ nước ngoài. Nadya là giáo viên trường trung học của tỉnh, dạy môn địa lý. Nàng đã nghe chuyện về người kỹ sư trẻ Lopatkin trong nhà máy được coi là nhà sáng chế cô độc. Anh ta thiết kế máy ly tâm dùng để đúc ống dẫn nước, một mình không cộng tác với ban Dự Án dưới quyền điều khiển của nhà khoa học nổi tiếng Avdiyev được bảo trợ bởi Drozhdov và thứ trưởng Shutikov.

Ba năm trước, Lopatkin đã trình bản thiết kế lên bộ, nhưng Drozhdov , Shutikov và Avdiyev gièm pha, dìm đi . Đã có lần Lopatkin được công văn của bộ chấp thuận cho chế máy, nhưng cuối cùng không phải máy của chàng mà là máy của Avdiyev với ngân quỹ đáng lẽ dùng cho Lopatkin. Thủ đoạn này là của thứ trưởng Shutikov.

Thanh tra từ bộ, nhà khoa học Galitsky đã nhận xét máy của Avliyev đã lỗi thời không còn dùng được, nhưng Drozhdov bao che cho Avdiyev để tránh cho ông ta không bị mất mặt.

Drozhdov là ông lớn của tỉnh Muzga đang chạy chọt để thăng chức về Moscow. Một lần Nadya bị bệnh phải nhập viện. Khi tỉnh dậy từ cơn mê, nàng ngạc nhiên sao thấy trong phòng rộng lớn chỉ có một mình nàng còn bao nhiêu giường trống hết. Giám đốc bệnh viện cho biết vì nàng là “bà lớn” nên không ai được chung phòng. Nàng bực bội bắt giám đốc bệnh viện phải cho tất cả bệnh nhân trở lại.

Khi Drozhdov mở tiệc ăn mừng lên chức, ông ta chỉ mời các quan chức đảng và chính quyền. Nadya bất mãn vì hắn không mời bạn bè trong trường học của nàng. Một lần nàng đi thăm một học sinh nghèo ở một xóm lao động , ngạc nhiên thấy Lopatkin ở trọ trong nhà công nhân . Lopatkin kể cho nàng nghe về công trình thiết kế của mình qua bao nhiêu khó khăn trở ngại của hệ thống bàn giấy phe phái quan liêu. Drozhdov từng nói với Lopatkin rằng
chàng không làm việc với tập thể là theo chủ nghĩa cá nhân , nhưng Lopatkin trả lời rằng chàng làm việc một cách đơn độc nhưng vì lợi ích của mọi người. Nadya nhớ một lần Drozhdov chế giễu Lopatkin là người sống trên mây. Bỗng nhiên Nadya cảm thấy mình xa lạ với Drozhdov và “rơi vào tình yêu” với Lopatkin.

Có lần Lopatkin chờ Học Viện Kỹ Thuật duyệt xét thiết kế của mình, nhưng chủ tọa lại là Avdiyev. Hơn nữa đến ngày họp, Avdiyev lại không đến. Coi như bản thiết kế bị bãi bỏ. Một kỹ sư trẻ của hoc viện nói sự việc này đã diễn ra 25 năm nay rồi và sẽ còn tái diễn mãi. Lopatkin phát đơn khiếu nại lên Trưởng Ban Kỹ Thuật .
Oái oăm thay, chủ tịch lại là Drozhdov vá ban xét khiếu nại lại có Shutikov. Drozhdov nói thẳng với Lopatkin là loại anh hùng cá nhân như Lopatkin không cần thiết trong xã hội cộng sản.

Một ngày Lopatkin đọc thấy nhan đề một bài báo “Mở Cửa Cho Những Nhà Sáng Chế”. Nhưng khi thấy tên tác giả là Shutikov thì chàng tức giận, viết một bức thư tố cáo với tòa báo về cái đạo đức giả của Shutikov. Khi đến tòa báo toan đưa bức thư thì tình cờ gặp giáo sư Busko. Busko nói viết thư vô ích vì bọn chúng cùng một giuộc. Bản thân ông đã được cấp nhiều bằng sáng chế nhưng chẳng cái nào được mang ra thực hành trong nước. Trái lại, những sáng chế đó bị ăn cắp bán cho những công ty nước ngoài mà tác giả không hề hay biết và tất nhiên không được một xu tiền bản quyền.

Busko rủ Lopatkin về ở chung trong một căn hộ nhỏ để tiết kiệm tiền. Cả hai phải kiếm sống bằng công việc rỡ hàng trên sân ga. Có những ngày hết tiền phải ăn bánh mì với dầu cá, vốn là thực đơn của giai cấp bần cùng. ( Giáo sư và kỹ sư đầy tài năng bị đẩy vào chỗ đói khổ trong khi tác phẩm của họ giúp làm giàu cho cấp lãnh đạo tầng trên).

Lopatkin hy vọng một ngày nào đó chàng sẽ chiến thắng kẻ thù vô hình là những ổ giòi bọ, giun sán chui vào hàng ngũ lãnh đạo. Nhưng Busko nói ông đã từ bỏ hy vọng từ lâu rồi. Nhớ lại lần gặp đầu tiên ở tòa báo, Busko nói với Lopatkin “Chúng ta đến với nhau vì tôi thích anh. Thế thôi. Tôi thích những con ngưới nhìn xa trông rộng vì họ không chi sống bằng bánh mì” (We came together because I liked you. That’s all. I like visionaries who live not by bread alone ) (Nguồn Sovlit.com ).

Lopatkin từng nói với Busko là anh ghét cái chủ nghĩa cộng sản phàm phu tục tử chỉ biết hưởng thụ vật chất, vơ vét thật nhiều của cải. Theo anh, chủ nghĩa cộng sản đích thực phải tạo nên những con người khắc kỷ, tiêu trừ mọi thứ xa hoa. Busko chỉ nhún vai bi quan, coi ý tưởng của Lopatkin là ảo tưởng, nếu không muốn nói là ngây thơ.

Vụ Án Lopatkin :

Lopatkin đã làm việc suốt sáu năm với thiết kế của mình, nhưng đưa đến cửa nào cũng bị đẩy lui. Tình cờ chàng gặp người nữ thư ký trước đây của Drozhdov bây giờ làm việc trong văn phòng bộ trưởng. Có lẽ cô ta biết hết về chàng nên yêu cầu chàng viết một tập giải trình để cô ta đưa thẳng tới bộ trưởng. Quả nhiên bộ trưởng đã triệu chàng đến và cho lập thủ tục duyệt xét thiết kế và thực hiện công trình. Nhưng người được bộ trưởng ủy thác trông nom lại vẫn là Drozhdov và Shutikov. Drozhdov vẫn giới thiệu phe đảng của mình là Avdiyev làm giám sát viên chính. Tuy nhiên bộ trưởng đã cử thêm địch thủ của Avduyev là Florinsky .
Avdiyev chê thiết kế còn nhiều khiếm khuyết nhưng Florinsky hết lời ca ngợi. Thế là thiết kế của Lopatkin được đưa vào chương trình chế tạo máy mẫu. Shutikov vẫn thuyết phục Lopatkin nên đưa thiết kế cho Học Viện Kỹ Thuật và hứa sẽ đề cử làm thủ trưởng một ban trong học viện nếu từ bỏ việc đưa thẳng lên bộ.

Nhiều kỹ sư trong học viện đều không biết Lopatkin có quyền lực gì mà được chính bộ trưởng quan tâm. Tuy nhiên chỉ vài tháng sau bộ gọi Lopatkin lên cho biết hủy bỏ thiết kế của chàng vì máy của Avdiyev đã hoàn thành. Lopatkin đến quan sát và thấy rõ nhiếu khuyết điểm so với máy của chàng. Shutikov đắc thắng nhìn Lopatkin buồn bã ra về , nhưng vẫn hứa cho chàng một chức vụ tốt trong học viện.

Nhiều lần Lopatkin đên bộ xin khiếu nại nhưng bị từ chối . Chàng về nhà khóc vì tuyệt vọng. May có Nadya , vốn đã rời bỏ Drozhdov, đến an ủi và đem cho chàng một tài liệu để cải tiến thiết kế. Lopatkin cảm ơn nàng và yêu cầu nàng hợp tác làm thiết kế mới mặc dù nàng không biết gì về kỹ thuật.

Ít lâu sau bỗng nhiên Lopatkin được một bộ khác triệu tập đến làm một máy thích hợp cho quân đội, cải tiến từ thiết kế của chàng và dự án được coi là bí mật. Lopatkin và Nadya đều ký tên vào những bản vẽ. Drozhdov và Shutikov cho tay chân bộ hạ theo dõi rình mò. Chúng thấy Nadya ký vào những biên bản và báo cáo cho Drozhdov. Drozhdov liền báo lên bộ là Lopatkin đã đem những bí mật của dự án trao cho tình nhân là Nadya , một người không biết gì về máy móc. Lopatkin bị bắt ra tòa. Drozhdov hả hê vì đã trả thù tình địch.

Trước tòa án quân đội, Lopatkin khai chàng và Nadya hoàn toàn vô tội vì chính Nadya đã đem những tài liệu cải tiến mượn từ thư viện về cho chàng và nàng đã biết tất cả thiết kế của chàng trước khi vào làm việc trong quân đội. Chàng còn biết rõ những kẻ gài cho chàng bị bắt hôm nay cũng chính là những kẻ đã trù dập chàng trong 6 năm qua. Chánh án kết án Lopatkin tám năm tù . Nhưng viên thẩm phán trẻ tuổi tên Baldyin tuyên bố bản án không đủ bằng cớ và sẽ viết bản phản biện.

Trong khi Lopatkin ở tù thì bọn Drozhdov, Shutikov, Avdiyev tưởng là yên ổn vì đã âm mưu đốt những bản vẽ của Lopatkin để phi tang vì họ gán cho là những tài liệu mật, nhưng lại ăn cắp thiết kế của chàng vì máy của Avdiyev đang gặp vấn đề lớn. Máy của Avdiyev tiêu thụ số lượng sắt để đúc ống nước quá tiêu chuẩn đặt ra từ lâu. Họ đút lót cho Ủy Ban Tiêu Chuẩn sửa lại tiêu chuẩn sản xuất .

Họ không ngờ cũng trong thời gian đó Nadya đã nhờ một số kỹ sư lương thiện vẽ lại những bản thiết kế của Lopatkin và nhà khoa học Galitsky đã âm thầm chế tạo thành công ra máy trong một nhà máy nhỏ ở vùng núi Urals . Hơn nữa, một người thợ đốt lò đã giấu được một xấp tài liệu có ghi “không bí mật” mà bọn Drozhdov muốn phi tang. Nhờ tài liệu đó đệ lên tòa án mà Lopatkin được trắng án. Lopatkin trở về sau một năm rưỡi tù đầy. Nadya ôm hôn Lopatkin mừng cho sự thành công của chàng.

Tuy nhiên chỉ có giám đốc học viện bị khiển trách còn những người đầu đảng vẫn an nhiên tại vị.

Lopatkin đi Urals và vui mừng thấy máy do thiết kế của chàng được Galitsky chế tạo đã hoạt động hiệu quả gấp đôi máy của Hoc viện. Galitsky hứa sẽ viết một bài báo so sánh hai máy cho công chúng hiểu rõ tình hình và muốn lột mặt nạ của những tên “hải tặc” núp trong Học viện. Lopatkin gọi nhóm Drozhdov, Shutikov và đồng đảng là những cư dân của một đế quốc vô hình.

Sự thành công của Lopatkin được bộ vinh danh. Nhóm Shutikov dụ dỗ chàng gia nhập băng đảng họ, hứa sẽ giúp chàng mua xe hơi, xây biệt thự, sắm máy truyền hình…nhưng Lopatkin từ chối , nói là sẽ tiếp tục chiến đấu với đế quốc vô hình của họ. Chàng nói “Man can not live by bread only, if he is honest”.

*
* *
Bản Án Cho Tác Giả Dudintsev

Những tình tiết trong truyện diễn ra trong thời Stalin từ 1941 cho tới 1951. Tác giả tìm nhiều n hà xuất bản nhưng không nhà nào dám in. Mãi cho tới tháng hai năm 1956 sau khi Khrushchev đọc bài diễn văn bí mật kết án Stalin về chủ nghĩa sùng bái cá nhân, nhà xuất bản Novy Mir (Thế Giới Mới ) chấp nhận cho in. Tác phẩm được công chúng tiếp đón nồng nhiệt, nhưng đảng cộng sản ra lệnh cho Hội Nhà Văn họp để tấn công tác giả. Chính Khrushchev kết án Dudintsev là đã “tỏ ra thích thú với ác ý khi mô tả những mặt tiêu cực của đời sống xô-viết”.

Chủ biên Konstantin Simonov tự phê bình là đã không thận trọng khi cho in. Tất nhiên các hội viên chỉ là những văn nô của đảng hùa theo chủ tịch Khrushchev kết án tác giả khiến cho tác giả ngất xỉu ngay trong cuộc họp.

Hậu quả của buổi họp là tác giả bị cô lập trong đời sống thường ngày, không ai muốn gặp ông vì sợ liên lụy. giống người bị rút phép thông công trong đạo công giáo ( như trường hợp luật sư Nguyễn Mạnh Tường trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm ở miền Bắc Việt Nam trong cùng thời kỳ ). Ông sống trong nghèo khó , qua ngày bằng tiền vay mượn hay của bố thí.

Trí thức và văn nghệ sĩ không thấy được thủ đoạn hai mặt lật lọng ở cùng trong con người Khrushchev, tưởng là được cởi trói cho tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do sáng tác, nhưng thực sự K. chỉ lo củng cố địa vị cá nhân , hạ bệ cá nhân Stalin để tự đề cao mình. K. không hề phê phán sai lầm của chủ nghĩa cộng sản từ nguyên tắc. Theo tác giả Nguyễn Minh Cần ( ĐCSVN—sđd…trang 190-1910 : “Bức tượng đá chân dung của Khrushchov do nhà điêu khắc Ernst Neizvestnyi tạc, đặt trước mộ của K. có hai màu –nửa đen nửa trắng, chính là để biểu thị con người có hai mặt đen và trắng đó”.

25/5/2018
Đào Ngọc Phong
__________________
Tham khảo:

-Internet : Wikipedia---Sovlit.net—Britanica.com---History.com

-Nguyễn Minh Cần : Đảng Cộng Sản Việt Nam Trong Những Biến Động Của Phong Trào Cộng Sản Quốc Tề--NXB: Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông—2016

-World History—Nhiều tác giả---NXB D.C Heath & Company--1992

-Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc---NXB—Mặt Trận Bảo Vệ Tự do Văn Hóa—Saigon 1959
Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.394 giây.