Một thanh niên ở Hà Nội dùng ipad vào mạng internet. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Dù bị nhiều chống đối cả trong và ngoài nước, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn không bỏ ý định bắt các công ty dịch vụ mạng thế giới như Google, Facebook đặt “máy chủ” tại Việt Nam để kiểm soát.
Quốc Hội CSVN đang bàn cãi về nội dung của “Dự Luật An Ninh Mạng” trước khi quyết định thông qua trong những ngày tới nhằm siết chặt hơn nữa sự kiểm soát người dân sử dụng Internet để phổ biến những thông tin “độc hại” vốn là nỗi lo của chế độ.
Cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề đòi hỏi các công ty cung cấp dịch vụ hoặc mạng xã hội trên Internet phải đặt “máy chủ” tại Việt Nam (dự thảo điều 26) cũng như những quy định “Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế” theo dự thảo điều 15.
Đòi hỏi những công ty như Google, Facebook phải đặt máy chủ ở Việt Nam, một trong những người góp ý kiến “trái chiều,” bà đại biểu Phan Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) cho rằng “khó khả thi, không phù hợp với tình hình thực tiễn…” Nêu ra một số điều khoản của dự luật chồng chéo với luật lệ đã có mà bà cho rằng “không cần thiết, tạo ra quá nhiều rào cản, gia tăng gánh nặng với doanh nghiệp, cản trở sự sáng tạo, hạn chế lợi ích chính đáng của người dân Việt Nam.”
Bà còn cho rằng: “…máy chủ không phải là máy cụ thể mà theo thuật toán đám mây, máy chủ là máy ảo, cho phép người sử dụng truy cập các dịch vụ công nghệ từ nhà cung cấp nào đó và đây là xu hướng chung của thế giới trong đó có Việt Nam.”
Còn điều 15 thì bị ông đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Huế) kêu rằng quy chụp người ta “tuyên truyền chống Nhà nước; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế” chỉ là áp đặt vì “khó có thể khẳng định đúng, sai, nhiều khi ranh giới rất mong manh.”
Thời gian gần đây, người ta thấy chính phủ Mỹ và các chính phủ Tây phương qua các tòa đại sứ của họ đã phản đối “Dự Luật An Minh Mạng.”
Tuần trước, ngày 24 Tháng Năm, 2018, Tòa Đại Sứ Mỹ tại Hà Nội thuật lại cuộc họp giữa Phó Đại Diện Thương Mại Mỹ Jeffrey Gerrish với ông Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ. Trong đó ông Gerrish “nêu mối lo ngại của Mỹ về dự luật an ninh mạng của Việt Nam, bao gồm tác động đến nhu cầu nội địa hóa và hạn chế đối với các dịch vụ đa quốc gia, ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng trong tương lai của nền kinh tế Việt Nam.”
Trước đó Hiệp Hội Truyền Thông Số Việt Nam (VDCA) ngày 23 Tháng Năm, 2018, cũng gửi một số kiến nghị về dự thảo luật tới Ủy Ban Quốc Phòng và An Ninh của Quốc Hội, cho rằng “quy định này có thể gây rủi ro, xâm phạm các quyền chính trị, kinh tế cơ bản của công dân.”
Tổ chức VDCA kêu gọi bãi bỏ và sửa đổi một số điều khoản như buộc doanh nghiệp tạm ngừng cấp dịch vụ cho cá nhân, tổ chức theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền để “bảo vệ an ninh quốc gia.” Hiệp hội cho rằng điều khoản ngừng cấp dịch vụ cho người dùng nếu đăng tải “tuyên truyền chống nhà nước kích động gây bạo loạn…” là chưa đủ rõ ràng.
Trước rất nhiều ý kiến chống đối cả trong và ngoài nước, theo VNExpress, “Giải trình cuối buổi thảo luận, Thượng Tướng Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Ủy Ban Quốc Phòng An Ninh, đại diện cơ quan thẩm tra, ba lần đề nghị Quốc Hội “cho giữ như dự thảo luật.”
Quốc Hội CSVN xưa nay vẫn được ví như “con dấu cao su” được đảng CSVN nặn ra làm bình phong màu mè dân chủ. Cuối cùng, bất cấp những chống đối, luật “An Ninh Mạng” cũng như những luật khác khi đã đưa ra biểu quyết là luôn luôn được thông qua.
Theo báo Người Việt