Vậy là Mỹ phải dàn quân lại để chuẩn bị cho một chiến trường lớn ở Biển Đông.
Bản tin CNN nói rằng Hoa Kỳ tái phối trí, đặt tên lại bộ tư lệnh quân sự Hoa Kỳ ở Châu Á Thái Bình Dương trong việc dàn quân kình với Trung Quốc.
Quyết định này đưa ra sau nhiều tháng căng thẳng Biển Đông và quân đội TQ đã tăng hỏa lực tại các tiền đồn trên các đaỏ nhân tạo ở Biển Đông.
Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ (US Pacific Command) bây giờ sẽ gọi là Bô Tư Lệnh Ấn Độ Thái Bình Dương Hoa Kỳ (US Indo-Pacific Command), theo lời Bô Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis tuyên bố trong một buổi lê tại tông hành dinh ở Hawaii, nơi bản doanh Bộ Tư Lệnh này.
Đô Đốc Harry Harris, người chỉ huy quân lực Mỹ ở Thái Bình Dương cho tới khi bàn giao hôm Thứ Tư 30/5/2018 sẽ nhậm chức Đại sứ Mỹ tại Nam Hàn.
Trong khi đó, Đô Đốc Phillip Davidson bây giờ sẽ chỉ huy Bộ Tư Lệnh Ấn Độ Thái Bình Dương, lực lượng hiện có 375,000 quân dân Hoa Kỳ.
Trong khi đó, bản tin VOA ghi lời Ông Trần Hy, quan chức cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 29/5 kêu gọi Trung Quốc và Việt Nam tăng cường đoàn kết và hợp tác.
Ông Trần, Ủy viên Bộ Chính trị, Uỷ ban Trung ương ĐCS TQ, và là người đứng đầu Ban Tổ chức Trung ương ĐCS, phát biểu như vậy trong cuộc họp với đoàn của ĐCS VN do ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương, dẫn đầu.
Ông Trần nói Trung Quốc và Việt Nam đã tăng cường hợp tác song phương toàn diện, hữu nghị dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Trung ương ĐCS TQ Tập Cận Bình và Tổng bí thư ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng.
Ông kêu gọi cả hai ĐCS thực hiện những điểm đồng thuận quan trọng mà hai nhà lãnh đạo đã đạt được, tăng cường tình đoàn kết và hợp tác, và cùng nhau đối phó với những thách thức.
Ông Nguyễn Xuân Thắng nói Việt Nam hy vọng sẽ học hỏi từ kinh nghiệm của ĐCS TQ trong việc quản trị đảng và đất nước để thúc đẩy sự phát triển của quốc gia.
Một bản tin RFA ghi nhận rằng Trung Quốc cho rằng các máy bay tuần thám của Việt Nam mới mua về nhằm tăng cường sức mạnh cho không quân và hải quân Việt nam.
Trang Sina của Trung Quốc loan tin, theo đó hai máy bay kiểu NC-212i MSA sản xuất tại Indonesia theo thiết kế của hãng Airbus của châu Âu dành cho các máy bay quân sự đã về đến Việt Nam; và trong tương lai không xa Việt Nam có tất cả năm chiếc loại này.
Các máy bay này được biết có khả năng tuần tra trên biển, có thể đáp trên những đường băng rất ngắn nên có thể dùng để thiết lập cầu không vận nối liền các đảo nhỏ và đất liền của Việt Nam.
Ngoài ra trang Sina còn cho biết rằng Không quân Việt Nam trong thời gian qua đã tăng cường năng lực đáng kể với các loại máy bay chiến đấu Sukhoi 30MK2 của Nga, và có thể sẽ mua thêm các phiên bản hiện đại của loại máy bay chiến đấu này trong tương lai.
Trong khi đó, Hoa Kỳ sẽ cứng rắn hơn ở Biển Đông. Bản tin RFI ghi rằng sau các cử chỉ cụ thể để cảnh cáo Trung Quốc về việc đưa vũ khí hạng nặng xuống Biển Đông và quân sự hóa các đảo họ bồi đắp trong vùng đang có tranh chấp với các láng giềng, Mỹ tiếp tục cứng giọng với Bắc Kinh: Trên đường bay đến Hawaii để tham dự lễ bàn giao quyền chỉ huy Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis ngày 29/05/2018 tuyên bố: Washington sẽ tiếp tục đối đầu với các hành vi quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh.
Theo hãng tin Pháp AFP, phát biểu với các nhà báo tháp tùng theo ông đến Hawaii, rồi sau đó qua Singapore tham gia Đối Thoại An Ninh Shangri La vào đầu tháng Sáu, ông Mattis ghi nhận thực tế là cho đến nay «dường như chỉ có một nước duy nhất (là Mỹ) là đã có những biện pháp cụ thể để tố cáo các hành vi đó (của Trung Quốc)» trên Biển Đông.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục cho thấy sự hiện diện của mình tại Biển Đông vì «đó là vùng biển quốc tế nơi nhiều quốc gia muốn được quyền đi lại tự do».
Theo ông Mattis, chiến hạm Mỹ đang duy trì những hoạt động hải quân đều đặn quanh các hòn đảo có tranh chấp, và cho đến nay cũng «chỉ có duy nhất một quốc gia» - ám chỉ Trung Quốc - là có dấu hiệu bị hoạt động thường lệ của tàu Mỹ làm phiền.
RFI cũng ghi rằng đối với bộ trưởng Quốc Phòng Mattis, dù mở rộng hợp tác với các nước vùng Thái Bình Dương, nhưng Hoa Kỳ «sẽ đối đầu với những hành vi bị cho là không phù hợp với luật pháp quốc tế, với những gì mà các tòa án quốc tế đã nói về vấn đề này».
Bản tin cũng ghi rằng theo hãng tin Mỹ AP, hai quan chức Philippines xin giấu tên đã tiết lộ ngày 30/05/2018 rằng Manila mới đây đã kín đáo phản đối Bắc Kinh về vụ tàu Trung Quốc đã cho máy bay trực thăng lượn sát bên trên một chiếc tàu của Hải Quân Philippines tại vùng Trường Sa.
Vụ việc xẩy ra ngày 11/05 khi một chiếc tàu Philippines chuyên chở hàng tiếp tế đến cho toán thủy quân lục chiến Philippines đồn trú trên bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), do Philippines kiểm soát tại Trường Sa, nhưng đang bị Trung Quốc bao quanh.
Theo nguồn tin trên thì gần đây, Philippines và Trung Quốc đã tổ chức đàm phán để ngăn chặn không cho sự cố như trên tái diễn.
Có vẻ như dàn quân ở Biển Đông không chỉ để hù doạ nhau... nhưng có thể xung đột hay không, hay khi xung đột sẽ ở mức độ nào... cũng là điều chưa rõ được, và rất khó tiên đoán.
Trần Khải