Anwar Ibrahim mỉm cười chào người ủng hộ khi được ân xá
Ngày 16/05/2018, sau khi Quốc vương Mã Lai Á Sultan Muhammad V ra lệnh ân xá toàn diện, ông Anwar Ibrahim được trả lại tự do, hưởng mọi quyền lợi như một công dân. Nếu đắc cử trong cuộc bầu cử Hạ nghị viện bổ sung, ông có thể tham gia vào chính phủ của tân thủ tướng Mahathir Mohamad vừa giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 09/05/2018.
Anwar Ibrahim là một chính khách nổi tiếng, từng được ca ngợi “tuổi trẻ tài cao”: Năm 36 tuổi được cử làm Bộ trưởng trong chính phủ, 46 tuổi làm phó Thủ tướng (1993 – 1998) … Tuy nhiên, những mâu thuẫn và thủ đoạn chính trị trên chính trường Mã Lai Á thời bấy giờ khiến ông phải trải qua 20 năm … vào tù ra tội …
Lên voi xuống chó
Anwar bin Ibrahim chào đời ngày 10/08/1947. Từ năm 36 tuổi đã được cử làm Bộ trưởng các bộ: Thanh niên văn hóa thể thao; Nông nghiệp; Giáo dục… Ngoài ra còn giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Tổ chức Thống nhất Dân tộc Mã Lai (United Malays National Organization – UMNO), chính đảng cầm quyền ở Mã Lai Á trên dưới 60 năm. Từ 1993 đến năm 1998, Anwar Inrahim làm phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính. Lúc bấy giờ ông được coi là người kế vị sáng giá nhất của đương kim Thủ tướng Mahathir Mohamad.
Năm 1998, kinh tế Mã Lai Á sa sút, tình hình Mã Lai vô cùng phức tạp, nhiều người muốn Anwar Ibrahim lên thay thế ông Mahathir Mohamad. Trước nguy cơ bị lật đổ, Thủ tướng Mahathir liên kết với một số người trong đảng cầm quyền hạ bệ Anwar Ibrahim. Từ đó con đường chính trị của ông gặp khá nhiều chông gai. Không bao lâu, Anwar Ibrahim bị cách chức và đuổi ra khỏi UMNO. Năm 1999, ông bị kết án 6 năm tù về tội tham nhũng, năm 2000, lại bị xử 9 năm tù về tội đồng tính luyến ái, lý do vì Mã Lai Á là quốc gia Hồi giáo.
Do không đầy đủ chứng cớ buộc tội, năm 2004, Tòa án Kuala Lumpur phán quyết Anwar Ibrahim vô tội, ông được trả lại tự do và gia nhập Đảng Công Chính Nhân Dân (People’s Justice Party) do vợ ông là bà Wan Azizah Wan Ismail sáng lập.
Năm 2008, Đảng Công Chính Nhân Dân trở thành đảng đối lập lớn nhất trong Hạ viện Mã Lai Á. Đảng này còn cùng Đảng Hồi Giáo Mã Lai Á (Pan-Malaysian Islamic Party – PAS) và Đảng Hành Động Dân Chủ (Democratic Action Party – DAP) thành lập Liên Minh Nhân Dân (People’s Alliance) trở thành lực lượng chính trị lớn mạnh, đe dọa Tổ chức Thống nhất Dân tộc Mã Lai Á (UMNO) đang cầm quyền. Ngày 31/07/2008 bà Wan Azizah Wan Ismail tuyên bố từ chức dân biểu Hạ viện khu vực Permatang Pauh, nhường chỗ cho chồng là Anwar Ibrahim tham gia chính trường.
Trong cuộc bầu cử ngày 26/08/2008, với 15671 phiếu, ông Anwar Ibrahim đắc cử dân biểu Hạ viện khu Permatang Pauh, chuẩn bị tham gia vào cuộc tổng tuyển cử với tư cách là thủ lãnh đảng đối lập. Trong cuộc bầu cử Hạ viện năm đó, Đảng Công Chính Nhân Dân (PKR) giành được hơn 1/3 số ghế, khiến Tổ chức Thống nhất Dân tộc Mã Lai (UMNO) mất quyền đa số tuyệt đối. Ông Anwar Ibrahim cũng giành được một ghế đại diện bang Penang quê nhà trong cuộc bầu cử bổ sung. Khi đó, giới quan sát nhận định ông Anwar có nhiều triển vọng lật ngược vị thế đối lập của mình giữ chức Thủ tướng. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông bị cựu trợ lý Mohd Saiful Bukhari Azlan, 23 tuổi, tố cáo có quan hệ tính dục với anh ta trong một căn hộ tại khu chung cư ở Kuala Lumpur. Sau đó không lâu, ông bị bắt về tội kê gian.
Báo chí Mã Lai Á đưa tin: Ông Anwar Ibrahim bị cảnh sát điều tra vì quan hệ đồng tính với trợ lý 23 tuổi. Trong khi đó, ông Anwar Ibrahim cho rằng, những lời cáo buộc tội kê gian với một trợ thủ nam mang động cơ chính trị không khác gì những cáo buộc ông về tội tham nhũng năm 1998.
Sau khi bác bỏ cáo buộc tội kê gian, ông Anwar bị đe dọa, xin đến tị nạn trong Tòa Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ. Bà Wan Azizah Ismail, vợ ông Anwar Ibrahim, cũng cho biết, chồng mình nhận được nhiều lời đe dọa sẽ giết chết vì bác bỏ cáo buộc quan hệ đồng tính luyến ái.
Sau gần 4 năm tại ngoại hầu tòa, ngày 09/01/2012, Tòa Kuala Lumpur xử ông vô tội vì lời khai của Azlan trước sau không phù hợp, những bằng chứng DNA phía công tố sử dụng để buộc tội cũng không đáng tin cậy, ông được trả lại tự do hoàn toàn.
Hai năm sau, trước ngày Mã Lai Á chuẩn bị bầu cử Hạ viện, Công tố viện lại khởi tố tội kê gian của ông Anwar Ibrahim. Ngày 07/03/2014, Tòa Phúc thẩm Mã Lai Á lật ngược bản án tòa cấp dưới xét xử ngày 09/01/2012, kết án ông Anwar Ibrahim phạm tội kê gian với bản án 5 năm tù giam.
các cáo trạng buộc tội ông mang động cơ chính trị. ông Phil Robertson, phó Giám dốc Human Righs Watch khu vực Châu Á, nhận xét: “Hôm nay là một ngày tăm tối cho nền tư pháp Mã Lai Á khi bị các thế lực chính trị chen vào can thiệp. Bản án đó cho thấy rằng chính phủ Mã Lai Á quyết tâm loại trừ ông Anwar ra khỏi chính trường bằng mọi phương tiện, kể cả gian lận”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Jen Psaki cũng nói: “Quyết định truy tố và xét xử ông Anwar đã tạo ra quan ngại liên quan đến vấn đề pháp luật và tính độc lập của tòa án trong xét xử”.
Tổ chức Ân xá Quốc tế nhận xét, tòa án Mã Lai Á kết án ông Anwar Ibrahim 5 năm tù ngồi về tội kê gian khiến luật pháp nước này ngày càng ảm đạm. Mã Lai Á phải xóa bỏ luật kê gian.
Ra tù vẫn là ngôi sao sáng
Ngày 16/05/2018, ông Anwar Ibrahim được trả lại tự do theo lệnh ân xá hoàn toàn của Quốc vương Mã Lai Á. Luật sư Sivarasa Rasiah cho biết, Quốc vương Sultan Muhammad V đã ban lệnh ân xá ông Anwar Ibrahim, theo đó mọi bản án đã tuyên bố trong quá khứ bị xóa bỏ hoàn toàn.
Sau khi được trả tự do, ông Anwar Ibrahim đến hoàng cung yết kiến Quốc vương và gặp Thủ tướng Mahathir Mohamad, 92 tuổi, người từng là ân nhân, sau trở thành đối thủ, nay đứng cùng chiến tuyến trong Liên minh Hy vọng.
Lệnh ân xá của Quốc vương chấm dứt hai thập kỷ sóng gió trải qua hai lần ngồi tù vì những xung đột gay gắt với hai vị Thủ tướng (Mahathir Mohamad và Najib Razak). Với quyết định ân xá của Quốc vương, Anwar Ibrahim được hoàn toàn tự do sau 3 năm ngồi bóc lịch về tội kê gian.
Theo South China Morning Post (SCMP), tờ báo tiếng Anh phát hành ở Hương Cảng, sau khi được Quốc vương ân xá, 11 giờ sáng ngày 16/05 (giờ địa phương), ông Anwar bước ra khỏi một bệnh viện ở thủ đô Kuala Lumpur, nơi ông vừa phục hồi sức khỏe sau phẫu thuật vai.
Mỉm cười vẫy tay chào những người ủng hộ, ông Anwar Ibrahim bước ra khỏi bệnh viện. Vây quanh ông là gia đình, luật sư và lính gác nhà tù. Sau đó ông lên xe tới hoàng cung yết kiến Quốc vương Sultan Muhammad V.
Lệnh ân xá của quốc vương cho phép Anwar Ibrahim được tham gia mọi hoạt động chính trị. Ông Anwar Ibrahim được trả tự do đánh dấu bước ngoặt mới trên chính trường Mã Lai Á, với hy vọng ông có thể trở thành Thủ tướng thay thế đương kim Thủ tướng Mahathir Mohamad trong một hai năm tới. Trong thời gian tranh cử, ông Mahathir từng hứa sẽ nhường ghế Thủ tướng cho ông Anwar Ibrahim, nếu ông đắc cử trong cuộc bầu cử bổ sung vào Hạ viện..
Tuy nhiên, ông Anwar Ibrahim cho biết, ông không tham gia chính phủ ngay, nhưng sẽ hỗ trợ Thủ tướng Mahathir Mohamad năm nay đã 92 tuổi và phó Thủ tướng Azizah Wan Ismaïl, người vợ từng đấu tranh gian khổ trong thời gian ông ngồi tù.
Hai mươi năm qua, ông Anwar bị ngồi tù 9 năm về các tội danh mà ông cho là đối thủ dựng lên với động cơ chính trị. Năm 1998 Thủ tướng Mahathir Muhamad là người đã hãm hại và đưa ông Anwar Ibrahim vào tù.
Hai cựu thù chính trị này nối lại quan hệ hữu hảo vào năm 2016 khi ông Mahathir Muhamad gia nhập Liên minh Hy vọng liên kết với Đảng Công chính Nhân dân của vợ ông Anwar để đánh bại cựu Thủ tướng Najib Razak trong cuộc bầu cử Hạ viện ngày 09/05. Cuộc bầu cử lần này được đánh giá là cơn địa chấn chính trị lớn nhất tại Châu Á trong nhiều thập kỷ trở lại đây.
Trước khi được trả lại tự do, ông Anwar từng được cảnh báo chặng đường gian nan đang đợi ông phía trước. Bởi khi quay trở lại chính trường, ông sẽ phải hợp tác với “cựu thù” năm xưa để nỗ lực thực hiện những cải cách kinh tế và chính trị đang rất cần cho đất nước sau 60 năm Tổ chức Thống nhất Dân tộc Mã Lai (UMNO) cầm quyền.
Bà Serina Abdul Rahman, nhà nghiên cứu làm việc tại Viện Đông Nam Á học, ở Tân Gia Ba, nhận định: Ông Anwar Ibrahim trở lại vị trí trọng yếu trong chính trường cần có thêm thời gian, bởi thoạt tiên ông phải lệ thuộc vào kinh nghiệm của ông Mahathir Muhamad để có thể chèo lái con thuyền đất nước đi đúng hướng …
Lý Anh