Trước khi thử lập kế hoạch cho một đại chiến lược toàn bộ cho một cuộc đấu tranh bất bạo động dài hạn có phân chia giai đoạn, hay cho những chiến lược có giới hạn cho các chiến dịch cá biệt trong phạm vi đại chiến lược đó, thì trước tiên cần phải thu thập và phân tích nhiều thông tin về bối cảnh trong đó cuộc xung đột sắp tới sẽ xảy ra.
Chỉ làm quen với kỹ thuật đấu tranh bất bạo động và hiểu kỹ thuật này vận hành như thế nào thì không đủ, mặc dù đó là một tiền điều kiện tối quan trọng. Hơn thế nữa, để có thể áp dụng được chiến tranh bất bạo động càng hữu hiệu càng tốt, thiết kế chiến lược cũng thiết yếu.
Hoạch định một chiến lược khôn ngoan cho công việc điều hành một cuộc đấu tranh nào đó mà những người lập kế hoạch không thật tỏ tường “tình huống của cuộc xung đột,” hay là bối cảnh trong đó cuộc đấu tranh sẽ xảy ra là một việc làm không thể thực hiện được. Thiết yếu cần phải biết và đối chiếu các đặc tính, các ưu điểm, và các nhược điểm (thực sự và tiềm năng) của những nhóm sẽ tranh chấp trong cuộc xung đột tương lai, cũng như của những nhóm không trực tiếp liên hệ lúc ban đầu. Cũng cần phải xét định các nhân tố địa lí, xã hội, kinh tế, chính trị, văn hoá, khí hậu, và những nhân tố khác nữa.
Soạn thảo một phỏng định chiến lược có thể cung cấp kiến thức cần có này. Và kiến thức này lại sẽ nâng cao khả năng của các chiến lược gia đấu tranh bất bạo động trong việc soạn thảo một chiến lược khôn ngoan có thể gia tăng tối đa những cơ hội đạt được mục tiêu của mình.
Mục đích của tiểu luận này là để cung cấp những hướng dẫn cho việc soạn thảo phỏng định chiến lược. Trước tiên, chúng tôi sẽ cắt nghĩa phỏng định chiến lược là gì. Sau đó, chúng tôi sẽ lược khảo các nhân tố cần phải được xét nghiệm khi thu thập thông tin cần thiết và khi chuẩn bị phân tích. Sau cùng, chúng tôi sẽ bình luận về vai trò của phỏng định chiến lược, các cách sử dụng và những giới hạn của nó.
Sự quan trọng của phỏng định chiến lược
Các chiến lược gia quân sự thường chuẩn bị một phỏng định chiến lược trước khi hoạch định kế hoạch cho các chiến dịch của mình. Thông tin do tiến trình này đem lại cũng hết sức hữu ích cho những cuộc đấu tranh bất bạo động. Tuy nhiên, theo những gì biết được cho đến nay, thì một sự kiểm soát có chủ tâm và thấu đáo về tình huống xung đột thuộc loại được đòi hỏi cho việc soạn thảo một phỏng định chiến lược chưa từng được thực hiện cho việc chuẩn bị những cuộc đấu tranh bất bạo động trong quá khứ. Thay vì thế, những người lãnh đạo đấu tranh bất bạo động trong quá khứ, tốt lắm, thì cũng chỉ trông cậy vào những cảm nghiệm ít nghiêm ngặt hơn về tình huống của cuộc xung đột sắp đến mà thôi. Các nhóm đấu tranh trong quá khứ do đó ít được chuẩn bị hơn là họ đã có thể được chuẩn bị cho việc hoạch định một đường lối hoạt động nhằm tăng xác suất thành công. Sử dụng đúng đắn phỏng định chiến lược có thể giúp chuẩn bị những nhóm này một cách đầy đủ hơn, và giúp giảm bớt cơ hội họ bỏ sót những dữ kiện quan trọng khi lập kế hoạch cho cuộc đấu tranh bất bạo động.
Trên bình diện căn bản nhất, phỏng định chiến lược là một sự tính toán và đối chiếu các ưu và nhược điểm của nhóm đấu tranh bất bạo động và của các đối thủ của nhóm này, mà chúng tôi sẽ gọi là “nhóm đối phương.” Trong một vài cuộc đấu tranh, nhóm đối phương có thể là chính quyền, hay là một bộ phận nào đó của chế độ đang cai trị. Trong những trường hợp khác, nhóm đối phương có thể là một cơ quan không phải của chính phủ, như là một cơ sở giáo dục chẳng hạn, một tổ chức tôn giáo, một hệ thống chuyên chở, hay là một loại cơ chế nào khác. Một nhóm đối phương không thuộc chính phủ có thể có hậu thuẫn của chính quyền hiện hành, với những phương tiện kiểm soát và đàn áp, hoặc có thể không có. Xác định đúng đắn những quan hệ như thế, thực ra, là một trong những công tác đầu tiên trong việc chuẩn bị một phỏng định chiến lược.
Những phần có chứa đựng những phân tích về các cột trụ chống đỡ cho nhóm đối phương và cho nhóm đấu tranh bất bạo động, cũng như những phần nói về các xét định về chính trị khác sẽ có giá trị đặc biệt cho những ai liên hệ đến việc hoạch định chiến lược. Và, những người chịu trách nhiệm về tuyên truyền sẽ thấy những xét định về dân số rất hữu ích. Thông tin về các đơn vị quân đội, như là địa điểm và khả năng, sẽ rất hữu ích cho những kế hoạch gia điều hành dự tính trước được các phản ứng quân sự đối với những áp dụng của phong trào đối kháng bất bạo động. Những phần khác của phỏng định chiến lược sẽ có giá trị đối với những yếu tố khác của chiến lược đã được lựa chọn. Tuy nhiên, để lấy được thông tin có giá trị cho cuộc phỏng định chiến lược thì phải cần thì giờ và sinh lực. Mặc dù các thông tin này có thể rất có giá trị, nhưng những người lập kế hoạch chiến lược nên nhớ rằng phỏng định chiến lược không phải là nhân tố quan trọng duy nhất trong việc hoạch định các chiến lược và hỗ trợ các kế hoạch cho cuộc đấu tranh tương lai. Do đó, phải có một cái nhìn cho đúng về vị thế của nó. Những kế hoạch gia chiến lược cần phải tránh vùi đầu vào những tiểu tiết của tình huống và cần phải giữ phỏng định chiến lược trong phạm vi bối cảnh của những yếu tố quan trọng khác khi hoạch định các chiến lược và khi thiết lập các kế hoạch để thực thi các chiến lược này. Về điểm này, chúng ta phải nên lưu ý đến khuyến cáo của Carl von Clausewitz là “chiến lược tạo nên lý thuyết sử dụng trận chiến cho những mục đích của chiến tranh.” Nói cách khác, sử dụng phần nào sự phân tích thông tin thu lượm được cho công việc phỏng định chiến lược, chiến lược gia quyết định các mục tiêu, các thời điểm và địa điểm cho các chiến dịch của họ, trong khi những người sẽ xúc tiến các trận chiến này chuẩn bị những kế hoạch hỗ trợ của chính họ. Những người này lại có thể nhờ vào phỏng định chiến lược để hoàn tất sự phỏng định tình hình của chính mình. Sự chú trọng vào một vài phần của phỏng định chiến lược là một chỉ dấu về sự quan trọng đối với những người lập kế hoạch trong việc quyết định cả chiến lược lẫn sự kiện thông tin này ảnh hưởng đến những kế hoạch hỗ trợ như thế nào.
Phỏng định chiến lược về tình huống xung đột có lẽ là tài liệu căn bản nhất đối với kế hoạch gia chiến lược. Đó là sản phẩm của một cuộc truy cứu công phu, có cấu trúc, và tập trung trí óc đóng góp vào việc thông hiểu sâu rộng về hoàn cảnh mà trong đó cuộc đấu tranh sẽ được xúc tiến, và vào việc chọn lựa những đường lối hoạt động hữu hiệu nhất nhằm tranh thủ các mục tiêu của cuộc đấu tranh. Bởi vì kế hoạch điều hành chiến lược được dựa nhiều vào cơ sở phỏng định chiến lược, nên cả lượng thông tin được phân tích lẫn phẩm của chính sự phân tích sẽ giúp quyết định phẩm chất của chiến lược được thiết kế. Lý tưởng là tài liệu này cần phải được duyệt lại một cách gắt gao ở dạng bản thảo, để những người khác có thể thách thức sự chính xác của các dữ kiện và phẩm chất của những phân tích.
Những quan điểm không chính xác hoặc không thực tế về các ưu điểm, các nhược điểm, và các khả năng của những phe tranh chấp sẽ tạo ra những chiến lược không khôn ngoan, và có chiều hướng báo trước thất bại. Dù rằng có lúc cũng cần phải có những giả định về các phe tranh chấp khi không thu thập được dữ kiện, nhưng không có giả định nào lại tốt bằng sự kiện. Do đó, điều quan trọng là giả định càng ít càng tốt. Nếu các giả định được sử dụng, thì phải đặc biệt cẩn trọng để có lòng tin vào tính xác thực có thể có của những giả định này. Dĩ nhiên là sử dụng sự kiện khi nào có thể được thì tốt hơn rất nhiều.
Thông tin cần có
Có sáu lãnh vực chủ đề mà những người soạn thảo phỏng định chiến lược cần phải kiếm thông tin chính xác. Những lãnh vực đó là:
1. Hoàn cảnh xung đột tổng quát 2. Những vấn đề tranh chấp và các mục tiêu của cả hai phe trong cuộc xung đột 3. Nhóm đối phương 4. Nhóm đấu tranh bất bạo động (và nhóm khiếu nại rộng lớn hơn) 5. Các thành phần thứ ba (thân thiện, thù nghịch, và trung lập hoặc chưa thiên về bên nào) 6. Các cân bằng lệ thuộc Trên cơ sở thông tin và sự hiểu biết do một sự xét định như thế đem lại, thì nhóm đấu tranh bất bạo động sẽ được trang bị tốt hơn cho việc soạn thảo những chiến lược khôn ngoan để hướng dẫn sự điều hành của cuộc đấu tranh.
Phỏng định chiến lược phục vụ nhiều mục đích. Tiến trình phỏng định chiến lược sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc tìm ra các giải pháp chiến lược. Hơn nữa, phỏng định chiến lược còn trở thành một tài liệu tham khảo quan trọng cho việc hoạch định các kế hoạch hỗ trợ để thực thi các chiến lược đã được lựa chọn. Phỏng định chiến lược cũng hữu ích khi hoạch định các chính sách và khi phản ứng lại các khủng hoảng, và trong việc cung ứng cho các tổ chức một nguồn tài liệu về một phân tích vững chắc và sâu sắc và về những dữ kiện đích thực.
Khi các bạn duyệt lại những yêu cầu về thông tin cần có sau đây cho một phỏng định chiến lược, thì công việc này có vẻ làm cho các bạn nản chí - mà đúng là nản chí thật. Nhưng thay vì hình dung chỉ một người cố thu thập và phân tích tất cả bấy nhiêu thông tin, bạn nên nghĩ, Ai là người biết về chủ đề này và người đó hay những người đó có cung cấp được thông tin cho tôi hay không? Một khi thông tin đã nhận được từ các chuyên gia về đề tài, thì những thông tin có giá trị cho công việc phỏng định sẽ được đưa vào trong phỏng định chiến lược.
1. Tình hình xung đột tổng quát
Điều hữu ích là cần liệt kê ở đây, với phần nào chi tiết, một vài trong số những loại thông tin về tình hình xung đột tổng quát trong đó cuộc đấu tranh bất bạo động sẽ được xúc tiến. Những loại thông tin này có thể đem lại rất nhiều hiểu biết có chiều sâu về hoàn cảnh của cuộc xung đột. Làm quen với tất cả những nhân tố tạo được một tác dụng có thể quan niệm được đối với nhóm đối phương hay đối với nhóm bất bạo động là một điều nên làm. Các nhân tố này bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn vào, những điều sau đây:
- Địa thế và địa lý (gồm có những hình thể đất đai và những con nước, và chúng hỗ trợ hay cản trở phe này hay phe kia như thế nào).
- Chuyên chở (bao gồm tất cả những phương tiện chuyên chở có sẵn cho cả hai phe trong cuộc xung đột, hạ tằng kiến trúc về chuyên chở ở cấp địa phương và cấp toàn quốc, những lối đi thay thế khác, và những điều này tác dụng lên các khả năng của mỗi phe như thế nào).
- Truyền thông (tất cả các loại, khả năng tiếp cận để sử dụng, mức độ kiểm soát, theo dõi, các vấn đề riêng tư, v.v.).
- Khí hậu và thời tiết (bao gồm những biến chuyển theo mùa và tác dụng có thể có đối với các vấn đề chuyên chở, truyền thông, lương thực và canh nông, và các sinh hoạt của mỗi phe).
- Hệ thống chính trị và chế độ cai trị (bao gồm những đặc tính và những khả năng của họ ở nhiều giai tầng, từ những cấp cao nhất đến những đơn vị nhỏ nhất; bất cứ biến chuyển nào trong vấn đề kiểm soát trung ương hay các sáng kiến cấp địa phương; và ai kiểm soát Nhà Nước và các vai trò hay chức năng của Nhà Nước, các đảng phái chính trị, và các tổ chức phụ thuộc bị kiềm chế).
- Hệ thống kinh tế (bao gồm cả loại lẫn tình trạng của nền kinh tế, sức mạnh và mức độ độc lập của các nghiệp đoàn và của các khu vực kinh doanh, và mức độ can dự của Nhà Nước vào nền kinh tế).
- Hệ thống tư pháp (đặc biệt là mức độ hệ thống tư pháp giữ được sự độc lập đối với sự kiểm soát của Nhà Nước hay của nhóm đối phương).
- Dân số thống kê (thông tin về cả tổng thể dân chúng lẫn bộ phận dân chúng liên hệ đến cuộc xung đột, bao gồm những phân chia thống kê thành các nhóm tuổi, giới tính, tỉ lệ tăng trưởng và tử suất của dân chúng, mật độ dân chúng trong các địa điểm khác nhau, và tỉ lệ biết chữ).
- Giai tầng xã hội (bao gồm những giai cấp kinh-tế-xã-hội, các sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, văn hoá, thân phận của dân chúng bản địa và nhập cư, v.v...; phân phối địa lý cho những người này; bất cứ biến đổi hay khác nhau giữa những nhóm này về sự hài lòng, về trung thành, hay về những sở thích kinh tế; và bất cứ sự xung đột nào giữa hay trong các nhóm dân chúng khác nhau này, dù những lý do của những cuộc xung đột này có liên hệ đến đấu tranh bất bạo động hay không).
- Kiểm soát các tài nguyên kinh tế và sự hỗ trợ đời sống (nhiên liệu, thực phẩm, nước uống, v.v... và những hậu quả của sự lệ thuộc phe này vào phe kia).
- Tình trạng xã hội dân sự (mức độ và tình huống của các tổ chức phi chính phủ và của sinh hoạt xã hội, bao gồm mức độ tổ chức và độc lập đối với Nhà Nước; và tình trạng của những lãnh vực khác của đời sống xã hội và của tổ chức nằm ngoài sự kiểm soát của hệ thống chính trị và/hay của chế độ)
Thêm nữa, xét định tình hình chính trị tổng quát lúc bấy giờ là một điều quan trọng. Những loại kiểm soát đặc biệt, như là thiết quân luật hay là những phương tiện đàn áp nghiêm trọng khác, có đang có hiệu lực hay không? Tình hình và khuynh hướng chính trị và kinh tế hiện tại là gì?
2. Các vấn đề tranh chấp và những mục tiêu của các nhóm tranh chấp
Điều quan trọng là nên xác định và soạn thảo những khẳng định chính xác và rõ ràng về các vấn đề tranh chấp trong cuộc xung đột theo quan đìểm của cả hai phe, của nhóm đối phương và của nhóm đấu tranh bất bạo động dự tính trong tương lai. Các khẳng định này thường được dựa trên những lời tuyên bố của mỗi bên, nhưng đôi khi đòi hỏi cần phải có thêm thông tin từ những nguồn khác, như là những quan sát viên độc lập, hay các nhóm khác chẳng hạn.
Xác định và nhìn nhận những mục tiêu khác nhau của hai nhóm cũng là điều quan trọng. Những mục tiêu này phù hợp hay không phù hợp với nhau tới mức độ nào? Những mục tiêu được khẳng định không phải luôn luôn là toàn thể câu chuyện. Cả hai nhóm đều có thể có không những chỉ những mục tiêu ngắn hạn mà còn có những mục đích dài hạn chưa được tuyên bố công khai vào lúc đó. Cả hai loại đều quan trọng trong việc soạn thảo các chiến lược cho nhóm đấu tranh bất bạo động.
Những mục tiêu rõ ràng cho nhóm đấu tranh bất bạo động là tiền điều kiện cho việc soạn thảo các chiến lược và các kế hoạch hỗ trợ để thực thi các chiến lược này. Nếu các mục tiêu chưa được tuyên bố lúc thực hiện phỏng định chiến lược, thì thực hiện những thẩm định rất cẩn trọng về các mục đích của cả hai bên, của nhóm đối phương và của nhóm đấu tranh bất bạo động là một việc làm thích đáng.
Những vấn đề tranh cãi và các mục tiêu của hai phe tranh chấp, và sự việc mỗi phe tin tưởng là những vấn đề và mục tiêu này là những vấn đề và mục tiêu căn bản như thế nào, sẽ có chiều hướng đưa đến những hậu quả quan trọng đối với những hành động của hai phe trong cuộc xung đột. Những vấn đề và mục tiêu này có thể sẽ ảnh hưởng đến mức độ nhóm đối phương quyết tâm chống lại hay đàn áp phong trào đối kháng. Những vấn đề và mục tiêu này cũng có thể ảnh hưởng đến sự kiên quyết của nhóm đấu tranh bất bạo động miệt mài đấu tranh dù bị đàp áp. Thêm nữa, mức độ các thành phần thứ ba và tập thể dân chúng sẵn lòng đứng về phe của nhóm đấu tranh bất bạo động cũng sẽ thường tuỳ thuộc phần nào vào cách những nhóm người này nhìn vào những vấn đề tranh chấp được nêu lên trong cuộc xung đột.
3. Nhóm đối phương
Hiểu biết đầy đủ và chi tiết về nhóm đối phương mà nhóm đấu tranh bất bạo động sẽ đối đầu trong cuộc xung đột sắp tới cực kỳ quan trọng. Sự hiểu biết như thế cần phải tập trung vào những khả năng của đối phương, thay vì vào những lời tuyên bố về ý định của họ hay là vào những giả thuyết về những quyền lợi hay dự định của họ. Giải đáp với đầy đủ chi tiết các câu hỏi sau đây là một điều cần thiết:
- Hệ thống chính trị của đối phương là gì?
- Hệ thống xã hội và văn hoá của đối phương là gì?
- Hệ thống kinh tế của đối phương là gì?
- Những hệ thống này có độc lập với nhau hay không, hay là liên hệ chặt chẽ với nhau? Những hệ thống này có lệ thuộc gì vào những hệ thống chính trị, xã hội, và kinh tế của nhóm đấu tranh bất bạo động dự tính trong tương lai hay không?
- Mỗi một hệ thống này chịu sự kiểm soát của cơ cấu Nhà Nước đến mức độ nào?
- Bản chất và tầm quan trọng của những niềm tin tôn giáo, đạo đức, ý thức hệ, hay lý thuyết khác và của những cam kết khác của nhóm đối phương là gì?
- Thống kê dân số của nhóm đối phương như thế nào (tuổi tác, giới tính, tỉ lệ sinh sản và tử suất, biết chữ, trình độ giáo dục, phân phối địa lí, v.v.)
- Tập thể dân chúng và các cơ chế hỗ trợ hệ thống hay chế độ của nhóm đối phương đến mức độ nào?
- Tình hình về ý thức hệ ra sao (mức độ hỗ trợ của chủ thuyết đối với nhóm và/hay chế độ đối phương, hay là đối với phong trào đối kháng về các chánh sách hay kiểm soát của phe mình)?
- Nhóm đối phương lệ thuộc vào mỗi nguồn sức mạnh tiềm năng của mình đến mức độ nào?
- Uy quyền hay tính hợp pháp - Nhân lực - Những kỹ năng hay kiến thức đặc biệt - Các nhân tố tâm lý và ý thức hệ - Vật lực - Khả năng áp dụng các chế tài
- Những cột trụ chống đỡ (người, nhóm, và các cơ chế) đang cung cấp các nguồn sức mạnh cần có cho nhóm đối phương là gì? Một vài cột trụ này cần phải được xét định tỉ mỉ. Những cột trụ này có thể bao gồm, nhưng không chỉ được giới hạn vào, những thứ sau đây:
- Các nhà lãnh đạo và các nhóm đạo đức và tôn giáo - Các nhóm lao động - Các nhóm kinh doanh và đầu tư - Công chức và chuyên viên bàn giấy - Các nhà quản trị - Chuyên viên kỹ thuật - Cảnh sát - Các nhà tù.
- Các lực lượng quân đội - Những dịch vụ tình báo - Phương tiện truyền thông đại chúng - Các nhà đầu tư nước ngoài - Các tầng lớp nhân dân hay các nhóm sắc tộc
- Những cột trụ chống đỡ chịu ảnh hưởng, hoặc có thể hay thực sự bị chính nhóm đối phương kiểm soát đến mức độ nào? Có những cột trụ nào chịu ảnh hưởng của nhóm khiếu nại quảng đại hay nhóm đấu tranh bất bạo động tiềm năng, hay được những nhóm này kiểm soát hay không? Những cột trụ nào mạnh nhất và bền vững nhất? Những cột trụ nào yếu nhất và dễ bị tấn công nhất?
- Ai là những đồng minh nội bộ (quốc nội) của nhóm đối phương, và mức độ đáng tin cậy của những người này đến đâu?
- Ai là những đồng minh bên ngoài (quốc ngoại) của nhóm đối phương, và mức độ đáng tin cậy của họ đến đâu?
- Có ai trong những đồng minh này có thể được xem như là những “đồng minh tự nhiên” của nhóm đối phương không? (Nếu đối phương là chính quyền hay một chế độ, thì những đồng minh tự nhiên có thể là quân đội, các dịch vụ tình báo, công chức, cộng đồng kinh doanh, dân mới định cư, các chính quyền ngoại bang, một số đảng phái chính trị, v.v...)
- Ai là những “kẻ thù tự nhiên” của nhóm đối phương? (Những thí dụ gồm có các nhóm thiểu số bị áp bức, giới trẻ bất mãn, dân thất nghiệp, công nhân, các đảng phái chính trị, giới hạ lưu, trung lưu, hay thượng lưu, v.v.)
- Có hỗ trợ hoặc thiện cảm tiềm năng hay thực sự đối với nhóm đấu tranh bất bạo động từ những khu vực trong chính nhóm đối phương hay không?
- Cấu trúc tổ chức của đối phương (quản trị, tổ chức các ngành, sự phức tạp, hiệu năng, độ tin cậy, mức độ sáng kiến, mức độ trung ương tập quyền, v.v.) như thế nào?
- Khả năng quân sự của đối phương như thế nào? Thông tin cần thiết bao gồm những điều sau đây: - Sức mạnh, số người, tầm cỡ, cấu trúc, và các loại đơn vị. - Địa điểm của các đơn vị - Những khả năng quân sự của đối phương để chống lại phong trào đối kháng, áp đặt đàn áp và phục hồi kiểm soát, bao gồm khả năng và sự sẵn lòng áp dụng các biện pháp tàn ác. - Sự nhanh chóng của lực lượng quân đội khi cần đi đến những địa điểm có thể có những cuộc biểu tình chớp nhoáng xảy ra. - Những người chỉ huy những đơn vị quan trọng và những đặc tính của những người này. - Lý lịch về nhân cách của các sĩ quan và các vị chỉ huy chọn lọc. - Hiệu năng, độ đáng tin cậy, và tinh thần của binh sĩ. - Lý lịch tổng quát về các nhân viên quân đội, bao gồm giáo dục, cấp bậc, tôn giáo, chính trị, động lực, nhóm sắc tộc, lứa tuổi, và những lý do có thể có để bất mãn. - Công tác hậu cần cho việc chuyển quân và hành quân, địa điểm của các đường tiếp vận, và các phương tiện tái tiếp viện.
- Khả năng cảnh sát của đối phương như thế nào? (Cùng loại thông tin thu thập cho lực lượng quân đội – như đã mô tả trên đây -- cần phải được thu thập cho cảnh sát và cả cho các lực lượng an ninh khác nữa.)
- Nhóm đối phương có sẵn để sử dụng những tổ chức tình báo nào, nếu có? Những đặc điểm của những nhóm này là gì, bao gồm những sinh hoạt biết được và những tài nguyên của họ?
- Mức độ kỹ năng chiến lược của nhóm đối phương như thế nào?
- Nhóm đối phương có lãnh đạo tài giỏi đến mức độ nào?
- Những phương tiện kiểm soát phi quân sự nào được nhóm đối phương sử dụng? Những thí dụ có thể bao gồm những điều sau đây: - Kiểm duyệt - Sở hữu đài phát thanh, truyền hình, và các phương tiện ấn loát - Kiểm soát giáo dục - Các phương tiện tài chánh để ảnh hưởng hành tác - Kiểm soát kỹ nghệ tư hay là kinh doanh Nhà Nước - Quốc tế thừa nhận - Kiểm soát kỹ thuật truyền thông - Kiểm soát tư pháp.
- Có những rạn nứt chính trị nào, những xung khắc nội bộ nào, và những nhược điểm nào khác trong nhóm đối phương, như trong nhóm lãnh đạo và trong các tổ chức, các cơ chế và các nhóm dân chúng hỗ trợ, chẳng hạn?
- Có những tổ chức hay những cơ chế nào thông thường thì hỗ trợ nhóm đối phương nhưng có thể làm mục tiêu để chuyển đổi lòng trung thành hay để phá vỡ tổ chức hay không?
- Lãnh đạo hiện tại của nhóm đối phương có bị đặt vấn đề hoặc bị tranh chấp từ bên trong, vì cạnh tranh, vì tranh giành quyền lực, hay vì những lý do nào khác hay không?
- Đâu là những chỗ dễ bị tấn công và các nhược điểm khác của đối phương có thể nhận dạng ra được? Những chỗ dễ bị tấn công và các nhược điểm này có thể bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn vào, những điều sau đây: - Những chỗ dễ bị tấn công và các xung khắc nội bộ - Lãnh đạo hay khả năng cai trị yếu kém - Bị dân chúng khinh bỉ, hay để lại cho dân chúng một ấn tượng đại để không thuận lợi. - Thiếu những chiến lược gia có huấn luyện - Sụp đổ về ý thức hệ - Khủng hoảng kinh tế - Tham nhũng thối nát - Thiếu khả năng chịu đựng áp lực ngoại giao và kinh tế - Lệ thuộc quá nhiều vào đàn áp hay là phương tiện quân sự như là một phương thức kiềm chế.