Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị báo chí cách mạng 'phải là lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng' nhân kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/06.
Phát biểu của Thủ tướng Phúc được báo chí Việt Nam đăng tải rộng rãi
Trước đó, trong phát biểu liên quan đến luật An ninh mạng bị một phần dư luận phản đối gần đây, Thủ tướng Phúc nói rằng Việt Nam 'vẫn có tự do Internet'.
Theo các báo Việt Nam đăng tin về Lễ gặp mặt kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6-2018), tổ chức hôm 20/06 ở Hà Nội, Thủ tướng Phúc nói:
"Báo chí cách mạng thực sự là lực lượng hùng hậu trên mặt trận thông tin, truyền thông, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng và Nhà nước."
Nội dung được trích thuật cũng nhắc lại con số về "đội ngũ hơn 36.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, với gần 850 cơ quan báo chí, hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ, và hơn 22.000 hội viên Hội Nhà báo" ở Việt Nam.
Tuy thế, ngoài các nhiệm vụ làm phục vụ đường lối của Đảng Cộng sản, ông Phúc cũng yêu cầu báo chí:
Việt Nam hiện có hàng vạn nhà báo
"Cần thông tin nhanh nhạy, chính xác, khách quan, trung thực; vừa là kênh phổ biến, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, vừa thực hiện tinh thần gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân,"
Các nhà báo cũng cần "phản ánh kịp thời nguyện vọng, ý kiến, phản ánh kịp thời thông tin đến quần chúng nhân dân để xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp với phương châm 10 chữ: kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả".
Hôm 18/06, nhận xét về Luật An ninh mạng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói Việt Nam "vẫn cho có tự do Internet" và "vẫn cho phép máy chủ đặt ở nước ngoài".
Ông Phúc nói:
"Chúng ta vẫn có tự do Internet, vẫn cho phép máy chủ đặt ở nước ngoài, nhưng cơ sở dữ liệu về Việt Nam phải đưa về Việt Nam để kiểm soát."
Theo báo Thanh Niên hôm 18/06, trong buổi tiếp xúc cử tri ở Hải Phòng, ông Phúc cũng nói:
"Người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo để không bị kẻ xấu lôi kéo, xúi giục"
Cùng thời gian, TBT Đảng CSVN, GS Nguyễn Phú Trọng cũng nói lòng yêu nước chân chính 'bị lợi dụng' trong sự kiện biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và An ninh mạng.
Phát biểu khi tiếp xúc cử tri ở Hà Nội hôm 17/06, TBT Trọng mô tả các cuộc biểu tình tại một số thành phố và địa phương, trong đó có vụ trở thành bạo động ở Bình Thuận, là 'có bàn tay của phần tử phá hoại' và 'không loại trừ có yếu tố nước ngoài'.
Internet và mạng xã hội Việt Nam
Hồi tháng 11/2017, nhân một lễ kỷ niệm 20 năm Internet vào Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Trương Minh Tuấn nhận định về sức lan tỏa của Internet ở Việt Nam:
"Từ người nông dân, công nhân, học sinh, sinh viên, kỹ sư, bác sỹ đều có thể tìm được những thông tin cần thiết trên Internet. Chính Internet đã dần làm thay đổi thói quen, cuộc sống của chúng ta hiện nay."
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng nêu ra mặt mà nhà chức trách ở Việt Nam cho là tiêu cực của Intenet:
"Cụ thể, hiện nay lượng thông tin xấu độc xuất hiện trên Internet và mạng xã hội ngày càng nhiều, nhất là tin giả, tin xuyên tạc, bịa đặt, thông tin chống phá chế độ, bôi nhọ lãnh đạo."
Cũng hôm 18/06, báo Quân đội Nhân dân có bài của tác giả Bắc Hà phản bác lại các ý kiến lo ngại về Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua tuần trước.
"Những băn khoăn, lo lắng về Luật An ninh mạng vi phạm hiệp định WTO, CPTPP và các doanh nghiệp mạng lớn như Google, Facebook sẽ rời khỏi Việt Nam có đúng không? Câu trả lời là "không".
Tuy thế, điều tờ báo này đăng tải có vẻ hơi khác với phát biểu của Thủ tướng Phúc, về máy chủ.
Theo tác giả Bắc Hà thì:
"Theo Tờ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam cho biết, các hiệp định cơ bản của WTO (Hiệp định GATT, Hiệp định GATS) mà Việt Nam tham gia và Hiệp định CPTPP đều có điều khoản ngoại lệ về an ninh.
"Theo đó, Việt Nam có quyền yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, Internet và các dịch vụ trên không gian mạng tại Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, đặt máy chủ ảo tại Việt Nam là hoàn toàn hợp pháp."
Trong khi đó, Thủ tướng Việt Nam nói là "vẫn cho phép máy chủ đặt ở nước ngoài".
Có vẻ như ở Việt Nam vẫn có sự chưa rõ ràng về máy chủ và dịch vụ 'đám mây điện toán'.
Các quan chức Việt Nam thường nhắc đến vai trò của các nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm (Google), mạng xã hội, mà không phân biệt với dịch vụ lưu trữ và phân phối dữ liệu qua 'cloud computing'.
Trên toàn cầu đang có các phong trào phản đối khác nhau: Hình một cuộc phản đối Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Berlin, Đức
Trên thực tế, các đại gia công nghệ mạng như Google, Facebook vẫn dùng lại dịch vụ 'cloud computing' do các công ty như Akamai, Amazon, Cisco, Equinix, Rackspace cung cấp.
Trang web của Akamai giới thiệu họ đang vận hành 240 nghìn máy chủ, đặt ở 130 quốc gia và tải dòng dữ liệu 95 exabyte một năm.
Việc đặt các máy chủ ở Việt Nam, kể cả khi nếu xảy ra, chỉ có thể tác động một phần rất nhỏ đến các công ty dịch vụ dữ liệu.
Về báo chí, điều giới chỉ trích thường nêu ra không phải là ở Việt Nam có tự do báo chí hay không mà là nước này chưa có truyền thông tư nhân hoặc các cơ sở truyền thông độc lập với đảng phái chính trị, các nhóm lợi ích.
Hồi 2017, cũng nhân sự kiện 20 năm mở cửa cho Internet, Freedom House, tổ chức đánh giá dân chủ do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, xếp hạng Việt Nam 76/100 trên mức thang tự do Internet.
Trên thang 0-100, với 0 tự do nhất, và 100 ít tự do nhất, Việt Nam vẫn nằm trong những nước "Không có tự do Internet" cùng với Trung Quốc và Nga, theo báo cáo công bố hôm 14/11 của tổ chức này.
Theo BBC