Biểu tình phản đối Luật An Ninh Mạng tại giáo hạt Văn Hạnh, tỉnh Hà Tĩnh, hôm 17 Tháng Sáu. (Hình: Thanh Niên Công Giáo)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 21 Tháng Sáu, nhiều blogger lên tiếng kêu gọi cộng đồng mạng cùng nhau ký vào bản thỉnh nguyện thư yêu cầu các hãng Google, Facebook, Twitter, LinkedIn, Apple và Microsoft không đáp ứng Luật An Ninh Mạng vừa được Quốc Hội CSVN thông qua hôm 12 Tháng Sáu.
Luật này gây bất bình trong công luận và cùng với Luật Đặc Khu là nguyên nhân thôi thúc hàng vạn người dân biểu tình hôm 10 Tháng Sáu, 2018.
Thỉnh nguyện thư mới nhất do nhóm tự xưng danh là “Liên Minh Dân Chủ Việt Nam” thiết lập trên website Change.org ghi: “Luật An Ninh Mạng vi phạm nghiêm trọng căn bản luật pháp quốc tế, đồng thời cho phép nhà cầm quyền được tùy tiện xác định những ý kiến nào là phạm luật phải gỡ bỏ. Đã nổ ra những cuộc phản kháng ở nhiều nơi trên toàn quốc chống lại cuộc bỏ phiếu cho dự luật kìm chế tự do thông tin mạng và vi phạm quyền riêng tư cá nhân của 53% trong hơn 90 triệu người dân đang sử dụng Internet ở Việt Nam.”
“Việt Nam không phải nơi an toàn cho người dân được tự do phát biểu. Vì vậy những công ty công nghệ phải có trách nhiệm xã hội bằng cách ngưng cung cấp dịch vụ Internet nếu Việt Nam không chịu hủy bỏ Luật An Ninh Mạng (sẽ có hiệu lực từ ngày 1 Tháng Giêng, 2019),” văn bản nêu trên đưa ra lời kêu gọi.
Đến nay, chưa có công ty nào trong số các hãng công nghệ được nêu tên phản hồi về Luật An Ninh Mạng của Việt Nam.
Báo VnEconomy hôm 15 Tháng Sáu cho hay: “Tại cuộc họp báo bế mạc kỳ họp Quốc Hội, phóng viên một hãng thông tấn nước ngoài nói Google và Facebook có nói là rất thất vọng về quyết định thông qua Luật An Ninh Mạng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Hồng, ủy viên thường trực Ủy Ban Quốc Phòng-An Ninh (cơ quan thẩm tra Dự Luật An Ninh Mạng) cho biết các hãng này chưa có văn bản chính thức nhưng qua thông tin trên cộng đồng mạng thì đại diện của Facebook nói sẽ nghiên cứu, triển khai quy định của luật này.”
Trong một diễn biến khác, để đáp lại tin đồn về việc Facebook “đang hoàn thành thủ tục pháp lý để thành lập văn phòng tại Việt Nam,” bà Lê Diệp Kiều Trang, giám đốc Facebook Việt Nam đã viết trên trang Facebook cá nhân: “Tôi chưa bao giờ trả lời báo chí về Luật An Ninh Mạng như một số nơi đưa tin. Ở Facebook, công việc chính của tôi là trợ giúp khách hàng doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy tôi sẽ không bao giờ phát ngôn những vấn đề ngoài công việc.”
Tuy việc ký tên vào thỉnh nguyện thư thường mang ý nghĩa truyền thông và gây tiếng vang cho sự kiện nhiều hơn là hiệu quả trên thực tế, nhiều blogger Việt Nam vẫn bày tỏ hy vọng rằng các hãng công nghệ thật sự quan ngại về hệ lụy của Luật An Ninh Mạng.
Ý kiến về Luật An Ninh Mạng cũng là một trong những nội dung mà Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh viết thư ngỏ đề gửi Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang.
Thư của ông viết: “Quốc Hội Việt Nam đã biểu quyết vội vàng Dự Luật An Ninh Mạng mà không thèm quan tâm ý dân và vấn đề hiện chỉ còn tùy thuộc vào chữ ký của chủ tịch nước.” Ông cũng viết thêm rằng cả hai dự luật đều “lỗi thời, lạc hậu và nguy hiểm.”
Hiện tại, lập luận chung của ông Trần Đại Quang cũng như của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng về Luật An Ninh Mạng “là nhằm để bảo vệ chế độ” và “đấu tranh làm thất bại ý đồ của kẻ địch trong việc kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.”
Ban biên tập các báo “lề phải” đều nhận được lệnh của Ban Tuyên Giáo Trung Ương “tuyệt đối không đăng ý kiến trái chiều, ý kiến khác với chỉ đạo” về cả hai dự luật.
Theo báo Người Việt