Sự thay đổi xã hội kéo theo những thay đổi của một số biểu tượng. Theo dòng thời gian, những yếu tố ngoại cảnh khác góp phần tác động tạo ra những ý nghĩa mới cho nhiều biểu tượng, đến một ngày nào đó ý nghĩa biểu tượng cũ bị thay thế bằng ý nghĩa biểu tượng mới.
Một biểu tượng khác bị thay đổi ý nghĩa nội dung vốn trở thành điều nhạy cảm đối với người Mỹ và một số nước Tây Âu đó là biểu tượng swastika – chữ vạn của Đức Quốc Xã. Khi còn trong nước, chúng ta thấy biểu tượng swastika tại cổng chùa Phật giáo. Nhưng khi đến Mỹ, chúng ta lại bất ngờ thấy rằng biểu tượng này không ăn nhập dính dáng gì đến Phật giáo. Mà thay vào đó, nó là biểu tượng của phát xít Đức, biểu tượng của đối xử phân biệt, của diệt chủng!
Kinh nghiệm đau thương của nhiều người Do Thái hoặc các nạn nhân Đức Quốc xã là không kể xiết. Nó giống với kinh nghiệm của hàng triệu người dân Cambodia bị diệt chủng dưới bàn tay khát máu Pol Pot, người tin tưởng một cách sắt đá vào học thuyết Marxist-Leninist, cuối cùng trở thành mối thảm họa được ghi lại trong lịch sử quốc gia Xứ Chùa Tháp. Đó là lý do tại sao Tây Âu tỏ ra nhạy cảm với biểu tượng swastika vì nó nhắc nhở một trang sử đen của lịch sử diệt chủng của nhân loại.
Có chuyện bên tiểu bang Illinois của Hoa Kỳ như sau: Nhân viên công lực tại Glen Carbon đã truy tìm một thủ phạm lấy sơn xịt lên nhiều bia mộ và gần chục ngôi nhà gần đó biểu tượng swastika. Thoạt nhìn, với những ai còn lạ với biểu tượng này trên nước Mỹ, đều nghĩ đơn giản là một hành động phá hoại tài sản của người khác, và hơi bất nhân là phá quấy những ngôi mộ của những người đã chết! Không biết chữ “vạn” của Phát xít Đức thì không ai nghĩ đến ý đồ nào khác. Nhưng không, biểu tượng swastika là biểu tượng ủng hộ Đức Quốc xã, ủng hộ Phát xít, nên biểu tượng này trở thành cái giằm đâm vào mắt những ai nhìn thấy nó xuất hiện với chủ ý rõ ràng trêu ngươi người khác.
Nên. Một người đàn ông 34 tuổi bị bắt. Danh tính của anh ta hiện chưa được công bố đầy đủ.
Khoảng 150 đến 200 bia mộ đã bị xịt biểu tượng swastika này. Đây là một thị trấn yên bình, cách St. Louis khoảng 15 dặm về hướng tây bắc. Và. Một kế hoạch cạo tẩy biểu tượng này đã được xúc tiến vào ngày Memorial Day.
Ban đầu biểu tượng swastika được thế giới biết đến như biểu tượng của Phật giáo. Hình chữ thập có bốn cạnh bẻ cùng chiều này rất hiền lành. Từ Svastika trong tiếng Phạn (Sanskrit) có nghĩa nguyên thủy là đem lại sự tốt lành (conducive to well-being), một biểu tượng hiển thị rõ nét sự cân bằng hoàn hảo trong một thiết kế đơn giản. Theo nhà thiết kế mỹ thuật Steven Heller, yếu tố hình học của biểu tượng swastika tuy vuông cạnh sắc góc, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy sự tinh khiết toát lên bất luận ở kích cỡ lớn hay nhỏ, nhìn từ xa hay đứng gần nó. Không những thế, nhìn vào biểu tượng swastika, người ta nhìn thấy sự chuyển động -một nguồn nội lực vô biên…
Thế nhưng khi bị Quốc xã Đức sử dụng, biểu tượng swastika nhanh chóng bị thay đổi ý nghĩa. Tương tự các thế hệ học sinh sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975 ở quê nhà nghe nói đến Đế Quốc Mỹ độc ác, nghe mãi, nhập tâm, nghĩa của từ “đế quốc” trở thành ghê gớm, đáng sợ. Thực ra đế quốc chỉ là tên gọi của một nước hội đủ những điều kiện của định nghĩa sau: Là một quốc gia lớn mạnh, có tầm ảnh hưởng quốc tế sâu rộng, thống trị nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn hoặc chi phối được nhiều quốc gia nhỏ hơn, yếu hơn. Hay như Lầu Năm Góc – Nó chỉ là một quần thể kiến trúc có hình ngũ giác (Nên còn được gọi là Ngũ Giác Đài) nhưng vì thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ nên nó được coi là trụ sở của một cơ quan đầy quyền lực quân sự của thế giới. Nên đọc báo mà thấy mở đầu bản tin với mấy chữ “Tin từ Ngũ Giác Đài” là hết hồn như chiến tranh xảy ra liền tức khắc!
Biểu tượng swastika nhanh chóng thay đổi ý nghĩa. Nét đẹp chân thuần thanh khiết của buổi đầu không còn, một phần (nếu giả thiết này đúng) ngày đó dân Tây Âu không biết nhiều về các Phật giáo và Phật pháp, họ chỉ thấy đây là biểu tượng được Đức Quốc xã sử dụng. Thế là họ nhanh chóng cho rằng đây là hiện thân của đối xử phân biệt, của tinh thần da trắng thượng tôn.
Ngày nay với dân Tây Âu và những nước chịu ảnh hưởng văn hóa Tây Âu biểu tượng swastika đại diện cho thù hận, mang tính chất phân biệt chủng tộc được các thành viên theo chủ nghĩa da trắng thượng tôn sử dụng. Vì thế tại không ít những cuộc biểu tình xuống đường của nhóm này, biểu tượng swastika được sử dụng như một tuyên ngôn hiệu quả nhất, nhanh và gọn, chỉ cần nhìn vào là dễ dàng nhận ra.
Tại Đức, với nỗi ám ảnh kinh hoàng từ hệ lụy khốc liệt thời Hitler để lại, luật pháp Đức cấm biểu tượng swastika xuất hiện, đặc biệt tại các nhóm biểu tình tân-Quốc-xã (neo-nazi). Dân Đức thậm chí còn bảo nhau bỏ công sức tẩy cạo những biểu tượng swastika được vẽ, xịt trên tường.
Một câu chuyện khá thú vị xảy ra tại Canada khi một công dân Canada Corey Fleischer bị cảnh sát cản trở trong lúc tẩy xóa biểu tượng swastika được một công ty của Anh có tên W.L. Byers sử dụng hồi đầu thế kỷ 20 (trước khi Quốc Xã Đức nắm quyền) như biểu tượng đem lại sự may mắn vốn rất thịnh hành thời đó. Công dân Canada này tỏ ra không phục. Anh không đồng ý với giải thích này. Anh cho biết: Biểu tượng swastika không còn đại diện cho hòa bình. Nó đã gắn liền với một đảng phái xuýt nữa đã bóp chết một nền văn hóa (nguyên văn: The swastika is no longer a sign of peace. It’s a sign attached to a party that literally almost wiped out an entire culture).
Nhiều sinh viên ghi danh tại các lớp học lịch sử nước Đức tỏ ra hấp dẫn bởi một biểu tượng rất hiền hòa trong sáng, song lại tiềm ẩn một thông điệp đáng xa lánh, cần tẩy chay. Tại sao? Theo lời các sinh viên này họ không hiểu tại sao? Họ chỉ thấy vẻ đẹp của biểu tượng swastika dễ gần, có vẻ như đây là sản phẩm tẩy não hoạt động hữu hiệu. Một biểu tượng đẹp của nhân loại đã bị đổi thay, ít nhất tại các nước văn hóa Tây Âu.
Nhưng người viết bài lại muốn gởi đến độc giả sự khác biệt của chữ “vạn” của Đức quốc xã và chữ “vạn” của nhà Phật. Nếu quan sát kỹ, swastika của Phật giáo truyền thống và swastika của Đức Quốc xã có sự khác biệt để phân biệt!
Trong triết lý Phật giáo, biểu tượng swastika là hiện thân dấu chân của Phật, trong Kỳ Na giáo (Jainism) và Ấn giáo (Hinduism) vốn có nhiều ảnh hưởng lên Phật giáo nên biểu tượng swastika với bốn cạnh bẻ cong từ hệ thống trục tung-trục hoành xoay theo hướng kim đồng hồ (clockwise). Trong khi đó biểu tượng swastika của Đức Quốc xã bốn cạnh bẻ cong từ hệ thống hai trục tung-hoành bẻ cong ngược chiều kim đồng hồ (counterclockwise). Một thuận theo tự nhiên của vũ trụ; một nghịch thiên trái địa thì phát xít bạo phát bạo tàn. Là thế.
Cuộc sống quanh ta. Chuyện chó đá sang sông, bên lở bên bồi, được và mất, sử lật từng trang, từng chương, hành trình phát triển văn minh nhân loại, nhiều biểu tượng, nhiều giá trị, thậm chí ngôn ngữ đã không tránh khỏi chuyện bị lột đi những ý nghĩa rồi bị khoác lên những ý nghĩa mới, không hẳn là lúc nào cũng xấu… Nhưng đủ để nhắc nhở chúng ta chẳng có gì là trường tồn, là bất biến trong vũ trụ tuần hoàn.
Phan