Chị nghĩ em đã cảm thấy bất an từ tối hôm trước hay ít nhất từ sáng Thứ Bảy. Em lừ nhừ, hơi nhức đầu. Em cho là bị cảm và em đi gặp bác sĩ gia đình. Lấy nhiệt độ. Đo áp huyết. Nghe tim, nghe phổi. Bình thường.
Chiều chị vào đài, em đã ngồi trong phòng máy như mọi Thứ Bảy khác, từ 6 giờ. Không có khách hàng cần thu trước, em nghe nhạc, đọc tin tức, ăn cơm tối, uống trà, coi YouTube, tưới cây giùm chị.
Bữa nay chị ngạc nhiên thấy em cắt tóc ngắn. Chị nói đùa: “Em nhức đầu, tức mình đi cắt tóc cho nhẹ nhàng à?” Em cười mà không vui, lấy tay vò mái tóc mới cắt cao theo thời trang mới. Chuyện trò mấy câu, coi bộ em không khỏe. Chị băn khoăn hỏi: “Em có OK không? Sáng em đi bác sĩ, ông nói sao?” Em trả lời, giọng cất cao, có lẽ để chị yên tâm: “Ổng nói em bị cảm thôi và cho em thuốc, em uống rồi.” Chị vẫn băn khoăn: “Ổng có đo áp huyết cho em không?” “Áp huyết em bình thường, 132.” Vốn là chỗ quen biết khá thân tình, chị điện thoại ngay cho ông và câu trả lời của ông không khác em.
Hai tiếng đồng hồ đầu tiên của chương trình, em làm việc suôn sẻ như mọi khi. Sau đó, em bắt đầu trả lời câu hỏi của chị không còn mạch lạc nữa. Chị hoảng. Biết có điều gì không ổn thỏa rồi. Chị gọi con gái em, bảo cháu chở em đi nhà thương. Cháu vội vàng làm ngay. Kết quả sơ khởi từ phòng cấp cứu cho biết bán cầu não bên phải của em có một vùng màu đen. Theo nhận định của bác sĩ, may mắn nhất là em chỉ bị nhiễm trùng, thì chữa được. Đàng nào cũng cần thêm thử nghiệm mới có chẩn đoán chính xác. Lo. Buồn. Nhưng hy vọng. Bệnh viện giữ em nằm lại.
Hôm sau chị vào thăm. Phòng em đầy người. Em có một gia đình đông anh chị em, thương yêu nhau và sống gần gũi. Em nằm giữa dây nhợ, máy móc, chăn đệm nhà thương trắng nõn, khuôn mặt tươi tắn trở lại như những ngày em chưa bệnh. Em nhìn chị đứng ở cuối giường, cười và nói: “Em hết thấy cái quầng màu vàng trên đầu chị rồi!” Chị mừng, biết em hết thấy sảng, hết nói sảng. Chị thầm nghĩ: “Bệnh của em có dấu hiệu thuyên giảm. Như vậy, liệu pháp chữa nhiễm trùng của bác sĩ coi bộ có tác dụng.” Và chị chợt có thêm hy vọng, cảm thấy nhẹ nhõm phần nào nỗi lo âu tối hôm trước.
Thế nhưng không, qua Chủ Nhật, Thứ Hai, Thứ Ba có tin xấu. Kết quả thử nghiệm cho biết em bị ung thư não, loại hiếm và hiện không thể chữa trị. Bác sĩ cho em sáu tháng để sống. Gia đình được thông báo đầy đủ nhưng chính em thì chỉ biết một phần câu chuyện: em sẽ được hóa trị và xạ trị, may ra sẽ qua được. Tâm trạng những người thân yêu của bệnh nhân luôn mong đợi cuộc đời có phép lạ. Chị đau lòng biết phép lạ sẽ không xảy ra cho em nhưng em còn nói, cười, còn trả lời điện thoại thăm hỏi của chị được, chị vui từng ngày với em.
Anh C. đón em đi ra phố ăn phở và uống cà phê, bù lại mỗi Thứ Tư trước đây, lúc em khỏe mạnh, em thường ghé lại chỗ anh làm việc để anh em luận bàn thế sự. Thấy L. vất vả bước lên mấy bậc thềm với cái bình 5 gallon nước lọc, em lập tức nhờ anh Vũ C. đến gắn giùm em cái máy lọc nước. Tính em vẫn vậy, không muốn làm phiền ai.
Từ khi ở bệnh viện về để được chữa trị theo chế độ ngoại chẩn, em phải dùng walker để di chuyển. Vài tuần lễ, em cảm thấy cần xe lăn. Chị hiểu là sức khỏe của em sa sút thêm. Em mất thăng bằng. Tuy nhiên, em tỉnh táo như một người bình thường.
Em cho chị và cô H. biết lúc này có thời giờ, em sẽ gom các chương trình đọc truyện do em thực hiện cho đài trong nhiều năm qua, làm thành một cái CD kỷ niệm. Em cũng bảo chị để em lo posting cho trang mạng của VNR kẻo thính giả nhắc nhở hoài. Em dặn chị đừng tắt máy sau giờ phát thanh và nhớ text mã số ngày hôm đó cho em để em làm công việc của em. Em bảo chị yên tâm, em OK.
Thế nhưng chỉ sau đó hai ngày, điện thoại chị gọi không có em ở đầu dây bên kia. Text chị gởi đi, không có hồi đáp. Chị chủ quan, đoán là gia đình đưa em đi chơi cho khuây khỏa nên ngưng hết mọi liên lạc. Chị nhớ, trong gần 15 năm làm việc bên cạnh nhau qua bao nhiêu buồn vui và thăng trầm, em chưa bao giờ không trả lời điện thoại của chị, ngoại trừ vài ba lần em gọi lại sau.
Chị mở điện thoại người thân của em với ý định hỏi thăm nhưng chị không cần nữa. Anh H. để lời nhắn, báo tin em đã đi rồi, giờ, ngày… Chị không tin ở mắt mình, lẽ nào mất em thật rồi sao? Ý nghĩ từ nay, chị sẽ chỉ còn gọi em trong hư vô, chuông điện thoại của chị sẽ chỉ còn reo trên mộ chí im lìm trong nghĩa trang, khiến toàn thân chị lạnh toát. Sao có thể nhanh như vậy và bất ngờ như vậy? Hóa ra những lời khôn ngoan em chia sẻ với chị, với cô H, là ngọn bấc đèn cháy hết nhưng giọt dầu cuối cùng trước khi lịm tắt.
Em hiền hậu nhưng thâm trầm, khí khái. Em ít nói nhưng sẽ nói nhiều khi có điều cần nói. Em trung tín và ghét sự giả dối, xu nịnh. Em thẳng thắn từ chối giúp chị một cuốc xe hay lời yêu cầu về một việc gì đấy nhưng em giúp chị những việc, ngoài em, không có ai giúp chị bằng cái cách của em.
Khi tổng đài 106.3 FM gọi chị, báo tin có giờ trống, chị hỏi em có muốn làm phát thanh không? Em trả lời giản dị và không chút do dự: “Làm đi chị!” Chị ký hợp đồng nhận giờ rồi, em đi tìm địa điểm, thương lượng thuê mướn. Em đọc báo tìm nơi bán đồ văn phòng cũ, tới chọn mua những thứ cần, thuê xe chở về rồi ra tay xếp đặt, cưa chỗ này, nối chỗ kia, chêm chỗ nọ, không giống ai nhưng mang dấu ấn của em và em thích như thế, hãnh diện như thế. Cả cái quạt máy nhỏ, cũ, gật gù mỗi vòng quay mà chị muốn thay cái mới thì em lập tức tìm đâu đó một cái đế thật nặng để nó đứng yên. Chị hiểu là em muốn tiết kiệm cho chị, trong một công việc em biết cả chị lẫn em cùng làm không vì lợi nhuận. Em dẫn chị đi mua máy móc, dụng cụ phát thanh và chúng ta bắt đầu lại một phần những ngày vui gián đoạn chưa đầy một năm trước, khi tất cả chúng ta mất VNCR.
Bây giờ, em đã thật sự xa rồi. Con đường tới Việt News Radio mỗi ngày sẽ mãi mãi không ai còn thấy em. Chỗ em thường đậu xe phía sau đài cũng sẽ bỏ không mỗi tối Thứ Bảy, Nơi anh chị em chúng ta thường đứng dưới chân cầu thang nói nốt mấy câu sau giờ phát thanh sẽ nhắc chị nhớ thương em khôn nguôi. Chị không cách nào mường tượng có một ngày em vội vã ra đi, bỏ lại chị một mình với tất cả những gì chị đinh ninh mai đây sẽ trả lại em khi chị không còn cơ hội nấn ná nữa.
Có một điều các anh, các bạn em và chị thường thắc mắc, có khi vui đùa hỏi em: “Tường ơi, em có tướng mạo giàu có mà sao em chưa giàu? Em mua số đi!” Chị thấy em có nhiều sáng kiến, muốn làm nhiều thứ, có một dạo em muốn sản xuất những cái chậu cây bằng gỗ để trang trí nội thất hay vườn hoa, mẫu mã đẹp mắt. Chị khuyến khích, hứa sẽ làm quảng cáo cho em nhưng rồi em bỏ cuộc.
Em khổ công lấy cho bằng được cái bằng barber, thuê một chỗ, làm thử một lúc rồi cũng thôi dù có người đề nghị muốn cùng em mở tiệm để kinh doanh đúng mức. Em không kiên tâm hay là em sớm linh cảm cuộc sống không bao lăm, an vui là quý rồi? Bây giờ, chị nghĩ chị đã có câu trả lời thay cho em khi nhìn em nằm ngoan trong áo quan, hai mắt nhắm, rèm mi khép lại bình yên, đôi môi thấp thoáng nét cười để làm yên lòng các bà chị vốn thương yêu em như chính một phần linh hồn và xương thịt của họ.
Em mang trọng bệnh nhưng em chết lành, chết thật nhẹ nhàng, thật đẹp trước khi biết thế nào là những cơn đau của ung thư. Em không là đại gia sở hữu nhiều của cải thế gian nhưng em hơn các đại gia giàu có kia với tình thương yêu thật hiếm có của cả một đại gia đình trên mười anh chị em, không biết bao nhiêu con cháu khi em cần đến họ nhất trên giường bệnh thì họ ở xung quanh, chưa kể thính giả từng mến mộ em sẽ còn nhớ em dài lâu..
Em dặn cả nhà sau khi em đi, không được nhận phúng điếu trong lễ tang. Ý muốn của em được tuyệt đối tôn trọng nhưng em vẫn có rất nhiều vòng hoa thật đẹp, mỗi bông hoa là một chân tình của những người thương quý em tiễn đưa em vào cuộc hành trình mới với nhiều điều tốt đẹp hơn đoạn đường em vừa đi qua.
Từ nay, mỗi chiều Thứ Bảy ra đài, chị mới thật ý thức chị sẽ là người đầu tiên mở cửa, mở đèn, một mình trong thinh lặng nhớ tiếng em hỏi vọng ra hành lang: “Chị tới rồi hả?” Câu hỏi tiếp theo: “Chị ăn cơm chưa? Bữa nay em kho cá nục thiệt cay cho chị, ngon lắm.” Hôm khác, câu mời khác: “Bữa nay em chiên khô cá, chị thích khô cá, phải không?” Từ lúc vắng em, chị không còn ăn cơm tối ở đài và em cũng không còn ở đó để ân cần mời mọc chị nữa!
Cảm ơn em muôn vàn đã cùng đi với chị từng ấy thời gian không một lần buồn phiền mà em thường nói đùa: “Em và Thụy mạng Kim, chị mạng Thủy, anh Vũ Chung mạng Mộc, nhờ hai Kim nuôi một Thủy để sông đủ sức bồi đắp cho cây đó!” ngụ ý anh Vũ C. là người khó tính nhất trong bộ tứ nhân bang chúng ta một thời nào, phải không?
Vĩnh biệt em.
Bùi Bích Hà