‘Những Giọt Trầm,’ một truyện ngắn của Lê Minh HàTrần Doãn Nho và Lê Minh Hà tại Berlin, Đức. (Hình: Trần Doãn Nho cung cấp)
WORCESTER, Massachusetts (NV) – Rất nhiều người viết về Hà Nội. Mỗi người cho ta một Hà Nội riêng.
Trước 1975, người miền Nam biết Hà Nội qua những khúc hát thấm đẫm nhớ nhung và hoài niệm của những người Hà Nội phải bỏ Hà Nội mà đi vì không chấp nhận sống dưới chế độ Cộng Sản. Rồi đến những nhà văn khác, Mai Thảo, Y Uyên chẳng hạn viết về Hà Nội với nỗi nhớ da diết về gió heo may, về hoa sữa, vân vân.
Lê Minh Hà, sinh trưởng ở Hà Nội, ra đi từ Hà Nội, hiện sống ở Đức, qua truyện ngắn “Những Giọt Trầm,” viết từ cảm quan rất riêng về Hà Nội của một cô gái, sống ở đó từ tấm bé, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau trong cuộc đời, lúc còn chiến tranh cũng như lúc hòa bình.
Khác với Hà Nội với những địa danh lớn, đầy chứng tích, đầy không gian, Hà Nội ở đây nhỏ bé, hiền lành, thu gọn trong một khoảng phố nhỏ, thân thương. Một Hà Nội tràn đầy nữ tính. Đúng ra, Hà Nội của tác giả thu gọn vào một con đường, một khoảng phố nhỏ đầy kỷ niệm, và đặc biệt, thu gọn một ngôi nhà. Đến nỗi, nếu bỏ qua vài chi tiết đặc thù, thì khung cảnh ở đây, lạ thật, lại mang máng giống một nơi nào đó, rất chung. Có lẽ vì tất cả cái riêng của một nơi chốn chỉ để gánh hết tâm tình chung của một con người. Hay ngược lại.
Cái tâm tình ấy bắt đầu khá sớm, lúc cô bé chỉ mới lớp ba, đang còn đi học với chiếc áo trắng, chiếc quần xanh, đầu đội chiếc nón “to bằng nón mẹ.” Con đường cô đi học rất đẹp. “Gió lao rao trên vòm cây. Xô nắng. Nắng mùa Thu trong như mật ong rải trên đường. Mặt dường đầy cứt cò. Phố tôi có hàng cây cao tuyệt nhất Hà Nội. Thẳng tắp. Cao vút. Thân xù xì nâu sẫm, đẹp kinh khủng vào lúc nắng quái. Lại có cò. Lạ thế. Cò vẫn về quần tụ cả lúc bom đạn dữ dội nhất.”
Suốt con phố ấy, toàn là nhà một tầng cửa gỗ, chỉ có một “nhà cửa sổ chấn song sắt luôn mở rộng.” Nhà đó, “Có một lồng chim ngày nào đi học tôi cũng thấy treo phía ngoài. Chim gì chẳng đẹp. Trông như mớ cỏ rối. Nhưng tiếng hót thì trong veo. Trong. Và phấp phỏng như nắng thu đang do dự rây qua ngàn vạn lá xuống phố.” Đó là những điểm đặc biệt khiến cô bé chú ý đến căn nhà. Nhưng không chỉ có thế. Nhà ấy không bán hàng nhưng lại có những đứa trẻ ăn mặc đẹp hơn, chân đi dép nhựa ra vào. Thì ra, đó là nơi dạy đờn. Học đờn thì chỉ dành cho những đứa trẻ con nhà giàu. Vì thế, chúng làm cô bé tủi thân, vì cảm thấy thua sút.
“Từ ngôi nhà chúng ra vào bay ra những hợp âm thô kệch, lập cập. Thua tiếng hót của con chim giống như mùi cỏ rối. Tôi có cả một bầu trời mùa Thu thanh tĩnh, cả tiếng chim kia, cả mặt phố thâm nghiêm trong bóng lá, và nắng, và gió. Nhưng không hiểu sao tôi cứ buồn buồn khi nghe tiếng dương cầm vang lên lập cà lập cập dưới ngón tay bọn trẻ con không quen biết. Cảm giác này theo tôi đến tận giờ và tôi không bao giờ muốn hiểu vì sao.”
Căn nhà chỉ có hai mẹ con: bà mẹ già và cô giáo dạy đàn. Cô giáo dạy đàn đã đứng tuổi, tóc phi dê dài để xõa ngang vai cả trong những ngày nóng. Mắt cô đen, sâu, cái nhìn hơi mờ. Miệng rộng và tươi. Có lần, cô bé nghe cô giáo chơi đàn. “Tôi không biết đó là bản gì. Nhưng tiếng piano buổi tối thành phố lên đèn ấy tôi nhớ lập tức. Tiếng đàn mới cao sang làm sao. Trong vắt. Róc rách. Dường như những thân sao đen cao vút đang từ từ rướn lên, vòm lá mở ra để lộ một bầu trời đen thẫm, mịn màng như một đĩa thạch và chi chít sao. Mùi lan tiêu thơm nức…”
Và rồi, có lúc, tác giả gặp được người chơi đàn tận mặt.
Và rồi, có lần, cô được gặp cô giáo ấy. “Một buổi tối lúc đi học về, trời đổ mưa sầm sập. Hà Nội có những ngày Thu như thế. Liền mấy hôm mưa dầm dề. Rồi nắng hửng lên, vàng rười rượi. Trời xanh và cao. Heo may về lại. Phố khô đi chậm rãi. Lại mưa. (…) men theo hiên các nhà, tôi dừng lại ở cửa nhà có trẻ con tới học đàn.”
Cô bé bị ướt mưa. Trong lúc đang bối rối thì đột nhiên, cô giáo dạy đàn lên tiếng kêu cô bé vào trú mưa. Lời mời khiến cho cô bé giật mình, “Chút nữa thì tôi va vào cái xe đạp người phụ nữ đang dắt.” Cô giáo dạy đàn nhắc lại câu mời, “không vồn vã nhưng rất thân tình. Giọng nói khàn ấm ấy nghe thật yên tâm.” Dẫu vậy, cô bé từ chối, vì sợ nếu vào trong nhà thì bố đi đón chẳng biết đâu mà tìm con, nên cô cứ đứng ở bên ngoài. Rồi mưa tạnh.
“Chỉ còn những giọt mồ côi rơi tí tách. Mặt phố không còn thấy bong bóng nước. Đã đi được rồi. Nhưng tôi thấy người phụ nữ đến bên đàn, mở nắp, ngồi xuống. Giọt trầm đầu tiên rung lên, khe khẽ, ngập ngừng…” Lê Minh Hà gọi những tiếng đàn dương cầm của cô giáo ấy vang lên trong ký ức tuổi thơ, không réo rắt, không du dương, nhưng rung khe khẽ như “những giọt trầm.” Và những giọt trầm ấy đã âm thầm đi theo cô từ đó.
Thời gian trôi qua. Cô bé lớn lên. Hết chiến tranh, cô bé lên học cấp hai. Rồi lên đại học. Rồi ra trường. Rồi lấy chồng. Rồi đẻ con. Cô bé ngày xưa đã là thiếu phụ. Người đổi thay, thành phố đổi thay. Khoảng phố nhỏ cũng đổi thay đến chóng mặt. Nhà nhà đua nhau lên tầng, sửa sang. Mặt phố mất hết cái vẻ ngày xưa êm đềm của cô bé. Phố bây giờ lổn nhổn, quê mùa. Cảnh cũ không còn, người xưa mất dấu.
“Biệt thự có ông cụ quanh quẩn quét lá rụng trên lối đi nay không còn sân nữa. Giàn hoa ti gôn quen mắt đã mấy chục năm bị phá trong có non buổi sáng. Cây ngọc lan to cũng bị chặt.” Thay vào đó là một cửa hàng thử vàng bằng máy vi tính, nơi có gã trẻ tuổi “lơ láo ngó ra phố,” có “mấy ông mặt mũi rất phổng, đỏ lịm vì bia, nói với nhau như quát.”
Đúng là cuộc “biển dâu.” Ngôi nhà có tiếng dương cầm bây giờ ra sao?
“Ngôi nhà của tiếng dương cầm xưa chìm lấp đâu đó đàng sau mấy cây sào giăng đầy quần áo may sẵn nhập lậu từ Trung Quốc. Bà cụ mất rồi. Còn tiếng đàn… Nếu có thì cũng chẳng thể nào nghe nổi. Hà Nội càng ngày càng ồn ào quá thể. Như Sài Gòn những năm 80. Và bụi. Nói chung là nhem nhuốc. Cơi nới loạn xạ.”
Khi tìm tới đó thì “thấy một cô bé mặt to cả phố khéo chẳng ai bằng ngồi trông hàng. Cô bé da nhìn không được sáng, vận bộ đồ in những bông hoa đỏ to tướng, áo ngắn quần phùng trên túm dưới, trông rừng rực.”
Khi được hỏi, “Cô bé bán hàng ngẩng đầu nhìn tôi, rồi thản nhiên cúi mặt nhìn bàn chân đang đặt trên thành ghế đẩu, tiếp tục giũa móng.” Hỏi thăm chủ cũ là cô giáo dạy đờn, cô bé trả lời: “Thì bà ấy vẫn ở đây. Phòng trong sân. Nhà ngoài bán đứt cho nhà em rồi. Có thấy học trò học troẹt nào đâu. Mỗi bà ấy ra vào nên cũng không ngăn lối đi riêng làm gì cho mất diện tích…”
Nhà vẫn còn, người vẫn còn, nhưng những giọt trầm ngày xưa không còn nữa! Cô giáo dạy đàn bây giờ đã già bằng mẹ của bà ngày trước. Chẳng phải chỉ có cô giáo là già. Mà cô bé (Lê Minh Hà) ngày xưa, giờ “cũng đã ngoài ba mươi tuổi.”
Và truyện chấm dứt! Tôi cảm thấy hụt hẫng. Đọng lại một nỗi bùi ngùi.
Lê Minh Hà viết nhiều, đa dạng. Nhưng cái làm cho Lê Minh Hà độc đáo, theo tôi, là hơi văn. Hơi văn có lúc làm người đọc quên cả câu chuyện.
“Những Giọt Trầm,” nói truyện thì là truyện, nói tùy bút thì là tùy bút, nói tản văn thì là tản văn. Một nhà văn sở trường về tùy bút, Võ Phiến, nhận xét, “Chị bình tĩnh mà rất tinh. Chị nhìn vào đâu, cuộc sống ở phía ấy nó giật mình, luống cuống. Nó tự thấy có cái gì thất thố, hớ hênh (…) Chị không nói gì nhiều, nhưng cuộc đời nó buồn hiu. Nó chợt thấy mình nhếnh nhác. Nó thấy tất cả lỗi về phần nó. (…) Nữ giới viết văn thường bù lu bù loa. Khi yêu khi ghét thường cực đoan. Chị ít lời, thể thống.”
Lê Minh Hà không ít lời đâu. Chị nhiều lời, nhưng lời nào cũng nhẹ tênh, nghe như thủ thỉ, nghe như cơn gió nhẹ buổi chiều hiu hiu thổi qua. Lành lạnh và âm ấm.
Lê Minh Hà sinh trưởng ở Hà Nội, hiện định cư tại Berlin, Đức.
Các tác phẩm đã xuất bản: “Trăng Góa,” “Gió Biếc,” “Những Giọt Trầm,” “Những Gặp Gỡ Không Ngờ,” “Sâm Cầm,” “Truyện Cổ Viết Lại,” “Thương Thế Ngày Xưa,” “Gió Tự Thời Khuất Mặt.”Trần Doãn Nho/Người Việt