Một ngày nắng ấm tôi đi ra công viên. Nhiều người đã có mặt ở đó rồi, họ đi bộ từng cặp hai người, hoặc từng nhóm họp lại tập dưỡng sinh bên gốc cây, hoặc ngồi trên ghế đá tán gẫu với nhau. Đi qua một khúc quanh, thấy một người đàn ông đang chặt một bụi cây khá lớn, tôi ngạc nhiên hỏi:
“Tại sao anh chặt bỏ những cành cây này?”
“Cây này trồng ở đây không thích hợp nên phải bỏ đi. Tôi phải cắt những bụi hoa xung quanh đây cho thấp xuống để nhìn thấy vườn hồng ở phía sau.”
Thì ra là thế. Mỗi cảnh nhỏ trong công viên đều được thiết kế cẩn thận và tỉ mỉ cho hài hòa với nhau. Người thợ làm vườn không chỉ làm với đôi tay khéo léo mà còn làm với đôi mắt nghệ thuật nữa. Tôi nói:
“Anh làm việc như một nhà nghệ sĩ, anh vẽ thiên nhiên bằng cây cỏ hoa lá và bằng đôi mắt nghệ thuật.”
Người đàn ông rất thích hai chữ nghệ sĩ tôi đã dùng, anh ta cười rất vui vẻ, bộc lộ một chút thân thiện đủ để bắt đầu một tình bạn mới. Tôi cũng rất thích vẻ bộc lộ này của anh ta. Rồi tôi đi, trước mặt tôi là cây phượng tím đang nở hoa rực rỡ, tôi rất tiếc là tôi không mang máy chụp hình. Tôi có hai người bạn, chúng tôi thường có thói quen là đi đâu thấy hoa đẹp hình lạ là chụp hình gởi cho nhau xem. Con gái tôi thường trách: “Mẹ đi đâu cũng đem bạn đi theo”. Bạn là một yếu tố không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người. Người ta có thể không có vợ, không có chồng, nhưng người ta không thể sống thiếu bạn. Khi vui khi buồn, khi đau khổ, kể cả khi thất tình..., người ta đều kiếm bạn để tâm sự. Kalhil Gibran là một tác giả người Ả Rập, vang danh với cuốn The Prophet (Nhà Tiên Tri), đã được thế giới thơ văn, ca nhạc, phim ảnh trích dẫn vô số lần. Trong bài Tình Bạn, ông viết: “Bạn của ta, chính là tiếng lòng ta đồng vọng lại.” (On Friendship)
Nhưng có lẽ chừng đó chưa đủ, con người luôn luôn đi tìm rắc rối cho mình, họ còn có một nhu cầu cao hơn thế nữa, người ta đi tìm bạn thân, bạn tâm giao, bạn tri kỷ, một người bạn thực sự hiểu mình, như hai giọt nước có thể hòa vào nhau, một người thực sự chia sẻ với mình tất cả những gì phức tạp rối rắm trong tâm hồn sâu kín của ta.
Người bạn ấy, biết tìm đâu ra?
*Bạn tri âm tri kỷ
Tôi nghĩ tới nỗi buồn sâu hun hút của nguyễn Du khi ông viết:
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ thùy nhân khấp Tố Như?
(Không biết ba trăm năm về sau
Trong thiên hạ còn có ai khóc Tố Như?)
Tôi nghĩ đến Tản Đà với những bài thơ Gởi Người Tình Nhân Không Quen Biết và cảm nhận được ở đó một cõi lòng trống vắng như cánh rừng hoang:
Ngồi buồn lấy giấy viết thư chơi,
Viết bức thư này gởi đến ai
....
Ai tri âm đó nhận mà coi.
Tìm tri âm trong đời còn khó hơn làm bạn với ông Trời nên ông lại đùa cợt: “Ngồi buồn lấy giấy viết thư hỏi Trời”.
Có mấy ai được hạnh phúc như Nguyễn Khuyến và Dương Khuê, hai người bạn đậu cùng khoa, làm quan cùng triều, giao tình thân thiết suốt cả đời. Đến khi mất bạn là mất tất cả, không người tâm sự, không người chuyện trò, không người chia sẻ, tất cả ý nghĩ cảm xúc của ta đều như cơn gió thổi qua căn nhà trống:
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua...
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai ai biết mà đưa? (Khóc Dương Khuê - Thơ Nguyễn Khuyến)
Tình bạn giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê có thể gọi là tri âm tri kỷ, bạn tâm giao. Kalhil Gibran viết: “Cả khi bạn ta lặng im không nói điều gì, lòng ta vẫn tiếp tục lắng nghe tiếng lòng ngân vang của bạn. Bởi vì chỉ ở chốn không lời, trong tình bạn, mọi ước muốn, mọi kỳ vọng mới được nảy sinh rồi chia sẻ cùng nhau với niềm vui không ồn ào sôi động” (On Friendship).”
Nguyễn Khuyến viết:
Đầu trò tiếp khách trầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta. (Bạn đến chơi nhà)
Là tiếng đồng vọng là bạn tâm giao, ta không cần phải nói ra lời, không cần phải phô trương, không cần bộc lộ, hai tâm hồn hiểu biết lẫn nhau chỉ cần một ánh mắt, một nụ cười hay một tiếng thở dài... chỉ cần nhìn nhau là ta đã hiểu tất cả.
Hai cái TA cùng hòa vào nhau, gặp nhau ở giữa lòng cuộc đời đang xảy ra bao nhiêu biến động.
*Bạn trong cuộc sống
Ở giữa cuộc đời đầy biến động tôi lại thấy có những tình bạn tốt đẹp khác. Ở Việt nam thường tuyên dương những tấm gương bạn tốt, những người trẻ tuổi biết hy sinh vì bạn của mình, biết giúp đỡ bạn trong cuộc sống. Báo chí và các trường học vẫn ca ngợi những đôi bạn học tập như thế ở trên đất nước Việt Nam. Và tôi cũng còn nhớ lúc tôi đi dạy ở Sài Gòn cũng đã thấy một đôi bạn giúp nhau như vậy. Một em học sinh khỏe mạnh chở giúp một em học sinh bị bại liệt đi đến trường trong suốt ba năm liền ở cấp III. Sau này, em Thủy đã trở thành một nha sĩ, mở phòng làm răng ở đường Trần Quang Diệu. Tôi đến chữa răng ở đó và gặp một cô nha sĩ vui vẻ khéo léo đầy tự tin. Thủy đã vượt qua khó khăn của mình và đứng vững trong cuộc sống nhờ ý chí nghị lực trí tuệ và lòng tin vào tình bạn tình người.
Việt Nam là một xứ nhiệt đới, mùa nước lụt, nước dâng, mùa bão tố lại gây ra bao chuyện đau lòng. Tôi nhớ câu chuyện một em học sinh cấp hai ở Quảng Bình, đi học về gặp mùa nước lũ, em cùng các bạn phải lội qua một con suối để về nhà. Nhiều bạn của em không biết bơi bị nước cuốn trôi, em đã cứu được hai bạn, đến người thứ ba đưa được vào bờ thì em đuối sức, bị nước cuốn trôi ra sông ra biển, để lại trong lòng thầy cô bạn bè cha mẹ một dòng sông đau buồn không bao giờ dứt. Và tôi còn nhớ lúc đó tôi đã viết bốn câu thơ tưởng nhớ em:
Anh hùng đâu cứ ở sa trường,
Giữa dòng nước lũ cũng nêu gương.
Liều thân bé bỏng cưu mang bạn,
Lũ cuốn em trôi! Ối! Đoạn trường!
Thế giới tuổi trẻ để lại những tấm gương đáng cho người lớn học hỏi. Còn tình bạn trong thế giới người lớn thì sao?
Khuynh hướng chung của thế giới ngày nay là ngày càng có nhiều người sống độc lập và coi thường chuyện lập gia đình. Con người ngày nay thích sống tự lập, sống độc lập, sống mạnh mẽ, sống nhiều đam mê. Cuộc sống ngày càng có nhiều công việc, nhiều thú vui, nhiều điều để học, nhiều việc để làm, để nghiên cứu..., bởi vậy con người lắm lúc quên mất nhiệm vụ cao quý mà thiên nhiên, hay Thượng Đế, đã trao cho họ. Trong xã hội cũ, con người mang một trách nhiệm là duy trì nòi giống, không có vợ/chồng, không có con là tội bất hiếu hàng đầu. Ngày nay quan niệm ấy không còn nữa nên con người sống độc thân ngày càng nhiều, và trong trường hợp này thì tình bạn trở thành cần thiết. Người ta tìm những người bạn thân về ở cùng nhau để giúp nhau trong tuổi già. Nhiều người bạn của tôi đã làm như vậy. Họ là những cô giáo, lúc nhỏ đi học cùng nhau, khi ra trường đi dạy cùng nhau, họ gặp nhau trong công việc, trong cùng sở thích, giờ họ sống cùng nhau trong một mái nhà, ấm cúng yên vui. Một người bạn khác của tôi, cũng là một cô giáo, chồng vừa mất hơn một năm nay, cô có một ngôi nhà đẹp ở Bến Tre, cô nói với tôi cô đang đi tìm người bạn độc thân vui tính thường gặp trong những buổi họp mặt của thầy trò trường Gia Long về sống cùng cô. Tôi hy vọng đến hôm nay cô Năng bạn của tôi đã tìm được Châu Anh Phụng, người bạn hay đọc thơ cho chúng tôi nghe mỗi lần gặp nhau, về bầu bạn cùng nhau trong ngôi nhà đầy hoa lá của cô rồi.
Nhóm bạn nhỏ của tôi có ba người mà đi đâu tôi cũng mang theo trong lòng, một người tôi gọi là Nàng Thơ vì nàng biết làm thơ từ lúc tóc còn chưa chấm ngang vai. Hơn một năn nay, Nàng Thơ của tôi bỗng nhiên bặt tin, bỏ hai chúng tôi bơ vơ như rơi vào một thế giới không tiếng vang. Nàng Thơ từng thích đi chùa, nghiên cứu kinh Phật, đi học thiền, giờ đây có lẽ nàng đang ở trong một ngôi chùa nào đó, đang nỗ lực đi tìm lại cái bóng mát của những đám mây trắng nơi ngày xưa đức Phật đã ngồi tu, đã thiền và đã đắc đạo... Hơn một năm đã trôi qua, bao giờ nàng xuất thiền? Bao giờ thì Nàng Thơ của tôi liên lạc lại với bạn bè để trở lại nói với chúng tôi câu nói cô vẫn đùa cợt như ngày trước: “Tớ ở đây chứ ở đâu. Tớ vẫn ở trong chỗ im lặng của tình bạn ấy mà.”
San Jose 17/6/2013
Cao Thu Cúc (Viendongdaily)