Cô em dặn đi dặn lại: Khoảng 7 giờ có mặt ở metro Plamondon, 7 giờ 30 xe đến, nhớ đó nha.
Cẩn thận hơn, cô gởi kèm theo một email của cộng đồng người Việt vùng Montreal tổ chức cùng với các hội đoàn người Việt khắp các tiểu bang ở Canada, kêu gọi mọi người Việt tham gia cuộc biểu tình chống lại Luật An Ninh Mạng, chống lại Dự Luật Bán Nước qua ngôn từ mỹ miều là cho thuê đặc khu, ghi rõ thời gian, địa điểm. Vợ chồng bàn tính, đi metro ra điểm hẹn, khỏi lái xe mất công tìm chỗ đậu.
Sáng Thứ Bảy, hai vợ chồng dậy từ mờ sớm, sửa soạn xong xuôi đi bộ ra đầu đường đón xe bus để đến metro. Đi như chạy thế mà đến đầu đường thì xe bus vừa vụt ngang, chờ chuyến kế tiếp mất 20 phút vì là Thứ Bảy nên ít xe hơn ngày thường, sợ trễ giờ đành kêu Uber.
Đến nơi thấy đã đông người tập trung, nghe nói có năm xe bus lớn chở người đi biểu tình, gặp vài người quen đến trước ngoắc lại hỏi: Em đi xe số mấy?
Tôi ngẩn người ra: Em không biết, bà chị ghi danh dùm, không có nói.
-Phải đi kiếm ban tổ chức hỏi xem.
Thế là ba chân bốn cẳng tôi đi vòng vòng, thấy trên tay ai cầm danh sách người tham gia cũng xáp lại hỏi: Chị ơi, em đi xe số mấy? Em tên gì?
Bà chị chồng đặt chỗ cho năm người, nói cả năm tên xong ai cũng lắc đầu bảo không có ghi danh, lỗi một phần cũng do mình, lúc đầu ghi tên, vài ngày sau rút tên định tự lái xe đi, rồi lại ghi danh trở lại, công việc nhiều quá nên ban tổ chức quên luôn! Ông chồng tôi định về nhà lấy xe chạy theo, nhưng nấn ná chờ xem có ai ghi danh mà không đi được mình sẽ thế vào chỗ đó.
Thật tội cho ban tổ chức, phải huy động cấp tốc thêm một xe nhỏ hai chục chỗ, vì còn một số người đã ghi danh mà bị trục trặc cũng không có tên trong danh sách, nhồi qua nhét lại sau cùng cả năm người bọn tôi cũng được lên xe.
Xe chuyển bánh, ai nấy cũng hớn hở, vui nhất có lẽ là chị Danh, hai vợ chồng chị là người đầu đàn trong chuyến đi biểu tình chống lại chính quyền Cộng Sản Việt Nam, chị vui vì không người nào bị bỏ lại. Cả hai anh chị cùng vui, cùng bơ phờ chạy đôn đáo lo cho chuyến đi này được tươm tất, thành công.
Lộ trình chuyến đi được thông báo, khi đến Ottawa, thủ đô của Canada sẽ ghé Đài Kỷ Niệm Việt Nam (tượng Mẹ bồng con) cho mọi người thư giãn gân cốt, giải quyết chuyện thầm kín riêng tư, sau đó ghé Tòa Nhà Quốc Hội, tòa đại sứ Cộng Sản Trung Quốc, tòa đại sứ Cộng Sản Việt Nam.
Có thực mới vực được đạo, các anh chị trong ban tổ chức rất chu đáo, lo cho mọi người đầy đủ, kỹ lưỡng để cùng có sức lực, có tinh thần cùng nhau hét hò, chiến đấu chống lại chính phủ cộng sản Việt Nam lẫn Trung Quốc. Mỗi người được phát một ổ bánh mì thịt, một cặp bánh dầy giò, một quả chuối, một chai nước suối. Chưa kịp ăn lại nghe nói còn có chip, bánh ngọt, bánh dầy nhân đậu… sẽ phân phát cho lượt trở về tất cả đều miễn phí, do các nhà hảo tâm, mạnh thường quân tài trợ. Trời ơi, thế này thì quá dư sức, dư hơi để cùng nhau chống Cộng!
Khoảng 11 giờ 45 phút, tất cả xe bus của vùng Montreal đổ người xuống trước Tòa Nhà Quốc Hội, nhìn vào trong khoảng sân rộng đã thấy một rừng cờ vàng ba sọc đỏ của mấy tỉnh bang đến trước phất phới trên nền trời. Trời hôm nay thật đẹp, trong xanh, nắng nóng vừa phải chứ không đổ lửa như mấy ngày trước.
Mọi người tứ phương cùng đổ vào quảng trường rộng thênh thang trong khuôn viên Quốc Hội. Trên tay ai cũng cầm một lá cờ, to nhỏ đủ cỡ. Lâu lắm rồi, trước biến cố năm 75 của đất nước, tôi từng đứng nghiêm trang trong sân trường chào cờ và hát quốc ca, từng ngước nhìn lá cờ từ từ kéo lên, ngạo nghễ và tung bay trong gió. Bây giờ đứng dưới một rừng cờ như vậy, cảm xúc hỗn độn lắm, xúc động, vui mừng, bồi hồi lẫn chua xót…
Đã bốn mươi ba năm trôi qua, mỗi lần tham gia một chương trình nào đó, có hát quốc ca, tiếng hát cất lên tự nhiên nước mắt tôi trào ra. Lần này cũng thế, vừa chảy nước mắt vừa nghẹn ngào hát… tự nhiên tôi cảm nhận ra được hồn non nước, hồn thiêng sông núi đã ẩn hiện trong từng lời ca từng câu hát của bản quốc ca, trong hình ảnh lá quốc kỳ.
Đại diện của các hội đoàn lên nói vài lời, nguyên nhân và mục đích cuộc tổng biểu tình của người Việt hải ngoại, gióng lên hồi chuông báo động với thế giới bên ngoài, với chính phủ Canada về thực trạng đàn áp nhân quyền, bắt bớ đánh đập dã man những người yêu nước, những người bất đồng chính kiến với chính phủ cộng sản Việt Nam.
Biểu tình để nói với người dân trong nước, người Việt hải ngoại khắp năm châu, luôn sát cánh, cùng đồng hành trong cuộc đấu tranh đòi lại chủ quyền quốc gia, giữ gìn lãnh thổ, đòi lại quyền tự do ngôn luận… cùng chia xẻ nỗi đau thương thống khổ của đồng bào quốc nội. Biểu tình để nói với chính phủ Trung Quốc biết, dù là một quốc gia bé nhỏ nhưng niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc, lịch sử Việt Nam trải dài qua bao thế hệ chưa bao giờ chịu khuất phục, lùi bước trước giặc ngoại xâm.
Có thể nói đây là lần đầu tiên một cuộc biểu tình lớn xảy ra ở hải ngoại, ở khắp nơi trên thế giới, mọi người cùng đồng lòng nối vòng tay lớn, tạo thêm sức mạnh, thắp sáng niềm tin, giúp người dân trong nước dũng cảm hơn, vững bước hơn trong công cuộc đấu tranh.
Không chỉ riêng thế hệ đi trước nghĩ về quốc gia dân tộc, tôi đã vô cùng cảm kích và ngưỡng mộ các bạn trẻ, các em thanh niên không quản ngại đường xa, cùng nhau đến tham dự bày tỏ tấm lòng đối với quê hương của ông bà, cha mẹ, với một quê hương xa lắc xa lơ.
Sau gần hai giờ tại Tòa Nhà Quốc Hội, cùng hô vang những khẩu hiệu, cùng hát những bài ca tranh đấu, thúc giục lòng người, mọi người ra xe để đến tòa đại sứ Trung Cộng.
Cảnh sát địa phương yêu cầu đoàn người biểu tình đứng bên này đường đối diện tòa đại sứ để tránh những chuyện đáng tiếc xảy ra. Càng tốt, đứng ngay trước cửa tụi Trung Quốc nó không nhìn rõ hết lực lượng người Việt hải ngoại đông đảo cỡ nào, khí thế ra sao. Tất cả cửa nẻo trong tòa đại sứ đóng im ỉm, cờ Trung Cộng ngày thường bay phất phới hôm nay cũng hạ xuống không dám treo, không thấy bóng dáng tên Tàu Cộng nào nhưng chắc nó cũng đang nhìn trộm qua các ô cửa sổ. Coi như nó cũng có chút e dè.
Qua đến tòa đại sứ Việt Cộng, cửa đóng then cài nhưng ai cũng biết nhân viên tòa đại sứ đang ở bên trong, dỏng tai lắng nghe từng thông điệp, từng lời nhắn nhủ, từng lời kêu gọi tha thiết của người dân Việt những mong đánh động, thức tỉnh lương tri của những ai còn mang dòng máu Việt, đừng tiếp tay với chính quyền dày xéo quê hương, xô đẩy người dân vào cảnh cơ cực lầm than, hãy trở gót quay lưng, tung cánh chim tìm về tổ ấm.
Sau phần nói chuyện ôn hòa của đại diện ban tổ chức các nơi, mọi người cùng hô vang những khẩu hiệu bày tỏ quyết liệt, phân rõ lập trường của người dân, tất cả cùng hát những bài hát nói lên lòng ái quốc, những bài hát đấu tranh, những bài hát phơi bày thực trạng đen tối của xã hội, tương lại mờ mịt của thế hệ con cháu mà người dân đang oằn mình gánh chịu. Nếu còn chút liêm sỉ, còn chút lòng tự trọng chắc hẳn những người lãnh đạo đất nước Việt Nam cũng biết thế nào là vinh, thế nào là nhục.
Trong đoàn người đi thấy có những cụ già chống gậy, có cụ cầm theo cái ghế xếp, đi đến đâu mở ghế ra ngồi vì chân đau đứng không được, có người ngồi xe lăn, có chị đau lưng quá đứng không nổi, ngồi bệt xuống sân nhưng vẫn không bỏ cuộc, cùng phơi nắng với cả ngàn người trong bốn tiếng đồng hồ, mới cảm nhận ra rằng dù người Việt ly hương, sống ở bất cứ nơi nào, tâm tư ai cũng trông ngóng nhìn về quê hương, yêu Tổ Quốc, thương người dân Việt biết chừng nào.
Có cụ, có chị đi một mình, nơm nớp sợ bị lạc đường vì khi biểu tình xong một chỗ là phải đi ngay ra xe để qua chỗ khác, mà xe thì rất nhiều đến từ khắp các tiểu bang, cứ chạy loăng quăng hỏi hết người này đến người kia…
– Cô ơi cô đi xe số mấy?
– Cháu có phải người Montreal?
– Người Toronto?
– Hay Mississauga?…
– Ra xe nhớ cho tôi theo với…
– Già rồi, không nhớ xe đậu ở đâu…
– Bác nhớ mặt ông tài xế, lên nhầm xe còn biết.
– Ôi dào, Tây thì ông nào cũng như ông nào, tôi không phân biệt được.
…
Vừa thấy thương vừa thấy nể phục.
Trên đường về, sau vài lời chia xẻ của chị trưởng đoàn, người thì ngủ khò, vài người thì thầm nói chuyện, tôi cũng nhắm mắt để đấy, vừa gà gật vừa suy nghĩ, một ngày ngắn ngủi hôm nay không là gì so với những người vẫn đang âm thầm, miệt mài xả thân tranh đấu, không vì riêng bản thân họ, không vì riêng con cháu họ mà cho cả một dân tộc, cho tấm bản đồ thế giới còn tồn tại một đất nước có tên gọi Việt Nam.
Hà Lê